Thursday, March 10, 2011

THÁNH ĐỊA HÒA HẢO (Phan Lạc Tiếp)

Thánh Địa Hòa Hảo
Phan Lạc Tiếp - Uyển Mai giới thiệu
10-03-2011

Uyển Mai Tháng 2 vừa qua Đạo Tràng Phật Giáo Hòa Hảo Minh Thiện và Huệ Thọ tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết họ bị chính quyền điạ phương sách nhiễu. Khoảng 90 công an và Thượng tá Bùi Đức Hồng đã tới đạo tràng đòi các tu sĩ mở cổng. Tín hữu Đặng Văn Nhàn ôm can xăng 20 lít chế từ trên đầu xuống hết phân nửa, sau đó tu sĩ Huệ Thọ cầm nửa can xăng còn lại, nói: “Anh Hồng ơi, đừng xúi lực lượng công an tràn vào, vì mấy anh kia vô tội, còn anh là người chỉ đạo. Anh có ngon thì vô đây, còn can xăng này tôi với anh ‘cưa hai’. Anh nhiệt tâm về Đảng, tôi nhiệt tâm về Đạo, hai anh em mình cưa hai”. Cuối cùng, Thượng tá Hồng và toán công an phải bỏ đi (1).

Từ khi chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản không ngừng khống chế giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo bằng nhiều thủ đoạn như kiểm soát thánh lễ, cắt bỏ thánh huấn cổ truyền, đàn áp bắt bớ tín đồ, thành lập giáo hội quốc doanh, và mưu toan phá đi An Hòa Tự, thánh tích của PGHH tại tỉnh An Giang. Nếp sống thanh bình yên ả của những tín đồ PGHH bị xáo trộn và tàn phá từ 1975 cho tới tận nay(2).

Để thấy lại cảnh sống nền nếp hiền hòa của miền đồng bằng sông Cửu với những tín đồ PGHH chất phác nhưng đầy lòng can đảm, mời bạn đọc ngược dòng thời gian thăm Chợ Mới, An Giang, qua ngòi bút của tác giả Phan Lạc Tiếp.

Vài hàng về Phan Lạc Tiếp - Phan Lạc Tiếp sinh năm 1933 tại Sơn Tây, là một cựu sĩ quan Hải Quân VNCH. Ông từng giữ chức vụ Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến BTL/HQ và Hạm Trưởng tàu HQ-601. Sau đó được Tư lệnh HQ giữ lại Sài Gòn “để cho tiện, khi cần viết lách gì…” nên về Khối Thanh Tra. Ðêm 29, rạng ngày 30 /4/ 1975, ông đã hỗ trợ vị Hạm Trưởng chiến hạm HQ-502 rời bến, đem theo trên 5 ngàn đồng bào thoát được ra khơi (3).

Cuối năm 1979, khi làn sóng người vượt biển lên cao và thảm nạn thuyền nhân trở nên khủng khiếp nhất, Phan Lạc Tiếp đã cùng Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương thành lập Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People SOS Committee). Liên tục trong 11 năm hoạt động, Ủy Ban đã hợp tác với những tổ chức nhân đạo thế giới, đem tàu ra biển Ðông, cứu vớt hơn 3 ngàn thuyền nhân, và xin định cư cho hàng ngàn đồng bào tại các quốc gia đệ tam.

“Thánh Địa Hòa Hảo-Miền đất hứa” nằm trong tập bút ký “Bờ Sông Lá Mục” do nhà Xuất Bản Hồng Đức in lần thứ nhất năm 1969 (Saigon). Nhà xuất bản Kẻ Nủa in lần hai năm 1997 (San Diego).

An Hòa Tự - Thánh tích của Phật Giáo Hòa Hảo.  Nguồn: hoahao.org

© DCVOnline

------------------------

Thánh Địa Hòa Hảo-Miền đất hứa
Phan Lạc Tiếp

Rời quận Chợ Mới để đến công tác tại Thánh Địa Hòa Hảo, lòng tôi vẫn còn phân vân. Biết đâu ông Quận Chợ Mới chẳng nói quá đi như thế. Mình cứ nên cẩn thận là hơn. Tàu đến vào buổi chiều. Giòng sông mênh mông. Tôi đứng trên đài chỉ huy, lấy ống nhòm nhìn sang hai bên bờ. Nhà cửa thưa thớt nhưng thật khang trang. Độ một vài ba trăm thước, lại có một cái nhà nhỏ ở ven sông, có tấm bảng ghi đẹp đẽ: “Phòng Đọc Giảng” và có hệ thống loa chĩa ra bốn phía.

Những chiếc ghe tam bản chạy dọc theo mé sông. Máy đuôi tôm kêu lè xè. Trên đó, các ông già mặc áo trắng, cầm ô đen, các bà đội nón, nhai trầu bỏm bẻm. Các cô gái thì nghiêng nghiêng đầu, chỉ chỏ, cười. Càng đến gần khu Thánh Địa thì khu nhà cửa càng nhiều hơn, nhưng phần nhiều vẫn chỉ là những mái nhà tranh, đơn sơ, nhưng rất khang trang, thơ mộng.

Tàu chạy chầm chậm để tránh gây sóng lớn cho ghe xuồng hai bên. Trên đường dọc theo bờ sông, từng đàn trẻ nhỏ chạy theo tàu cười đùa. Nhìn kỹ hơn, trước mỗi nhà đều có bàn thờ lộ thiên, đơn giản thì là một tấm ván mỏng đóng trên đầu một khúc gỗ cao. Cầu kỳ thì là một bàn thờ xây bằng gạch. Song trước bàn thờ đều có một cột cờ khá cao. Phía trước cột cờ là một mảnh gỗ hình lưỡi dao chĩa ra, và là nơi lá cờ màu nâu, có bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo được kéo lên tại đó. Tàu dừng máy, bỏ neo và ủi mũi vào bờ. Đồng bào xúm tới đông nghẹt. Hệ thống phóng thanh từ trên bệnh viện hạm trình bày rõ mục đích của chiến dịch Cửu Long Giang và công tác Dân Sự Vụ sẽ được thi hành tại đây. Sau mỗi đoạn trình bày, đồng bào trên bờ vỗ tay cười, hoan hô ào ào.

Bên kia sông là Tổ Đình. Tôi quan sát kỹ, chẳng có gì đặc biệt. Ngoài cùng là một cầu tàu bằng xi măng nhỏ, chỉ có thể để các tàu nhỏ, chiến đỉnh hoặc ghe xuồng cặp vào mà thôi. Phía trong qua con lộ đất là một căn nhà tranh tầm thường nằm ẩn nấp trong cây. Các nhà đọc giảng thấp thoáng. Xa về phía mặt của Tổ Đình là một nhà tranh to lớn, có bảng đề: “Nhà Cơm”. Trước sự bình an của toàn vùng Hòa Hảo, tôi vẫn tưởng Tổ Đình phải là to, tốt, uy nghiêm lắm. Nay thấy cảnh trí đơn sơ vậy, tôi bỗng lại hoài nghi.

Chiều đã xuống, mặt sông như rộng hơn. Phái đoàn chúng tôi từ bệnh viên hạm dùng chiến đỉnh nhỏ sang bên kia bờ vào thăm Tổ Đình.

Vị Hạm Trưởng hướng dẫn phái đoàn, mang theo một món quà của Thiếu tướng Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ tặng bà thân sinh đức Huỳnh Giáo Chủ. Đó là một củ hồng sâm, vì được tin cụ bà yếu mệt đã lâu. Bác sĩ y sĩ trưởng cũng mang theo các y cụ và các thứ thuốc cần thiết để khám bệnh cho Cụ Bà. Tất cả phái đoàn chúng tôi đều mặc tiểu lễ, quần áo trắng tinh, lon vàng óng ánh, huy chương cuống và bảng tên trên nắp áo. Bỗng bốn phương bùng lên những âm thanh réo rắt. Vị đại diện ông Quận vội giải thích ngay:

“Dạ... đấy là giờ đọc giảng.”

Các loa từ các nhà đọc giảng cùng một lúc ngân ngan qua các lời kinh của Đức Thày. Chiều êm ả, gió hiu hiu, lời thơ êm đềm. Tất cả vũ trụ như bồng bềnh trôi đi thật nhẹ.

Chiến đỉnh ghé vào cầu tàu xi măng. Cậu Năm, vị Tế Tử của Cụ Bà và là người giữ nhiệm vụ coi sóc Tổ Đình, trong quần áo lục trắng tinh, đón tụi tôi tại đó.

Phái đoàn được hướng dẫn vào Tổ Đình. Một số chức sắc cũng đã có mặt tại đây. Ai nấy đều khăn áo chỉnh tề. Qua mảnh sân đất là một căn nhà ba gian. Những cánh dại chắn gió cũng bằng tre. Trên đó có dán một số hình ảnh của phái đoàn đã đến đây thăm viếng. Bàn thờ được trần thiết tuy tranhg nghiêm nhưng phải nói là đơn sơ, như một bàn thờ tổ của nhà trung lưu nào đó mà thôi. Đèn nến lung linh, tất cả phái đoàn chúng tôi đều làm lễ trước bàn thờ Tổ Đình. Sau đó bác sĩ y sĩ trưởng xin phép vào thăm bệnh Cụ Bà. Tôi ngồi nhìn mọi góc, đơn sơ quá. Bữa ấy có sự hiện diện của cụ Lương Trọng Tường, là hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo và một số chức sắc khác. Do đó tôi có trình bày một vài thắc mắc khác của tôi với các vị ấy.

Tôi hỏi: “Thưa... như tôi biết thì Giáo Hội ta có trên 2 triệu tín đồ, đặc biệt là đa số đều quy tụ quanh Thánh Địa. Vậy chúng tôi nghĩ quý vị có ý định xây cất một Tổ Đình đồ sộ xứng đáng với sự to lớn của Giáo Hội không?”

Cụ Lương Trọng Tường nói: “Vâng, ông nói thật hợp lẽ. Chúng tôi có hơn 2 triệu tín đồ. Nếu mỗi tín đồ chỉ đóng 2 đồng, chúng tôi có trên 4 triệu bạc để xây Tổ Đình. Vậy mà chúng tôi đã không làm như vậy, cớ sao? Vì như vầy. Thứ nhất đây là Tổ Đình nguyên thủy, nơi mà Đức Thày đã được sinh ra và lớn lên tại đây. Nó là một vật vô giá cần được bảo tồn y nguyên như vầy. Hai là bổn đạo coi việc hoằng dương đạo pháp, theo như Đức Thày đã dạy là trọng, không coi cái hình thức là trọng. Do đó có lẽ chúng tôi không bao giờ cất Tổ Đình to cao, mà ngược lại cố duy trì Tổ Đình này. Chẳng những thế, cả con đường trước mặt, khúc sông ngoài kia, chúng tôi cũng gắng giữ nguyên như khi Đức Thày còn có mặt, vì thế nào Đức Thày cũng còn trở lại.”

“Nghĩa là quý vị chờ Ngài từ năm 1947 và vẫn còn chờ đến bây giờ?”

“Vâng, Đức Thày chỉ tạm thời khuất mặt mà thôi. Thế nào Đức Thày cũng trở lại với bá tánh. Ngày đó chắc cũng không xa đâu. Và khi ấy, Đức Thày cũng lại cư ngụ trong căn nhà này. Căn nhà tranh đơn sơ như đại đa số bá tánh chúng sanh...”

Tổ đình PG Hoà Hảo - Nơi sinh của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ .  Nguồn: hoahao.org

Tôi chịu lời trình bày trên của cụ Lương và tôi hỏi tiếp:
“Đại úy Quận trưởng Quận Chợ Mới, ông Lâm Hồng Thời, có cho chúng tôi hay là chung quanh vùng Thánh Thất 50km suốt ngày đêm thật bình an, tụi Việt cộng không hề có mặt tại đây được. Điều ấy đúng không?”

Cụ Lương cười vui vẻ và nói: “Tôi xin giới thiệu với ông đây là ông...(một người tôi không nhớ tên). Người đã theo hầu Đức Thày. Ông này cũng đã từng là một chỉ huy trưởng, của một đơn vị lớn của Dân Xã ngày trước, một vị quân sự thứ "gắt" của chúng tôi...”

Người được cụ Tường giới thiệu, cũng khăn áo chỉnh tề, ngoài năm chục, vẻ quắc thước, khoẻ mạnh, vị này nói: “Dạ, trước là vậy, sau này lực lượng của chúng tôi giải tán để nhập vào Quân Đội Quốc Gia mình. Nay cũng không cần nữa. Lúc đầu tụi Việt Minh làm quá, nên phải có lực lượng mà trị nó. Dạ bây giờ khác. Ngoài kia sao tôi không dám nói, chứ nội địa phận quanh Tổ Đình đây, 50km, ông cứ cho anh em lính tráng đi lại đêm ngày, có gì xảy đến lông chân quý vị, xin lấy mạng tôi mà bảo đảm...”

Vị này nói quyết liệt. Mặt đỏ, tay dơ cao, toát ra một khí phách lẫm liệt như một nhân vật nào đó trong các truyện Tàu. Nhìn vị ấy, tôi thấy sợ thế nào. Vị này lại tiếp: “Tụi nó cũng nhiều phen mò về đây chớ. Khi thì ngon ngọt kêu xí xóa sự hiểu lầm xưa, khi thì gian manh trà trộn vào đám đạo hữu... Ôi thiên hình vạn trạng đó chớ. Riết rồi đạo hữu chúng tôi đồng một lòng một dạ... Vì thế đã bao nhiêu người bị chúng chặt, bỏ bao bố trôi sông... Biết bao nhiêu mà nói.”

Tôi nghĩ đến những lời đồn đãi kinh khiếp về các chiến sĩ Hòa Hảo, nên rụt rè hỏi: “Dạ, tôi có nghe nói nhiều thảm cảnh lắm. Như có khúc sông nào đó, hễ ghe xuồng của dân qua đó, là phải ghé vào bờ để mua thịt... người. Khi thì cái chân, khi thì cái đầu. Trả bằng tiền để rồi ra thả xuống sông.”

Một vị khác vội trả lời tôi ngay: “Chiến tranh thì biết bao nhiều điều đau khổ. Đức Thày cũng đã có cho hay:
Mèo kêu bá tánh lao xao,
Đến chừng rồng, rắn máu đào chỉnh ghe.
Con ngựa lại đá con dê,
Khắp trong thiên hạ nhiều bề gian lao.
Khỉ kia cũng bị xáo xào,
Canh khuya gà gáy, máu đào mới ngưng.

“Dà... Đức Thày thấy trước chớ. Có điều ai gây nên cảnh tang thương thì phải nói là tụi Việt Minh nó vừa ăn cướp vừa la làng. Tụi nó là giỏi cái vụ này lắm. Tụi nó vô thần. Mình là người có đạo làm sao được. Cùng lúc ấy bác sĩ y sĩ trưởng đã khám bệnh cho Cụ Bà xong từ trong buồng bước ra. Không khí bỗng trở nên khác hẳn. Mọi người hỏi vị bác sĩ về tình trạng sức khoẻ của Cụ Bà, sau đó là một tuần nước trà và cùng nhau bàn định chương trình công tác tại đây.

Để mở đầu cho chương trình Dân Sự Vụ ngay tối hôm ấy toán văn nghệ đã được ban Quản Trị Tổ Đình yêu cầu trình diễn tại Nhà Cơm. Tất nhiên là chúng tôi thi hành ngay. Nhà cơm tuy làm bằng tre, lợp lá, nhưng rộng quá, có thể chứa nổi cả ngàn người. Khi văn nghệ trình diễn, tôi có hỏi một vị chức sắc tại đây về lai lịch của nhà cơm như sau:

“Thưa, tại sao lại gọi là ‘nhà cơm’?”

“Dà... nhà cơm là để ăn cơm.”

“Ai ăn?”

“Dà, hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm lễ Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là biết bao nhiêu người đổ về. Đạo hữu đã đành, người thập phương còn đông hơn nữa, họ đến để lễ Tổ Đình, để xem thuyền rồng thắp sáng trên sông... Ôi đẹp biết bao mà nói. Khi ấy thì nhà cơm đã sẵn. Ai đói cứ đến ăn. No rồi lại ra bờ sông coi.”

“Mà ai lo cơm nước?”

“Dà, cái đó chúng tôi có các đạo hữu tình nguyện. Làm lấy phước. Gạo, nước, cá, mắm cũng vậy. Hễ thiếu là tự khắc có người mang đến à... Mà có khi dư. Dư thì chúng tôi thiếu gì cách cho. Do đó nói là ngày Đại Lễ to quá xá mà bổn đạo đâu có tốn một đồng xu. Muốn gì là có, mà đó là đạo hữu muốn là chúng tôi làm. Thành ra của như của chung. Tình đạo hữu cũng vì thế mà khăng khít hơn.”

Hôm sau, đoàn văn nghệ trình diễn cách Tổ Đình hơi xa, có đến trên mười cây số. Chúng tôi đi bằng bốn chiếc đỉnh nhỏ, vừa chở nhân viên, vừa chở lực lượng bảo vệ. Đoàn tàu đi từ lúc chiều còn chưa tắt nắng. Qua mấy khúc kinh nhỏ, nước nôi mênh mông. Tàu chỉ căn cứ vào hai dãy cây ven kinh mà đi. Chỗ nào cũng nước trắng xóa. Nơi trình diễn là một nhà lồng chợ. Âm thanh của cuộc trình diễn khởi đầu ngay khi trời vừa tối. Sau khi ngỏ mấy lời cùng bà con cô bác cho phải lẽ, tôi và Davis đi ra ngoài mé chợ nhìn ra dòng nước lấp lánh.
Davis nói với tôi:
“Nơi đây nước nhiều quá. Ngập thế này làm sao họ sống?”

Tôi cũng chưa biết trả lời ra sao. Lát sau có một vị đâu như xã trưởng gì đó đến tìm tụi tôi. Tôi đem điều thắc mắc của Davis ra hỏi:
“Dạ thưa bác, chứ nước lụt như vầy làm sao sinh sống được?”

“Dà... chỉ mấy tuần là qua à.”

Nói rồi ông xã trưởng mở thuốc mời tụi tôi. Davis nhận ngay một điếu cầm tay, không hút. Ông xã lại tiếp:
“Cứ như mấy tờ nhật trình trên Sài Gòn nói thì chắc tụi tôi chết hết. Còn tụi tôi, sống cả đời ở nơi đây, quen rồi, mà nhiều khi tụi tôi cầu mong có lụt nữa...”

“Sao vậy bác?”

“Dà, thì có gì đâu. Lâu lâu mình nghỉ chơi một kỳ. Bạn bè lại gặp nhau tại nơi lồng chợ này chẳng hạn. Vui chớ!”

Tôi chỉ biết “dà” cho qua. Rồi ông lại tiếp:
“Nói cho ngay, nước lụt có cái hại lúc đầu nhưng sau lại là cái lợi vô cùng.”

“Bác cho biết thêm cái lợi?”

“Dà nhiều chứ. Thứ nhất là cá tôm trên Biển Hồ đổ về biết bao nhiêu mà kể. Giờ nước đã bắt đầu rút hết rồi nè. Các nơi ruộng cao, nước đã mỏng, cá chịu nóng đâu có thấu. Đó… ta cứ việc làm phên be bờ cho các chạy vô rọ của ta. Ôi quá xá là cá tôm. Rồi nước rút hết. Các hồ ao của mình đặc là cá tôm. Sài Gòn đâu có tiêu thụ hết, tụi tôi phải làm mắm. Có khi phải dùng cá làm phân bón.”

“Vâng, thế thì hay quá.”

“Dà... còn cái lợi khác gấp bội cái lợi của cá tôm.”

“... Là cái chi?”

“Là đất màu phủ hết trơn mọi nơi. Năm sau vụ lụt là được mùa vô số kể.”

“Nhưng năm lụt thì chắc lạ kẹt lúa gạo?”

“Cũng có chút đỉnh thôi. Sống lâu mình biết chớ. Đề phòng chớ. Ngoài ra còn có thứ lúa "ma". Loại lúa hoang đó mấy ông. Đâu có ai trồng cấy đâu. Lúa trời cho đó mà.”

“Sao?”

“Thì loại lúa mọc theo con nước. Nước cao tới đâu nó ngoi tới đó. Tuy hạt cơm không được ngon như gạo nàng hương, nhưng cũng ăn được. Chịu khó bơi xuồng ra ruộng nước vớt lên. Một buổi là ăn cả nhà.”

“Chà... ”

“Rồi cá đó mấy ông... ”

“Còn gì nữa bác? ”

“Còn chớ…”

“Xin bác cho biết thêm. ”

“Dà, khi mùa nước nổi, cái lo của tụi nhà nông tụi tôi là làm sao giữ cho con trâu được an toàn. ”

“Sao... ”

“Dà. Con trâu là bạn thiết của nhà nông. Nước cao ngập hết, nhà cửa cũng ngập hết, cả nhà lên ghe, tìm được chỗ đất cao nào đó. Còn con trâu, xuồng ghe nào chở được nó. Để nó ngâm nước lâu nó cũng chết. Để nó đứng trong nước, lâu quá chân trâu thối móng, cũng chết. ”

“Vậy làm sao?”

“Dà, trời sanh lạ lắm. Lúc nước cao, lục bình từ các con rạch đổ ra, vô số kể. Loại lục bình già, cành dài cả thược Chúng tôi làm một vuông chuồng, dùng cây cao đóng cọc chắc, xem lại cho vững, rồi ẩn lục bình vào. Một lớp lục bình lại có một lớp phên tre, và trên chót là mấy bộ ngựa ken lại, để trâu đứng trên đó. Nước cao tới đâu, lục bình nổi tới đó. Trâu đứng trên đó, khô rang, khoẻ ru bà rù. Cứ tiếp tế rơm cho trâu. Sau mùa nước nổi, trâu béo thấy rõ, mà lười cũng thấy rõ... ”

“Dà, cái này tụi trẻ đâu có thấy. Chỉ có tụi già này mới thấy rõ đó mấy ông.”

Tôi dịch qua loa cho Davis nghe. Anh ta nói:
“Ông này giỏi quá.”

Tôi chỉ ừ hử cho qua và xin ông ta kể tiếp. Hút một hơi thuốc dài, thở khói nồng nặc, ông xã kể tiếp:
“Mấy ông có thấy hàng cây đen đen thẳng tắp kia không? Đó là dãy cây điên điển. Các ông nhờ nó mà biết đâu là bờ kinh, đâu là ruộng để mà đi tàu, đi ghe. Thứ cây này lạ lắm. Như khi tui còn nhỏ, cái cồn tui ở có một xẻo à. Ông già tui chặt cây điên điển này về, cắt khúc cặm xuống cù lao phía hạ giòng. Chỉ ít lâu là ra lá xanh um. Rễ ra tua tủa, bết lại đặc nghẹt. Cứ thế qua mấy năm chỗ mép cù lao thành đất, mà đất tốt quá xá chứ!”

“Hay quá nhỉ.”

“Dà... ông già tui còn nói khi Tây nó mới qua đây dân mình chạy về U Minh, sống trong đám điên điển này nhiều lắm. Hoa nó vàng đẹp, hái xuống nấu với cá lóc, ôi ngon biết mấy. Thân nó phơi khô, đốt lên lấy than pha với ít diêm sinh làm thuốc súng... Tự dó mà mình cầm cự với tụi nó biết bao lâu.”

“Vâng, vậy ra đây là thứ cây làm nên đồng ruộng miền Nam ta.”

“Dà, nói thế nghe hay quá há! Mà thật chứ không giỡn đâu a, mấy ông...”

Lúc này chương trình văn nghệ đã hết. Tiếp theo là phần chiếu phim, loại phim toàn ca sáu câu vọng cổ. Đồng bào nghe đã chiếu bên Chợ Mới, nên nóng lòng lắm lắm. Khi sửa soạn chiếu phim mới hay là ống kính đã bị bỏ quên trên tàu lớn. Làm sao đây? Đi bằng tàu thì lâu quá, vừa đi vừa lại mất mấy tiếng, còn gì là đêm. Ông xã biết vậy bảo tôi:

“Dà, để tui cho thằng em đưa anh nào đi về tàu bằng đường bộ.”

“Đường bộ liệu được không bác?”

“Được chớ. Nó quen đường đất rồi. Lấy cái xe mobilette chạy mấy hồi.”

Tôi gọi một nhân viên tới bảo đi với anh nghĩa quân về tàu lấy ông kính. Trong khi anh ta đi, lòng tôi không khỏi lo âu. tôi nghĩ đến sự bất an như ở Trà Ôn, Việt Cộng giả làm đám cưới, vây toán Dân Sự Vụ của tụi tôi, chỉ cách quãng đường chưa tới một cây số, bắn lòi ruột một anh nghĩa quân, nhưng thấy ông xã nói “Được mà” nên tôi đành ngồi chờ đợi.

Lúc ấy bà con mang đủ thứ quà bánh cho các anh chị em ca sĩ. Có người cứ nhìn chầm chầm vào mặt các cô ca sĩ. Họ mang theo mía nướng, bánh ú, bánh bột lọc. Có người mang ra một nồi cháo cá thơm lừng. Họ đơn giản nói “Mời các anh chị ăn lấy thảo mà”. Cuộc ăn uống vừa xong thì anh lính nghĩa quân đã chở nhân viên của tôi về, mang theo cái ống kính chiếu phim. Mọi người biết phim xắp chiếu la ó rầm trời, rồi vội vã dọn đồ ăn đi thật nhanh.

Ai nấy ngồi im như thóc. Màn ảnh được chiếu sáng. Sáu câu vọng cổ ngân nga xuống “xề” khiến khán giả vỗ tay ào ào từng đợt.

Sau những ngày công tác tại Thánh Địa Hòa Hảo, tụi tôi nhổ neo đi Hồng Ngự và Tân Châu. Trước khi chấm dứt công tác, ông Quận Trưởng Chợ Mới Lâm Hồng Thời đánh điện lên yêu cầu phái đoàn trở lại Chợ Mới thêm hai ngày. Tụi tôi dàn xếp để chiều lòng ông Quận. Tại đó hai con bê làm sẵn của dân địa phương đón chúng tôi. Dầu salad oil của chúng tôi tưới lên những mảnh ngói để rửa, thịt bò thái mỏng cháy thơm lừng. Bánh tráng, rau húng, mắm nêm... cả mấy trăm anh em dưới tàu và trên Quận hả hê, hân hoan ăn mừng công tác đã hết.

Giáo chủ PG Hoà Hảo Huỳnh Phú Sổ  .  Nguồn: nammoadidaphat.orgt

Tàu nhổ neo trở lại Saigon. Riêng tôi được một tặng phẩm đặc biệt: cuốn Sấm Giảng Thi Thơ Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, dày hơn năm trăm trang, có chữ ký của Ban Trị Sự Tổ Đình. Tàu chạy qua các khu vực Thánh Địa Hòa Hảo. Nước lớn dâng cao, êm đềm. Bắc cái ghế vải ra sân sau chiến hạm, nằm mở cuốn kinh ra đọc. Gió nhè nhẹ thổi ở bên tai. Hai bên bờ, những hàng cây điên điển thấp thoáng, những mảnh tam bản mỏng manh lướt đi. Trên đó, những cô gái áo bà ba trắng, quần đen, óng ả nghiêng nón bên mái chèo. Tôi thấy như tôi vừa mới đi cắm trại về. Bao nhiêu là ngày vui. Nơi đây, đất thiêng, nơi phát xuất ra một người rất lạ, Đức Huỳnh Phú Sổ. Dưới niềm tin của Đức Thày, bao nhiều đạo hữu đã sống những ngày thật thanh bình giữa lúc đất nước đang chìm đắm trong chiến tranh.

Davis hỏi tôi:
“Sao các nơi không bắt chước nơi này?”

“Cái đó đâu có dễ. Đối với Cộng Sản, ở xa thấy nó hay, đẹp lắm. Sống với nó mới thấy cái kinh khiếp giảo quyệt của nó. Giáo Hội Hòa Hảo đã kinh qua những thử thách máu xương với Cộng Sản, đặc biệt tất cả các đạo hữu của họ đều có một lòng tin sắt đá vào vị Giáo Chủ, nên họ đã làm được.”



Nguồn:

(1). Phật giáo Hòa Hảo tiếp tục bị đàn áp, Thanh Quang, RFA, 03/02/2011
(2). Đập phá hay sửa chữa chùa An Hòa Tự PGHH?, Thanh Quang, RFA, 12/03/2009
Tín đồ PGHH bị đàn áp nặng tại vùng ĐBSCL, Thanh Quang, RFA, 04/07/2009
(3). Thư Gửi Bạn Bè, Phan Lạc Tiếp, 10/01/2001

.
.
.
08-03-2011

.
.
.

No comments: