Tú Anh - RFI
Thứ hai 14 Tháng Ba 2011
Vừa phải nỗ lực cấp cứu hàng trăm ngàn nạn nhân động đất và sóng thần, chính quyền Nhật Bản vừa phải chạy đua với thời gian để ngăn chận một thảm họa hạt nhân. Sáng nay 14/03/2011, lò phản ứng số 3 tại trung tâm hạt nhân Fukushima số 1 nổ hai lần. Dù nhiều người bị thương, nhưng tập đoàn điện Tepco khẳng định là vỏ thép bảo vệ lò phản ứng chịu đựng tốt. Tuy nhiên, chính phủ Nhật kêu gọi dân cư phải di tản khỏi khu vực trong một đường bán kính 20 km.
Sau vụ nổ khí hydrogène ở lò số một hôm chủ nhật, kịch bản tương tự đã xảy ra vào sáng nay với lò số ba của trung tâm hạt nhân Fukushima số 1 cách Tokyo 250 cây số về phía bắc, thải ra không khí bụi phóng xạ Cesium. Mặt khác, hệ thống làm nguội máy của lò phản ứng số hai được thông báo ngưng hoạt động vì bị hỏng. Những sự kiện bi quan trên đây cho thấy tình hình chưa kiểm soát được. Thông tin do chính phủ Nhật và ngành khai thác điện hạt nhân đưa ra rất rời rạc gây ra nhiều cách diễn giải khác nhau về mức độ hiểm nguy.
Sứ quán Pháp tại Tokyo kêu gọi kiều dân di tản về phía nam thủ đô để đề phòng bất trắc. Theo thẩm định của bộ trưởng năng lượng Pháp Eric Besson, tình hình tại Nhật « đáng lo ngại » vì đã có « rò rỉ phóng xạ ». Chính quyền Nhật cho nổ khí hydrogène để làm giảm áp suất bên trong nhà máy và để bảo vệ lớp bê tông bọc quanh lò phản ứng. Nếu vỏ bê tông không bể thì tình hình chỉ « nghiêm trọng », còn nếu như lò phản ứng bị nóng chảy làm tan cả vỏ bọc thì không tránh khỏi « thảm họa ».
Vấn đề là hiện nay không ai biết là liệu các biện pháp bơm nước biển để làm nguội các lò phản ứng có mang lại kết quả hay không. Đây cũng là trường hợp của lò số hai ngay tại trung tâm Fukushima.
Tình trạng « khủng hoảng » hiện nay là hệ quả của trận động đất và sóng thần cách nay ba hôm, nhưng nó cũng nằm trong bối cảnh địa lý của một vùng thường xuyên xảy ra địa chấn. Những trung tâm hạt nhân bị động đất làm suy yếu sẽ chịu đựng như thế nào trong những trận thiên tai tương lai ?
Theo đúng phương án an toàn hạt nhân tại Nhật, 14 trên tổng số 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc đã tự động ngưng vận hành trong lúc mặt đất bị rung chuyển. Nhưng « tắt máy » một lò hạt nhân rất phức tạp, đòi hỏi thời giờ và phải có một hệ thống làm giảm nhiệt . Nếu không thì nhiệt độ tăng dần, thiêu hủy vật liệu bảo vệ lò phản ứng và nổ tung như một quả bom nguyên tử . Đây là cơn ác mộng đã xảy ra tại Tchernobyl năm 1986 mà Nhật Bản và cả thế giới muốn tránh bằng mọi giá.
Vấn đề là trong số 14 lò phản ứng tại vùng Đông Bắc Nhật Bản tập trung tại 4 trung tâm hạt nhân, một số đã bị hỏng hệ thống làm lạnh.
Tại Fukushima, dưới áp suất của khí hydro, hai trên 6 lò phản ứng đã bị nổ. Lò thứ ba đang được làm giảm nhiệt bằng nước biển nhưng chưa có kết quả. Tập đoàn Tepco dự trù đục lỗ đẻ làm giảm áp suất khí hydro bên trong nhà máy.
Trong khi đó, trung tâm Onagawa, nơi xảy ra hỏa hoạn vào buổi đầu thiên tai, nay đã được đặt trong tình trạng báo động vì có lượng phóng xạ cao bất thường. Cuộc điều tra đang tiến hành để xem nguồn gốc phóng xạ này đến từ đâu, do bị rò rỉ hay đến từ Fukushima ?
Cuối cùng là trung tâm Tokai, chỉ cách Tokyo có vài chục cây số, cũng bị ngưng hệ thống làm lạnh.
Mặc dù vận rủi liên tục xẩy ra cho quần đảo Nhật Bản, chính phủ tìm cách trấn an dân chúng. Bộ trưởng bộ chiến lược quốc gia Koichiro Gemba tuyên bố là hoàn toàn không có khả năng xẩy ra một vụ ''Tchernobyl''.
.
.
.
Thanh Phương - RFI
Thứ ba 15 Tháng Ba 2011
Do những tai nạn hạt nhân ở Nhật, chính phủ của các nước châu Á đang phát triển năng lượng nguyên tử chắc sẽ chịu nhiều áp lực buộc phải giảm bớt những chương trình này. Tuy nhiên, trong tương lai gần, hàng chục nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn được xây dựng ở châu Á.
Trong những năm gần đây, châu Á dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng hạt nhân vì các nước trong khu vực này tìm cách đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng vọt cùng với đà tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới ( World Nuclear Association ), trong số trên 62 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng, có đến 60 nhà máy là ở châu Á.
Chỉ riêng ở Trung Quốc, nơi mà 27 nhà máy điện nguyên tử đang được xây dựng và 50 nhà máy khác được dự trù, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường của nước này vừa tuyên bố sẽ vẫn đẩy mạnh chương trình hạt nhân, mặc dù ở Nhật Bản đang có nguy cơ phóng xạ.
Một nước châu Á khác cũng đang đóng vai trò hàng đầu về điện nguyên tử là Hàn Quốc, trong tuần này cũng vừa cho biết vẫn quyết tâm theo đuổi tham vọng hạt nhân và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ của họ.
Còn ở Việt Nam, hiện có kế hoạch xây tổng cộng 8 nhà máy hạt nhân trong vòng 20 năm tới, với nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014. Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cũng vừa trả lời hãng tin Dow Jones Newswires rằng tai nạn hạt nhân ở Nhật Bản sẽ không có ảnh hưởng gì đến các kế hoạch điện nguyên tử ở Việt Nam.
Nhưng dầu sao, nguy cơ một Tcherbonyl thứ hai tại Nhật Bản cũng sẽ giảm bớt đà phát triển điện nguyên tử ở châu Á. Các tổ chức bảo vệ môi trường sẽ lấy ví dụ của Nhật Bản để chứng minh cho những hiểm họa của năng lượng hạt nhân. Lập luận rất đơn giản: Người Nhật có tiếng là kỹ lưỡng nhất châu Á. Nếu họ mà còn không bảo đảm được an toàn cho các lò phản ứng hạt nhân thì đúng là rất đáng lo ngại.
Tại Ấn Độ, hôm qua, Thủ tướng Manmohan Singh đã ra lệnh kiểm tra an toàn của hai lò phản ứng hạt nhân hiện có ở nước này. Ngay cả Trung Quốc cũng cho biết sẽ “rút ra những bài học” từ cuộc khủng hoảng ở Nhật.
Một số quốc gia đang dự tính lao vào việc phát triển năng lượng hạt nhân thì bây giờ tỏ ra do dự. Chẳng hạn như Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hôm Chủ nhật vừa qua tuyên bố với các phóng viên rằng : “Thái Lan đang nghiên cứu vấn đề này, nhưng những gì xảy ra ở Nhật Bản chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến quyết định có nên xây các nhà máy điện nguyên tử ở Thái Lan hay không”. Ở nước Malaysia láng giềng, cũng đang dự định xây hai nhà máy hạt nhân, chính quyền đang trấn an rằng phải mất ít nhất một thập kỷ các nhà máy đó mới hoàn tất, bởi vì họ sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng, và họ sẽ không làm một cách bí mật mà sẽ thông báo công khai cho người dân.
.
.
.
No comments:
Post a Comment