Tú Anh - RFI
Thứ năm 10 Tháng Ba 2011
Bằng mọi giá, nhà độc tài Kadhafi cố bám quyền lực xây dựng từ 42 năm qua. Cuộc cách mạng mà dân chúng Libya phát động cách nay hơn ba tuần đã biến thành một cuộc nội chiến. Trên chiến trường, lực lượng trung thành với Kadhafi phản công ngăn chận đà tiến quân của phe nổi dậy. Cùng lúc đó hai bên gia tăng nỗ lực trên mặt trận ngoại giao trong bối cảnh NATO và Liên Hiệp Châu Âu họp bàn kế hoạch gây áp lực buộc Kadhafi chấm dứt đàn áp thường dân và phải chuyển giao quyền lực.
Từ hai ngày qua,chiến sự tập trung vào thành phố cảng chiến lược Ras Lanouf, tuyến đầu của phe nổi dậy ở phía đông và ở Zaouiya, cách thủ đô Tripioli 50 cây số về phía tây. Theo AFP, lực lượng của Kadhafi đã chiếm lại được Zaouiya sáng ngày 10/03/11. Đài Al Djazira cho biết thêm là quân chính phủ trả giá đắt với một tướng lãnh và một đại tá tử trận.
Ở mặt trận phía đông, lực lượng trung thành với nhà độc tài Kadhafi đã nhiều lần sử dụng máy bay oanh kích thành phố dầu hỏa Ras Lanouf. Phe nổi dậy chống trả bằng súng cao xạ liên thanh và hỏa tiển tầm nhiệt SA 7.
Vào ngày thứ sáu 04/06/11, phe nổi dậy giành được chiến thắng quân sự quan trọng. Không những họ chiếm được thành phố chiến lược Ras Lanouf mà còn đẩy lùi quân chính phủ ra khỏi Ben Jawad cách đó 40 cây số. Đến chủ nhật vừa qua (06/03/11), phe nổi dậy bị quân của Kadhafi phản công phải bỏ Ben Jawad rút về cố thủ Ras Lanouf.
Giờ đây, thế cờ đã rõ : lực lượng trung thành với Kadhafi phải chiếm lại Ras Lanouf nếu muốn tiến về miền đông. Phe nổi dậy, kiên quyết không lùi, cố gắng tử thủ để chờ tiếp viện.
Các cơ sở hạ tầng của thành phố cảng xuất khẩu dầu hỏa cũng bị thiệt hại vì bom đạn. Theo Kadhafi, thì chính Al Qaida là thủ phạm phá hoại khu sản xuất dầu hỏa. Còn phe nổi dậy thì tố giác âm mưu của nhà độc tài muốn « chọc giận » Hoa Kỳ để buộc siêu cường phải nhảy vào vòng chiến, tạo cơ hội cho Tripoli lật ngược thế cờ tâm lý, tuyên truyền huy động dân chúng chống Mỹ xâm lược.
Trên mặt trận ngoại giao, cả hai bên đều có những nỗ lực tranh thủ quốc tế.
Phe nổi dậy đã thành lập xong chính phủ cách mạng lâm thời với danh xưng là « Hội Đồng Quốc Gia » do cựu bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdel Jalil làm chủ tịch.
Ngày 08/03/11, Hội Đồng yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu công nhận nhưng đề nghị này đã bị đại diện ngoại giao của Liên Âu, Catherine Ashton bác bỏ với lý do là việc này thuộc thẩm quyền của từng quốc gia thành viên. Nhưng phe nổi dậy vẫn tiếp tục vận động ngoại giao. Hôm qua, sứ giả Hội Đồng Nhân Dân Libya đã hội kiến với Tổng thống liên bang Thụy Sĩ, quốc gia đầu tiên phong tỏa tài sản Kadhafi, và hôm nay sẽ gặp Tổng thống Pháp tại Điện Elysée để trình bày tình hình tại chỗ, nhu cầu xin được trợ giúp và cương lĩnh của chính quyền lâm thời.
Về phần Kadhafi, trong thế cô lập, ông cũng gởi nhiều sứ giả tiếp xúc với Liên Hiệp Châu Âu, Liên đoàn Ả Rập và NATO để thuyết phục Tây phương bỏ phương án phong tỏa không phận Libya.
Nhưng theo giới phân tích các cuộc tiếp này còn có mục đích thương lượng tìm một lối thoát an toàn cho bản thân và gia đình nhà độc tài.
Sáng nay 10/03/2011, thứ trưởng ngoại giao Libya, Mohammed Taher Siyala đã có một cuộc họp kín với đồng sự Hy Lạp Dimitris Dollis tại thủ đô Athena trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles.
Hy Lạp không tiết lộ nội dung cuộc tiếp xúc này nhưng Tổng thống Hy lạp, trong một cuộc điện đàm với Kadhafi, đã khuyên nhủ nhà độc tài « đóng góp giải quyết khủng hoảng một cách ôn hòa ».
Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Bồ Đào Nha Luis Amado, sau khi đã hội ý với đại diện ngoại giao tối cao của Liên Hiệp Châu Âu Catherine Ashton, tiếp kiến một sứ giả của Kadhafi theo lời yêu cầu của Libya. Bồ Đào Nha sẽ đứng đầu Ủy ban trừng phạt Libya do Liên Hiệp Quốc thành lập.
|
Báo chí Bồ Đào Nha : Kadhafi dường như chấp nhận đàm phán nhượng quyền
Theo một nguồn tin ngoại giao của Bồ Đào Nha được báo chí trích dẫn thì trong cuộc gặp này ngoại trưởng Bồ Đào Nha đề nghị chính quyền Kadhafi « ngưng bắn và chuyển giao quyền lực » cho đối lập. Câu trả lời của sứ giả Libya « dường như là chấp thuận mở thương lượng và chuyển giao chính quyền ». Tuy nhiên , nguồn tin ngoại giao Bồ Đào Nha nhấn mạnh là « cần phải tìm hiểu rõ ý nghĩa của thông điệp này ».
Phe nổi dậy đã bác bỏ đề nghị đàm phán của Kadhafi nhưng cho biết sẵn sàng để cho nhà độc tài và gia đình ra đi an toàn nếu Kadhafi chấp nhận chuyển giao chính quyền một cách ôn hòa.
Để tìm hiểu thêm về cuộc cách mạng Libya và vì sao phong trào đòi dân chủ lại biến thành nội chiến ? Do đâu Tây phương lại chần chờ không giúp phe nổi dậy ? Liệu Tây phương có biện pháp nào hữu hiệu để đưa tới một ngõ ra ít đổ máu nhất ? Kadhafi tìm kế hoãn binh để ra đi bình yên, bảo vệ được tài sản, hay sẽ chọn con đường cực đoan như Hitler và Saddam Hussein?
Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Virginia- Hoa Kỳ.
NGHE : GS NGUYỄN MẠNH HÙNG
-----------------------
BBC
Cập nhật: 15:44 GMT - thứ năm, 10 tháng 3, 2011
Phe nổi dậy ở Libya rút khỏi cảng dầu Ras Lanuf trước sự phản công kéo dài của các lực lượng trung thành với Đại tá Muammar Gaddafi.
Tin cho hay các tay súng kéo về hướng đông sau khi bị pháo kích và máy bay oanh tạc.
Truyền hình thân Gaddafi các lực lượng của ông cũng đánh bật phe nổi dậy ra khỏi cảng dầu Sidra, mạn tây của Ras Lanuf.
Trong mấy ngày qua các lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã tìm cách chiếm lại các khu vực phe nổi dậy kiểm soát ở miền đông, kể cả thị trấn Zawiya, mạn tây của Tripoli.
Hôm nay thứ Năm quân chính phủ lại mở tấn công vào Ras Lanuf. Các lực lượng trung thành với ông Gaddafi cũng oanh tạc Brega, một cảng dầu khác ở miền đông, tiến sâu hơn vào khu vực của phe nổi dậy, theo Reuters.
Hôm thứ Tư truyền hình nhà nước nói quân chính phủ đã lấy lại Zawiya, nơi diễn ra giao tranh ác liệt trong những ngày qua.
Một tay súng nổi dậy ở Ras Lanuf nói với hãng tin AFP: "Chúng tôi đã bị đánh bại. Họ pháo kích và chúng tôi phải chạy dài. Điều đó có nghĩa là họ đang lấy lại Ras Lanuf."
Giải pháp quốc tế
Nato đang nhóm họp để thảo luận các giải pháp quân sự quốc tế có thể áp dụng cho vấn đề Libya, kể cả khả năng áp đặt khu vực cấm bay.
Trong khi đó Pháp là nước đầu tiên công nhận ban lãnh đạo nổi dậy ở Libya, Hội đồng quốc gia Libya (NLC), là chính phủ hợp pháp của nước này.
Mustafa Gheriani, một phát ngôn nhân của phe nổi dậy ở Benghazi, nói hành động của Pháp ''làm tan băng", và trông đợi các nước EU khác cũng làm theo.
Tuy nhiên Italy và Tây Ban Nha nói họ không làm như vậy cho đến khi EU đạt được đồng thuận trong vấn đề này.
Các ngoại trưởng EU cũng sẽ nhóm họp ở Brussels, trước hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Âu châu thứ Sáu này.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quốc tế nói có sự gia tăng rõ số thương vong của thường dân trong cái ông gọi là ''nội chiến''.
.
.
.
No comments:
Post a Comment