Thursday, March 10, 2011

KHI TÌNH NGƯỜI CẠN KIỆT - Phần 1/2 (Trần Phong Vũ)

09-03-2011

Đọc qua bản thảo tác phẩm “Một Thời Oan Trái” (*) của Phan Lạc Tiếp, tôi thoáng liên tưởng tới nội dung cuốn  "Ngày long trời đêm lở đất"  của Trần Thế Nhân. Hai tiếng Oan Trái như xoáy vào trái tim ứa máu làm lay động những suy tư trầm lắng trong tôi khi đọc những chứng từ của người viết họ Trần.

Trần Thế Nhân. Một cái tên xa lạ trong giới cầm bút ở quốc nội ghi trên tập sách do tổ hợp xuất bản Cành Nam ở Miền Đông nước Mỹ ấn hành.

Tôi nghĩ thầm. Đây hẳn là tên giả của một cây viết nào đó. Những chứng từ trần trụi, khốc liệt và chân thật như thế không có quyền hiện hữu và không thể là sản phẩm của một con người có diện mạo, có căn cước trên đất nước ta hôm nay.

Điều mang vẻ nghịch lý là bối cảnh âm u, hư ảo, ma quái tuồng như hư cấu bao quanh tác phẩm lại hiện ra rất thật, với những việc thật, người thật. Đây là điều đã được nhiều nhân chứng, trong đó có ông Nguyễn Minh Cần hiện sống ở Liên Xô cũ, xác nhận. Chuyện tình bi thảm, oan trái giữa ông Hồ và cô gái họ Nông qua lời kể của oan hồn người cung nữ về một đấng Quân vương thời phong kiến đã khởi đầu cho những cái chết oan khiên, những mảnh đời bất hạnh Việt Nam trong thời Cải Cách Ruộng Đất.

Câu chuyện của Trần Thế Nhân, một người viết trong nước là như thế.

Nhưng trên tay tôi lúc này là bản thảo “Một Thời Oan Trái” của cựu Hạm trưởng trong binh chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, tác giả Phan Lạc Tiếp.

Không cần đọc những lời xác minh của tác giả, ai cũng nhận ra cảnh ngộ, tình huống, chi tiết những chuyện kể trong tác phẩm được phóng chiếu từ những sự thật. Đấy là những chứng từ được cẩn trọng ghi chép lại sau những đụng chạm, những gặp gỡ, trao đổi giữa người với người, giữa người với sự vật trong một lần trở về thăm quê cũ.

Với hơn hai mươi đoản văn, tác giả đã chi chút, tỉ mỉ ghi lại những hình ảnh, những kỷ niệm còn mất của một thời đã đi qua đời ông. Nó gắn bó với ông từ thuở ấu thơ như bóng với hình. Nó theo ông vào miền Nam sau ngày đất nước bị chia đôi tháng 7 năm 1954. Nó cùng ông vượt đại dương đi tới một chân trời khác, hoàn toàn khác. Tựa như một thân cây trốc gốc bị bứng ra khỏi vùng đất quê hương quen thuộc có tên Nủa Chợ (gọi tắt là làng Nủa, tên tục của làng Hữu Bằng, quận Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, tức Hà Tây, miền bắc nước Việt Nam ngày nay).
Đầu thập niên chót của thiên niên thứ hai, chính xác là năm 1994, sau 40 năm biền biệt, từ phương trời khác đã trở thành quê hương thứ hai của ông, lần đầu tiên tác giả họ Phan có cơ hội trở về nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Chính từ nơi ấy định vị một làng quê mà mỗi lần nhớ tới lại rộn lên trong trái tim nhạy cảm của ông những kỷ niệm êm đềm, đầy ắp thương yêu, nhung nhớ về những ngày tháng cũ. Như những rong rêu bên bờ sông lá mục ghi đậm một thời trai vẫy vùng trên sông nước thuở nào, ngày trở về làng Nủa đã khắc họa trong ông những vết hằn đắng cay, chua xót, để cho những giòng lệ tuôn trào. Gắn kết những kỷ niệm êm đềm quá khứ với những tang thương hiện tại, ông chợt nghe hồn rướm máu.

Và Một Thời Oan Trái đã hình thành trong tâm huống ấy.

Tôi không khỏi mang cảm giác rưng rưng, vừa ngạc nhiên vừa thích thú, khi đọc nhan đề tác phẩm.

Điều này có căn do.

Bản thân tôi từng viết một tập truyện có cái tên tương tự. Một Thời Mê Hoặc. Đây là tập truyện dài được viết dưới dạng feuilleton đăng liên tục nhiều kỳ trên nguyệt san Đường Sống cuối thập niên 80 thế kỷ trước và được cơ sở xuất bản Tin Vui ở nam California, Hoa Kỳ ấn hành mùa thu năm 1998. Rất tình cờ, tác giả Phan Lạc Tiếp đã nhận lời giới thiệu trong ngày ra mắt tác phẩm cuối năm ấy.

Khi chọn nhan sách mỗi người viết đều có ý gửi vào đó một hàm ý riêng. Nếu cái thời mê hoặc trong tập truyện dài có hồi kết cuộc tuồng như bỏ lửng (1) của tôi diễn tả những cơn sóng lãng mạn cuối mùa xô đẩy giới trẻ Việt Nam vào những chọn lựa u mê, hoảng loạn trong vòng một thập niên tính tới biến cố Mậu Thân 1968, dẫn vào những cảnh ngộ chia xé nát lòng, không phải đâu xa mà ngay sau ngưỡng cửa gia đình, giữa cha và con, vợ và chồng, giữa những anh em ruột thịt... thì cái thời oan trái trong những trang ký sự rướm máu không thiếu nước mắt của tác giả họ Phan là tấm gương phản chiếu những hình tượng tang thương, đau xót chất đầy những oan khiên, sầu muộn, không phải chỉ riêng làng Nủa của ông mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hơn hai mươi đoản văn trong Một Thời Oan Trái là hơn hai mươi chứng từ sâu lắng, sống động với 9 mảnh đời trong Phần Thứ Nhất: Đất Cũ Người Xưa, và hơn 10 ký sự trong Phần Thứ Hai: Những Mảnh Đời Lưu Lạc.

Oan trái! Thật không còn có từ nào đắc địa, đúng và chính xác, hơn để diễn tả cái thời chất chồng những tội khiên, cay nghiệt ấy.

Người viết những giòng này muốn đi sâu vào từng chuyện ký, vì tất cả đều đáng được đào xới để chia sẻ những suy tư cuồn cuộn như sóng gào, gió hú của riêng mình cùng người đọc. Nhưng giới hạn của trang sách không cho phép dài lời. Và như thế đặt ra cho người viết một chọn lựa, một giới hạn chẳng đặng đừng.

Gấp sách lại, mỗi nhan đề, mỗi tâm sự, mỗi danh tính nhân vật như còn đọng lại đâu đây. Ở đấy là những vùng sáng chan hòa của một thời trẻ dại với Cây Khế Ngày Xưa thoang thoảng mùi bồ kết từ hương tóc chị Đan; với Người Nghệ Sĩ Miền Quê gợi nhớ những buổi rong chơi thả diều, câu cá; với Soái Nham; với Tào Mạt; với Sơn Chung Tiên Sinh; với Người Đàn Bà Nhan Sắc... nháng lên những ánh lửa yêu thương, tin cậy của một thời. Cũng ở đấy là những mảng tối đong đầy, rình rập những tai ương, cạm bẫy.

Giữa đêm đen huyền hoặc, từ đâu đó vẳng lên những thanh âm ằng ặc, u uẩn, tắc nghẽn thoát ra từ cuống họng của người thanh niên họ Phan bị xiết cổ lôi đi trên cánh đồng làng Thày bên rặng Sài Sơn. Cạnh đó là khuôn mặt nhợt nhạt với đôi mắt vô hồn, thảng thốt của người chứng bất đắc dĩ là Đỗ Nhật Tân tức Sơn Chung Tiên Sinh.

Tương tự như trường hợp của Phan Lạc Trạch, của Đỗ Nhật Tân, mỗi đoản văn trong Một Thời Oan Trái là một mảng đời sống được nhào trộn với những ký ức về một thuở thanh bình, có lũy tre xanh, có vòm trời đầy sao, có mảnh trăng non, có giọng hát trữ tình, có tiếng sáo lững lờ, thánh thót... Nhưng rồi, trong khoảnh khắc, mọi sự thoắt chốc trở thành hư vô. Tất cả tuồng như chỉ còn là cơn ác mộng.

Cuộc đời Sơn Chung Tiên Sinh Đỗ Nhật Tân, người anh em họ của tác giả là điểm hội tụ điển hình cho cái thời oan trái trong toàn bộ tác phẩm.
Thân phụ tiên sinh là một người chân quê hiền lành có một quan niệm sống đơn sơ, thực tế. Lớn lên trong buổi giao thời, tự biết mình không có điều kiện và khả năng thành danh trên đường khoa cử, không muốn làm những ông Tú lỡ, ông cụ chuyên chăm lo việc nông tang. Suốt năm, bốn mùa 12 tháng cùng vợ và đàn con đông đúc hết bận rộn với vài mẫu ruộng ngoài đồng lại cặm cụi bên khung cửi, bên nồi thuốc nhuộm trong nhà. Nhờ thế gia đình họ Đỗ đã tự gầy dựng được một cơ ngơi tươm tất, khiến trong họ ngoài làng ai cũng nể phục. Sau một cơn bạo bệnh cụ ông qua đời để lại gia tài sự sản cho con trai là Đỗ Nhật Tân.

Vâng theo lời trăn trối của nghiêm phụ trước lúc lâm chung, ông Tân chăm chỉ, chí thú làm ăn. Tuy vậy trong sâu thẳm của cõi lòng, ông vẫn cảm nhận một nỗi khắc khoải thấy mình thua kém khi tình cờ phát hiện trong quá khứ dòng họ Đỗ từng có người đỗ đạt làm nên danh phận trong làng ngoài tổng. Do đấy, ngoài việc nông tang, ông cố dành thì giờ đọc sách, ôn tập chữ nghĩa Thánh Hiền mong sao mở mặt với đời.

Mọi chuyện sẽ tuần tự trôi xuôi nếu đất bằng không nổi sóng.

Tiếp theo biến cố Mùa Thu năm 1945, với lòng yêu nước đơn sơ, ông góp công góp của, hăng hái tham gia Mặt Trận Việt Minh, cùng bà con chung tay xây dựng xóm làng. Nhưng rồi một sáng, quân Pháp tìm đường trở lại. Từng toán lính tràn vào đập phá đình làng, tháo gỡ cột kèo, cánh cửa, kể cả những câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng bắc qua những mương lạch cho đoàn cơ giới làm đà di chuyển. Cảm nhận được niềm đau xót và tâm tình hoài cổ của những bậc trưởng thượng trong làng, Phan Lạc Trạch, một thanh niên biết tiếng Pháp tự nguyện đứng ra giải thích cho người chỉ huy đoàn quân viễn chinh hiểu giá trị tinh thần của những tấm gỗ ghi khắc những chữ nho vốn được dân làng trân trọng. Nhờ thế những bảo vật ngàn đời ấy đã được họ ân cần trả lại.

Như một tình cờ của định mệnh. Đứng bên cạnh người thanh niên họ Phan trong cuộc trao đổi tay đôi với viên chỉ huy Pháp giữa thanh thiên bạch nhật hôm ấy là Đỗ Nhật Tân. Và oan khiên, bất hạnh đã xảy ra. Nửa khuya cùng ngày, họ được cán bộ tới nhà nhỏ nhẹ mời đi họp. Rồi không hẹn, cả hai gặp nhau giữa đồng không mông quạnh làng Thày. Một bị xiết cổ đến chết vì tội thân Tây. Một bất ngờ được tha bổng, dĩ nhiên với lời cảnh cáo nghiêm khắc bất thành văn.

Thi hài nạn nhân vắn số được vùi lấp đâu đó dưới chân núi Sài Sơn. Người được tha mạng thất thần bước đi như kẻ mộng du. Rồi trong một phút hoảng loạn, ông cắm cổ chạy trối chết, bỏ lại sau lưng xóm làng, vợ con, gia cơ điền sản. Sau đó là những tháng năm sống lang thang như một kẻ vô gia cư giữa phố phường Hà Nội.

Một ngày cuối hạ 1954, trong cơn sốt bùng lên giữa kẻ ở người đi, từ làng Nửa, bà Tân lén lút ra Hà Nội tìm tới nhà trọ của chồng.
“- Thầy nó có về không? Người ta bảo về được đấy, về đi. Ông lặng yên. Một hồi lâu ông mới nói :
- Tin họ không được đâu. Tôi không về được.
- Thế Thầy nó đi Nam à.
- Nào biết trong Nam ra sao? Mà lòng tôi lúc nào cũng chỉ biết tới căn nhà mình. Tôi nhớ mảnh ao cá, bè rau rút, tôi nhớ mẹ nó và lũ con ở nhà... Nhưng nhất định là tôi không về được đâu. Thôi thì cứ coi tôi như không còn nữa... Thôi mẹ nó về, trăm sự tôi trông cả vào mẹ nó. Nhớ săn sóc Mẹ và các con hộ tôi. Và cố gây dựng cho chú Út...
Trong gần một triệu người từ Bắc vào Nam, có lẽ ông là một người không muốn đi chút nào, nhưng cũng lại là người nhất quyết phải ra đi”.

Cũng như những ngày tháng lang thang, vất vưởng ở Hà Nội, ông Tân tiếp tục kéo lê kiếp sống thừa trong suốt 21 năm dài dặc ở Sàigòn. Dù vậy, do những thôi thúc thầm câm của lòng tự ái giòng họ và của lương tâm ngay chính nơi con người, nhờ tinh thần cầu tiến, ông vẫn cố gắng vươn lên hầu đóng góp một chút gì đó cho vùng trời tự do mà ông đã chọn. Dĩ nhiên theo cách thế của riêng ông. Chính từ đấy người dân miền Nam có cơ hội biết tới tên ông qua bút hiệu Sơn Chung khi tình cờ con người kỳ lạ này được trao tặng hạng ba Giải Thương Văn Chương Tổng Thống bộ môn dịch thuật.

Ngày 30 tháng tư năm 1975, chế độ cộng sản độc tài chuyên chính miền Bắc thôn tính nốt miền Nam đưa toàn lãnh thổ về một mối. (Nói theo nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là “Một mối hận thù, một mối đau thương!”) Trong khi cả triệu người tức tưởi tìm đường bỏ nước, bỏ gia tư điền sản để ra đi thì Sơn Chung Tiên Sinh lội ngược giòng trở về quê cũ. Trên chuyến tàu Nam Bắc, ông thấy mình cô đơn, tay không lạc lõng giữa những người đồng hương sau chuyến đi Nam mang theo bên mình cả tấn áo quần, radio, TV và đồ gia dụng đắt giá. Kể từ những ngày ấy, kho tàng ngôn ngữ Việt Nam được làm giầu thêm bằng câu nói cửa miệng: “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng”.

Sau cuộc hội ngộ nhiều ngỡ ngàng nhưng cũng không thiếu cảm động giữa Sơn Chung Tiên Sinh và vợ con, họ hàng, lối xóm, tác giả cho biết:

“Nhưng mới hôm trước hôm sau, Uỷ Ban Xã mời ông ra trụ sở làm việc. Họ ăn nói rất ôn hòa ‘... bác ở xa mới về, chưa quen nếp sống mới, bác cần được nghỉ ngơi, học tập một thời gian...’ Thế là ông phải đi tù!”

Điều trớ trêu, oan trái mang đầy kịch tính là ngay ngày đầu nhập trại ông gặp lại con trai trong dáng dấp một ông già trước tuổi với thân hình còm cõi trong cùng cảnh ngộ nát lòng: cả hai cha con đều là tù nhân của chế độ!

“- Con! Con đây ư? ...
Ngươì con oà khóc và nói :
- Con đã tưởng ở trong Nam thì Thầy đã thóat. Sao Thầy laị còn về để bố con mình gặp nhau ở đây?”


Vì không muốn người đọc hiểu lầm tình tiết câu chuyện bi thảm kể trên là bịa đặt, hư cấu, tác giả cẩn thận xác minh:
“Trên đây là những việc thật, người thật. Vì Sơn Chung là anh tôi, con trai trưởng của già tôi. Mẹ tôi là em ruột cuả mẹ ông. Sơn Chung Đỗ Nhật Tân gọi mẹ tôi là dì. Người thanh niên xấu số bị thắt cổ chết tên là Phan Lạc Trạch, là con của bác Tú tôi, là anh họ cuả tôi, là chú ruột của anh Phan lạc Tuyên... Những nỗi tang thương, những oan khiên, chia lià của thời cuộc trải dài trên nửa thế kỷ, phủ lên bao nhiêu gia đình, qua mâý thế hệ, xét cho cùng, thật vô cùng ghê gớm và cũng thật vô ích. Hoàn tòan vô ích...”

Bối cảnh, không khí truyện của Phan Lạc Tiếp là bối cảnh, không khí xóm làng của ông –làng Nủa- với những tình tiết liên hệ tới bà con tộc họ hoặc bạn bè quen biết của anh em nhà họ Phan Lạc. Vì thế rất nhiều sự kiện được ghi lại trong những đoản văn tuy khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với nhau về việc cũng như người. Nỗi quan hoài của tác giả khi viết về cái chết tức tưởi của Phan Lạc Trạch trong đoản văn Sơn Chung Tiên Sinh hơn một lần được lập lại khi ông bắt gặp những nhân vật ít nhiều liên quan tới câu chuyện được đề cập. Nội dung lá thư tác giả gửi bà Tố Quyên trong truyện ký Người Đàn Bà Nhan Sắc là một. Giản dị vì Tố Quyên, người phụ nữ sắc nước hương trời từng là vợ của Phan Lạc Trạch, người thanh niên biết tiếng Pháp, vì muốn “cứu” những bức đại tự treo ở đình làng hoặc các từ đường của tư nhân nên đã bị bức tử vì tội thân Tây! Nặng hơn, đáng chết hơn là tội phản quốc, tội rước voi dày mồ!

Từ 1945 đến nay tính ra đã gần hai phần ba thế kỷ. Thời gian tạm đủ để công luận bình tâm nhìn lại quá khứ. Những khía cạnh khuất lấp, pha trộn những mảng tối của cao trào thanh thiếu niên thoát ly gia đình đi theo Việt Minh cộng sản đã lần hồi trở nên trong sáng hơn. Xuyên qua những nhân vật trong Một Thời Oan Trái, tác giả Phan Lạc Tiếp đã mở ra cho người đọc một cái nhìn cụ thể với những con người cụ thể.

Cô gái quê tên Đan, người chị họ thân thương của tác giả họ Phan, từng ẵm bồng, săn sóc ông từ thời măng sữa bỗng dưng một ngày có mặt trong đoàn người lạ kéo về làng, lớn tiếng hô những khẩu hiệu bài phong, đả thực là một điển hình. Trường hợp Tào Mạt Nguyễn Duy Thục và bóng dáng mờ nhạt của những người trẻ trong Ngày Tháng Cũ, Người Nghệ Sĩ Miền Quê, Soái Nham, Một Mảnh Trời Hà Nội, Chị Em... và nói chung những chàng trai Hà Nội có mặt trong đoàn thanh niên sinh viên quyết tử bảo vệ Thủ Đô sau ngày toàn quốc kháng chiến là những điển hình khác.

Họ là những người sinh ra trong những thập niên đầu thế kỷ cuối cùng của thiên niên thứ hai. Đấy là thế hệ thanh thiếu niên đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần ái quốc của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và sự ra đời của những đảng phái chính trị, với chủ trương bài phong, phản đế, đả thực để giành độc lập, tự do và chủ quyền cho đất nước. Cái chết bi hùng của liệt sĩ Nguyễn Thái Học, người đứng đầu Quốc Dân Đảng cùng với 12 đồng chí của ông năm 1930 ở Yên Bái đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ khơi dậy lòng yêu nước nơi các tâm hồn trẻ.

Tác giả Phan Lạc Tiếp đã dựa vào những nhân tố này để lý giải cho trường hợp thoát ly gia đình đi theo kháng chiến dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Việt Minh của những người thân quen với ông như chị Đan, như Nguyễn Duy Thục. Được biết, Nguyễn Duy Thục, dân làng Nửa, người thanh niên trí thức được biết đến nhiều sau này dưới bút danh Tào Mạt, từng là nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia danh tiếng. Ông mang quân hàm Đại Tá trong QĐND miền Bắc cho đến ngày bị thất sủng, bị săn đuổi vì có tư tưởng xét lại.

(Còn tiếp)


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

(*) Tác phẩm “Một Thời Oan Trái”của Phan Lạc Tiếp do Tiếng Quê Hương ấn hành Sách dày trên 400 trang, 25 MK. Mọi liên lạc xin thư về Tủ sách Tiếng Quê Hương, P.O Box: 4653. Email hoặc điện thoại cho: uyenthao1@juno.com – (703) 573-1207 hay/và tphongvu@yahoo.com – (949) 232-8660. Chi phiếu (check) hoặc lệnh phiếu (money order) xin ghi trả cho “VLAC/Tiếng Quê Hương”.

(1) Dù với tâm tình độ lượng, nhà văn Phan Lạc Tiếp tỏ ra tâm đắc với văn phong và nội dung tác phẩm, nhưng trong dịp giới thiệu Một Thời Mê Hoặc bữa ấy, ông đã không ngần ngại nói lên tâm trạng thất vọng vì phần kết truyện quá đột ngột khiến người đọc không khỏi mang cảm giác hụt hẫng. Nhận định của ông không sai. Theo dự tính, cuốn sách có ba tập. Tính theo thời gian vận hành, tập đầu từ 1954 đến 1968 (đóng lại bằng biến cố Tết Mậu Thân), tập hai 1969-1975 và tập ba những năm tháng sau Tháng Tư Đen. Đáng tiếc là cho đến nay hai tập sau vẫn còn ở dạng thái của một bản thảo chưa hoàn tất!
.
.
.

No comments: