Wednesday, March 23, 2011

TẠI SAO GADDAFI SỐNG SÓT ĐƯỢC QUA CUỘC NỔI DẬY LIBYA (Time)

Vivienne Walt / Tripoli, TIME. 16/3/ 2011


Khi các lãnh đạo G-8 còn đang tranh cãi về một vùng cấm bay trên Libya vào hôm thứ Ba, thì thủ đô nước này bùng ra những cuộc ăn mừng bão táp sau những báo cáo rằng các lực lượng của Muammar Gaddafi đã chiếm lại Ajdabiyah, thành phố then chốt do lực lượng nổi dậy chiếm giữ, trở ngại cuối cùng trên con đường đến thành phố nổi loạn Benghazi. Câu hỏi có thể sớm đặt ra trước cộng đồng quốc tế là: Nếu Gaddafi thành công trong việc dập tắt cuộc nổi loạn và vẫn nắm được chính quyền thì sao?

Cách đây hai tuần các nhà báo đổ bộ xuống Tripoli, mình mặc áo giáp, sẵn sàng chứng kiến các lực lượng nổi dậy đắc thắng tiến vào. Trong khoảng thời gian ấy, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nicolas Sarkozy đều đã tuyên bố đây là thời gian Gaddafi phải ra đi, tin tưởng rõ ràng rằng sự sụp đổ của ông ta sau 42 năm cầm quyền là sắp xảy ra. Những lời tuyên bố này nâng cao hy vọng của những người theo phương Tây trong số lãnh đạo cuộc nổi dậy và những chiến sĩ nghèo khổ của họ, nhưng không có gì trong những tuyên bố ấy xảy ra. Khi các lãnh đạo phương Tây vẫn còn kẹt trong những cuộc tranh luận chưa có hồi kết, về cách đáp trả thế nào, thì các lực lượng của Gaddafi đã đánh bật quân nổi loạn về đến tận Benghazi. Bây giờ, những người nổi dậy đối mặt với thảm họa đang rình rập.

Vào hôm thứ Hai, khi các lãnh đạo nhóm G-8 đang họp ở Paris vẫn còn đang bế tắc về một vùng cấm bay, thì truyền hình nhà nước Libya đã nói các lực lương của Gaddafi tái chiếm Ajdabiyah một thành phố giao ở giao lộ miền đông Libya, một ngày sau khi pháo kích nạng nề và bắn tên lửa từ những tàu chiến, máy bay và bộ binh, theo phóng viên địa phương của al-Jazeera. Điều đó lôi kéo những người ủng hộ Gaddafi xuống đường trong nhiều giờ để chào mừng bằng bắn súng và bắn pháo hoa, trong khi các tài xế bấm còi inh ỏi hồi lâu sau khi bóng đêm đổ xuống. Trước đó các lực lượng của chính phủ cũng đã giành lại được Zawarah, thành phố cuối cùng phía tây Tripoli do quân nổi loạn chiếm giữ.

Lebanon, được Pháp và Anh hậu thuẫn, hôm thứ Ba đã trình ra Hội đồng Bảo an giải pháp áp đặt vùng cấm bay, nhưng nếu Ajdabiyah thất thủ, thì có thể giải pháp này đã là quá muộn để cứu vãn cuộc nổi dậy. Thành phố này nằm ở điểm xuất phát của hai con đường cao tốc, một con đường ngoằn ngoèo chạy lên phía Bắc đến Banghazi, con đường thứ hai cắt sang phía đông đến cảng dầu khí Tobruk gần Ai cập do quân nổi dậy chiếm giữ . Các lãnh đạo cuộc nổi dậy bác bỏ lời tuyên bố của chính phủ rằng các lượng của Gaddafi đã tái chiếm Ajdabiyah. Nhưng khi bóng ma thất bại đang lù lù hiện đến, những người nổi dậy đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt là nên chạy ra vùng biên giới Ai cập hay nên cố thủ chờ một trận đấu đẫm máu để kết thúc ở Benghazi.

Mặt khác, triển vọng của Gaddafi sống sót qua cuộc nổi dậy kéo dài hàng tháng trời dường như được củng cố vững chắc. Với thắng lợi trong tầm tay, một Gaddafi tự tin nói chuyện với một tập hợp những người đứng đầu bộ lạc và những người ủng hộ khác trong cung điện của ông ta đêm thứ Ba tuần trước, và nổi giận đối với “chủ nghĩa đế quốc” của các lãnh đạo phường Tây. “Các người bảo Gaddafi sắp sửa rời khỏi đất nước” ông ta gầm lên, đấm mạnh nắm tay xuống bàn chửi Hoa Kỳ và Anh. “Chúng muốn thôn tính Libya, chúng muốn chiếm dầu mỏ của chúng ta. Ai cho chúng cái quyền đó?”

Nếu ông ta đánh bại những người nổi dậy, ông ta có thể trả đũa một cách khốc liệt những thành phố phía đông, với việc bắt bớ tràn lan và có thể giết hại những người dẫn đầu cuộc nổi dậy. Ngoài ra vẫn chưa rõ phương tây sẽ xử lý Libya như thế nào, nơi mà Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các công ty dầu phương Tây đã đầu tư nhiều tỷ đô la. Trong một cuộc phỏng vấn tại Tripoli hôm thứ Năm vừa qua, Saif al-Islam, con trai có thanh thế của Gaddafi nói với TIME rằng anh ta tin rằng các công ty đó sẽ nhanh chóng tìm cách quay trở lại Libya. “Chẳng bao lâu họ sẽ quay lại và tiếp tục những cuộc đàm phán, những hợp đồng dầu mỏ” anh ta nói. “Chúng tôi biết trò chơi này.” Nhưng cha anh ta hôm thứ Ba nói rằng dưới ánh sáng của những phản ứng của các chính phủ phương Tây đối với cuộc nổi dậy, chỉ có Đức – nước này kiên quyết phản đối áp đặt vùng cấm bay – sẽ được phép kinh doanh ở Libya.

Mặc dầu chiến tranh chưa kết thúc, người Libya đã sẵn sàng tranh luận tại sao các kẻ thù của Gaddafi đánh giá cao sức mạnh của những người nổi loạn đến thế. Một số người nói rằng các lãnh đạo cuộc nổi dậy và các chính phủ phương Tây đã xét đoán cực kỳ sai lầm khả năng sống sót của Gaddafi, một bài tập có lẽ trong lối suy nghĩ nặng về mơ tưởng. Nằm kẹp giữa Tunisia và Ai cập, nơi mà những cuộc nổi dậy hòa bình đã đánh đuổi các nhà độc tài của nước họ, Gaddafi là kẻ đã cai trị lâu hơn nhiều so với các láng giềng của ông ta, dường như đã rõ ràng là một mục tiêu kế tiếp. Saif và các nhân vật quan trọng khác đã thừa nhận rằng chế độ này được bảo vệ rất kém và cần có một thời gian để định ra chiến lược quân sự của nó. Tuy nhiên, một khi họ làm được điều đó, lòng can đảm trong chiến trận của họ sẽ áp đảo quân nổi loạn. “Cách hiểu của phương Tây là rất, rất ngu” Mustafa Fetouri, giám đốc chương trình M.B.A tại Học viện nghiên cứu ở Tripoli người đã có nhiều thập kỷ sống ở châu Âu nói. “Họ đã đánh bạc sai cửa và đã có một sai lầm không lồ, ngu xuẩn.”

Fetouri nói, một sai lầm quan trọng của các lãnh đạo phương Tây là đã không thấy được tầm qua trọng của mạng lưới chằng chịt những bộ lạc trung thành của Libya, đã giữ được quyền lực cho Gaddafi trong hơn bốn thập niên – một thành tựu ngoạn mục, nếu ta nhớ đến nhiều âm mưu ám sát và nhiều năm Libya bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi trong những cuộc cấm vận kinh tế khắc nghiệt. Nhiều liên minh bộ lạc có từ nhiều thập niên trước những cuộc nổi loạn đẫm máu chống các lực lượng thực dân Italia trước Thế Chiến II, và thậm chí một số lãnh tụ bộ lạc vốn hận thù Gaddafi vì đã không cung cấp hay cắt bỏ đặc quyền đặc lợi của họ vẫn lao vào bảo vệ ông ta một khi các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Benghazi trở thành một cuộc nổi loạn vũ trang. Fetouri nói về những người đó: “Họ sẽ chết cho Gaddafi, bởi vì ông ta thuộc về bộ lạc của họ.”

Gaddafi tăng cường các lực lượng của ông ta bằng cách thu hút những người tình nguyện sẵn sàng chiến đấu để giữ thống nhất Libya, một cảm giác được củng cố khi những người nổi dậy lấy lá cờ của Vua Idrid al-Sanousi, triều đại cũ của Libya, bị Gaddafi lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1969. Lá cờ đó, Fetouri nói, biểu thị nỗi thống khổ mà nhân dân tôi đã sống như những con bù nhìn của Phương Tây” Ông nhắc đến một người bà con của ông – một người ủng hộ Gaddafi – đã đi 400 dặm (640 km) để gia nhập các lực lượng của chính phủ chống quân nổi loạn, anh ta đã lái xe từ vùng Bani Walid thủ phủ của bộ lạc Warfalli phía đông nam Tripoli, từ lâu đã là một cơ sở vững chắc ủng hộ Gaddafi. Fetouri, người nói rằng bản thân ông đã say sưa tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trước khi chúng chuyển thành một cuộc nổi loạn vũ trang, đã hỏi người bà con của mình tại sao anh ta “chiến đấu cho Gaddafi.” Ông nói người kia trả lời “đây là cho Libya, không phải Gaddafi.”

Trên Quảng trường Xanh của Tripoli, nơi những người ủng hộ ngoan cố của Gaddafi tập hợp sôi nổi 24/24, với những chiếc loa oang oang các bài ca yêu nước suốt ngày đêm, một biểu ngữ chăng ngang qua hai cây trong tuần này, tuyên bố với lãnh đạo, bằng tiếng Anh. “Tất cả chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì ngài.” Có vẻ như chẳng cần gì đến những hy sinh to lớn mới giữ được chính quyền cho Gaddafi.

© Hiếu Tân – Bản tiếng Việt
.
.
.

No comments: