Saturday, March 12, 2011

BUỔI SÁNG JAKARTA (Để tưởng nhớ PHẠM CÔNG THIỆN) - Phan Nhiên Hạo

12.03.2011

(Để tưởng nhớ Phạm Công Thiện)

Sáng thứ Bảy ở Jakarta, đường phố đỡ tắt nghẽn hơn ngày thường. Tôi ngồi ở quán café vắng bên hông Mall Kelapa Gading chưa mở cửa, hút thuốc và nhìn chút yên tĩnh hiếm hoi trong một thành phố luôn náo động, bụi bặm. Một thành phố gợi nhớ Sài Gòn, nhưng với không lo âu bất trắc, và cái gọi là gánh nặng quê hương. Nhiều ngày ở Nhật qua Singapore rồi đến đây, không đọc gì tiếng Việt cho đến đêm qua mở một website và hay tin Phạm Công Thiện đã thăng.

Hai mươi năm sống ở Mỹ tôi chưa từng gặp Phạm Công Thiện. Nhưng cũng như nhiều người viết Việt khác, tôi đã gặp ông từ nhiều năm trước qua tác phẩm. Gặp ở Sài Gòn ngày đói rách ký túc xá với cầu tiêu không dội nước của các trí thức tương lai bốn ngàn năm văn hiến; gặp ở Seattle ngày mới đến Mỹ mưa hoài và buồn, tìm thấy Ngày Sanh Của Rắn trong một quán sách Việt gần phố Tàu, quán sách bây giờ có lẽ đã dẹp vì cái gọi là thời đại internet (tôi chắc Phạm Công Thiện khinh bỉ internet). Gặp Phạm Công Thiện hồi trẻ, phấn khích, rồi quên, đôi khi nhớ về ông như người lỗi thời, hơi lố bịch, thiên tài của một nền văn nghệ thiên tai, nơi tri thức đèn hột vịt tù mù. Ở một đất nước vài mươi năm trước đây số người làm văn nghệ đi được ra nước ngoài đếm trên đầu ngón tay, sự hấp dẫn của Phạm Công Thiện một phần đến từ hương vị phương xa của những chuyến du hành. Những chuyến đi giải ảo,
paris đuổi mất mây mộng hoang đường
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương
hay thật ra chỉ gây thêm đau đớn và thất lạc,
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
trong cuộc đào thoát không ngừng khỏi những cơn điên,
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên

Thiên tài của Phạm Công Thiện là điên được trong văn chương, một cách chân thành, rực rỡ. Ngoài đời ông có điên hay không tôi không biết, không chắc, không quan trọng. Phạm Công Thiện điên được cũng vì ông sống ở Miền Nam, nơi có tự do. Những con chim trong lồng không hiểu được điều này, chúng sẽ nói tự do không làm nên tác phẩm lớn. Chúng không biết rằng điều quan trọng đối với phần lớn thi sĩ không phải tác phẩm lớn hay bé, mà là quyền được điên. Điên mà không sợ bị kiểm điểm, bị phê bình, bị trừng phạt bởi lợn. Bọn văn nghệ nhà quê cũng sẽ không bao giờ bắt chước được Phạm Công Thiện, mặc dù để tỏ ra sành điệu đôi khi chúng nhắc đến tên ông, với giọng điệu của kẻ đạt đạo giữa hai hớp rượu ngoại trong bữa tiệc thịt chó.

Tôi chẳng điên gì, chỉ cô đơn đôi khi ở những đất nước xa. Như sáng nay,
ngồi trong thành phố
hoa trắng không còn
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ
Mấy câu này Phạm Công Thiện viết về New York. Tôi tưởng ông đang ở Jakarta.

Jakarta, March 12, 2011

--------------------------------------
Những câu thơ trên trích từ Ngày Sanh Của Rắn của Phạm Công Thiện, bản đăng lại trên Tiền Vệ.

-----------------
Bài liên quan:
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ... (...)

Tro (truyện / tuỳ bút) - Thận Nhiên
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Cuốn sách nhỏ ấy là một người thầy, với riêng tôi. Nó dạy tuổi trẻ tôi những bài học làm sao sống đến cạn cùng sự chán chường, sự thơ mộng, sự rồ dại, sự khao khát, sự giận dữ, sự phóng thả, và quan trọng nhất là nó làm tôi “cháy”... (...)

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Chưa bao giờ thương những con chim như chiều nay / tràn đầy mặt đất / những con chim thêu niềm tuyệt vọng / lao về phía tàn tro / cháy bừng / Mộng mị...

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tới đây ai cũng thấy câu chuyện của tôi ngày hôm ấy quả tẻ nhạt, đúng không? // thế thì đây, điểm nhấn / ... tôi lặp lại: chẳng ai gạt được cái chết hết, cho dẫu cái chết cũng một thứ bịp bợm nốt “... rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng” ...

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... em đừng nói với tôi về rừng / buổi chiều hình như đã mưa / cơn mưa phùn mãi mãi ở lại chứ không bay đi như cơn mưa phùn của Thiện / em cũng đừng nói với tôi về mặt trời / vốn không bao giờ có thực...

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Ông còn tiên đoán cho thế giới đến khi ông trăm tuổi. Nhưng tôi dừng trích ở đây vì ông đã vừa “đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất”, ở tuổi 71. Từ giờ khắc này, ông sẽ nhìn Hy mã lạp sơn bằng con mắt của “loài” khác. Từ bây giờ, tôi cũng đang cảm thấy có một Hy mã lạp sơn đã bắt đầu sụp đổ và tan chẩy. Cho một đại dương cuộc sống mới hình thành... (...)

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiện ơi, tôi vẫn thỉnh thoảng đọc câu thần chú “Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Svaha” mà bạn đã dạy cho anh em cầu nguyện tai qua nạn khỏi mỗi lần đi qua những nơi đèo heo hiểm trở. Và đôi khi tôi tự hỏi có nên tiếp tục khấn câu thần chú này nữa hay thôi, khi mà được trở về Vương Quốc Hư Vô là một ước nguyện giải thoát. Bây giờ bạn đã giải thoát... (...)

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn về thành phố Mỹ Tho, dạo quanh vườn hoa Lạc Hồng, có dãy nhà xây kiểu Pháp, một thời Phạm Công Thiện và gia đình sống ở đây, cố hình dung gương mặt ông lúc hai mươi tuổi... (...)

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... gió thổi mưa chiều thứ bảy đã về sớm / cây khế đồi cao không kịp trổ / gió thổi gió thổi gió thổi / hiện tượng cơn bão // Thiện nói Henry Miller chết tôi không buồn / con ong chết tôi buồn lắm / tôi nói trời đất chết tôi không bất ngờ / Phạm Công Thiện chết tôi ngờ ngợ lắm...

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tôi nhớ lại xa lắm những ngày áo sinh viên văn khoa / tuổi đôi mươi tôi tóc dài huyền hoặc / con mắt trần gian đen tròn mê hoặc / sách vở trên tay vụng về chạy theo Sartre / thao thức bức rức nức nở tìm trong Thiện / giọt nắng sân văn khoa thấu qua tôi đau điếng / giọt mưa đường cường để thấm lạnh da con gái / cơn miên man dậy men tự bao giờ...

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Tôi tin tưởng vào thiên tài. Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài. Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện. Dù hiểu hay không hiểu, ngôn ngữ kia vẫn ẩn chứa sức lôi cuốn ma quái khó cưỡng. Như chớp lửa thiêng sẵn sàng thiêu trụi mọi lưỡng lự, e dè, triển hạn ngáng đường những tâm hồn đồng thanh đồng khí ý hướng tìm đến nhau trong chân trời hủy phá và sáng tạo... (...)

Buổi sáng Jakarta (truyện / tuỳ bút) - Phan Nhiên Hạo
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiên tài của Phạm Công Thiện là điên được trong văn chương, một cách chân thành, rực rỡ. Ngoài đời ông có điên hay không tôi không biết, không chắc, không quan trọng. Phạm Công Thiện điên được cũng vì ông sống ở miền Nam, nơi có tự do. Những con chim trong lồng không hiểu được điều này, chúng sẽ nói tự do không làm nên tác phẩm lớn. Chúng không biết rằng điều quan trọng đối với phần lớn thi sĩ không phải tác phẩm lớn hay bé, mà là quyền được điên. Điên mà không sợ bị kiểm điểm, bị phê bình, bị trừng phạt bởi lợn... (...)
------------------


.
.
.

No comments: