Wednesday, March 16, 2011

MỘT THOÁNG VỀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC và QUỐC HỘI VIỆT NAM (Nguyễn Đăng Hưng)

BÚT KÝ CỦA GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG - Phần 18
Nguyễn Đăng Hưng
March 16th, 2011

Như đã nói ở phần 17, tháng 9 năm 2004 là lần cuối cùng tôi được mời tham gia Đại Hội Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN). Đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một sinh hoạt chính trị tầm cỡ quốc gia.

Trong dịp này tôi có may mắn trực tiếp nắm bắt như một nhân chứng sống về một sinh hoạt chính trị quan trọng tại Việt Nam, thời kỳ hiện đại. Sinh hoạt này đã mang lại cho tôi những ấn tượng rất là đặc biệt. Đặc biệt vì nó khác xa những gì tôi mường tượng cho một sinh hoạt dân chủ bình thường mà tôi từng tham gia rất khá thường xuyên tại Châu Âu. Tính cách đặc biệt rõ nét nhất là sự tẻ nhạt của phần lớn của các bài phát biểu chính thức tại đại hội. Bài phát biểu của Tổng Bí Thư ngày đầu tiên chẳng có gì mới đáng chú ý. Bài phát biểu tràng giang đại hải của ông Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký Mặt trận Huỳnh Đảm thì không có một lời nhắc đến thái độ và biện pháp của MTTQVN trong việc giám sát, tham gia bài trừ hay ngăn ngừa quốc nạn tham nhũng ngày càng leo thang. Tôi có cảm tưởng đây là một thứ báo cáo sinh hoạt hiền lành dễ thương của một tổ chức từ thiện tầm cỡ quốc gia. Tôi không thấy kiến nghị nào của đoàn Chủ tịch về các vấn đề quốc kế dân sinh thể theo điều 14, điểm 4 của bản điều lệ MTTTQVN được xác định trên giấy trắng mực đen. Dài nhất và buồn ngủ nhất là khi nghe một vị lãnh đạo đoàn Chủ tịch, với một giọng đều đều đơn điệu, đọc danh sách 320 vị vừa được hiệp thương đề cử (không có bỏ phiếu kín tín nhiệm tại đại hội) vào Ủy ban Trung Ương (UBTW). Khi nghe tên, đương sự có mặt cũng chẳng màng đứng dậy tự giới thiệu để những khách mời ngoại cuộc như chúng tôi thấy được dung nhan ra sao.

Theo luật MTTQ, trên 50% thành phần UBTW phải là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Tuy MTTQ là một tổ chức ngoại vi của hệ thống chính trị, không có thực quyền, tuy là một tổ chức đại diện cho toàn dân tộc, cho xã hội dân sự mà đại đa số không phải là đảng viên, MTTQ cũng phải chấp nhận sự lãnh đạo không thể tranh cải của đảng. Ta biết động lực chính yếu của đảng, qua nhiều thời kỳ và bất cứ ở đâu là củng cố và tăng cường quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình. Đây là hệ luận bất di bất dịch, xuất phát từ điều 4 của hiến pháp hiện hành. Đảng trấn an là đảng chỉ lãnh đạo chứ không làm thay. Nhưng trên thực tế, ban Tổ chức đảng không bao giờ sơ sót trong việc cơ cấu bố trí nhân sự để tất cả các tỷ lệ quyết định, các vị trí then chốt của tất cả các tổ chức chính quyền hay xã hội thuộc về các đảng viên, đặc biệt là phe phái đang thực sự nắm quyền…

Nhiều người đã nhận thức nguy cơ vì tính chất phẳng lặng cam phận này của MTTQ. Thực chất đây chính là một điểm yếu, một lỗi (từ của ông Nguyễn Trung gần đây nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An cũng có dùng) của hệ thống chính trị. Bởi vì, không có phản biện cấp cao, không có đối trọng được hiến pháp thừa nhận (hay có thừa nhận nhưng bị vô hiệu hóa) thì những bất cập về quốc kế dân sinh, về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo sẽ không tránh khỏi. Thí dụ như dự án Bauxit Tây nguyên mà trên ba ngàn tinh hoa trí thức trong và ngoài nước đã liên tục phản đối và báo mạng Dân Trí thăm dò ý kiến độc giả trực tuyến cũng nhận được con số đáng kinh ngạc là có đến 93% độc giả đòi ngưng ngay. Thế mà MTTQVN chẳng có kiến nghị ý kiến nào hết, chẳng có, ngay cả một buổi tọa đàm trong khuôn khổ sinh hoạt hạn kỳ của mình ?

Ngày 23/2/2011 vừa qua, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII do Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức, ông Phó Chủ tịch Phạm Xuân Hằng cho rằng, để Mặt trận phát huy vai trò phản biện xã hội, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Mặt trận năm 1999. Theo ông Hằng, phải tăng tính chủ động của Mặt trận đối với công tác giám sát, phản biện xã hội. Bởi nếu chỉ dừng lại ở quy định như hiện nay, Mặt trận chỉ có vai trò như “một dự thính viên” trong các hoạt động giám sát. Ông nói: “Cần cụ thể hóa những qui định, chế tài về công tác giám sát, phản biện vào trong luật vì Mặt trận sẽ không thể tự ra qui chế về giám sát, phản biện xã hội và nếu có thì qui chế đó cũng chỉ có tác dụng trong nội bộ tổ chức của Mặt trận”.

Giáo sư Tương Lai cũng có đề nghị phân tích, làm rõ vì sao Mặt trận chưa có cơ chế rõ ràng đối với công tác giám sát, phản biện của mình. Ông cho rằng, nếu không có một cơ chế rõ ràng, Mặt trận sẽ không thể đảm bảo được chức năng quan trọng này, đồng thời dễ dẫn đến dân chủ hình thức.

Ông Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQVN Vũ Trọng Kim cũng phát biểu khá chính xác: “Nếu Đảng đứng độc lập mà không phát huy được Mặt trận thì không khác gì Đảng bị cô lập, chuyên quyền, độc đoán. Chính vì vậy mà Đảng cần Mặt trận thực sự, chứ Mặt trận không phải là cây cảnh, lúc cần thì trưng lên. Phát huy tốt Mặt trận bao nhiêu thì vai trò của Đảng sẽ lên bấy nhiêu”.

Cũng tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất này, nhiều ý kiến đề nghị thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu là người ngoài Đảng (đề nghị ít nhất phải là 20%), hạn chế bớt đại biểu từ cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh.

Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, nhiều thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội như vậy có thể dẫn đến tình trạng… vừa đá bóng vừa thổi còi.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTWMTTQ VN cũng đề nghị QH cần từng bước nâng cao số lượng, chất lượng ĐB chuyên trách, không nên dành ghế ĐB cho quá nhiều bộ trưởng mà chỉ nên có một số một số bộ trưởng các bộ tổng hợp tham gia QH.

Liên quan đến việc giảm số lượng ĐBQH từ cơ quan hành pháp, ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch UBMTTQ thẳng thắn: “Cơ quan hành pháp nên tự giảm ĐB trong Quốc hội”. Theo ông Thám, ở tỉnh thì Chủ tịch UBND cần dành sức làm Chủ tịch cho tốt, để người khác làm ĐBQH”.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thì ngậm ngùi:Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu cử rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu Quốc hội như thế nào. Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn… như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là Mặt trận Tổ quốc, là Ban bầu cử; Nhưng danh sách đó ở đâu ra?…. Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ”.

Về vấn đề bầu người ngoài Đảng vào Quốc hội khóa mới, ông Đỗ Phượng (nguyên Tổng giám đốc TTXVN) cho rằng, không nên đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ 10 hay 20%. Ông nói: “Nên mời vào Quốc hội những người tiêu biểu. Phải lựa chọn được những người tiêu biểu, trung thực, có tiếng nói với nhân dân vào quốc hội”.

Tuy nhiên vài ngày sau (1/3/2011), trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên tuyên bố chắc nịch: “Sau khi đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và quyết định không điều chỉnh cơ cấu, thành phần (12-15% người ngoài đảng), số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII so với dự kiến ban đầu”.

Một lần nữa, hệ luận về động lực hành xử chính yếu của đảng khi cầm quyền đã được xác nghiệm. Mọi diễn biến sắp đến về bầu cử Quốc hội đã được phán quyết qua chỉ thị của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam. Chấm hết.

Tôi e rằng tuy tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Phọng nhắc nhiều gần đây đến cụm từ dân chủ sau khi được Đại Hội XI bầu, một lần nữa những kỳ vọng chân thành và hợp lý cho khóa XIII sắp đến của Quốc Hội của nhà báo lão thành Trung Ngôn hay ông Tô văn Trường cũng sẽ là những ảo vọng…

Hãy xem biểu đồ sau đây về thành phần tỷ lệ đại biểu ngoài đảng từ quốc hội đầu tiên khóa I (1946-1960) cho đến quốc hội khóa XIII sắp bầu tháng 5/2011 (tôi lấy trung bình 13.5% dự định cho phép 12%-15%).


Biểu đồ vể số đại biểu QH và số đại biểu ngoài đảng qua nhiều thời kỳ

Số đại biểu quốc hội và tỷ lệ ĐB ngoài đảng qua các khóa

Điều đáng chú ý là tỷ lệ đại biểu ngoài đảng khá cao ở những giao đoạn giao thời: 43% trong giai đoạn mới cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim (1946-1960) hay 26% trong thời điểm mới vừa thống nhất đất nước (1975-1976). Đó là những thời điểm đảng cần tiếng nói của các nhân sỹ có uy tín ngoài đảng nhưng gần gủi, ủng hộ cách mạng để củng cố chính quyền còn yếu. Nhưng sau khi các thế lực đối kháng không còn nữa, chính quyền do đảng lãnh đạo bắt đầu ổn định, thì miếng bánh Quốc Hội dành cho người ngoài đảng lập tức trở lại mức độ rất khiêm tốn: khóa II, 1960-1964, tỷ lệ chỉ còn 14%, khóa VIII, 1987-1992, tỷ lệ thấp nhất chỉ có 6%.

Bàn lây lan về Quốc Hội, tôi muốn chuẩn bị cho Bút ký phần 19 sắp hoàn thành: “Tôi ra ứng cử Quốc Hội khóa XII như thế nào”. Xin hẹn với độc giả lần sau.

Bây giờ xin độc giả cùng tôi trở lại với vài dư chấn đáng ghi sau bài phát biểu của tôi tại Quốc Hội ngày 23/9/2004 tại quảng trường ba Đình Hà Nội:

1. Hình ảnh bài phỏng vấn tôi với đề tựa “Mối nguy cho đất nước” do nhà báo Kim Hoa (Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh) thực tại hành lang Đại Hội MTTQVN lần thứ VI và đăng tải ngày 25/9/2004.

2. Nội dung nguyên văn bài phỏng do hai nhà báo Tố Phương và Trường Kiên (VIETNAMNET-Người Viễn Xứ) thực hiện và đăng tải sau khi tôi trở về Sài Gòn (6/10/2004).
.
.
.

No comments: