Thursday, March 10, 2011

KHI TÌNH NGƯỜI CẠN KIỆT - Phần 2/2 (Trần Phong Vũ)

10-03-2011

Bàn về trường hợp Tào Mạt dấn sâu vào chủ thuyết Mácxít-Lêninnít mà bước đầu là gia nhập Mặt Trận Việt Minh, sau khi trình bày bối cảnh đau thương của đất nước dưới sự thống trị của thực dân Pháp và cơ hội giành lại quyền độc lập cho quốc gia trong giai đoạn cuối cùng thế chiến thứ hai, họ Phan viết:
“Trong tình trạng ấy, ai cũng được, tổ chức nào cũng được, cứ có người kêu gọi là những người trẻ yêu nước hăng hái lên đường.
Nên nhớ cũng từ thời điểm này, năm 1930, Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập, đã ẩn mình, nín tiếng trong thời gian qua, tới năm 1945, đúng thời cơ, người Cộng Sản Việt Nam mới ồn ào lên tiếng, xua dân đi cướp chính quyền. Hầu như ai là kẻ có lòng với dân, với nước cũng đã sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Mặt Trận Việt Minh, trong đó có người thanh niên Nguyễn Duy Thục. Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ như một vận hội đầy quyến rũ, cuốn hút người yêu nước ra đi. Tất cả đã lên đường dành độc lập và chống xâm lăng từ trong Nam ra Bắc.”

Với tinh thần yêu nước thiết tha, với tài năng thiên phú, Tào Mạt đã bước những bước rất xa, rất nhanh. Nhưng, biến cố 30-4-75 đã mở mắt cho ông. Sau nhiều phen bị cấm cản làm khó dễ, Tào Mạt đã có dịp vào Nam tiếp xúc với những người dân hiền hòa nơi đây. Ngày đặt chân xuống Sàigòn cũng là ngày ông nhận ra là mình đã bị lừa, một “quả lừa vĩ đại”, nói theo ngôn ngữ của một số nhà văn trong nước lâu nay. Và tư tưởng “xét lại” manh nha trong ông. Từ đấy, những sáng tác của Tào Mạt dành cho sân khấu Chèo bắt đầu xuất hiện những câu hát làm nhức tim bọn tham những gộc của chế độ. Điển hình như những câu:

“chim khoét, chuột đào. (ớ ơ ) khoét cùng đào.”
“ Cướp đêm là giặc (ới a), cướp ngày là… quan.”


Chưa hết, ông còn dám công khai đụng tới thần tượng của chế độ là ông Hồ. Trong bài báo Tôi Viết Về Hồ Chí Minh, Nguyễn Thái Hoàng, một trí thức trẻ trong nước đã tiết lộ lời tâm sự sau đây của Tào Mạt:

“Tôi được trung ương giao cho viết một vở chèo về Bác. Thú thật lúc đầu tôi thấy vinh dự lắm liền vào ngay thư viện ôm một chồng sách về nghiền ngẫm, vào tận quê ông cụ để lấy thêm tư liệu, đọc cả sách ngoại quốc ca ngợi cụ, rồi để cả năm trời kiểm chứng. Cuối cùng phải bỏ, vì cụ Hồ là người hoàn toàn không tin được, đầy gian giảo, xảo quyệt, khác với những điều bịa đặt trong sách. Bây giờ để có tác phẩm thay thế, tôi phải viết về Hưng Đạo Đại Vương Trần quốc Tuấn.”

Từ trường hợp Tào Mạt Nguyễn Duy Thục, chúng ta có thể suy ra trường hợp của rất nhiều người trẻ Việt Nam khác thuộc thế hệ trước ông hoặc đồng trang lứa với ông. Trong tác phẩm
Đêm giữa ban ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên đã đề cập hoàn cảnh tương tự đã xảy ra cho thân phụ ông vào những năm 30, 40 thế kỷ trước.

Rồi những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, Bùi Minh Quốc, Vũ Cao Quận, Tô Hải… và đông đảo những thành phần trí thức kể cả những người đã thoát ra khỏi nước như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Minh Cần… đã công khai lên tiếng chống lại những hành vi phản quốc của Hà Nội. Họ là ai, nếu không là những người một thời vì sự thôi thúc của lòng yêu nước đã hăng hái lên đường đi theo Mặt Trận Việt Minh? Những tháng năm dài sau đó, đâm lao theo lao, từng người một bằng cách này hay cách khác đã tự trói mình chịu sự sai khiến trong bàn tay phù thủy của đảng CS. Nhưng cũng nhờ lòng yêu nước, cuối cùng họ đã tìm được lối ra. Ít nữa là cho sự thanh thản lương tâm của bản thân mình, cho dẫu phần đông vẫn còn đang chịu sự thằng thúc của guồng máy công an trị ở trong nước lâu nay.

Với Tào Mạt Nguyễn Duy Thục cũng như với Người Nghệ Sĩ Miền Quê và thấp thoáng nhiều khuôn mặt khác trong các đoản văn, theo tác giả
Một Thời Oan Trái, những người bạn xuất thân làng Nủa của ông không chỉ là những kẻ mang nặng tình yêu nước mà thôi. Ở họ còn là những CON NGƯỜI (CON NGƯỜI viết hoa) có trái tim nhạy bén, giàu tình cảm, nặng lòng yêu thương –yêu thương xóm làng, yêu thương bằng hữu-. Chẳng thế mà vào lúc chế độ đang dồn mọi nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ cao trào quần chúng phóng tay phát động chiến dịch tiêu thổ kháng chiến (tất cả những nhà cửa, từ đường, những dinh thự của tư nhân, bao gồm đình chùa miếu mạo, những nơi thờ tự đều phải phá hủy thành bình địa (2)), với tư cách cán bộ địa phương trong Mặt Trận Việt Minh, Tào Mạt đã vì tình cảm xóm làng ngấm ngầm tìm cách bảo vệ ngôi đình làng Nủa, dù biết rằng sớm muộn sẽ có ngày phải trả giá. Chưa hết, giống như Người Nghệ Sĩ Miền Quê đã đồng lõa để cho bạn ông là Phan Lạc Tiếp rời làng Nủa lên Hà Nội, Tào Mạt đã khuyến khích và hỗ trợ cuộc “dinh tê” của người anh tác giả như lời thuật lại sau đây:

“Năm 1950, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, đặc biệt Việt Minh ra mặt tận diệt những ai không phải là người của Mặt Trận, chính anh Thục một đêm bên bờ sông Thao, đã nói với ông anh tôi rằng: ‘Các anh đi đi. Đây không phải là đất của các anh đâu. Phải đi ngay trước khi quá trễ’. Và chính anh đã tiềp tay tổ chức cho ông anh tôi và hai người con trai lớn nhà dì tôi, bỏ vùng kháng chiến trở về vùng tạm chiếm. Giữa đêm đen, chính anh lội xuống mé nước, đẩy con thuyền ra giữa sông Thao. Trong phút từ biệt, anh có nói với ông anh tôi: “Cái thế nó như thế. Các anh cứ về đi. Chưa biết sau này giữa chúng ta ai sẽ cứu ai đâu”. Nói rồi anh lội xuống mé nước đẩy mũi thuyền ra khơi. Anh trơ vơ đứng lại một mình. Bóng anh đen thẫm nhoè dần vào bóng nước.”

Trong bài viết về thi sĩ Hà Thượng Nhân mới đây, Viên Linh đã nhắc tới một cử chỉ đầy tình người của Hữu Loan đối với song thân ông Hà. Theo Viên Linh thì “ông (HTN) không bao giờ quên trong Cải Cách Ruộng Ðất, cha mẹ ông bị cộng sản đấu tố, đêm khuya Hữu Loan, bạn ông đã ôm một mo cơm khoai tới thăm hai cụ.”

Giữa nhà thơ Hữu Loan với Hà Thượng Nhân và giữa Tào Mạt với anh em nhà họ Phan Lạc quả đã có những gắn bó thiêng liêng giữa “những người đã thành tình thành nghiã từ thuở còn thơ trẻ”(3) cho dẫu vì cảnh ngộ éo le, ngang trái, có một thời định mệnh cay nghiệt đã xô đẩy họ vào thế đối kháng nhau giữa hai lằn ranh ý thức hệ.

Với những con người mang trong lồng ngực trái tim mẫn cảm, chan hòa tình yêu thương như thế thì dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào họ vẫn là họ, không hề thay đổi. Đấy là những con người của Mẹ Việt Nam muôn thuở. Đấy là những cánh sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ suy nghĩ ấy cho phép mọi người chia sẻ với tác giả tâm trạng lạc quan, vững tin ở ngày mai, ở tương lai dân tộc. Ngoại trừ thiểu số cộng sản gộc phi nhân tính, đang nắm quyền sinh sát ở ngôi cao, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam, bao gồm đông đảo những thành phần mà vì lý do này lý do khác còn phải ép mình núp dưới cái dù xã hội chủ nghĩa, nhưng tự thâm tâm họ vẫn còn là những con người Việt Nam có nhân tính.

Truyện ký Người Đàn Bà Trên Tàu 502 được Phan Lạc Tiếp chọn đưa vào cuối tác phẩm của ông đã cho người đọc thấy một thứ di sản quái dị, khó tin khác mà chỉ dưới những chế độ độc tài, gian ác, vô cảm kiểu cộng sản mới có. Đây cũng là một chuyện có thật 100 phần trăm được tác giả ghi lại từ đầu cho đến hồi kết cuộc.

HQ 502 tức Dương Vận Hạm Thị Nại, một con tàu hỏng máy đang trong thời kỳ sửa chữa, nhờ may mắn và nhờ cố gắng vượt bực vào giờ thứ 25 của thủy thủ đoàn, sau biến cố 30-4-75, đã đem trên 5000 ngàn sinh mạng tới được bến bờ tự do. Dĩ nhiên trong chuyến hải hành gian nan khổ ải ấy đã có những mất mát không thể tránh. Một trong những mất mát đó là bà L. trong lúc hối hả lên tàu đã đánh rớt đứa con trai ba tuổi xuống biển! Tiếng kêu thất thanh của bà đã lọt vào tai tác giả Một Thời Oan Trái. Và câu chuyện đã được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường khác nhau.

Do thứ tình yêu thương chất ngất của bà mẹ Việt Nam, trong suốt những năm dài sống nơi hải ngoại, người đàn bà bất hạnh mất con vẫn canh cánh bên lòng là con bà còn sống. Và người ta đã lợi dụng lòng thương con cùng sự tin tưởng mơ hồ của bà để kiếm chác. Điều đau xót là kẻ nhẫn tâm lợi dụng không phải ai khác mà lại chính là người em ruột của bà L. với sự toa rập của những thân nhân ruột thịt từng lọt lại miền Bắc sau tháng 7 năm 1954 để trở thành những ông to bà lớn của chế độ, tiêm nhiễm cung cách hành sử bất nhân và lối sống gian ngoan, xảo trá của những người cộng sản.

Cả một kịch bản tinh vi, một cái bẫy sập đã được dựng lên để lường gạt bà L. Vào lúc Bà L. sắp chui vão bẫy thì câu chuyện đổ bể.

Sau đây là lời kể lại của người chị bà L. hiện sinh sống tại bắc California, Hoa Kỳ, được tác giả Một Thời Oan Trái ghi lại:
“Cô lạnh ngắt, ngơ ngác nhìn mọi người. Mọi nguời, từ người em cô L. cho đến những anh em ruột thịt của chúng tôi, hiện là những người có chức, có quyền và có của nữa, tất cả không ai nói gì. Không phiền trách người đã tạo ra cảnh huống này. Mà họ lặng yên cũng phải. Vì đâu phải bây giờ họ mới biết. Họ biết hết, biết rất kỹ từ những ngày đầu khi kịch bản này mới được thi hành, từ khi cô L. cho đăng báo tìm con. Cô L. nhà tôi ngơ ngáo nhìn mọi người. Mọi người dửng dưng, lạnh ngăt.
Mẹ con cô L. lặng lẽ dắt nhau về Mỹ, lặng lẽ sống trong nỗi đắng cay. Và chúng tôi hơn lúc nào hết biết rằng, cô L. đã thực sự mất đưá con từ tối hôm 29 tháng 4 năm 1975 rồi. Và bây giờ khi kịch bản kia vỡ ra, không chỉ cô L. mà tất cả chúng tôi, giòng họ chúng tôi ở Mỹ này, chúng tôi coi như mất hết tất cả bà con ruột thịt hiện sinh sống tại Việt Nam. Giữa họ và chúng tôi như không còn một chút liên hệ huyết thống nào nữa. Họ là những người Cộng Sản thuần thành. Họ là những người khác. Họ không có những rung động, suy nghĩ như chúng ta. Họ như một thứ sinh vật khác....

... Có thể tôi đã nhận định sai. Và tôi cũng mong là tôi sai. Mong lắm. Nhưng với nỗi đau của cô L. nhà tôi, của chúng tôi, thì tôi không có suy nghĩ nào khác được. Người Cộng Sản Việt Nam, họ không phải là người như chúng ta nữa đâu. Họ là những sinh vật khác, ta không thể gần họ được... “

Tác giả ghi thêm những suy nghĩ của riêng ông: “trường hợp bà L.. sao lại thế, thảm thương và tàn nhẫn như thế?! Đông lực nào đã khiến chị em ruôt thịt trong nhà đối với nhau như thế?

Phải chăng đây là một trong những nỗi đau to lớn nhất của tất cả chúng ta sau cuộc chiến tuơng tàn? Ngoài nỗi tang thương, chia lià, sống chết giòng giã mấy mươi năm, dân tộc chúng ta đang đối diện với sự phá sản tận cùng của lương tri?”

Và ông tự hỏi: “Lỗi ấy từ đâu?”

Thật tình cờ, vào những ngày cuối năm 2010, trong khi viết những giòng trên đây tôi nhận được một bài viết có tiêu đề “
Cậu bé VN bị bỏ rơi thành vận động viên tiềm năng”. Kèm theo bài viết là một link Video thuật lại những bất ngờ trong cuộc đời nổi trôi của cậu bé, từ khi người bố là ông Nguyễn Hòa Bình một người Việt Nam tha phương cầu thực sống vất vưởng ở Maskova dạt về Kharkov, ngày ngày dắt con trai là Nguyễn Hòa Kiên khi ấy mới 2, 3 tuổi lang thang kiếm sống tại chợ Barabasova. Cuối cùng, vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, vì nghiện rượu lâm bước đường cùng, ông Hòa nhờ hội Người Việt trong thành phố giúp phương tiện để hồi hương sau khi giao con trai cho bà Nadezda Dmitrievna Studentsova một phụ nữ người Ukraina tuy nghèo tiền bạc nhưng giầu lòng nhân ái nuôi dưỡng. Từ đấy bé Kiên có tên là Kolia Nguyễn.

Một ngày trong khi cùng bà Nadezda theo dõi chương trình tìm kiếm người thân mang tên “Zdi menhia” (Hãy chờ tôi) trên kênh truyền hình trung ương Nga, bất chợt cậu bé lên tiếng hỏi: “Liệu họ có thể giúp tìm ra mẹ của con không cô?”

Bà Nadezda không khỏi bối rối trước câu hỏi của cậu bé. Lòng vị kỷ xui bà muốn làm lơ. Nhưng là người có lòng nhân hậu, bà hứa sẽ liên lạc với người phụ trách chương trình để nhờ họ giúp. Và bà đã thực hiện trọn vẹn lời hứa. Chỉ ít lâu sau, nhờ sự truyền tai mách bảo của bà con người Việt ở Ukraina và Nga, cuối cùng người ta đã tìm được chị Trần Thị Hằng mẹ ruột của Nguyễn Hòa Kiên. Khi đó, chị vẫn sinh sống tại Matxcơva, nhưng đã tái hôn với người chồng khác và có một con gái nhưng vì sinh kế khó khăn phải gửi về Việt Nam nhờ thân nhân nuôi hộ.

Vì thái độ ngay chính và lòng bác ái không biên cương, người phụ nữ của đất nước Ukraina xa xôi đã biểu lộ một hành vi cao cả đầy tình người. Dù thâm tâm muốn chiếm hữu Kolia Nguyễn, nhưng trước nguyện vọng muốn tìm mẹ ruột của cậu bé, bà đã vượt khỏi chính mình để làm những gì lương tâm đòi buộc bà phải làm.

Buổi phát sóng chương trình “Zdi menhia” ngày 27/08/2001, với cuộc gặp gỡ đầy nước mắt của hai bà mẹ Việt Nam và Ukraina tại kênh truyền hình Ostankino ở Mạc Tư Khoa, cùng sự ngây thơ đến tội nghiệp của cậu bé Kolia – Nguyễn Hòa Kiên khi đó, đã gây xúc động cho hàng triệu trái tim khán giả truyền hình tại Nga, tại Ukraina và các quốc gia lân cận. Sau cuộc hội ngộ đầy nước mắt, khi người điều hợp chương trình hỏi ý kiến, hai bà mẹ đều muốn được nuôi dưỡng Kolia. Tuy nhiên, cả hai đồng ý dành cho cậu bé quyền quyết định tối hậu. Và trước ống kính truyền hình với sự chứng kiến của nhiều ngàn khán thính giả, Kolia Nguyễn đã chọn được sống với mẹ nuôi.

Hai câu chuyện. Hai cảnh ngộ. Hai thời gian và hai khung trời xa cách. Nhưng cả hai đều tạo ấn tượng mạnh trong tâm tình người đọc.

Tấm lòng nhân ái bao la như trời biển của người phụ nữ Ukraina là vùng sáng chan hòa, là những nốt nhạc vui cho cuộc sống xô bồ hỗn tạp hôm nay. Nó làm bật lên nỗi khốn cùng của con dân Việt Nam qua vũng tối lầy lội, ngập ngụa những tâm địa hẹp hòi, đê tiện của những kẻ được sinh ra cùng một cha mẹ nhưng đã cư xử với nhau còn thua loài trâu chó! Và câu hỏi của tác giả: “Lỗi ấy từ đâu?” mãi mãi là một gợi nhắc hoài hoài cho mỗi người Việt Nam chúng ta cùng suy gẫm.

Có điều chắc chắn là đêm tối rồi sẽ qua để cho bình minh trở lại. Những đau thương, nghiệt ngã mà người dân Việt phải gánh chịu –trong đó có người dân làng Nủa Chợ của tác giả họ Phan- rồi cũng có ngày phải lùi xa để cho 90 triệu dân Việt có cơ may góp mặt vào thế giới yêu thương của loài người. Từ sâu thẳm của niềm tin, nhà văn Phan Lạc Tiếp đã cảm nhận điều ấy khi đặt tên cho tác phẩm của ông.

Oan trái sẽ không thể kéo dài miên viễn. Chắc chắn nó sẽ chỉ là hiện tượng của một thời, Một Thời Oan Trái.

Điều này dễ dàng lý giải. Dường như ai đó đã để lại một câu bất hủ: yêu thương luôn luôn mạnh hơn chết chóc.


Nam California một ngày cuối năm 2010



Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

(*) Tác phẩm “Một Thời Oan Trái”của Phan Lạc Tiếp do Tiếng Quê Hương ấn hành Sách dày trên 400 trang, 25 MK. Mọi liên lạc xin thư về Tủ sách Tiếng Quê Hương, P.O Box: 4653. Email hoặc điện thoại cho: uyenthao1@juno.com – (703) 573-1207 hay/và tphongvu@yahoo.com – (949) 232-8660. Chi phiếu (check) hoặc lệnh phiếu (momey order) xin ghi trả cho “VLAC/Tiếng Quê Hương”.

(2) Trên danh nghĩa, khi phát động chính sách tiêu thổ, người CS nói là để quân Pháp không có nơi đồn trú, nhưng thật ra đây là một thủ đoạn nhằm triệt hạ tư sản, phá bỏ dấu tích tôn giáo nhằm chuẩn bị cho chủ trương “cào bằng” giai cấp sau này, như tiết lộ của cố Giám Mục Lê Đắc Trọng trong hồi ký Chứng Từ Của Một Giám Mục do nguyệt san DĐGD ấn hành năm 2009.

(3) Trích thư của Tào Mạt Nguyễn Duy Thục gửi tác giả Một Thời Oan Trái không lâu trước ngày ông qua đời vào năm 1993.
.
.
.

No comments: