Saturday, March 19, 2011

CÓ HAY KHÔNG "NGÀY TẬN THẾ" NĂM 2012 ? (Thanh Phong/Viễn Đông)

Thanh Phong/Viễn Đông (thực hiện)
Cập nhật lúc 8:55:43 PM - 16/03/2011
(tiếp theo hôm qua)

WESTMINSTER - Như Viễn Đông đã loan hôm qua, phái đoàn Hội Đồng Hương Bạc Liêu, trong đó có hai vợ chồng khoa học gia Trịnh Hữu Phước – Võ Thị Diệp, hiện đang làm việc cho cơ quan Hàng Không Không Gian Hoa Kỳ (NASA), Kỹ Sư Địa Chất Lâm Quang Hải (Hội Trưởng), cô Quách Thị Hưng (Thủ Quỹ Hội Bạc Liêu), ký giả Trọng Minh, vợ chồng soạn giả Yên Lang, và cháu Trịnh Tố Phi (ái nữ của ông bà Trịnh Hữu Phước), đã đến thăm nhật báo Viễn Đông hôm 14-3-2011. Nhân dịp này, TS. Trịnh Hữu Phước, TS. Võ Thị Diệp, và KS. Lâm Quang Hải đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn. Phần đầu đã đăng trong số báo hôm qua, sau đây là phần thứ hai trong bài phỏng vấn của chúng tôi.
                             
Viễn Đông: Gần đây có một nguồn tin đưa ra cho biết, vào thời điểm cuối năm 2012 do sự chuyển động của hệ thống mặt trời và sự va chạm sao đó, tạo ra một sức nóng khủng khiếp làm tiêu hủy trái đất của chúng ta, nói trắng ra, họ gọi năm 2012 là tận thế. Mặc dù chỉ là nguồn tin chưa được kiểm chứng và chưa chính thức công nhận bởi các người có thẩm quyền, nhưng cũng làm cho một số người hoang mang, lo lắng. Với tư cách là những nhà khoa học, các quý vị nghĩ sao về việc này?
                            
TS. Trịnh Hữu Phước: Trước khi trả lời câu hỏi này, cho tôi nói qua về công việc của tôi. Cơ quan NASA có nhiều nhóm làm việc khác nhau, một nhóm có thể trả lời câu hỏi này cách chính xác, đó là nhóm chuyên môn về thiên văn, họ biết tính toán về thiên văn; còn chúng tôi, những người kỹ sư và tiến sĩ nghiên cứu chế ra phi thuyền hoặc chế ra hỏa tiễn, thành thử ra trong cơ quan NASA có tới 19 ngàn người làm, nhưng trung tâm chỗ tôi đặc biệt làm hỏa tiễn. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của tôi thôi, thì sự thật ra vấn đề đó có thể có, nhưng cơ hội xảy ra rất là ít, giống như tôi đang lấy một lớp nói về những vẩn thạch, có thể rớt xuống địa cầu sau này; cái xác suất của nó chỉ có một phần triệu thôi, và nếu có chuyện đó xảy ra, là cả mấy trăm ngàn năm sau này, chứ không phải là thời gian ngắn sắp tới. Đó là lý do tại sao chương trình không gian của Mỹ muốn đến các hành tinh khác, hay muốn đến các vẩn thạch khác, để mà tìm hiểu tương lai trái đất của mình quá khứ như thế nào và trong tương lai sẽ như thế nào.
                              
KS. Lâm Quang Hải: Câu hỏi của ông đúng vào nghề của chúng tôi, vì tôi là kỹ sư địa chất, nên xin phép trả lời theo sự hiểu biết của tôi: Trước khi qua đây, tôi làm việc với Tiến Sĩ Trần Kim Thạch ở Đại Học Khoa Học - Kỹ Thuật, Việt Nam, thì cái chu trình của trái đất người ta tính triệu năm, thành thử việc thay đổi trái đất trong một thời gian ngắn một ngày, một giờ, nó không quan trọng. Hôm nay (Thứ Hai), trên một số hệ thống truyền hình
Hoa Kỳ đã vừa loan tin, trận động đất ở Nhật Bản đã đưa Nhật Bản di chuyển 6 feet và cái trục quay của trái đất là 1/8 giây thì phải; trái đất quay trên cái trục của nó, mỗi khi trục của nó di chuyển, thì giống như cái nhà của mình bị di chuyển vậy, nó cũng kéo theo những biến đổi về khí hậu và đặc biệt về từ trường. Từ trường trái đất nó phát sinh rất nhiều sự thay đổi, thành thử ra lợi dụng những thay đổi đó, một số người dựa vào đó nói như vậy, nhưng theo chúng tôi nghĩ thì khó xảy ra lắm! Đành rằng nó đã xảy ra những chuyện hàng triệu triệu năm về trước, những giai đoạn mà Khủng Long bị tiêu diệt hàng loạt do môi trường thay đổi, tạo ra thời kỳ carbon, nghĩa là thời kỳ mà Khủng Long chết và tạo ra những dầu hỏa. Hiện nay khí hậu toàn cầu đang nóng dần lên, như ông biết, những tảng băng ở Bắc Cực đang tan dần, đó là sự biến động của khí hậu của chính trái đất, gọi là internal force, nó đóng vai trò chính trong sự thay đổi khí hậu. Cháu không nghĩ là thời gian ngắn (2012), sẽ xảy ra như người ta tiên đoán như vậy.
                             
Viễn Đông: Giả sử một lúc nào đó, khối lượng các tảng băng tại Bắc Cực đều tan thành nước, chuyện gì sẽ xảy ra?
KS. Hải: Có một số người đi du lịch trên miền Bắc Bán Cầu cho biết, một số làng mạc 6 tháng trước còn, nhưng 6 tháng sau khi họ đến, thì những làng đó đã chìm trong nước. Tôi muốn nói đến sự dâng của nước biển, và chúng tôi đã có chương trình nghiên cứu về sự kiện này. Chúng tôi tính nếu năm 2012 mực nước biển dâng lên 1 foot, thì có thể một số vùng ở miền Nam Việt Nam sẽ ngập trong nước biển. Bây giờ như chúng ta thấy, một số vùng tạiThái Lan, Campuchia ngày xưa không phải làm nhà sàn, bây giờ phải làm nhà sàn. Vùng Thanh Đa, Sài Gòn, ngày xưa đâu có bị ngập lụt, mà nay các căn nhà cứ phải bồi đất lên nền cho thật cao, mà nước vẫn cứ dâng lên. Đó là hiện tượng mực nước biển dâng. Hiện tượng này kéo theo sự thay đổi đời sống của người dân toàn thế giới, nhất là thấy rõ ở Bắc và Nam cực.
                             
Viễn Đông: Trước viễn cảnh nguy hiểm đó, các nhà khoa học, các nhà địa chất đã nghiên cứu để tìm ra giải pháp gì khả dĩ cứu trái đất và con người?
KS. Hải: Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu, họ làm công việc đó, họ quý trọng từng giây, từng phút. Chúng tôi luôn luôn làm việc 24/24 để  tìm ra kết quả. Thật sự mà nói, trong thời gian ngắn ngủi của một đời người, mình chỉ làm hết khả năng của mình, còn kết quả như thế nào là do “tri thiên mệnh” nữa.
TS. Phước: Riêng về vấn đề chính phủ Hoa Kỳ có nhiều cơ quan khác nhau. Cơ quan NASA chỉ chịu trách nhiệm về vấn đề không gian thôi. Có một cơ quan khác nghiên cứu những vấn đề giống như anh Hải vừa nói, nên tôi không thể trả lời câu hỏi này, vì không thuộc lãnh vực chuyên môn của mình.
TS. Võ Thị Diệp: Chương trình NASA có một bộ phận gọi là Telecorp, nó lên không gian chụp hình những hiện tượng trên trái đất này, và gửi hình về trái đất cho một nhóm khoa học gia chuyên nghiên cứu, phân tích để tìm ra những dữ kiện cần thiết.
KS. Hải: Khi chúng tôi học về địa chất, tôi códùng những phim ảnh của NASA cung cấp, người ta đưa ra những tấm hình chụp trái đất bằng quang phổ 7 màu. Khi mình cầm tấm phim, mình không biết gì cả, nhưng khi ghép những tấm hình lại với nhau trên bàn kính, mới thấy rằng tại sao chỗ này màu đỏ, chỗ kia màu xanh, v.v., và họ căn cứ vào đó, họ đi đến nơi, lấy những mẫu đất, đá đó về nghiên cứu, để khám phá ra ở những vùng khác nhau đó có
những tài nguyên gì. Thế nên khi còn học ở trường Đại Học Khoa Học tại Việt Nam, tất cả giáo sư lẫn sinh viên đều phải công nhận, nhờ NASA của Hoa Kỳ, mà mình mới biết đất nước mình có những tài nguyên gì, chứng tỏ cơ quan NASA họ hiểu về Việt Nam hơn những nhà khoa học tại Việt Nam. Đó là thực tế.
                            
Viễn Đông: Cả hai anh chị đều xuất thân từ Bạc Liêu, một tỉnh nhỏ của Việt Nam, chị đã từng là một cô gái nông thôn, ra ruộng cấy lúa, gặt lúa, bắt ốc hái rau, đi bán lấy tiền mua sách vở; anh là con một gia đình tiểu thương. Ngày nay cả hai đang ngồi tại cơ quan không gian NASA với những khoa học gia hàng đầu của Hoa Kỳ, cảm nghĩ của anh chị như thế nào?
TS. Phước: Đôi lúc tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ. Thật sự mình không thể ngờ có ngày hôm nay, được ngồi thảo luận chung với những nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ, và có một cô vợ cũng đồng sở thích như mình, cùng làm việc chung với nhau, nên tôi thấy thật sự đất nước Hoa Kỳ họ rất trọng nhân tài, họ không có phân biệt màu da, chủng tộc, miễn là mình có khả năng, chịu khó học hỏi và cống hiến khả năng cho đất nước, cho nhân loại.
TS. Diệp: Tôi cũng vậy. Hồi ở dưới Bạc Liêu, tay ôm bó lúa vừa cấy vừa mơ tưởng được học đại học. Nhiều lúc nằm nghỉ mệt trên bờ ruộng, ngó lên trời hát nghêu ngao và nghĩ lung tung, nhưng không bao giờ nghĩ có ngày mình sống ở Mỹ, chứ đừng nói mơ trở thành một khoa học gia ngồi trong cơ quan NASA của Mỹ, mà lại ngồi làm việc chung với người mình thương yêu nhứt đời nữa chứ.
                             
Viễn Đông: Là người Việt Nam làm việc cho cơ quan không gian NASA, dưới con mắt người Mỹ, có khi nào họ chia sẻ cảm nghĩ của họ về các khoa học gia người Việt Nam?
TS. Phước: Trước khi tôi đi, ông sếp của tôi cũng hỏi tôi câu này, ông đã phỏng vấn tôi về vấn đề này. Tôi rất ngạc nhiên, tại vì chương trình của NASA giống như tôi nói với anh, họ rất trọng người tài, thành ra họ nghĩ nếu chỉ có người Mỹ làm ở tại NASA thôi, thì nó sẽ không có thành công. Họ nghĩ mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc, có những khía
cạnh khác nhau, thành thử nếu tất cả những tinh hoa đó hợp lại thì sẽ thành công. Lúc trước, phi thuyền Apollo đưa người lên mặt trăng, chính là do những kỹ sư người Đức tạo ra, và chúng ta có giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, là người đầu tiên vẽ đường quỹ đạo ngắn nhất cho phi thuyền lên không gian. Ngày hôm nay, trước khi tôi đi, NASA có chương trình khuyến khích những người có kiến thức khoa học thuộc các chủng tộc khác nhau, tham gia vào
chương trình NASA. Tôi biết hiện nay có nhiều kỹ sư Việt Nam trong cơ quan NASA đã cống hiến những phát minh của họ.
                             
Viễn Đông: Là những người Việt Nam thành công tại Hoa Kỳ, xin hai TS. Phước – Diệp và KS. Hải cho một lời nhắn gửi đến các bạn trẻ Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại.
TS. Phước: Lúc tôi qua nước Mỹ này mới có 16, 17 tuổi thôi, thành thử ra nguyện vọng của tôi là cố gắng học hành, vì tôi nghĩ học vấn là căn bản vững chắc, giống như mình cất cái nhà trên cái nền móng vững chắc, vì ý thức như vậy, nên tôi cố gắng và đã thành công. Ngày nay tôi thường nói với các con tôi, vấn đề giáo dục phải là vấn đề đăt ưu tiên lên hàng đầu, đừng thấy người ta có xe mình cũng phải có xe, phải nhớ rằng bây giờ mình làm 12 đô một giờ, nhưng nếu mình cố gắng, nhẫn nại và chuyên cần học tập, sau này mình có thể làm 20 hay 50 đô một giờ. Người ta nói nước Mỹ là đất của cơ hội, tôi thấy rất đúng, nên mình phải cố gắng. Không cứ là khoa học, tôi thấy nhiều người rất thành công ở các lãnh vực khác như thương mại hay y tế chẳng hạn.
TS. Diệp: Nếu nói về thời xưa, thì phái nữ của mình bị nhiều sự thiệt thòi, như tôi kể cho anh nghe, đó, ngày xưa tôi đọc sách má tôi không cho, nói là biết chữ để viết thư cho trai chứ làm được cái gì, nhưng thời đại ngày nay đã khác xa rồi. Tôi hy vọng ở Mỹ, không phân biệt phái nữ, phái nam, tất cả mọi người đều có cơ hội ngang nhau, ai
cũng có thể đóng góp khả năng của mình. Nếu mình có ước vọng điều gì, mình cứ quyết tâm vượt mọi trở ngại để theo đuổi; giống như ngày xưa, má tôi không cho đi học, tôi vẫn quyết tâm tìm mọi cách để đến trường, nhờ vậy mà ngày nay tôi mới thành công. Sau khi đã thành công rồi, bây giờ điều mơ ước của tôi là làm sao con gái út của tôi, cháu Trịnh Tố Phi (năm nay 10 tuổi), sau này sẽ đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội cho nước Mỹ về môn Ice
Skating.
KS. Hải: Trước nhứt, chúng tôi xin có lời cám ơn Ban Giám Đốc nhật báo Viễn Đông đã cho mở cuộc phỏng vấn hôm nay. Với tấm lòng của một người trẻ, chúng tôi kêu gọi các bạn trẻ trong cũng như ngoài nước, phải cố gắng học hành, vì ông bà mình có nói “kiến thức là sức mạnh”, sức mạnh sẽ đưa đến sự phát triển và sự tồn vong của quê hương, dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đưa anh chị Tiến Sĩ Phước đến đây, cũng là những hoạt động mà chủ trương, mục đích của cơ quan NASA, họ đang muốn phổ biến đếnngười dân Mỹ gốc Á, họ biết anh chị Phước là người Việt Nam, họ muốn đưa anh chị đến gặp cộng đồng Việt Nam, để trước là cám ơn sự đóng góp của cộng
đồng cho đất nước Hoa Kỳ, hai là khuyến khích các bạn trẻ trong cộng đồng chúng ta cố gắng học hành, vì biết đâu sau này chúng ta có những người Việt mới, tiếp tục phục vụ trong cơ quan NASA, một cơ quan rất quan trọng, không chỉ phục vụ nước Mỹ, mà phục vụ cho sự tồn vong của cả nhân loại, và sự phát triển của cả nhân loại. Chúng tôi có lời khuyên các bạn trẻ: Cái khó khăn về vật chất chỉ là tạm bợ, cái nghèo đói về khoa học kỹ thuật, về kiến thức sẽ đưa dân tộc lụn bại, không phát triển nổi. Hiện tại nước Nhật vừa xảy ra động đất, nhưng chúng ta thấy nước Nhật đâu có tình trạng hôi của, cướp của như một số các nước khác. Đó là trình độ kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật của người Nhật, và người dân Nhật, họ đang gặp khó khăn như vậy, nhưng chưa thấy ai nghĩ chuyện hoang tưởng như trái đất này sẽ bị tiêu diệt, dân Nhật bị tiêu diệt. Họ hiểu rằng đất nước họ nằm trên vòng đai Thái Bình Dương, họ biết đất nước họ động đất mỗi ngày là do kiến thức của họ thâu thập được. Chúng tôi mong rằng tất cả các bạn trẻ trong nước, ngoài nước hãy trau giồi kiến thức để tạo sức mạnh cho dân tộc.
                             
Viễn Đông: Xin cám ơn các quý vị trong phái đoàn Hội Đồng Hương Bạc Liêu đã đến thăm nhật báo Viễn Đông.
.
.
.
Thanh Phong/Viễn Đông
Cập nhật lúc 7:35:39 PM - 17/03/2011
                              
LITTLE SAIGON - Sau bài phỏng vấn hai khoa học gia Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước và Tiến Sĩ Võ Thị Diệp cùng Kỹ Sư Địa Chất Lâm Quang Hải, đăng liên tiếp trên hai số báo Viễn Đông ngày 15 và 16-3-2011, Giáo Sư Nguyễn Viết Kim và Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết có gửi cho Viễn Đông tin tức về phi hành gia Trịnh Hữu Châu, mà Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước đãv đề cập trong bài phỏng vấn.
                             
Tiến Sĩ Trịnh Hữu Châu (Eugene Trịnh) là phi hành gia gốc Việt duy nhất trong cơ quan hàng không không gian Hoa Kỳ (NASA). Năm 1992, ông đã bay vào quỹ đạo trái đất trên phi thuyền con thoi Columbia  lên International Space Station (ISS). Sau đó Tiến Sĩ Trịnh được chuyển về làm giám đốc phòng nghiên cứu tại Washington DC. Hiện tại ông là người Mỹ gốc Việt có chức vụ cao nhất và quan yếu nhất tại cơ quan NASA; ông cũng là giáo sư của đại học kỹ thuật danh tiếng Cal Tech, California Institute of Technology, ở Pasadena.           

Tiến Sĩ Trịnh Hữu Châu sinh tại Việt Nam năm 1950, hai năm sau sang Pháp với bố mẹ, cư ngụ tại Paris. Năm 18 tuổi, ông sang Hoa Kỳ học đại học, tốt nghiệp Cao Học và Tiến Sĩ Vật Liệu Học (Material Sciences), ông cũng có bằng Tiến Sĩ Triết Học và Vật Lý.
.
.
.

No comments: