Thursday, March 24, 2011

LIBYA DẬY SÓNG - TIN CẬP NHẬT NGÀY 24-3-2011

Với tình hình thay đổi thuận lợi hơn, lực lượng không quân của ông Gaddafi đã gần như bị tiêu diệt, và các tàu chiến của khối NATO đang tuần tra và kiểm soát vùng biển phía Bắc, lực lượng đối kháng đã tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Đứng đầu chính phủ mới này là chức vụ Thủ Tướng lâm thời do ông Mahmoud Jibril, từng giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ với chính quyền Gaddafi trước khi ngả theo phe cách mạng, đảm trách.

Ông Mahmoud Jibril là người đại diện cho lực lượng đối kháng liên lạc với quốc tế. Ông nổi tiếng trên chính trường thế giới qua buổi tiếp xúc với Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, dẫn đến việc Pháp công nhận quan hệ ngoại giao chính thức với Hội Đồng Quốc Gia lâm thời như một thực thể hợp pháp đại diện cho nhân dân Libya.

Ông Nisan Gouriani, phát ngôn nhân của lực lượng đối kháng cho biết:”Hội Đồng Quốc Gia lâm thời là một thực thể lập pháp, nhưng chúng tôi cần một cơ chế hành pháp để kiểm soát và quy định hệ thống chính quyền. Ông nói thêm: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng từ đầu là Libya chỉ là một (quốc gia). Thủ đô của chúng tôi là Tripoli và mãi mãi sẽ là Tripoli. Chúng tôi sẽ chiến đấu để giải phóng miền Tây của đất nước, và thủ đô Tripoli, và giữ vững sự thống nhất đất nước. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh lập trường này nhiều và nhiều lần nữa.

Lời tuyên bố trên cho thấy lực lượng đối kháng đã cảnh giác những lời lẽ cho rằng việc thiết lập chính quyền non trẻ của họ ở Benghazi dường như là biểu hiện của hành động phân chia đất nước.

Trong khi đó, không quân của Liên quân LHQ đã mở các cuộc không kích các lều đóng quân của lực lượng ông Gaddafi bên ngoài thành phố Misrata vào tối thứ Ba đến sáng thứ Tư. Thiệt hại cho lực lượng của ông Gaddafi chưa rõ nhưng theo những nhân chứng tại thành phố này cho biết ngay sau cuộc không kích, tiếng đại bác đã ngưng bặt. Ông Mohammed, phát ngôn nhân của lực lượng đối kháng cho biết: “Hôm nay tình hình rất yên đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy như vậy suốt mấy tuần qua. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến cộng đồng quốc tế đã thực hiện các cuộc không kích sáng nay”. Thành phố bắt đầu có sinh khí, một số cửa hàng mở cửa trở lại tuy vẫn có người chết vì bị lính của ông Gaddafi bắn lén vào buổi sáng.

Tướng Abdul Fatah Younis, cựu Bộ trưởng Nội vụ, người đã rời bỏ chính quyền Gaddafi, hiện đang chỉ huy lực lương đối kháng nói: “Thành phố Misrata đã bị tàn phá và người dân tại đó cần được trang bị vũ khí. Chúng tôi cố gắng gửi cho họ nhưng chỉ là những vũ khí hạng nhẹ. Không có vũ khí hạng nặng.

Theo nguồn tin của một sĩ quan quân đội Hoa K giấu tên vì tin tức có tính “nhạy cảm, trong 24 giờ qua, Hoa k đã tiến hành 28 cuộc không kích và liên quân các nước đã thực hiện 26 cuộc không kích. Không có hoả tiễn nào được bắn vì không còn cần thiết, hệ thống phòng không của quân đội Libya đã bị tê liệt. Các phi cơ chiến đấu CF-18 của Canada đã bay lần đầu tiên ngày hôm qua, và đã bỏ 4 quả bom có hệ thống laser điều khiển phá hủy một kho chứa vũ khí của lực lượng Gaddafi.

Tại Ajdabiya, lực lượng đối kháng đã chiếm lại một phần của thành phố này. Lực lượng của ông Gaddafi tuy bị các cuộc không kích của liên quân nhưng vẫn giữ được các vị trí cửa ngõ ở phía Tây thành phố.

Lực lượng đối kháng được hình thành bởi những người dân thường tình nguyện và một số quân đội cũ, bây giờ được đối đầu một cách tương xứng hơn trên trận chiến trên mặt đất vì lực lượng của ông Gaddafi đã mất đi sự hỗ trợ thuận lợi của không quân. Tuy nhiên lực lượng đối kháng vẫn phải chống đỡ những cuộc tấn công một cách khó khăn. Phần lớn là vì không đủ vũ khí đạn dược và thiếu hệ thống chỉ huy, họ phải tự mở ra những cuộc tấn công lẻ tẻ, rời rạc vào lực lượng của ông Gaddafi, trước khi bị đẩy lùi trở lại.

Mặc dù chỉ có những buớc tiến nhỏ, nhưng ông Mohamed Hariri, một sĩ quan chỉ huy lực lượng đối kháng cho biết, những người lính tự nguyện này thực sự là những anh hùng. Ông nói: “Họ rất can đảm tới cái mức gần như là tự sát.

Chính quyền Libya tiếp tục lên tiếng tố cáo các cuộc không kích của Liên Quân đã giết chết thường dân khi cuộc không kích nhắm vào căn cứ quân sự và khu dân cư trong khu vực Al-Jfara và Tagora trong thủ đô Tripoli và gọi cái chết của thường dân là vì “cuộc thập tự chinh của thực dân.

Tuy nhiên ký giả Anita McNaught của Al Jazeera, cho biết: “những việc này không có xảy ra. Sau khi chở chúng tôi đi lòng vòng 45 phút, họ đưa chúng tôi trở lại khách sạn và nói là đã không kiếm ra địa chỉ (của nơi thường dân bị chết vì cuộc không kích).

Theo tin hãng CNN, một người hoạt động đối kháng trong thủ đô Tripoli đã cho biết chính quyền đã nói dối về việc có những thường dân bị giết vì cuộc không kích của Liên quân. Cô đưa ra một trường hợp thí dụ, cô đã đi theo một người bà con vào bệnh viện nhằm lúc đài TV đến thu hình. Cô thấy người đạo diễn cố gắng hỏi những người nằm nhắm mắt giả vờ chết, và những người khác đóng kịch là đang bị thương. Một số những người giả vờ bị thương là lính của ông Gaddafi mặc đồ thường dân.

Cho đến lúc này, không ai biết chắc chắn con số thương vong của cả hai bên cho đến nay. Theo lực lượng đối kháng, có hơn 1000 người bị chết, trong khi chính quyền Gaddafi nói là 150 người. Ủy Ban Cứu Trợ Nhân Đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết đã có 335 ngàn người rời khỏi Libya tỵ nạn từ khi cuộc chiến bắt đầu.
(Tổng hợp theo The Tripoli Post, Al Jazeera, CNN, AP)
.
.
.
BBC
Cập nhật: 13:47 GMT - thứ năm, 24 tháng 3, 2011

Một tuần sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết về vùng cấm bay tại Libya và năm ngày liên quân do Hoa Kỳ chỉ huy liên tục bắn phá các mục tiêu của phe Gaddafi, tình hình quân sự và ngoại giao vẫn chưa có lời giải quyết.
Hôm nay, một đại tá quân đội Pháp, ông Thierry Burkhard, nêu với báo chí những đánh giá mới nhất về tình hình tại Libya.
Đại tá Burkhard nói rằng quân đội Libya đang tái bố trí và tập hợp trở lại nhưng sức chiến đấu của họ bị xuống nhanh chóng.
Ông cũng bác bỏ tin nói rằng có thương vong trong dân chúng vì các đợt oanh kích của liên quân.
Còn theo nhà phân tích Mohamed Hussein của BBC Monitoring, ý tưởng ban đầu rằng phá hủy hệ thống phòng không và lực lượng không quân Libya sẽ mở đường cho phe nổi dậy tiến tới đã không thành hiện thực.

Phiến quân quá yếu
Phe nổi dậy có đại bản doanh tại Benghazi đã thất bại trong việc lợi dụng tình thế do vùng cấm bay lập ra để tiến về phía Tây, nơi phe của Đại tá Gaddafi làm chủ.
Vì thiếu tổ chức, không được huấn luyện, và không có cả hệ thống chỉ huy hay một kế hoạch và thiếu cả phương tiện để chống lại các đơn vị thiết giáp và pháo của ông Gaddafi, phe phiến quân đã không chiếm lại được đô thị nào cả như dự định ban đầu.
Đó là các thành phố, Ajdabiya, cửa ngõ vào miền Đông Libya, nằm cách Benghazi 160 km về phía Tây, cùng hai thành phố cảng dầu Brega và Ras Lanuf.
Vẫn theo ông Mohamed Hussein, một số đơn vị quân đội Libya từng phản lại chế độ Gaddafi trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy, như lực lượng đặc nhiệm Sa'iqa ở Benghazi, nay như giải tán luôn chứ không gia nhập quân nổi dậy.
Chỉ huy trưởng lâu năm của đơn vị này, Tướng Abd-al-Fattah Yunis, ngường từng làm bộ trưởng Nội vụ của Libya, và tự xưng là "Tổng tham mưu trưởng Quân đội Libya Tự do" cũng có vẻ như không dùng ảnh hưởng của mình để hỗ trợ cho phe nổi dậy.

Vì thế, tại Misrata ở miền trung Libya, cách thủ đô Tripoli chừng 210 km, cũng như thành phố Zintan, nằm 90 km về phía Tây Nam Tripoli, lực lượng của ông Gaddafi tiếp tục làm chủ tình hình bằng xe tăng, súng phóng lựu và lính bắn tỉa.
Một cư dân Misrata cho hay chuyện ngưng bắn theo như chính phủ Libya nói là không đúng và tình hình là tại Misrata, hôm qua quân Gaddafi tấn công vào cả bệnh viện trong thành phố.
Họ cũng cắt nguồn điện nước vào các khu dân cư.

Chính trị và ngoại giao
Ngược lại, vì thiếu hỗ trợ của máy bay phe Gaddafi cũng không đủ khả năng trấn áp phe nổi dậy nên có nhiều khả năng tình hình bị bế tắc, và dẫn đến tình trạng chia cắt trên thực tế nước Libya.
Dù cả hai bên đều cam kết không để xảy ra tình trạng đó nhưng họ cũng không có sự lựa chọn nào cả, và có khi phải chấp nhận thực tế.
Với Phương Tây, đây sẽ là hậu quả ít mong đợi nhất.
Vì nếu chế độ Gaddafi còn làm chủ nửa nước Libya, và vẫn có thể đe dọa thường dân ở phần đó, thì liên quân sẽ phải duy trì vùng cấm bay vô thời hạn.
Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra gấp gáp cả ở châu Âu, hôm nay 24/03 EU có cuộc hội đàm cao cấp và chủ đề Libya sẽ được bàn tới ở Brussels.
Người ta cũng sẽ phải quyết định xem khối Nato sẽ đóng vai trò gì. Và nếu chiến sự còn kéo dài, thì hiển nhiên, chiến phí cho liên quân cũng lên cao hơn.
Một phần dư luận Phương Tây bắt đầu lên tiếng chỉ trích chiến dịch Libya và đã có một số cuộc biểu tình lẻ tẻ diễn ra ở Hy Lạp và Thuỵ Sĩ.

-----------------------------

Pháp 'bắn hạ máy bay Libya'  (BBC)   24-3-2011
.
.
.

No comments: