Friday, March 11, 2011

CHÂU Á KHÔNG YÊN TĨNH (Ngô Minh Trí)

11/03/2011

(11.03.2011) Với hàng loạt sự kiện diễn ra liên tục trong thời gian ngắn vừa qua đang khiến cho châu Á trở nên không yên tĩnh và cho thấy rằng nhiều bất đồng đang tiềm ẩn trong khu vực, nhất là các bất đồng về chủ quyền và lãnh thổ.

Sau khi hé mở về kế hoạch phát triển hàng không mẫu hạm, tên lửa chống hạm rồi chiến đấu cơ tàng hình, Trung Quốc vừa chính thức công bố tăng cường chi phí quân sự thêm 12,7% trong năm tới. Theo đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ mức 533,4 tỷ nhân dân tệ của năm 2010 lên thành 601,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 91,4 tỷ đô la Mỹ) vào năm 2011. Con số trên đã được phát ngôn viên của quốc hội Trung Quốc là Lý Triệu Tinh công bố ngay trước Quốc dân Đại hội thường niên của nước này. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã tăng ngân sách quân sự năm 2010 lên 7,5% so với năm 2009, dù ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2009 đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2006.

Nhận xét về việc gia tăng ngân sách quân sự của Trung Quốc, bộ trưởng ngoại giao Nhật vừa từ chức mới đây là Seiji Maehara cho rằng chi tiêu quốc phòng như thế là “rất cao”. Quả thực, việc gia tăng liên tục ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, cùng với việc quân đội nước này đang là lực lượng quân sự hùng hậu nhất thế giới với quân số lên đến 2,3 triệu, đã khiến cho nhiều nước lo ngại là điều dễ hiểu. Từ sớm, các quốc gia khác đã thể hiện sự lo ngại của mình.

Tiêu biểu là Nhật Bản. Cuối năm ngoái, Nhật Bản cũng đã chính thức loan báo kế hoạch chi tiêu quân sự trị giá 279 tỷ đô la Mỹ trong thời gian năm năm. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã bắt đầu tái phối trí lực lượng quân sự của mình, chuyển hướng mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc. Một loạt các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Myanma, Philippine, Hàn Quốc và cả Úc cũng tiết lộ các kế hoạch tăng cường vũ trang cho quân đội.

Dường như, sự chuẩn bị của các quốc gia cũng không hoàn toàn khó hiểu khi những va chạm trong khu vực liên tục xảy ra gần đây.

Ngày 02.03.2011 vừa qua, Nhật Bản đã điều hai chiến đấu xua đuổi hai máy bay quân sự của Trung Quốc, khi hai máy bay quân sự Trung Quốc đang bay cách 33 dặm so với vùng đảo tranh chấp giữa hai bên, mà Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Yukio Edano cho rằng tuy Nhật Bản không phản đối chính thức vì hai máy bay quân sự Trung Quốc đã dừng lại ở không phận quốc tế, nhưng ông này đã lo ngại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Mới hơn, vào ngày 07.03.2011, Nhật Bản đã chính thức lên tiếng phản đối về việc một máy bay trực thăng của Trung Quốc đã áp sát tàu chiến Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Trước đó, ngày 02.03.2011, Việt Nam cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc tổ chức diễn tập chống cướp biển tại khu vực đảo Trường Sa, vốn được Việt Nam tuyên bố chủ quyền từ lâu.
Cũng trong ngày 02.03.2011, Philippine cũng đã cử hai chiến đấu cơ đến bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình vì cho rằng bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc sách nhiễu.
Ngày 07.03.2011, ấn bản Manila Times của Philippine cũng đã đăng bài chỉ trích hành động của Trung Quốc vào ngày 02.03.2011 và Philippine cũng cho biết đã mua một tàu tuần tra Hamilton loại lớn của Hoa Kỳ để bảo vệ vùng biển.

Trung Quốc cũng va chạm với cả Hàn Quốc. Ngày 04.03.2011, Hàn Quốc cũng đã chính thức loan báo rằng hải quân nước này đã bắt giữ hai tàu cá của Trung Quốc, bắn chết một thủy thủ vì hai tàu cá trên xâm nhập vùng biển Hàn Quốc và có hành vi sử dụng vũ khí để chống cự. Ngay sau đó, Hàn Quốc cũng công khai cả kế hoạch đẩy nhanh tiến độ mua máy bay do thám tối tân và chiến đấu cơ tàng hình của mình.

Với hàng loạt sự kiện diễn ra liên tục trong thời gian ngắn vừa qua đang khiến cho châu Á trở nên không yên tĩnh và cho thấy rằng nhiều bất đồng đang tiềm ẩn trong khu vực, nhất là các bất đồng về chủ quyền và lãnh thổ.

Ngô Minh Trí
.
.
.

No comments: