Nguyễn Hưng Quôc
Thứ Tư, 09 tháng 3 2011
Lời tác giả: Trong bài này, tôi chỉ dừng lại ở thời điểm 1990. Mọi diễn biến sau đó sẽ không được bàn đến. NHQ
---------------
Tên cũ của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tiền thân của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam là Hội Văn hoá Cứu quốc.
Hội Văn hoá Cứu quốc là một thành viên của Mặt trận Việt Minh và là tổ chức văn nghệ đầu tiên của cộng sản tại Việt Nam. Hội Văn hoá Cứu quốc chỉ khác các tổ chức xã hội khác của Việt Minh ở hai điểm: một là, không có quan hệ hàng ngang với các tổ chức đảng hoặc đoàn thể tại địa phương mà phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương đảng; hai là, tuy bí mật về phương diện tổ chức nhưng lại cố gắng tranh thủ mọi điều kiện hợp pháp để hoạt động công khai.
Trên danh nghĩa, Hội Văn hoá Cứu quốc ra đời từ tháng 4 năm 1943, tuy nhiên, lúc ấy hội viên của Hội chỉ có mấy người: Như Phong, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… Đầu năm 1944, một số người bị bắt. Hội Văn hoá Cứu quốc chỉ thực sự bắt đầu hoạt động mấy tháng trước Cách mạng tháng Tám.
Chủ trương của Hội Văn hoá Cứu quốc khá rộng rãi: tập họp tất cả những văn nghệ sĩ có lập trường dân tộc nhưng không nhất thiết phải đồng nhất với nhau về quan điểm chính trị hay văn hoá. Mỗi người được tự do sáng tác theo phương pháp và sở thích của mình. Hội chỉ đòi hỏi một điều rất dễ được chấp nhận lúc ấy: mọi người, bằng những cách thức khác nhau, góp phần tranh đấu giành lại độc lập cho tổ quốc từ trong tay thực dân Pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám, Hội Văn hoá Cứu quốc ra hoạt động công khai. Chủ tịch đầu tiên là Nguyễn Đình Thi. Tại cuộc Hội nghị mở rộng của Ban chấp hành Hội Văn hoá Cứu quốc vào ngày 28.3.1946, Trần Huy Liệu được bầu làm chủ tịch. Đến tháng 10 năm 1946, trong Đại hội văn hoá toàn quốc, Ban chấp hành mới có nhiệm kỳ hai năm 1946-1947 gồm: chủ tịch: Đặng Thai Mai; tổng thư ký: Hoài Thanh; phó tổng thư ký: Tố Hữu và Nguyễn Huy Tưởng; các ủy viên: Văn Cao, Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tỵ và Chế Lan Viên.
Hội Văn hoá Cứu quốc có cơ quan ngôn luận là tạp chí Tiên Phong và nhà xuất bản Văn hoá Cứu quốc.
Tạp chí Tiên Phong được chuẩn bị từ trước Cách mạng tháng Tám, tuy nhiên, chưa ra đời, Cách mạng đã bùng nổ. Các hội viên bận bịu với các cuộc vận động chính trị và xã hội có nhiều khó khăn nên mãi đến tháng 11 năm 1945, tạp chí mới thực sự phát hành. Thư ký toà soạn đầu tiên là Nam Cao.
Hội Văn hoá Cứu quốc phát triển thành nhiều cơ sở nhỏ ở các địa phương. Những cơ sở nhỏ này hoặc mang tên Chi Hội Văn hoá Cứu quốc hoặc mang tên Liên đoàn Văn hoá cứu quốc. Địa phương thành lập Chi hội Văn hoá sớm nhất là Huế: ngày 19.9.1945, Trần Hữu Dực làm chủ tịch, Nguyễn Duy Trinh làm phó chủ tịch. Sau đó ít lâu, chức chủ tịch chuyển qua tay Hoài Thanh. Sau Huế là Quảng Nam (20.9.45), Quảng Trị (26.9.45), Nghệ An (8.10.45).
Ở Sài Gòn, từ tháng 9 năm 1945, có một nhóm người họp bàn thành lập Hội Văn hoá Cứu quốc nhưng không thành công do những mâu thuẫn trong nội bộ quá gay gắt. Cho đến ngày bị giải thể, Hội Văn hoá Cứu quốc cũng không hề có được một cơ sở nào ở Nam bộ.
Nền tảng tư tưởng chỉ đạo hoạt động của Hội Văn hoá Cứu quốc là bản Đề cương văn hoá do đảng Cộng sản Đông Dương công bố năm 1943. Trong bản Đề cương này, cộng sản chưa dám đề cập đến vấn đề xã hội chủ nghĩa mà chỉ dùng khái niệm “nền văn hoá mới”, “có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”. Ba nguyên tắc của “nền văn hoá mới” này là: Dân tộc hoá, Đại chúng hoá và Khoa học hoá.
Trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất do Việt Minh tổ chức tại Phú Thọ từ ngày 23 đến 25 tháng 7 năm 1948, Hội Văn hoá Cứu quốc bị giải thể và một tổ chức mới ra đời: Hội Văn nghệ Việt Nam. So với Hội Văn hoá Cứu quốc, Hội Văn nghệ được tổ chức chặt chẽ hơn, ngoài bộ phận trung ương, còn có bộ phận chuyên ngành như Đoàn nhạc sĩ, Đoàn sân khấu, Đoàn nhà văn… và các chi hội văn nghệ của các liên khu, các khu và các tỉnh.
Chỉ có mấy Chi hội văn nghệ địa phương thực sự có hoạt động: Chi hội văn nghệ Liên khu Ba, được thành lập vào tháng 10 năm 1948, do Lương Xuân Nhị làm tổng thư ký; Chi hội văn nghệ Liên khu Bốn cũng được thành lập trong năm 1948 do Lưu Trọng Lư làm chi hội trưởng; Chi hội văn nghệ Liên khu Năm được thành lập năm 1950 do Nam Trân làm chi hội trưởng; Chi hội văn nghệ Nam bộ được thành lập ngày 3.1.1950 do Lưu Quý Kỳ làm chi hội trưởng.
Ban chấp hành đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam gồm có mười bảy người, do nhà văn Nguyễn Tuân làm tổng thư ký, Tố Hữu làm phó tổng thư ký. Không nên nhầm lẫn cho là lúc này quyền hạn của Nguyễn Tuân lớn hơn Tố Hữu. Thực quyền vẫn nằm gọn trong tay Tố Hữu, lúc ấy là một cán bộ chuyên trách về văn nghệ của đảng. Nguyễn Tuân chỉ là kẻ cho mượn cái tên, cái uy tín của ông để Hội Văn nghệ dễ tập họp giới cầm bút lớn tuổi, đã có nhiều danh vọng trong quá khứ, trước năm 45.
Sau này, Nguyễn Tuân kể lại:
“Cái đại hội ở Việt Bắc năm bốn tám là vui nhất. Khổ mà vui, nghèo mà lành, các nhà văn ta lúc đó đói rách lắm mà đẹp lắm, thương nhau lắm. Toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, vì độc lập và tự do của dân tộc, trong đó có bản thân mình… Cái kỳ đó tôi có đọc tham luận. Đang đọc dở thì tôi dừng lại, xin phép đại hội cho tôi kể một chuyện tiếu lâm. Chuyện “cái rắm thơm, cái rắm thối” ấy mà. Sau đó tôi đọc tham luận tiếp. Lúc xuống bục diễn đàn về ngồi ghế chủ tịch, một người… bỏ nhỏ vào tai tôi: Ông to gan thật. Cái câu chuyện ông kể là có vấn đề đấy”.
Rồi Nguyễn Tuân kể tiếp:
“Lúc đó, tôi nào để tâm cái vấn đề đó là sao. Và quả là sau đó cũng chả có vấn đề gì cả. Tôi vẫn trúng cử với phiếu cao. Cái đại hội năm năm tám mà nói năng kiểu đó nữa thì bỏ mẹ chứ chả chơi, thì dứt khoát là có vấn đề ngay. Đến bây giờ thì lại càng có vấn đề” (1).
Thật ra, cái không khí cởi mở, thoải mái ấy không phải đợi đến năm 1958 mới bị khai tử. Nó bị khai tử sớm hơn nhiều, từ cuộc tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc năm 1949, đặc biệt từ năm 1951, lúc cộng sản phát động các chiến dịch chỉnh quân, chỉnh huấn, rồi tiếp theo đó, cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu kéo dài mãi đến năm 1956.
Cơ sở tư tưởng của Hội Văn nghệ là bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam do Trường Chinh trình bày trong Đại hội văn hoá toàn quốc lần thứ hai được tổ chức trước Đại hội văn nghệ mấy ngày (16-20.7.1948). Trong bản báo cáo, Trường Chinh xác định lập trường văn học nghệ thuật của cộng sản: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”. Phương châm xây dựng văn hoá được lấy lại nguyên dạng trong bản Đề cương văn hoá năm 1943: Dân tộc hoá, Khoa học hoá và Đại chúng hoá.
Cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ thời gian chống Pháp là tạp chí Văn nghệ. Ban biên tập đầu tiên của tạp chí gồm: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng và Kim Lân. Văn Cao và Trần Văn Cẩn phụ trách kỹ thuật. Theo hồi ức của Vũ Đức Phúc, tạp chí Văn Nghệ thời gian này bán rất ế ẩm, “cả tỉnh chỉ được gửi về độ dăm bảy quyển mỗi kỳ, nhưng ngoài một số người như chúng tôi, còn thì không ai để ý mua những sách báo ấy cả” (2).
Tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai được tổ chức vào tháng 2 năm 1957 tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam bao gồm bảy hội chuyên môn:
- Hội Nhà văn
- Hội nghệ sĩ tạo hình
- Hội nhạc sĩ
- Hội nghệ sĩ sân khấu
- Hội điện ảnh
- Hội kiến trúc sư
- Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh
- Hội nghệ sĩ tạo hình
- Hội nhạc sĩ
- Hội nghệ sĩ sân khấu
- Hội điện ảnh
- Hội kiến trúc sư
- Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh
Và các Hội văn nghệ ở các địa phương (3).
Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam vẫn là tạp chí Văn Nghệ, sau đổi thành tuần báo Văn Nghệ. Từ năm 1977, tuần báo Văn Nghệ trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ lúc thành lập cho đến năm 1948 là Đặng Thai Mai.
Trong Hội nghị đại biểu các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26 đến 27.4.1984, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam được đổi tên thành Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ban chấp hành gồm: chủ tịch Cù Huy Cận; các phó chủ tịch: Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Cẩn, Lưu Hữu Phước; các ủy viên: Tô Hoài, Bảo Định Giang, Lý Thái Bảo, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Trực Luyện, Hoàng Lư Trai và Dương Viên.
Trên danh nghĩa, Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam là một bộ phận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4), nhưng Ủy ban lại chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương (hiện nay là Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương). Giữa Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Bộ Văn hoá chỉ có quan hệ về hành chánh và tài chánh: Bộ Văn hoá có trách nhiệm bảo trợ và tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho các Hội văn nghệ hoạt động như xây dựng nhà sáng tác, nhà an dưỡng, phương tiện ấn loát và phát hành…
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam vẫn bao gồm bảy Hội chuyên ngành và các Hội văn nghệ địa phương như Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trước đây. Từ ngày 15.10.1986, cộng sản thành lập thêm một tổ chức mới cũng trực thuộc Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam: Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật phát thanh và truyền hình do Hoàng Ngọc Anh làm tổng thư ký.
Như vậy, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là một tổ chức bộ phận của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Đến đây chúng ta có thể hình dung cơ cấu tổ chức qua đó cộng sản thực hiện quyền lãnh đạo cũng như kiểm soát giới văn nghệ sĩ cùng tất cả các hoạt động của họ như sau:
(Trích từ cuốn Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, Văn Nghệ xuất bản lần đầu tại California, 1991)
***
Chú thích:
1. Tuần báo Văn Nghệ, HN, số 35 ra ngày 29.8.1987.
2. Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập 1, sđd, tr. 115.
3. Theo tạp chí Văn Học tại Hà Nội số 1 năm 1985, vào năm 1983, cộng sản đã thành lập được 26 Hội văn nghệ ở các địa phương, có chín Hội nữa đang thời kỳ vận động thành lập.
4. Trong quyển Đổi mới và chính sách xã hội, văn hoá, nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1988, Trần Độ, viết: “Ở trung ương có Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Đây không phải là một hội đoàn mà là một ủy ban. Ủy ban này có chức năng “liên hiệp” các hội đoàn chuyên ngành và một số hội đoàn địa phương, thực hiện chức năng “mặt trận”, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, làm những nhiệm vụ vận động chính trị, chính sách đối ngoại mà từng hội, từng ngành không có điều kiện làm riêng hoặc không nên làm riêng” (tr. 204).
2. Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập 1, sđd, tr. 115.
3. Theo tạp chí Văn Học tại Hà Nội số 1 năm 1985, vào năm 1983, cộng sản đã thành lập được 26 Hội văn nghệ ở các địa phương, có chín Hội nữa đang thời kỳ vận động thành lập.
4. Trong quyển Đổi mới và chính sách xã hội, văn hoá, nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1988, Trần Độ, viết: “Ở trung ương có Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Đây không phải là một hội đoàn mà là một ủy ban. Ủy ban này có chức năng “liên hiệp” các hội đoàn chuyên ngành và một số hội đoàn địa phương, thực hiện chức năng “mặt trận”, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, làm những nhiệm vụ vận động chính trị, chính sách đối ngoại mà từng hội, từng ngành không có điều kiện làm riêng hoặc không nên làm riêng” (tr. 204).
Xin nhắc lại: Mặt trận Tổ quốc được thành lập tại Hà Nội tháng 9 năm 1955, vốn là hậu thân của Mặt trận Liên Việt được thành lập năm 1951, do sự hợp nhất giữa Mặt trận Việt Minh (thành lập năm 1941) và Mặt trận Liên Việt (thành lập năm 1945). Mặt trận Tổ quốc có cơ quan ngôn luận riêng, trước là báo Cứu quốc, sau, từ tháng 3-1977, đổi tên là báo Đại đoàn kết.
---------------
Tin liên hệ
.
.
.
No comments:
Post a Comment