Friday, March 11, 2011

NGA CẦN CHO MỸ CHỈ NHƯ "BIA THỊT" TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG TRUNG QUỐC (Lev Ivanov)

Lev Ivanov
Thứ sáu, 11 Tháng 3 2011 15:33

Sứ mệnh tối hậu của Nga: chết cho Mỹ

Cách đây chưa lâu, nhà chính trị học Mỹ nổi tiếng tên là Edward Lyuttvak, người rất thân cận với các thành viên đảng Cộng hoà của Mỹ, đã trình trình bày ở Moskva một bài giảng. Nhân danh là chuyên gia, Lyuttvak lớn tiếng tuyên bố, rằng sắp tới giới cầm quyền chính thức ở Mỹ sẽ không còn thích nói một cách ngoại giao: “Chính sách Lớn giờ đây đã đảo ngược. Các yếu nhân của chính sách ấy không còn là Mỹ và Nga, mà là Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, lập trường của Nga sẽ phải khác đi so với lập trường và chiến lược của họ trong thời chiến tranh lạnh.  Theo đà phát triển của xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ (mà xung đột ấy tất yếu sẽ xẩy ra, chí ít là vì những lý do kinh tế: Trung Quốc sẽ tăng trưởng, mà Mỹ thì không thể nhường vị trí hàng đầu cho Trung Quốc một cách dễ dàng), cả hai phía đều có ý đồ cân nhắc lại các đồng minh của mình. Một số nước đã tự phân chia trong nội bộ. Ví như Trung Quốc thì có Pakistan, còn Mỹ lại có Ấn Độ, và ở chuyện này, Mỹ lợi hơn Trung Quốc. Trung Quốc có Bắc triều Tiên, Mỹ lại có Nam Hàn. Mỹ có Nhật Bản, còn Trung Quốc có ý đồ thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực. Chắc chắn sẽ diễn ra một cuộc chiến lớn để giành giật nước Nga. Và khi ấy, Moskva phải rời bỏ cái hiện thực mà hiện nay họ đang kỳ vọng để trở về với hiện thực đích thực. Nga cần rũ bỏ thái độ tiêu cựu vô bổ trong quan hệ với Mỹ. Thái độ ấy không phù hợp với lợi ích của bản thân nước Nga. Lịch sử chưa kết thúc. Nhưng cái giai đoạn nghỉ hơi, ngủ vùi đánh dấu sự trầm lắng trong chính sách đối ngoại ở những năm gần đây thì đã kết thúc. Sắp tới sẽ có những thay đổi lớn, và nước Nga phải chuẩn bị đối mặt với nó”.

Thế tức là nhà chính trị học người Mỹ đã tiên đoán số phận của Nga phải trở thành đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Chẳng những thế, theo ông ấy, việc Nga rốt cuộc thế nào rồi cũng trở thành một đồng minh như vậy là điều hiển nhiên, không còn gì phải nghi ngờ nữa. Một điều nữa cũng thú vị, là chính “Câu lạc bộ thủ cựu” - cánh cực tả của đảng “Nước Nga thống nhất”[1] đã mời mọc, tháp tùng Lyuttvak đến Moskva.  Trên phụ trương của tờ  “Báo độc lập”, những nhân vật nắm trọng trách cao nhất của cánh này là Mezuev và Remezov đã không dấu giếm sự thán phục dành cho nhà chính trị học người Mỹ này. Tức là, giới cầm quyền của nước Nga có vẻ như ra mặt tán thưởng cái vị thế mà họ được đặt vào đấy trong một ván bài địa chính trị cực lớn.

Liệu Nga có vì lợi ích của Mỹ mà chiến đấu chống lại Trung Quốc hay không? Tạm thời, nhà chính trị học người Mỹ chưa muốn trả lời câu hỏi ấy. Nhưng Lyuttvak nói toạc ra rằng, bây giờ trên thế giới có những phương pháp tác động tới đối thủ tiềm năng hữu hiệu hơn, ấy là những trò chơi ngoại giao phức tạp. Chẳng những thế,  Lyuttvak còn tỏ ý thán phục chính sách ngoại giao của Hy Lạp ở cái thời rất xa chúng ta và kêu gọi giới cầm quyền Mỹ sử dụng các phương pháp của “La Mã Đệ Nhị”. Ông ta đã dẫn ra Afghanistan để làm ví dụ. Theo quan điểm của ông, nếu cuộc chiến chống lại nước này giá không phải do Mỹ, mà do các nước láng giềng khác của Afghanistan , ví như Uzbekistan, tiến hành, thì sẽ hay hơn, đúng hơn.

 Hãy chia rẽ, đầu độc và thống trị

Một trong những kế sách của trò chơi ngoại giao được vay mượn từ Hy Lạp xa xưa là đầu độc “những bộ lạc, thị tộc xung quanh nước đại bá”. Chính sách lược này đã giúp đế chế Hy Lạp chống lại những kẻ thù rất lớn, như quân Ba Tư,  Thổ Nhĩ Kỳ, Arap, Polovtses và quân Tarta - Mông Cổ. Rõ ràng, qua sự phân tích của Lyuttvak, người đang tán thưởng kinh nghiệm của Hy Lạp, chúng ta sẽ phải hiểu, là thì cần tạo ra một khu vực bất ổn thường xuyên xung quanh Trung Quốc.

Phía Tây Trung Quốc đã có một khu vực bất ổn như thế, và rõ ràng khu vực này từng tồn tại từ rất lâu, ấy là vùng Tân Cương, nơi cư trú của những người Hồi giáo, cũng như nước Afghanistan du mục và vùng Trung Á với những xung đột sắc lộc lúc nào cũng sẵn sàng tách ra (trước hết là vùng thung lũng Ferghana). Những cú chích như kim đâm của các “bộ tộc bán khai” kia thoạt nhìn hình như cũng có một ý nghĩa nào đó đối với Trung Quốc chăng?  Xin chớ quên,  Trung Quốc  “ngồi” rất vững trên khối hơi đốt khổng lồ của Turkmenistan (đường ống từ Turkmenistan mới lắp đặt gần đây, hàng năm đã vận chuyển được tới 30 tỉ mét khối), và khu Tân Cương đang là một trong số những “bể dầu lửa” chính yếu của Trung Quốc. Cụ thể, nguồn dự trữ dầu mỏ ở khu vực tự trị này là 21 tỉ tấn (chiếm 30% nguồn dự trữ của Trung Quốc), khí đốt 1,1 nghìn tỉ mét khối (34% nguồn dự trữ của cả nước). Hàng năm có thể khai thác ở Tân Cương 10 triệu tấn dầu mỏ và 22 tỉ mét khối khí đốt. Hãy hình dung xem, chuyện gì sẽ xẩy ra với Trung Quốc nếu vì một cuộc “cách mạng cam” hay một cuộc chiến tranh khủng bố kéo dài mà nguồn năng lượng khai thác được ấy bị mất đi.

Hai tử huyệt của Trung Quốc

Có thể nói, năng lượng và thực phẩm là hai tử huyệt của Trung Quốc. Hiện nay, hàng năm Trung Quốc khai thác được trên toàn lãnh thổ của mình 185 - 200 triệu tấn dầu lửa, cộng với gần 170 - 180 triệu tấn nhập khẩu. Theo khối lượng nhập khẩu thực phẩm, Trung Quốc là nước đứng hàng thứ 4 trên thế giới, mà mức độ nhập khẩu đồ ăn thì không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Chẳng hạn, theo dự toán, đến năm 2015, Trung Quốc hàng năm sẽ phải mua của Mỹ 25 triệu tấn ngô, hiện nay nhập khẩu đậu tương chỉ 4 đến 5 triệu tấn, nhưng 5 năm nữa, họ phải nhập vào khoảng 12 đến 15 triệu tấn. Trong tình hình phức tạp chung, hiện nay, Trung Quốc phải nhập từ nước ngoài 20% thực phẩm, đến năm 2015, con số ấy sẽ tăng lên 30%.
Mọi thứ nhiên liệu còn lại, như quặng sắt, kim loại màu, gỗ, phân bón v.v…, Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nhập khẩu như vậy. Nếu việc nhập khẩu nhiên liệu bị đình đốn, thời gian mà Trung Quốc có thể trụ vững chỉ tính được bằng tháng, sau đó sẽ là các cuộc nổi loạn của những kẻ đói khát, công nghiệp ngừng hoạt động và vì khủng hoảng năng lượng , cả nước chỉ còn lại là đêm tối theo nghĩa đen của nó.
Tình thế trở nên trầm trọng, vì giao thông của Trung Quốc rất yếu, nó phải vận hành trong một giải tương đối chật hẹp qua vùng biển Đông Nam Á: dầu lửa từ vùng Cận Đông qua eo biển Malacca rất hẹp, thực phẩm và quặng sắt thì qua quần đảoIndonesia. Hạm đội của Mỹ, hiện đang mạnh hơn hàng chục lần (nếu không nói là hàng trăm lần) so với hạm đội của Trung Quốc, có thể chặn đứng những huyết mạch giao thông ấy, và như thế, khiến cho tình huống ở Trung Quốc trở nên đặc biệt trầm trọng. Nga chính là vùng lãnh thổ duy nhất mà hiện thời Mỹ chưa thể tạo ra “khu vực bất ổn” bên cạnh Trung Quốc và là nơi mà Mỹ không thể kiểm soát dòng nhiên liệu đổ vào đất nước này.

Nga - kho nhiên liệu “bình ổn” cuối cùng của Trung Quốc

Phân bón, gỗ, kim loại từ nước Nga đang đổ vào Trung Quốc. Nhưng “trái nho” ngọt nhất trong số hàng hoá giao thương giữa Nga với Trung Quốc là dầu lửa. Vào năm 2010, theo tuyến VSTO (tiếng Nga: “ВСТО” chữ viết tắt, chỉ hệ thống đường ống dẫn dầu từ Đông Xibiri qua Thái Bình Dương của Nga.- ND), Nga đã đưa lô dầu đầu tiên qua Trung Quốc, hiện thời mới chỉ hơn 1 triệu tấn. Nhưng theo kế hoạch của VSTO thì, 10 năm tiếp theo, lượng dầu chuyển tới Trung Quốc sẽ tăng lên 15 – 20 triệu tấn. Và nếu tính sau này, đường vận chuyển có thể đi qua Kazastan, thì đến năm 2030, tổng sản lượng xăng dầu Nga xuất khẩu qua Trung Quốc hàng năm sẽ là: 90 triệu tấn dầu và 11 đến 12 triệu tấn sản phẩm chế từ dầu mỏ, tức là, theo hạn ngạch hiện nay, nó sẽ chiếm 50% số dầu Trung Quốc phải nhập khẩu (về cơ bản , hiện nay dầu nhập vào Trung Quốc phải đi qua Vịnh Ba Tư). Nếu mọi sự diễn ra đúng như vậy, thì Trung Quốc sẽ đa dạng hoá việc nhập khẩu nhiên liệu và giảm bớt đáng kể việc vận chuyển theo đường biển.
Mở đầu bài viết chúng tôi đã nhắc tới việc nhà chính trị học Mỹ kêu gọi giới lãnh đạo Nga hãy nhanh chóng trở thành đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Và một số chuyên gia đã hoài nghi về những tuyên bố chính thức, cho rằng nguyên nhân xung đột hiện nay giữa Nga và Nhật là tranh chấp lãnh thổ ở phía Bắc. Rõ ràng, từ phía đông - bắc, mối căng thẳng tiềm ẩn này - có thể phát triển thành những hành động quân sự mang tính cục bộ - đang kéo cả phía nam vào một giải dưới dạng một cuộc chiến tranh còn tiềm ẩn - giữa Nam Hàn và Bắc Hàn. Tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật tăng lên cùng với cuộc đàm phán của Bộ Quốc phòng Nga về việc chuyển giao cho Hạm đội Thái Bình Dương hai tàu  “Mistral” của Pháp  (chứa đầy SAM - 400 đến quần đảo Kuriles).  Hiệp ước trên nguyên tắc về việc này, cuối cùng, đã được Igo Sechin ký ở Pháp, nhưng sau đó thì bắt đầu xẩy ra chuyện lộn xộn.
Nhưng không sao, mặc kệ những vụ đụng độ của tàu chiến trên Biển Nhật Bản và chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Có điều, dầu dẫn vào Trung Quốc hiện nay vẫn cứ được lắp đặt ở trên cạn - vượt qua Đông Sibiri và miền Viễn Đông hoang vắng. Và đó chính là cái phần khác mà Lyuttvak muốn kết nối vào “Chiến lược Ba Tư” - chiến lược “hoà bình và ngoại giao”.
Ai cũng biết, vào đầu những năm 2000, nhân vật lobbyist chính cho việc vận chuyển dầu vào Trung Quốc bằng toa xi-tec theo đường sắt là Mikhail Khodorovski. Anh ta bây giờ ở đâu? Trong tù! Và ai cũng biết, bây giờ ngài Phó Thủ tướng Igo Sechin đã giật lấy vai trò vận động hành lang từ tay Khodorovsi - khác nhau chỉ là ở quy mô: chuyển dầu bằng  Đường Ống. Lần này, làm thế nào để ngăn chặn những ý tưởng ấy của nước Nga. Con đường đúng nhất là phế bỏ Igo Ivanovich Sechin ra khỏi chiếc ghế quyền lực (nhân thể nói thêm, diện mạo cực kỳ tồi tệ của ông ấy, giọng điệu cay độc mà người ta dùng để nói về tính trạng bệnh tình trầm trong của Sechin, liệu có phải gắn với điều này không?). Bằng cách này hay cách khác, chắc chắn là Mỹ có ý đồ ngăn chặn Nga thực hiện các kế hoạch vận tải dầu hoả với khối lượng khổng lồ cho Trung Quốc. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nếu họ kêu gọi tách  vùng Viễn Đông và Đông Sibiri ra khỏi Nga - để những khu vực đó chuyển vào tay người giám hộ mới là Nhật, đồng minh trung thành của Mỹ.

 Giải bất ổn bao trùm toàn bộ khu vực Đông - Nam Á

Chúng tôi đã nhắc tới cái ổ bất ổn ở phía Tây Trung Quốc. Ổ bất ổn Đông - Bắc và vòng vây có thể có từ phía bắc, cũng đã nói rồi. Vậy thì ở phía nam, tây - nam và đông - nam Trung Quốc, tình hình diễn ra như thế nào? 
Trong cuốn “Dầu lửa. Hơi đốt. Hiện đại hoá xã hội” của Trường Đại học Kinh tế  mới xuất bản năm 2010, người ta đã vạch ra “những điểm mang bệnh” chạy từ Trung Quốc xuống phía nam.  Nhưng trước hết, muốn hiểu tình huống ở phía này, lại phải dẫn ra đây lời nói của  JohnMearsheimer, giáo sư ngành quan hệ quốc tế trường “Đại học Chicago”: “Nỗ lực của Trung Quốc đang dẫn tới các xung đột trong khu vực. Mỹ không có ý định giữ thái độ ngoài cuộc, chẳng phản ứng gì. Trung Quốc được tiếp nhận như một cường quốc, một đối thủ cạnh tranh chiến lược, trong quan hệ với Trung Quốc, cần phải áp dụng chính sách kìm hãm”.

Về vai trò của Ấn Độ như một đồng minh của Mỹ, nhà chính trị học Lyuttvak cũng đã nói ở trên. Nhưng, với vai trò là đồng minh của Ấn Độ trong việc ghìm chân Trung Quốc, - mà điều đó cũng có nghĩa là đồng minh của Mỹ - ngày nay cần phải kể thêm Việt Nam. Đầu năm 2000 Ấn Độ và Việt Nam đã tiến hành những bài huấn luyện hải quân chung tại biển Đông, sang năm 2001 hai nước đã ký hiệp ước về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân (đến 2015, Việt Nam có thể sẽ sở hữu quả bom hạt nhân đầu tiên của mình ).

 Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản  - đó là những kẻ thù truyền kiếp và bất cộng đái thiên của Trung Quốc. Nhưng liệu các nước này có cả gan gây xung đột công khai, trực tiếp với một nước láng giềng hùng mạnh hay không? Các tác giả cuốn “Dầu lửa. Khí đốt. Hiện đại hoá xã hội” đã dẫn ra vô khối những cuộc xung đột tiềm ẩn hoặc âm ỷ mà không tạo ra bất ổn trong khu vực và không dẫn tới chiến tranh trực tiếp giữa các quốc gia ấy.
Miến điện: Nước láng giềng ở phía nam Trung Quốc, một quốc gia suốt từ những năm 1940 đến nay chưa có lúc nào đượcc ổn định. Ba phần tư dân cư của nước này thuộc các dân tộc thiểu số, trong đó, người Karen được xem là bộ phận thiện chiến nhất. Người Karen đã lập nên một nhà nước không được thừa nhận ở phía nam Miến Điện. Phía bắc Miến Điện, sát đường biên giới với Trung Quốc, còn hai quốc gia không được thừa nhận của hai bộ tộc Shan và Kachin. Hiện nay, giữa chính phủ trung ương của Miến Điện và ba quốc gia không được thừa nhận trên lãnh thổ của nó vẫn duy trì được quan điểm trung lập. Nhưng chẳng ai nghi ngờ rằng, chỉ cần một sự “lạc nhịp” mạnh bạo nào đó trong việc tranh giành biên giới, chiến tranh ở Miến Điện sẽ bùng nổ vào bất cứ thời điểm nào. Tình hình còn phức tạp hơn, bởi ở nước láng giềng Trung Quốc, có tới mấy triệu dân cư trú, đại diện cho các bộ tộc đã xây dựng ba nhà nước nói trên.  Và không thể loại trừ khả năng, xung đột vũ trang sẽ lan sang các vùng rừng núi của Trung Quốc.
Thái Lan - eo biển Malacca, nơi mà 70% hàng nhập khẩu của trung Quốc phải đi qua.: Nước này có một trung tâm căng thẳng cực lớn, chiếm hẳn một phần phía nam, ấy là tỉnh Pattani. Cư dân ở đây chủ yếu là tín đồ Hồi giáo. Phải đến những năm 1970, chiến tranh du kích ở khu vực này mới chấm dứt. Những chiến dịch trấn áp của chính quyền diễn ra ở Pattani vào giữa những năm 1980. Nhưng đến 2004, tại tỉnh này lại nổi lên một nhóm du kích quân cực mạnh – “Phong trào Hồi giáo Mujahideen tỉnh Pattani”. Cần lưu ý, tỉnh này nằm ngay ở cửa ngõ của eo Malacca.

Indonesia: Các nhà chính trị học thường gọi nước này là một “kết cấu nhân tạo”. Người ta tính được ở nước này có tới 17 nghìn hòn đảo, hàng chục bộ tộc cư trú, nhưng chính quyền thì bao giờ cũng do “tộc người Java” nắm giữ. Tỉnh Aceh được xem là vùng xung đột dữ dội nhất. Từ cuối những năm 1970, nhóm du kích cấp tiến “Phong trào giải phóng Aceh” hoạt động rất tích cực. Khẩu hiệu cơ bản của họ giống như khẩu hiệu của những phần tử ly khai ở các nước sản xuất nhiên liệu: “Chính quyền Trung ương chỉ để lại cho chúng ta 5% lợi nhuận dầu hoả và khí đốt. Chúng ta yêu cầu tỉ lệ ngược lại: 95% cho tỉnh, 5% cho Trung ương”. Trong vòng hai chục năm gần đây, đã có tới 15 nghìn người thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh cục bộ. Cuối cùng, năm 2006, chính quyền Trung ương phải nhượng bộ, hiện nay, họ buộc phải giành cho Aceh 70% lợi nhuận dầu hoả và khí đốt, và hợp pháp hoá “Phong trào” (và ngay lập tức lại, chính quyền trung ương lại giành chiến thắng trong các bầu cử ở địa phương). Nhưng bộ phận du kích cấp tiến vẫn tiếp tục yêu cầu phải dành cho họ 95% lợi tức hoặc phải được độc lập hoàn toàn.
Vùng thứ hai thường xuyên có vấn đề của Indonesia là TâyPapua (con đường huyết mạch chuyển quặng và thực phẩm từ Australia về Trung Quốc phải đi qua vùng biển của hòn đảo này). Ở đây, cuộc đấu tranh du kích đang diễn ra dưới hình thức của một cuộc đấu tranh đòi lợi nhuận nhiên liệu - tại tỉnh này có những khu mỏ khai thác vàng khổng lồ, và “trung tâm liên bang” cũng giành về phần mình 95% lợi nhuận từ việc khai thác vàng. Năm 2006, chính phủ cũng tăng quyền tự trị tương đối rộng rãi cho Tây Papua, nhưng du kích quân địa phương không muốn dừng lại ở đấy và yêu cầu độc lập hoàn toàn.

Đông Timor là tỉnh rất lớn của Indonesia đã giành được quyền độc lập sớm nhất. Không loại trừ khả năng, thông qua hoạt động táo bạo từ phía bên ngoài, cuộc “cách mạng cam” ở Indonesia sẽ thu được thắng lợi ở hàng loạt khu vực chủ quyền - có thể sẽ có 15 đến 20 quốc gia mới được thành lập, đồng thời, cuộc đấu vũ trang của các phần tử ly khai sẽ làm tê liệt hoàn toàn hoạt động vận tải đường biển ở vùng này.

Malaysia. Từ những năm 1950, ở đây đã tồn tại xung đột âm ỷ giữa chính quyền trung ương và những người mác xít - du kích quân . Từ những năm 1980, phe đối lập mới của chế độ lại là cánh Hồi giáo. Ở nước này còn thường xuyên xẩy ra xung đột sắc tộc gay gắt giữa người Malaysia và Hoa kiều - Hoa kiều chỉ chiếm 23% dân số, nhưng họ lại chiếm giữ tới 75% doanh lợi tư nhân trên toàn quốc.

Philippin.  ẢRập Saudi đã trợ cấp tài chính cho du kích quân (số lượng chiến đấu quân thường xuyên có tới 12 – 15 nghìn người).. Cuộc đấu tranh du kích giữa các tín đồ Hồi giáo và chính quyền trung ương đã diễn ra hàng chục năm nay tại tỉnh Mindanao ở miền Nam nước này. Trong cuộc đấu tranh ấy, đã có hàng chục nghìn người thiệt mạng. Chính quyền Philippin tin rằng,
Trên lãnh địa bán đảo này còn có những tổ chức cánh tả đang hoạt động. Đó là là đảng cộng sản Mao-ít Philippin và đảng công nhân Cách mạng Troskit Mindanao. Cả hai tổ chức này đều có lực lượng vũ trang, chẳng những thế, cả cánh Mao - ít, lẫn cánh Troskit trong những năm gần đây đều chuyển hoạt động du kích lên vùng lãnh thổ phía bắc, vùng đất cư trú của các tín đồ Kitô giáo.

Theo lời đồn đoán của giới thạo tin, các gia tộc cầm quyển ở Vịnh Ba Tư (trước hết là của Vịnh Ba Tư) đang mong muốn biến “Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapua, nam Philippin, Thái Lan và Miến Điện” thành một “Tân Vương quốc Hồi giáo Á châu”. “Cựu Vương quốc ” sẽ thâu tóm về phía mình lãnh thổ của Bắc Phi, vịnh Ba Tư và Trung Á.  Kết cục là, Trung Quốc sẽ mắc kẹt trong gọng kìm của hai “Vương quốc” - từ phía tây và phía đông - nam.
Cuộc “cách mạng” bất thường ở các nước vùng Bắc Phi đã chỉ ra, chính quyền ở những nước ấy rất dễ bị lật đổ, bị lật đỏ rất nhanh và có thể đưa những lực lượng “ngoài hệ thống” lên ngai vàng. Như ở đầu bài viết, Lyuttvak, nhà chính trị học cánh tả người Mỹ, đã nhắc nhở, rằng giấc ngủ mê mệt đã chấm dứt, thời đại của Chính sách Lớn đang bắt đầu. Dĩ nhiên, chúng ta rất quan tâm, muốn biết, liệu nước Nga có trở thành con tốt thí trong ván bài Lớn - Mỹ chống Trung Quốc  này hay không?  Mà có vẻ như đã có người lựa chọn hộ chúng ta rồi: chắc là sẽ đứng về phía làm cái “bia thịt”.

Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: Tạp chí:  “Ngôn luận tự do”,Ngày 28 tháng Giêng 2011.


[1] Tiếng Nga “Единая Россия”, tên gọi đảng chính trị toàn Nga, thành lập ngày 1/12/2001, hiện do Thủ tướng V.Putin làm Chủ tịch.- ND.
.
.
.

No comments: