Key obstacles to China becoming a global leader
David Koh
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Sun, 03/13/2011 - 03:08
Tuần trước Trung Quốc vừa thông báo tăng cường ngân sách quốc phòng 12,7% so với năm 2010. Dường như ngân sách 2011 được tăng thêm vì việc mua thêm phương tiện mới và điều chỉnh lương để đáp ứng nhu cầu lạm phát. Các quốc gia phương Tây tiếp tục lặp đi lặp lại điệp khúc rằng Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi phí quốc phòng, và tin đồn về việc Trung Quốc đang xây dựng một tàu sân bay vẫn còn lưu truyền. Gần đây Trung Quốc cũng đã chứng tỏ những tiến bộ trong nước đối với các chiến đấu cơ và kỹ thuật tên lửa.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với Đông nam Á?
Trung Quốc thật sự lớn hơn tất cả các nước Đông nam Á gộp lại, không chỉ về mặt dân số mà còn về tiềm năng và sản lượng kinh tế. Hiện nay mọi người đều xem Trung Quốc là kẻ thống lĩnh tương lai của thế giới.
Đặc điểm chung của người đứng đầu trật tự thế giới của bất kỳ quốc gia nào đều chủ yếu bao gồm bốn khía cạnh.
Trước hết, người lãnh đạo phải có sức mạnh kinh tế; nền kinh tế ấy phải cởi mở và giao thương với toàn bộ thế giới; nó đón nhận đầu tư và là người đóng góp quan trọng vào nền kinh tế toàn cầu qua những nguồn đầu tư ra nước ngoài và các hoạt động giao thương. Trong một mức độ nào đấy đồng nội tệ của nó cũng được sử dụng rộng rãi, và hiện đang có những ước đoán rằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc một ngày nào đó sẽ được dùng chung với đồng đô la Mỹ như là mệnh tiền chuẩn trong giao dịch quốc tế. Trung Quốc cũng có thể được xem là đang trên đường để đạt được vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu.
Khía cạnh thứ hai của vai trò lãnh đạo thế giới là sự hiện diện và những vai trò then chốt trong những tổ chức quốc tế, ví dụ như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cũng như trong diễn đàn kinh tế và quốc tế quan trọng. Một lần nữa, đã có những kêu gọi thay đổi trong cơ cấu và thành phần lãnh đạo tại các tổ chức này, và Trung Quốc đang là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ khi cơ quan này mới thành lập. Điều này cho thấy các nhà sáng lập Liên Hiệp Quốc đã tin rằng Trung Quốc luôn đóng một vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế.
Khía cạnh thứ ba của vai trò lãnh đạo thế giới là quyền lực cứng - tức là sức mạnh quân sự. Tuy nhiên việc sử dụng sức mạnh quân sự cùng kèm theo một điều kiện quan trọng - sức mạnh quân sự phải được dùng để phục vụ các mục đích tự vệ, hoặc để bảo vệ cộng đồng quốc tế và được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Điều khác biệt mà trong đó cộng đồng quốc tế nhìn nhận hành động quân sự của Hoa Kỳ tại Kuwait, Afghanistan và Iraq là một minh hoạ kinh điển.
Khi tiếng chuông cảnh giác vang lên về chi phí quốc phòng của Trung Quốc, chúng ta thường hoà lẫn hai vấn đề giữa khả năng và chủ ý. Vì thế chúng ta lại tìm được khía cạnh thứ tư - đó là giá trị quốc gia và chiến lược quốc gia, bao gồm cả chủ ý.
Những nước đứng đầu thế giới như Hoa Kỳ đã đang ở điểm đỉnh của trật tự phân hạng trong sáu thập niên qua vì họ đặt quyền lợi khu vực ngang hàng với quyền lợi riêng. Trong trường hợp Hoa Kỳ, chống chủ nghĩa cộng sản là quyền lợi riêng của họ nhưng việc họ giúp đỡ châu Âu qua kế hoạch viện trợ Marshall đã là một hành động cao thượng nhất mà một quốc gia có thể làm đối với những nước khác. Ở đây trong khu vực này, nhiều quốc gia Đông nam Á phi cộng sản vẫn còn nhớ đến những nỗ lực vĩ đại của Hoa Kỳ, và xa hơn nữa là Anh Quốc, Úc và New Zealand cũng như những quốc gia phương tây khác - đã giúp giữ phần phi cộng sản trong khu vực được ổn định và không bị cộng sản đe doạ. Những hành động này mang nhiều hình thức - viện trợ, kinh nghiệm kỹ thuật, cố vấn kinh tế, đầu tư và giao thương với những quốc gia chung tay giúp đỡ - tất cả đã cùng đóng góp giữ vững trật tự ổn định phía sau những tiền tuyến tại Việt Nam và Cambodia. Giờ đây những cuộc chiến tại Việt Nam và Cambodia đã chấm dứt từ lâu, những kỷ niệm xấu cũng phai dần.
Vì thế sự lớn mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là trong những hoạt động kinh tế và quân sự, cần so sánh với những cường quốc phương Tây này. Điều không may là Trung Quốc không phải là một đất nước xa xôi mà lại là một láng giềng của Đông nam Á, và trong quá khứ đã từng xâm lược hoặc thuộc địa hoá những phần của Đông nam Á. Kỷ niệm về quá khứ đau thương này vẫn còn tồn đọng, ít nhất là ở Việt Nam. Xung đột vũ trang mới nhất giữa Đông nam Á và Trung Quốc - giữa Việt Nam và Trung Quốc - không phải là cuộc chiến tranh năm 1979 mà là cuộc hải chiến giữa hai bên vào năm 1988.
Với các quốc gia có chung biên giới và có thể có quyền lợi quốc gia trái ngược nhau, đôi khi tranh chấp và mâu thuẫn cũng xảy ra. Điều này không có gì lạ. Tuy nhiên, việc phải sử dụng đến vũ lực để giải quyết vấn đề thì thật kinh tởm. Điều này cũng đi ngược lại tinh thần của ASEAN và Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN mà Trung Quốc đã ký kết.
Nhiệm vụ khó khăn của Trung Quốc là thuyết phục thấu suốt Đông nam Á rằng họ không bao giờ phải dùng đến biện pháp quân sự để giải quyết những khó khăn giữa họ và các quốc gia Đông nam Á. Nhưng ở đây, biển Nam Hải lại tại ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược đối với Trung Quốc: để tăng cường vị trí lãnh đạo thế giới, việc ủng hộ của Đông nam Á trong vấn đề mở rộng phạm vi tiếp cận hàng hải cho Trung Quốc thì rất cần thiết, nhưng họ lại có những tranh chấp với vài quốc gia Đông nam Á về những quần đảo và đảo nhỏ trên biển Nam Hải. Những hành động mạnh bạo quá đà của quân đội Trung Quốc trong quá khứ xa hoặc mới đây với lý do tự vệ - cho dù được nằm dưới vỏ bọc dân sự hay không - cũng đều vô nghĩa, đặc biệt là hành động của Trung Quốc nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền trên biển Nam Hải đối với những quần đảo và đảo nhỏ (một số chỉ là vài mõm đá), vốn cũng đang được các nước khác trong vùng đòi hỏi chủ quyền.
Một tình huống tiến thoái lưỡng nan thứ hai cũng liên quan đến việc này: Những tiến bộ của Trung Quốc trong khả năng quân sự có thể không phải là nhằm mục đích thống lĩnh biển Nam Hải mà có thể chỉ để nhằm vào các cường quốc khác, nhưng việc sử dụng vũ lực trên biển Nam Hải trong quá khứ gần đây đã làm cổ vũ thêm cho quan điểm rằng sự thống lĩnh của Trung Quốc và những khả năng quân sự mới có được là để nhằm vào chính mục đích ấy. Vấn đề luôn luôn khó khăn, nếu không nói thẳng là sai trái, khi cố gắng giải mã mục đích chiến lược của một quốc gia bằng cách đơn giản nhìn vào khả năng quân sự của nó. Nhưng thành tích của Trung Quốc lại không hoàn toàn trong sạch, ít nhất là trong hai mươi năm qua.
Điều tồi tệ hơn là những tuyên bố chủ quyền này với chín đường biên mà trên thực tế đã bao trùm đến hơn 80% diện tích của biển Nam Hải như là vùng biển trực thuộc Trung Quốc là một tuyên bố lố bịch vì nó bác bỏ quyền đòi hỏi Đặc khu Kinh tế cũng như thềm lục địa của các quốc gia khác.
Tồi tệ hơn nữa là Trung Quốc luôn cố chấp về quan điểm đưa ra tại các hội nghị về giá trị của chín đường biên này và không thèm đưa ra một lời giải thích hoặc biện minh nào. Việc từ chối thảo luận chín đường vạch trên một cách công khai hoặc giải thích nhanh chóng những đòi hỏi chủ quyền càng củng cố quan điểm của mọi người tại Đông nam Á rằng Trung Quốc dự định trở thành kẻ chiến thắng duy nhất bằng cách khuất phục những đòi hỏi của các quốc gia khác để biến thành của mình. Chẳng có một lãnh đạo thế giới đáng tôn trọng lại đi làm việc này, nhưng một Trung Quốc tham vọng lại có vẻ đang làm như thế.
Những tranh chấp trong vùng biển Nam Hải và phương cách tiến tới để giải quyết những tranh chấp này chứa đựng những hạt giống thành công để Trung Quốc nổi lên như một lãnh đạo thế giới chính danh và đáng tôn trọng , hoặc cũng có thể là việc bắt đầu xây dựng một bức tường ngăn chặn Trung Quốc đạt được đến đỉnh cao của trật tự phân hạng thế giới. Trung Quốc nên tự nhắc nhở mình rằng sự tôn trọng của thế giới bắt đầu từ những người láng giềng gần gũi. Họ nên tiếp tục nhấn mạnh đòi hỏi chủ quyền trên biển Nam Hải nhưng phải làm với một phương cách bất bạo động và phi quân sự, và tiến tới một thoả thuận với các quốc gia trong khu vực trong những bước kế tiếp nhằm giải quyết các tranh chấp.
Con đường phía trước của Trung Quốc là gì? Họ cần hợp tác với các nước trong khu vực để tận tình triển khai Nguyên tắc Hành xử, và tìm những thoả hiệp với các nước trong vùng trong những vấn đề giúp làm sáng tỏ những đòi hỏi chủ quyền, cũng như một phương cách bao gồm các quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và quyền tự do đi lại trong biển Nam Hải. Và Trung Quốc nên chấm dứt việc gói gọn biển Nam Hải như là vấn đề song phương duy nhất giữa họ và cá nhân từng quốc gia Đông nam Á vì mặc dù chủ quyền đối với các quần đảo đa phần là những tranh chấp song phương, trên thực tế, có nhiều những vấn đề khác lại mang tính đa phương, vì biển Nam Hải là vùng biển chung để tất cả các nước Đông nam Á và bạn bè của họ sử dụng. Trên thực tế, biển Nam Hải nên được đổi tên thành biển Đông nam Á. Vì những vấn đề chủ quyền sẽ không bao giờ giải quyết xong, việc khai thác tài nguyên nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia đòi hỏi chủ quyền.
Những nước lãnh đạo thế giới gồm các quốc gia độc lập không bao giờ thâu tóm tất cả và chẳng để lại tí nào cho nước khác. Trên thực tế họ để những nước đi theo mình có tiếng nói riêng và tìm ra những giải pháp cùng có lợi bằng cách củng cố lòng tôn trọng và tính chính danh của một lãnh đạo, và đề xuất giúp đỡ vật chất khi cần thiết.
Bạo lực và tranh cãi ồn ào là những phương pháp tự huỷ hoại ít được ưa chuộng đối với ai có tham vọng trở thành lãnh đạo thế giới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment