Tuesday, March 15, 2011 4:39:03 PM
11 vụ 'treo cổ' tại trụ sở công an từ 2007
BÌNH PHƯỚC (TH) - Một người đàn ông bị công an bắt vào đêm 14 tháng 3, 2011, vì xô xát tại một quán karaoke, bị phát giác đã chết vào sáng hôm sau ở trụ sở... công an xã.
Theo báo mạng VietnamNet, ông Ðặng Ngọc Trung, 48 tuổi, là cư dân thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Vào đêm nói trên, “ông Trung có tham gia cự cãi và ẩu đả với 1 cô gái tại quán karaoke ABC thuộc KP.Tân Trà, P.Tân Xuân.”
Báo Pháp Luật thành phố Sài Gòn cũng như Thanhtravietnam.vn nói quán Karaoke “đối diện nhà ông Trung.” Báo PL TPHCM nói không phải một cá nhân mà vụ đánh nhau xảy ra “giữa nhóm ông Trung và một cô gái.”
Sau đó, tờ PL TPHCM: “Cảnh sát 113 có mặt và bắt ông Trung về giữ tại trụ sở công an xã Tiến Hưng. Ðến 6 giờ sáng 15 tháng 3, người nhà ông Trung nhận được tin báo từ công an xã Tiến Hưng là ông Trung đã thắt cổ tự tử trong đêm.”
Tờ VietnamNet nói: “Ông Trung bị giữ lại trụ sở công an suốt đêm. Và bất ngờ đến khoảng 6h sáng 15 tháng 3, người nhà nhận được hung tin từ cơ quan công an là ông Trung đã thắt cổ tự vẫn.”
Tờ báo điện tử Thanhtravietnam.vn cho hay: “Theo một vài người chứng kiến sự việc cho biết, trong lúc đưa ông Trung về trụ sở, công an xã Tiến Hưng có ra tay đánh đấm ông Trung.”
Cũng theo Vietnam Net, người nhà của nạn nhân không đồng ý với kết luận trên mà đòi công an thị xã Ðồng Xoài phải làm sáng tỏ những uẩn khúc bao quanh cái chết oan uổng của ông Trung.
Ðây là cái chết thứ hai của người dân trong tay công an từ đầu năm đến nay.
Ngày 8 tháng 3, 2011 vừa qua, ông Trịnh Xuân Tùng đã chết ở bệnh viện sau khi bị một trung tá công an và một nhóm “dân phòng” đánh gẫy cổ cùng nhiều thương tích khác, chỉ vì đòi bớt tiền phạt.
Ít nhất, có 20 người đã chết trong tay công an CSVN từ năm 2007 đến nay. Riêng những trường hợp được gán cho là “treo cổ tự tử” khi bị giam giữ cũng lên đến 11 vụ.
Năm 2007 có 3 vụ, năm 2008 có 2 vụ, năm 2009 có 1 vụ, năm 2010 có 4 vụ và năm nay 1 vụ “treo cổ tự tử” ở trụ sở công an.
Ngày 9 tháng 5, 2010, báo VietnamNet nói rằng Võ Văn Khánh, 29 tuổi, đã “nghĩ quẩn” nên thắt cổ tự tử ở trụ sở công an huyện Ðiện Bàn, Quảng Nam.
Ngày 7 tháng 5, 2010, Khánh bị lôi về trụ sở công an vì chạy xe không có giấy tờ. Sáng hôm sau thì gia đình được báo tin là “tự tử” nhưng theo tờ Ðất Việt ngày 10 tháng 5, 2010 “trên vùng mặt của Khánh bị trầy xước, sườn trái bị lún gãy” nên nghi ngờ anh đã bị công an đánh đập đến chết.
Ngày 8 tháng 8, 2010, hàng trăm người dân đã biểu tỉnh trước trụ sở công an huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang để phản đối công an đã đánh chết một thanh niên tên Trần Duy Hải, 32 tuổi.
Anh này bị nghi ngờ ăn trộm nên bị bắt giữ chiều 7 tháng 8, 2010. Ngày hôm sau được thông báo Hải chết, gia đình đòi khám nghiệm tử thi nhưng không được chứng kiến.
Theo tin tờ Dân Việt, ngay buổi chiều ngày 8 tháng 8, 2010, công an đã ép gia đình của Hải thiêu xác để phi tang.
Trong vụ người dân “treo cổ tự tử” ở trụ sở UBND xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Ðồng Nai, sau khi ông Trần Ngọc Ðường, 52 tuổi, bị bắt về đây, bà vợ ông cho hay chồng bà không chết vì tự tử.
“Bà Trịnh Thị Lương (vợ ông Ðường) cho biết, chồng bà chết ngồi, trong tư thế treo cổ bằng sợi dây thắt lưng da, hai tay chống vào trong tường nhà, cổ không có vết hằn nên không thể chết do tự tử” Bee.net ngày 13 tháng 9, 2010 tường thuật.
Tất cả các vụ việc kể trên không có các khám nghiệm pháp y độc lập, không có cuộc điều tra công bằng nên mọi vụ “tự tử” là cách giải quyết gọn nhẹ để công an thoát tội.
.
.
.
No comments:
Post a Comment