Friday, March 11, 2011

CHIẾN LƯỢC ĐẠI HẢI QUÂN và VÙNG BIỂN HÒA BÌNH (TS Nguyễn Ngọc Trường)

Từ vụ đụng độ tàu Trung Quốc và Philippines
TS Nguyễn Ngọc Trường
Ngày 11.03.2011, 07:33 (GMT+7)

SGTT.VN - Vụ đụng độ mới đây giữa hai tàu tuần tra của Trung Quốc và một tàu khảo sát dầu khí của Philippines tại khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong) do Philippines tuyên bố chủ quyền là một phần của bức tranh toàn cảnh chính trị an ninh Đông Á. Giới quan sát đang theo dõi kỹ việc triển khai chiến lược đại hải quân của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến viễn cảnh Biển Đông, vùng biển hoà bình và hợp tác, mà Trung Quốc đưa ra.

Khi bị tàu Trung Quốc đe doạ, tàu nghiên cứu thuộc bộ Năng lượng Philippines đã yêu cầu lực lượng vũ trang và lực lượng tuần duyên của nước này hỗ trợ. Xung đột đã có thể nổ ra nếu tàu Trung Quốc đâm chìm tàu nghiên cứu Philippines như họ đe doạ. Hai tàu này đã rút lui khi hai máy bay trinh sát quân sự Philippines tới Reed Bank. Liên hệ với giá dầu lửa leo thang do biến động Bắc Phi – Trung Đông, sự cố này quả là có mùi dầu.

Trong sáu tháng đầu năm 2010, công ty Forum Energy (Anh) tiến hành nghiên cứu địa chấn ba chiều ở khu vực xung quanh mỏ khí đốt Sampaguita và địa chấn hai chiều tại những nơi khác trong khu vực Reed Bank. Kết quả cho thấy trữ lượng tiềm năng trong khu vực SC72 là 96 tỉ m3 khí đốt tự nhiên và 440 triệu thùng dầu thô. Philippines đã cấp phép cho công ty Forum tiếp tục việc thăm dò.

Gia tăng các vụ cọ xát trên biển
Về phía Trung Quốc, theo mạng Đa chiều (Hong Kong) ngày 8.3, gần đây Bắc Kinh gia tăng không bình thường các vụ cọ xát trên biển với các nước láng giềng.
Ngày 17.2.2011, Việt Nam cực lực phản đối việc Trung Quốc tiến hành diễn tập phòng ngự tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 2.3, Việt Nam lại phản đối cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ngày 24.2 ở Trường Sa.
Ngoài vụ “nhũng nhiễu” đối với tàu nghiên cứu của Philippines nêu trên, ngày 3.3, tàu đánh cá của Trung Quốc lại tiến vào vùng biển của Hàn Quốc, dẫn tới sự kiện lần đầu tiên lực lượng cảnh giới biển của Hàn Quốc nổ súng vào ngư dân Trung Quốc.
Ngày 9.3, tàu Ngư Chính của Trung Quốc tiến sát quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) – là lần thứ tám từ khi xảy ra vụ va chạm trên biển Hoa Đông tháng 9.2010, và là lần thứ ba từ ngày 5.3. Trước đó ít lâu, một máy bay trinh sát và một máy bay do thám của hải quân Trung Quốc tiếp cận không phận đảo Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải điều hai máy bay chiến đấu F-15 lên cảnh giới.

Chiến lược đại hải quân
Nguyên nhân sâu xa là Trung Quốc tiếp tục chính sách thực lực đòi hỏi chủ quyền biển đảo và triển khai chiến lược “đại hải quân”. Từ mấy năm qua, lực lượng tàu ngư chính Trung Quốc đã được bổ sung số lượng và chất lượng hùng hậu để thực hiện tuần tra dài ngày từ biển Hoa Đông tới Biển Đông. Hải quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quy mô chưa từng có, gắn với các tình huống chiến đấu thực tế, phòng vệ duyên hải, huy động nhanh, linh hoạt trong chỉ huy, nhằm kiểm soát các vùng biển kế cận và triển khai hải quân tầm xa. Căn cứ Tam Á (Hải Nam) tiếp tục nâng cấp thành cứ điểm hải quân trọng yếu phục vụ ý đồ tiến ra biển lớn Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Các tên lửa diệt hạm và tàu ngầm tấn công đã đặt các lực lượng vũ trang Mỹ ở Đông Á trước thách thức thực tế.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay tăng 12,7% thể hiện quyết tâm cao của Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hoá năng lực quân sự của họ, phục vụ cuộc tranh chấp và mở rộng ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương. Nó cũng cho thấy ảnh hưởng vượt trội của các tướng lĩnh trong chính trị Trung Quốc. Hải quân tiếp tục được phân chia phần lớn nhất trong “chiếc bánh” ngân sách quốc phòng.

Trung Quốc bước vào thời kỳ “đại hải quân”. Mục tiêu dài hạn là đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng hải; trung hạn (2010 – 2020) là thành quốc gia hàng hải “bậc trung”. Chi phí cho các chương trình đầy tham vọng này là rất tốn kém. Nước này đang gấp rút đóng hai tàu sân bay có trọng tải khoảng 50.000 – 60.000 tấn để đưa vào sử dụng từ năm 2014 – 2015. Tháng 7 này dự kiến sẽ đưa vào sử dụng tàu sân bay mua của nước ngoài được tân trang để phục vụ huấn luyện. Hiện đại hoá hạm đội tàu ngầm cũng được chú trọng. Theo phương châm hải chiến cổ điển, muốn đánh chìm một chiến hạm thì đơn giản là tạo ra một lỗ thủng dưới đáy tàu. Đó là việc của tàu ngầm trang bị ngư lôi. Vì vậy, các nước Đông Á khác theo gương Trung Quốc hiện đại hoá tàu ngầm. Lầu Năm Góc ước tính, hải quân Trung Quốc có ít nhất 60 tàu ngầm; 12 tàu lớp Kilo mua của Nga đa phần đã cũ, chỉ phục vụ huấn luyện. Đóng các tàu ngầm ít tiếng động là một thách thức công nghệ không dễ vượt qua và cần nhiều tiền. Mỹ vẫn duy trì ưu thế công nghệ trong các lĩnh vực quân sự. Việc tăng đột biến ngân sách quốc phòng trong năm nay phản ánh sự khẩn trương của Trung Quốc, nhằm rút ngắn khoảng cách công nghệ kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Nga.

Từ năm 2010, Mỹ điều chỉnh trọng tâm chiến lược quân sự toàn cầu. Nhưng hiện phải đối phó với biến loạn Trung Đông, chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ có thể bị phân tâm. Vụ va chạm ngày 2.3 giữa tàu Trung Quốc và Philippines tại Reed Bank thử thách cam kết của Mỹ, do tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Robert Willard đưa ra tại Manila ngày 22.2, là tiếp tục hỗ trợ Philippines “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, nhất là hỗ trợ việc tuần tra tại Biển Đông”.

Ngày 8.3, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Aquino đang thăm Indonesia, Tổng thống Susilo Yudhoyono, cho biết, với tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN, Indonesia có thể đưa những vấn đề địa chính trị gay cấn, như quần đảo Trường Sa ra trước hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á. Tổng thống Aquino nhấn mạnh “sẽ không có chỗ cho một hành động đơn phương tại vùng đặc biệt này”.

Về phía Trung Quốc, thái độ của họ đối với cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử mới về Biển Đông sẽ là phép thử đối với tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra tại hội nghị cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 13 tại Hà Nội, rằng Trung Quốc muốn Biển Đông “thành vùng biển hoà bình và hợp tác”.

TS Nguyễn Ngọc Trường

Đọc thêm:
.
.
.

No comments: