Friday, March 11, 2011

LÒNG YÊU NƯỚC THỰC SỰ LÀ GÌ ? (Xing Pei)

Tác giả: Xing Pei
Dịch giả:
Khưu Bình

Vào ngày 9/4, trong một vụ chạm trán giữa hai nhóm về vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng tại Trường Ðại học Duke, North Carolina, cô sinh viên du học người Trung Hoa tên Grace Wang đã cố gắng giảng hòa cho hai bên. Một bên ủng hộ phong trào “Free Tibet” và bên kia, đa số là các du học sinh Trung Hoa, chống đối sự can thiệp và chỉ trích của quốc tế về vụ thảm sát tại Tây Tạng. Hành động của cô Wang đã biến cô ta thành một mục tiêu cho các đồng hương của cô chửi bới lăng mạ.

Ðề cập về việc đã xảy ra và những tấn công liên tục trên mạng Internet, cô Wang đã phát biểu qua một cuộc phỏng vấn với chúng tôi vào ngày 19/4. “Lòng yêu nước không phải là tình cảm dành cho một đảng phái hay một chính phủ. Lòng yêu nước thật sự là mong muốn đất nước được tiến bộ. Những người yêu nước thật sự là những người dám đưa ra một cuộc thảo luận trung thực vốn rất chướng tai người nghe”.

“Có rất nhiều vấn đề tại Trung Hoa, và cội rễ của tất cả những vấn đề này là hệ thống chính trị hiện thời. Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) xúi giục chủ nghĩa dân tộc tức là họ đang đóng quan tài cho chính họ”.

Lòng yêu nước thực sự là gì?

Cô Wang cho rằng nhóm du học sinh Trung Hoa tại Trường Ðại học Duke chống đối các hoạt động tranh đấu nhân quyền cho Tây Tạng thì không phải là một hành động yêu nước, nhưng là một hành động có hại cho Trung Hoa. Họ chỉ làm một điều vô đạo đức để thoả mãn cho chính họ.

Và cái gì mới là lòng yêu nước thực sự thì cô nói, “Những gì thật sự có thể làm cho đất nước tiến bộ không phải là những tiếng nói đồng ý, nhưng là những tiếng nói phê bình. Những gì thật sự có thể làm cho đất nước được hùng mạnh không phải là bịt miệng quần chúng nhưng cho phép mọi người được bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau”.

Cô nói, “Ngày hôm nay trong một xã hội bình thường, thì có nhiều đảng phái đối lập nhau, nhiều tiếng nói trái ngược nhau, và giới truyền thông báo chí gánh vác chức năng điều chỉnh những vấn đề bất bình thường trong xã hội. Phê bình là một hình thức thông thường được dùng bởi giới truyền thông báo chí. Nhưng tại Trung Hoa, giới truyền thông báo chí trên căn bản chỉ là một công cụ cho ÐCSTQ để tấn công thành phần đối lập, và là một công cụ cho sự lừa dối. Không có nhiều tin tức hữu ích trên Ðài Truyền hình Trung ương để cho chúng tôi theo dõi, có rất ít những lời nói thật. Nói láo là một nhiệm vụ của Ðài Truyền hình Trung ương".

Phân biệt nước Trung Hoa và Ðảng Cộng sản

Khi được hỏi cái gì là khía cạnh lớn nhất của “văn hóa đảng” cộng sản đang áp đặt trên người dân, cô Wang nói rằng, “Khả năng không phân biệt được nước Trung Hoa và ÐCSTQ là một phần quan trọng”.

"Tất cả mọi điều do ÐCSTQ nói ra đều cột chặt 4 khái niệm này với nhau — đảng, tổ quốc, nhà nước và nhân dân. Cô nói, “cột chặt các khái niệm này với nhau là một trò chơi tâm lý. ÐCSTQ đã luôn luôn nhồi nhét trạng thái tâm lý này đầu óc quần chúng”.

Xúi giục chủ nghĩa dân tộc tức là “họ đang đóng quan tài cho họ”

Ðề cập về sự căm thù đối với đài CNN do ÐCSTQ xúi giục và các luận điệu chống Tây phương, cô Wang chia sẻ, “Việc này rất là dại dột. Nguồn gốc những bức xúc của người Trung Hoa là từ ÐCSTQ. Ðảng không có khả năng giải quyết những khó khăn của chính họ, cho nên họ cố tránh né vấn đề bằng cách chuyển trọng tâm sang nơi khác”.

Cô nói, “Một mặt, ÐCSTQ xúc phạm đến xã hội Tây phương, mặt khác họ xúc phạm đến nhân dân Trung Hoa. Khi họ dùng quần chúng nhân dân như một công cụ để xúi giục khích động, thì họ đã khinh thường sức mạnh quần chúng. Tất cả các công cụ vững chắc là một con dao hai lưỡi, khi dùng để tấn công kẻ khác cũng đều có thể mang đến những kết quả ngược lại”.

Cô Wang cho biết, “Mặc dù một bộ phận trong quần chúng Trung Hoa có thể mang xu hướng chủ nghĩa dân tộc trong một thời gian nhất định nào đó, nhưng họ không hoàn toàn mù quáng. Sự phẫn nộ của họ có thể quay sang ÐCSTQ vào vài tháng sau đó, hoặc bất thình lình”.

“Một số người tham gia vào phong trào (chủ nghĩa dân tộc) như là một lối thoát để trút bớt sự giận dữ của họ. Tôi nghĩ rằng cái lối để trút bỏ phẫn nộ này là bình thường. Nhưng sau một lúc nào đó, một sự kiện mới sẽ xuất hiện, và người ta sẽ thử xem loại đề tài nào thì họ có thể nói về nó, loại quyền lợi nào thì họ có thể tranh đấu để đạt được, người ta sẽ liên tục thúc đẩy sự giới hạn; sức mạnh quần chúng sẽ trở nên hợp nhất, rồi thay đổi lớn sẽ xảy ra. Ðà đi tới đang được hình thành”.

Hệ thống chính trị là gốc rễ của tất cả mọi vấn đề tại Trung Hoa

Cô Wang bày tỏ thêm, “Có rất nhiều vấn đề tại Trung Hoa, nguyên nhân là do hệ thống chính trị. Chính sách kiểm duyệt là một thí dụ. ÐCSTQ cho rằng kiểm duyệt các ý kiến sẽ làm cho chế độ vững chắc hơn. Thật là khiếp đảm khi ÐCSTQ đặt sự ổn định quyền lực của họ là điều cực kỳ quan trọng, đây thật sự không phải là một cách chắc chắn nhất để duy trì quyền lực”.

ÐCSTQ đã dùng mức tăng trưởng kinh tế để che đậy nhiều vấn đề xã hội ở trong nước. Về điều này, cô Wang nói, “Nếu một người không có cái nhìn xa, họ sẽ có khả năng gặp nhiều khó khăn trong tương lai sắp đến. Cái quyền lợi kinh tế nhỏ nhoi trong lúc này thì khó mà đầy đủ. Thật vậy, tình hình kinh tế hiện thời tại Trung Hoa không được tốt lắm, không ổn định. Chính trị và nhiều nhân tố khác tất cả đều ảnh hưởng đến nền kinh tế".

"Nhiều khó khăn kinh tế khác nhau đã xuất hiện trong lục địa Trung Hoa, chẳng hạn như giá cả nhu yếu phẩm đang tăng vọt, sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán, thị trường địa ốc sôi sục, thiếu hụt tài nguyên, và sự rút lui của nguồn vốn nước ngoài …vv …”

Cô Wang nói, “Trong kinh tế học, kỳ vọng là một khái niệm rất quan trọng. Nếu bạn có một kỳ vọng lành mạnh, một kỳ vọng hướng về phía trước, thì đó là một con đường tốt để đi tới. Những kỳ vọng thường do nhà nước định đoạt. Nếu một hệ thống nhà nước không tốt và các quy tắc đang rơi rớt ở đằng sau, thì người ta sẽ thận trọng khi muốn đầu tư; vì vốn liếng tích luỹ được phát triển qua hàng năm trời có thể sẽ bị xóa bỏ bằng một hành động cưỡng đoạt của nhà nước hay một thay đổi nhỏ trong chính sách. Tình trạng bất ổn như thế này sẽ khuyến khích gây ra nhiều đồn đãi bất lợi trong dư luận, và sẽ có rất ít cơ hội để cho nền kinh tế được phát triển như tài sản vốn liếng thật sự của đất nước”.

Cô tiếp tục, “Ðã có những lừa dối và trì hoãn đằng sau trong chính sách kinh tế dưới chế độ của ÐCSTQ. Họ không đi theo với thời gia nhưng lại chậm chạp bám theo ở đằng sau, họ dựa vào cái nền tảng đã được xây dựng trong quá khứ. Ðể đi lên, họ cần sự tích luỹ, và họ cần có một hệ thống chính trị dựa trên lý trí để làm nền tảng. Ngược lại, họ sẽ sụp đổ một cách bất ngờ".

“Bây giờ, tất cả những hiểm nguy tiềm ẩn đã làm cạn sạch toàn bộ nền tảng thịnh vượng, trước đó, nó vẫn nhìn giống như một con lạc đà ốm yếu coi có vẻ khoẻ mạnh hơn một con ngựa. Nhưng trên thực tế, khi các khó khăn trong nước trở nên lớn hơn, thì khả năng sụp đổ sẽ trở thành to hơn”.

Chế độ sẽ tự huỷ diệt trong thế hệ của chúng ta

ÐCSTQ đang đưa chủ nghĩa dân tộc ra hải ngoại qua vấn đề Thế vận hội, với mưu mô muốn cho phương Tây thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng. Nhưng ngược lại thì cô Wang cho rằng quyền lực của ÐCSTQ đang yếu dần.

“Trong thời kỳ của cuộc cách mạng văn hóa, ÐCSTQ đã thăm dò tất cả mọi góc cạnh của xã hội để thử thách lòng trung thành của nhân dân. Trong cuộc thảm sát Thiên An Môn, ÐCSTQ rất lo sợ sức mạnh của quần chúng, khi họ tìm thấy bất cứ dấu hiệu bất an nào là họ sẽ dập tắt ngay. Nhưng bây giờ, ÐCSTQ chỉ có thể cố gắng ngăn chặn người dân sau khi họ hành động".


“Bây giờ ÐCSTQ không thể tiên đoán được rằng người dân sẽ làm gì. Do đó, mỗi khi có gì đó xảy ra thì Ðảng sẽ thay đổi chính họ để thích ứng với nhân dân. Chế độ đã đánh mất khả năng ngăn chặn người dân khi họ muốn làm bất cứ điều gì. Hễ ai mà được lòng mọi người thì sẽ điều khiển được cả thế giới. Chế độ của ÐCSTQ sẽ không còn tồn tại lâu, họ sẽ tự huỷ diệt bằng đường lối họ đang hành xử trong mọi việc”.

“Nhân dân không còn tin tưởng ở nhà nước và bây giờ nhà nước cũng chẳng tin tưởng ở người dân. Thậm chí ngay cả các viên chức nhà nước cũng không tin tưởng lẫn nhau. Mọi người ai cũng thấy mình đang gặp nguy hiểm”


“Từ khi có cuộc nổi dậy tại Tây Tạng, là có ngay một khuynh hướng gia tăng trong cộng đồng thế giới - mọi người bắt đầu lánh xa nhà nước Trung Quốc và cái lý thuyết quái đản họ áp đặt lên người dân của họ”.

Truyền thống Trung Hoa rất có giá trị

Làm thế nào mà cô Wang đã phát triển được lối suy nghĩ độc lập về các vấn đề hiện thời thì cô nói, “Tôi đã bị đánh lừa trong một thời gian rất lâu. Khi tôi còn ở trong nước, tôi không thích theo dõi chương trình tin tức vì nó tức cười quá. Tôi thích đọc và tranh luận với cha mẹ tôi về vài vấn đề. Cộng thêm vào đó, khi tôi đọc các bài báo Tây phương bằng Anh ngữ, thật sự tôi đã bị dao động. Tôi rất thất vọng về nhiều vấn đề tại Trung Hoa, quá thất vọng cho nên tôi đã nghĩ là tôi nên tìm một lối thoát”.

Cô Wang nghĩ rằng tương lai của Trung Hoa được đặt nền tảng trên một nền văn hoá có truyền thống hàng ngàn năm, với một sức sống vô cùng mạnh mẽ. Có nhiều thứ rất giá trị trong truyền thống Trung Hoa. Nếu chúng ta không thể chấp nhận nền văn hóa của chúng ta, thì chúng ta sẽ không tiến xa. Không có gì nẩy mầm mà không có rễ. “Thay vào đó, bây giờ người Tây phương hiểu nền văn hóa Trung Hoa rõ hơn [cả người Trung Hoa]”.

Cô Wang thích bộ sách Trung Dung (một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa), chuyên đặt trọng tâm vào mặt đạo đức, và thay đổi lối suy nghĩ của người Trung Hoa. Cô muốn đưa những nguyên tắc này vào thực hành.

Hy vọng sẽ làm thêm nhiều người suy nghĩ theo lý trí

Bây giờ trong khi đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng cô Wang nói rằng cô rất lên tinh thần, “Lúc này tôi cảm thấy như là tôi có thể tay trong tay làm lên lịch sử cùng với tất cả mọi người Trung Hoa. Ðiều thoải mái (mà tôi cảm thấy) là có thể tạo ra một tương lai hướng về phía trước cho Trung Hoa, có giá trị rất nhiều hơn là sống một cuộc sống tầm thường".

“Mặc dù có nhiều người lăng mạ tôi, nhưng họ không chủ tâm trong điều họ nói. Ngược lại, có thêm và thêm nhiều người đã đến để chia sẻ những suy nghĩ của họ về các vấn đề sâu xa hơn với tôi. Gặp gỡ những người bạn này là phần thưởng tốt nhất cho tôi”.

“Nhiều người cũng nghĩ giống như tôi nghĩ mặc dù họ không ra mặt để nói như vậy. Có lẽ có nhiều người đã suy đi nghĩ lại, nhưng họ không nói gì nhiều. Một khi có ai đó bắt đầu bày tỏ tư tưởng, thì sự việc không dừng ở đó”.

“Nếu họ đã không gán ghép cho tôi là ‘phản quốc’, thì có lẽ tôi đã không bao giờ nói ra những gì tôi đã thật sự suy nghĩ. Bây giờ thì tôi đã trở thành người đầu tiên nói ra, hy vọng rằng vấn đề sẽ không dừng ở đây”.

“Nếu mọi người có thể chia sẻ những tư tưởng của họ và thành thực tập trung vào các vấn đề thực tế, thì mọi người sẽ có thể nhìn ra những sự việc cho thấy thật sự họ là gì”.

"Những gì đang xảy ra bây giờ không phải là về việc tôi làm gì hay tôi có thể làm gì; mà là về vấn đề làm cho đồng bào tôi phải suy nghĩ. Ðiều này sẽ làm cho những người thật sự có tài năng, và chắc chắn có khả năng, có thể suy nghĩ kỹ càng để góp phần vào tương lai của nước Trung Hoa".

Nguồn :
http://news.epochtimes.com/gb/8/4/22/n2091332.htm
.
.
.

No comments: