Anh Vũ - RFI
Thứ hai 21 Tháng Ba 2011
Sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực quân sự chống Libya, từ chiều ngày 19/03/2011, liên quân quốc tế gồm Hoa Kỳ , Pháp và Anh đã bắt đầu mở các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của đại tá Kadhafi. Thời sự Libya trở lại nóng bỏng hơn so với thảm họa động đất và hạt nhân ở Nhật Bản. Các báo thi nhau khai thác mọi khía cạnh của cuộc can thiệp.
Khung cảnh chiến tranh thực sự với khói lửa bom đạn mịt mù, chiến đấu cơ khạc lửa trên bầu trời… Đó là những hình ảnh có thể thấy trên hầu khắp trang nhất các báo ra hôm nay tại Pháp.
Nhật báo kinh tế Les echos chạy tựa lớn “Kadhafi dưới lửa đạn của phương Tây”, còn Le Figaro thì chạy tựa lớn “ Bẫy đang khép lên Kadhafi”, trong khi đó báo L’humanité gọi đây là “cuộc chiến tranh không mang tên”. Libération chạy tựa lớn bằng trích lời một người nổi dậy tại Benghazi nói: “Kadhafi đã tính chuyện tiến hành một cuộc tàn sát”.
Vậy thì đâu là lý do cho cuộc can thiệp quân sự của phương Tây chống Libya?
Câu hỏi này được La Croix đem ra mổ xẻ với hàng tựa “Libya, những lý do can thiệp”.
Xã luận của La Croix nhận định, sau nhiều tuần lễ lưỡng lự rồi thương lượng ngoại giao, một liên quân quốc tế đã hình thành để hỗ trợ những người nổi dậy chống chính quyền Libya. Theo La Croix, có thể nói một cách đơn giản là tấn công quân sự của phương Tây nhằm chặn cuộc tấn công của quân đội Kadhafi đang tiến về phía đông, giành lại những thành phố do quân nổi dậy chiếm cứ.
Xã luận báo La Croix đặt câu hỏi liệu người ta có thể gọi sự can thiệp của liên quân vào Libya là một cuộc “chiến tranh chính nghĩa ” được không ? Trước tiên tờ báo công giáo khẳng định rằng “ thực ra mà nói thì không bao giờ có chiến tranh chính nghĩa. Chiến tranh chưa bao giờ là một tin mừng, vì nó mang đến đau khổ và chết chóc. Tuy nhiên, nó có thể chính đáng về mặt đạo lý”.
Theo La Croix chiến dịch quân sự của phương Tây có mục đích làm chấm dứt hành động dùng vũ lực đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Libya chống lại chế độ của đại tá Kadhafi, bùng lên từ hôm 15 tháng hai vừa qua. Các cuộc tấn công được bắt đầu từ hôm thứ bảy 19/3 bằng đòn không kích của Pháp phối hợp với tên lửa từ hạm đội và tàu ngầm của quân Anh và Mỹ. Tiếp theo chiến dịch được mở rộng thêm bằng các cuộc ném bom nhằm vào thủ đô Tripoli. Hai mục tiêu được lựa chọn của các cuộc tấn công này là : Hệ thống phòng không của Libya; các chiến xa của quân đội Kadhafi trên đường tấn công vào thành phố của phe nổi dậy.
Giai đoạn tiếp theo là tấn công vào cơ sở hậu cần, phá hủy khả năng kháng cự của quân chính phủ. Với mục tiêu tấn công như vậy của liên quân, La Croix khẳng định “ cộng đồng quốc tế đang tỏ tình đòan kết với “mùa xuân A rập”. Theo tờ báo thì lãnh đạo độc tài Libya đã trở thành biểu tượng của sự áp bức các dân tộc Ả Rập. Các nước phương Tây đang muốn chứng rằng “ họ đang bảo vệ những giá trị của mùa xuân Ả Rập”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố hôm thứ bảy vừa rồi : “ Các dân tộc Ả Rập đã lựa chọn tự giải phóng cho mình khỏi sự trói buộc từ quá lâu nay.
Cuộc cách mạng này đã tạo ra một hy vọng to lớn trong tâm của những người muốn chia sẻ những giá trị dân chủ và nhân quyền. Nhưng không phải không có nguy hiểm. Trong những khó khăn và thử thách mà các dân tộc A rập đang gặp phải thì họ phải cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Đó là nghĩa vụ của chúng ta”.
Trong khi đó, báo Libération cũng khẳng định sự cần thiết phải có sự can thiệp của quốc tế vào Libya : “ để mặc cho Kadhafi sát hại dân mình, tức là gửi một thông điệp tai hại đến các nhà độc tài trong khu vực rằng họ được bảo đảm không bị trừng phạt, giữa lúc mà các dân tộc A rập đang hừng hực khí thế đấu tranh vì tự do. Trái lại, cuộc can thiệp này đặt các chế độ tòan trị dưới một sức ép, thúc đẩy họ phải cải cách, giống như Vua Mohammed VI đã làm ở Maroc”. Xã luận của báo Libération nhận định rằng, nhờ có sự can thiệp của quốc tế mà tối chủ nhật (20/3) thành phố Benghazi và hàng triệu người dân đã tránh được một cuộc tắm máu trong gang tấc.
Pháp đi đầu trong chiến dịch can thiệp
Libération cho biết 17h 45 các máy bay Rafal và Mirage của không quân Pháp bắt đầu tấn công vào các chiến xa của quân đội Libya. Rất nhanh sau đó quân đội Mỹ và Anh đã tham chiến nhằm vào các mục tiêu là hệ thống phòng không của Kadhafi đặt dọc bờ biển.
Ai chỉ huy chiến dịch? Theo Libération, quân Mỹ giữ vai trò lãnh đạo. Trước khi mở màn chiến dịch, hôm thứ sáu Paris khẳng định muốn cùng cùng phối hợp chỉ huy từ Pháp và Anh. Nhưng cuối cùng thì chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya đã được điều hành chính từ tổng hành dinh căn cứ quân sự Mỹ tại Stuttgart (Đức). Ngoài ra còn có khoảng hơn một chục sĩ quan liên lạc của châu Âu và Canada có mặt trên chiến hạm Mỹ tại Địa Trung Hải để điều phối các cuộc tấn công và thiết lập vùng cấm bay. Hôm qua Hoa Kỹ cho biết dự tính sẽ mau chóng trao lại quyền chỉ huy và điều phối các chiến dịch quân sự cho liên quân. Nếu như đến giờ liên quân tham chiến chỉ gồm ba nước Anh, Pháp, Mỹ thì nhiều nước khác đã tỏ ý muốn nhanh chóng tham gia vào chiến dịch của liên quân. Hôm qua các nước Ý, Bỉ, và Đan Mạch cho biết họ sẵn sàng dành các chiến đấu cơ phục vụ liên quân. Paris cũng cho biết là Qatar cũng sẽ gấp rút cử 4 máy bay chiến đấu tham gia chiến dịch. Các tiểu vương quốc Ả rập cũng hứa sẽ hỗ trợ liên quân.
Cuộc “can thiệp quân sự có giới hạn” sẽ còn tiếp diễn đến đâu ?
Theo Libération, sau làn sóng tấn công đầu tiên nhằm vào hệ thống phòng không và chiến xa nằm giáp với căn cứ của những người nổi dậy, hôm nay liên quân tiếp tục tấn công vào các cơ sở hậu cần của quân đội Libya. Hiện tại liên quân vẫn tiếp tục tăng cường hỏa lực trong những giờ tới. Tàu sân bay của Pháp Charles de Gaulle kèm theo ba tàu hộ tống và một tàu ngầm nguyên tử lọai tấn công, ngày hom qua đã xuất phát từ cảng Toulon đến vùng chiến sự trong 48 giờ tới. Hơn hai chục chiếc tàu chiến và tàu ngầm khác, trong đó có 11 chiếc của Mỹ hiện đã nằm trực diện với bờ biển Libya.
Như vậy là cuộc chiến vẫn còn kéo dài và trở nên phức tạp hơn và thiệt hại về người chắc chắn sẽ không tránh khỏi trong cuộc can thiệp này. Theo Le Figaro: “cuộc chiến tranh này chỉ có thể được sự ủng hộ hòan tòan khi giành chiến thắng. Một chiến dịch không quân không thể đủ để kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn gấp ba lần nước Pháp. Le Figaro nhận định, để tránh không bị sa lầy nguy cơ chia cắt đất nước Libya thì lực lượng nổi dậy phải biết tấn dụng sự trợ giúp mang đến cho họ để tổ chức và tự thực hiện phản công tiến tới thiếp lập một chế độ mới ở Tripoli. Những người nổi dậy đang có được sự hỗ trợ rộng rãi. Phần còn lại là hy vọng họ có khả năng làm được điều đó hay không.”
Lủng củng trong quốc tế ngay từ những ngày đầu can thiệp quân sự
Chiến sự tại Libya vẫn là những đề tài chính trên các trang nhật báo Pháp ngày hôm nay. Chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya theo tinh thần Nghị quyết 1973 được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua đến nay đã bước sang ngày thứ ba. Nhưng bắt đầu đã xuất hiện những bất đồng đầu tiên trong cộng đồng quốc.
Nhật báo Le Figaro nhận định qua hàng tựa « Rạn nứt xuất hiện trong lòng liên quân". Trong khi đó, Đức vẫn còn tỏ ra hoài nghi về tính chính đáng của chiến dịch này. Ý yêu cầu phải đảm bảo việc tuân thủ Nghị quyết 1973, lập lờ đe dọa không cho phép sử dụng các căn cứ quân sự của Roma trong trường hợp ngược lại. Cuối cùng tại Matxcơva, Vladimir Putin đã so sánh Nghị quyết 1973 như một « lời kêu gọi của các cuộc thập tự chinh ». Ngược lại, tổng thống Nga Dmitri Medvedev cho rằng sự so sánh này không thể nào chấp nhận được.
Theo Figaro, một bất đồng mới nảy sinh liên quan đến việc ai nắm quyền chỉ huy liên quân quốc tế này. Các chiến dịch hiện nay do Hoa Kỳ điều hành từ sở chỉ huy căn cứ quân sự tại Stuttgart, Đức. Đến giờ quân đội Mỹ tỏ ý không muốn nắm quyền này nữa. Nhiều nước trong khối NATO đề nghị Liên minh này nhận lại trách nhiệm từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, nước Pháp mong rằng NATO chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho liên quân, còn các nước Ả Rập thì phản đối tham gia « một chiến dịch dưới màu cờ của NATO », theo như lời của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé.
Quả là khó xử như nhận định của nhật báo Libération « Người khởi sự thì không phải là lãnh đạo, còn người lãnh đạo thực sự thì lại nói không muốn chỉ huy nữa. » Cuộc chiến tranh Libya mới chỉ ở giai đọan khởi động mà đã xuất hiện những rắc rối mù mờ trong công việc chỉ huy.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhật báo Liberation lại cho rằng « Cuộc phiêu lưu tại Libya đã khiến cho Châu Âu xoay lưng lại với nhau ».
Theo tờ báo, cuộc chiến này nhắc họ nhớ lại cơn ác mộng chiến tranh Irak năm 2003 mà Liên Hiệp Châu Âu đã bị chia rẽ một cách sâu sắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính so với lần trước chính là lần này trục liên kết Pháp – Đức đã rạn vỡ, làm suy yếu tương lai chính sách đối ngoại và quốc phòng của Châu Âu.
Tờ báo tường thuật lại vụ tranh luận gay gắt giữa Ngoại trưởng Đức Westerwelle và người đồng nhiệm Pháp Alain Juppé, nhân cuộc họp Hội đồng các Ngoại trưởng tại Bruxelles, ngày hôm qua. Đức bày tỏ mối quan ngại về các rủi ro cho các thường dân tại Libya và cho Châu Âu, trong trường hợp dư luận Ả Rập bị lật ngược lại.
Các nước khác như Ba Lan, Bun-ga-ry và Cộng hòa Sýp vẫn tỏ thái độ dè dặt. Giờ đây, Pháp và Anh, hai nước khởi sự chiến dịch, chỉ còn biết trông chờ vào sự ủng hộ của các nước còn lại như Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Hy Lạp và một số nước khác. Điều quan trọng hơn đến nay người ta đặt câu hỏi cuộc chiến tại Libya rồi sẽ đi tới đâu khi mà ngay những ngày đầu đã nảy sinh mâu thuẫn ?
.
.
.
No comments:
Post a Comment