Wednesday, March 9, 2011

TRUNG QUỐC TRANH CHẤP BIỂN VỚI NHIỀU QUỐC GIA CHÂU Á (Người Việt)

Trung Quốc tranh chấp biển với nhiều quốc gia Châu Á
Người Việt
Tuesday, March 08, 2011

Hôm Thứ Ba, Nhật Bản chính thức lên tiếng phản kháng vụ một trực thăng Trung Quốc, ngày 7 tháng 3, đã bay gần một khu trục hạm Hải Quân Nhật đang tuần tiễu tại Ðông Hải trong vùng biển mà hai nước đều muốn độc quyền khai thác dầu khí.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Toshimi Kitazawa cho biết trực thăng Trung Quốc chỉ bay cách xa khu trục hạm Samidare của Nhật Bản không đầy 70 mét ở cao độ 40 mét và ông gọi hành động này là “cực kỳ nguy hiểm.”

Ðây là hành động va chạm mới nhất kể từ tháng 9 năm ngoái khi xảy ra vụ Nhật Bản bắt thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc đã đâm vào tuần Nhật gần Senkaku/Ðiếu Ngư đảo. Tiếp theo đó tuần trước, Nhật Bản đã phái chiến đấu cơ F-15 tới không phận quần đảo khi có tin hai máy bay Trung Quốc đến gần không phận.

Trung Quốc chưa bao giờ hoàn thành việc phân định ranh giới biển với các nước láng giềng bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn và các nước Ðông Nam Á. Sự khó khăn do từ chỗ các bên quan niệm khác nhau về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Theo Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về luật biển (UNCLOS), vùng đặc quyền kinh tế (EEZ = Exclusive Economic Zone) có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ đường cơ sở (đường nước thủy triều xuống thấp thấp dọc ven bờ).

Trên Ðông Hải (biển Ðông Trung Quốc), EEZ của Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc chồng chéo lên nhau. Trung Quốc và Nhật Bản đều đã phê chuẩn UNCLOS năm 1996 nhưng vấn đề còn phức tạp do sự tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku, tên Trung Quốc là Ðiếu Ngư đảo.

Thương thuyết về ranh giới EEZ giữa Trung Quốc và Nam Hàn cũng đã đi đến bế tắc vì dãy mỏm đá Socotra, tên gọi theo Nam Hàn là Iodo và Trung Quốc là Suyan, nằm cách hải đảo Jeju của Nam Hàn, khoảng 90 hải lý. Theo UNCLOS thì một mỏm đá không được kể là lãnh thổ nhưng Trung Quốc cũng như Nam Hàn đều coi là thuộc EEZ của mình và trên thực tế Nam Hàn kiểm soát nơi này.

Trong vùng Biển Ðông của Việt Nam, tên Trung Quốc là Nam Hải, EEZ của Trung Quốc và Việt Nam cũng chồng chéo lên nhau. Thêm nữa tranh chấp chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được giải quyết khiến cho không thể nào xác định ranh giới EEZ giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia. Mặc dầu Trung Quốc đã vẽ một bản đồ với đường ranh giới có hình dạng gọi là “Lưỡi Bò” bao trùm hầu hết Biển Ðông nhưng sự xác định đơn phương này không được quốc gia Ðông Nam Á nào công nhận.

Tranh chấp chủ quyền các quần đảo và mỏm đá hoang vu hầu hết không dân chúng cư ngụ, trở nên gay gắt khi người ta khám phá ra các vùng biển có tiềm năng phong phú về trữ lượng dầu khí. Do đó từ chủ quyền lãnh thổ trên các đảo sẽ xác định ra ranh giới EEZ và đặc quyền khai thác tài nguyên hải sản cũng như năng lượng.
Hiện nay tranh chấp mạnh mẽ nhất đang diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền Senkaku/Ðiếu Ngư đảo. Quần đảo này gồm 5 hoang đảo và 3 mỏm đá, diện tích tổng cộng khoảng 7 km2 và tất cả đều không có dân cư.

Senkaku ở Ðông Hải, phía đông bắc Ðài Loan và cách Okinawa khoảng 120 hải lý về phía tây nam. Nhật Bản tìm thấy quần đảo và sát nhập vào lãnh thổ của họ với tính cách là “đất bỏ trống” (terra nullius) năm 1895. Vào thời gian ấy, Nhật Bản vừa thắng trận chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895 và Trung Quốc phải ký hòa ước Shimonoseki nhường cho Nhật Bản đảo Ðài Loan và quần đảo Bành Hồ.

Việc sát nhập Senkaku là một hành động biệt lập, không nằm trong nội dung của hòa ước Shimonoseki và Trung Quốc không bày tỏ một phản ứng gì. Kể từ đó trải qua suốt triều đại nhà Thanh, chế độ Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc cũng như chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, không có sự tranh chấp nào với Nhật về chủ quyền quần đảo này. Năm 1952 Nhật Bản mới công khai hóa sự hiện hữu của quần đảo Senkaku mà họ sát nhập năm 1895. Lúc đó Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau Thế Chiến II nên vẫn quản trị Senkaku như phần đất thuộc Okinawa cho tới 1972 mới trả lại chủ quyền Nhật Bản.

Tháng 5 năm 1970 khi Nhật Bản và Ðài Loan bắt đầu thảo luận hợp tác với Ðài Loan để khai thác dầu khí ở vùng biển này, cuối năm 1971 Trung Quốc mới chính thức lên tiếng đòi hỏi chủ quyền Ðiếu Ngư đảo mà họ viện dẫn lịch sử để nói là đã thuộc về mình từ đời nhà Minh thế kỷ 16. Một số va chạm nhỏ đã xảy ra giữa các tàu nhỏ của Trung Quốc cũng như Ðài Loan ở quần đảo những năm sau đó.

Ðến nay tranh chấp biển giữa Trung Quốc với các nước lân cận trở nên một đe dọa tiềm tàng cho nền hòa bình Ðông và Ðông Nam Á. Mặc dầu khó có khả năng xảy ra một trận chiến tranh lớn nhưng những xung đột trong phạm vi khu vực là điều mà tất cả các quốc gia đều lo ngại. Sư gia tăng chi phí quốc phòng và sự phát triển lực lượng Hải Không Quân của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản cũng như Nam Hàn tìm cách tăng cường lực lượng quân sự của họ.

Sau khi Trung Quốc loan báo phát triển loại máy bay tàng hình J-20, Nhật Bản và Nam Hàn cũng đã tiến hành những kế hoạch đối phó. Theo lời Trung Tướng Hideyuki Yoshioka nói với thông tấn xã AP, Nhật Bản đang chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, loại máy bay tàng hình Mitsubishi ATD-X Shinshin và chiếc đầu tiên có thể bay thử trong vòng 3 năm tới.

Nam Hàn chưa có dự án phát triển máy bay tàng hình nhưng đang xúc tiến kế hoạch $11 tỷ mua máy bay của Hoa Kỳ. Nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Nam Hàn cho biết còn đang cân nhắc giữa hai phương án, hoặc là mua F-15 Silent Eagle, loại cải tiến do Boeing chế tạo có khả năng “bán tàng hình,” hoặc là mua F-35A Lightning II kiểu mới nhất của Hoa Kỳ. Có lẽ Nam Hàn thiên về phương án thứ nhất vì lý do F-35A do Lookheed Martin sản xuất quá đắt.
Quốc Hội Hoa Kỳ cấm bán loại máy bay F-22 Raptor mà Không Quân đang sử dụng cho nước ngoài, dù là đồng minh thân cận nhất. (HC)

——————————
.
.
.

No comments: