Friday, March 4, 2011

HỢP TÁC VÌ AN NINH & PHÁT TRIỂN Ở BIỂN ĐÔNG (Rodolfo C. Severino)

Rodolfo C. Severino
Thứ tư, 02 Tháng 3 2011 15:56
.
Bài viết của Rodolfo C. Severino, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore phân tích nguyên nhân khiến cho các tranh chấp chủ quyền rất khó giải quyết như hiện nay là do sự đối lập về lợi ích giữa các bên. Để giải quyết tình hình hiện nay, theo tác giả, các bên liên quan nên tuân thủ tối đa Công ước Luật biển cũng như Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đồng thời điều này còn phụ thuộc vào sự hợp tác của các cường quốc hải quân và các quốc gia ven biển như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.
.
Tóm Tắt
Sự đối lập lợi ích của các bên tuyên bố quyền tài phán đối với các hình thái đất và nước ở Biển Đông khiến cho các tranh chấp chủ quyền này khó có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoặc phán quyết của một tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, mức độ căng thẳng, mất ổn định và khả năng xung đột có thể được giảm thiểu nếu các bên tranh chấp tuân thủ tối đa Cương ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và nếu tất cả các bên đạt được thỏa thuận xa hơn về mỗi điều khoản của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông đã được Ngoại trưởng của các nước ASEAN và đặc phái viên của Trung Quốc đưa ra và tháng 11 năm 2002. Việc các cường quốc hải quân và các quốc gia ven biển có thể thống nhất điều gì các nước khác và tàu của các nước này có thể và không thể trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Việc duy trì và phát triển mối quan hệ nói chung giữa Trung Quốc và ASEAN và các nước thành viên cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ đem lại lợi ích như vậy.
.
Lời mở đầu
Chủ đề của bài tham luận này là “Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Biển Đông”. Chúng ta đều muốn an ninh. Chúng ta đều muốn phát triển. Đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, nơi đang diễn ra xung đột các tuyên bố chủ quyền đối với các hình thái đất và nước bao quanh, nơi có nhiều dòng thương mại quốc tế đi qua và có nhiều tài nguyên chiến lược, các quốc gia, đặc biệt là các nước đang tranh chấp và các nước ven biển, cần hợp tác với nhau để đạt được an ninh và phát triển. Trong khu vực này, tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, các định nghĩa không chắc chắn và mơ hồ về chủ quyền đối với khu vực biển rộng lớn và tiềm năng về trữ lượng lớn thức ăn và khoáng sản của biển và đáy biển cần thiết cho dân số khổng lồ của khu vực ẩn chứa nguồn gốc của sự bất ổn, ngờ vực lẫn nhau và thậm chí cả đối đầu thù địch.
Tranh chấp về chủ quyền đối với lãnh thổ khó có thể được giải quyết triệt để trong thời gian ngắn. Bản chất đa phương thay vì song phương của tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở khu vực này khiến cho việc đạt được một giải pháp trở nên vô cùng phức tạp và dường như là không thể, hơn là các tranh chấp lãnh thổ vẫn thường được đệ trình lên các tổ chức được coi là trung lập như Tòa Án Công lý Quốc tế với sự chấp thuận của cả hai bên. Trên thực tế, Trung Quốc tuyên bố mình có “chủ quyền không bàn cãi” đối với Biển Đông, mặc dù giới hạn của chủ quyền này với khu vực biển vẫn chưa được tuyên bố rõ ràng. Vì vậy, Trung Quốc chắc chắn là sẽ không chấp nhận đưa bất kỳ tranh chấp về chủ quyền ra trước các tổ chức xét xử quốc tế.
.
Va chạm lợi ích
Về cơ bản, các quốc gia tranh chấp, và thậm chí cả các quốc gia khác, có những lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Rất nhiều những lợi ích này xung đột lẫn nhau, ngay cả khi đa số lợi ích được coi là “sống còn” hay “chiến lược” hoặc “cốt lõi”. Vì thế, có thể hiểu được, không phải tất cả các bên tranh chấp hoặc các cường quốc đều thể hiện sẵn sàng thỏa hiệp những lợi ích này.
Đó là những quốc gia tranh chấp coi chủ quyền của mình có yếu tố chiến lược nên không thể thỏa hiệp được. Đó là những quốc gia ven biển, mà phần lớn là các nước thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Một số các quốc gia ven biển có tranh chấp, một số không có. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia này, bao gồm cả ASEAN như một tổ chức, đều có lợi ích sống còn đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Có rất nhiều quốc gia phụ thuộc nhiều vào tự do hàng hải và các tuyến hàng không qua Biển Đông để thực hiện thương mại quốc tế. Trong số này có các quốc gia Đông Á – Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, New Zealand, Hong Kong và Trung Quốc đại lục, cũng như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra còn có các nước có quan hệ thương mại nhiều với khu vực này như các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông và các nơi khác, Ấn Độ, một vài nước ở Châu Âu, và Hoa Kỳ.
Tất cả đều có lợi ích trong việc giữ cho các tuyến thông tin trên biển và các tuyến đường bay được đảm bảo tự do. Tất cả đều muốn hòa bình và ổn định trong khu vực nói chung. Tuy nhiên, những lợi ích mang tính chiến lược và an ninh của các quốc gia tranh chấp và các quốc gia khác rõ ràng đang ở mức đối lập không thể thỏa hiệp. Trung Quốc muốn muốn hạn chế áp lực từ phía Đông Nam, cụ thể là từ khu vực Biển Đông, loại trừ khả năng “biển nam” được sử dụng để bao vây hoặc hạn chế mình. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn đạt được tự do hàng hải và tuyến hàng không để phục vụ cho sự phát triển thương mại khổng lồ và nhanh chóng của nước này cũng như nhu cầu với nguyên liệu thô và các nguyên liệu khác từ nước ngoài. Đài Bắc không thể bị coi là mềm dẻo hơn so với Bắc Kinh trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đồng thời, Đài Loan cũng có lợi ích rõ ràng với tự do hàng hải và tuyến hàng không. Hoa Kỳ cảm thấy cần phải biết được những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, đặc biệt là về mặt phát triển quân sự, trong khi vẫn có thể tự do chở hàng bằng tàu hoặc máy bay qua Biển Đông và giữ được sự hiện diện quân sự ở khu vực này. Nhật Bản có lợi ích thương mại và an ninh thiết yếu đối với hòa bình, ổn định và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Đối với Kuala Lumpur, Biển Đông không chỉ phân ra Tây và Đông Malaysia, nó còn kết nối hai cánh của quốc gia này lại. Malaysia đưa ra vấn đề an ninh quốc gia và khoảng cách gần về địa lý làm một phần lý do giành chủ quyền. Brunei Darussalam đưa ra thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và cái gọi là khu vực đánh bắt cá với diện tích lớn nhất được cho phép bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để đảm bảo quốc gia này có thể khai thác các nguồn tài nguyên được giới hạn trong khu vực biển và đáy biển này. Philippines cho rằng mình sẽ dễ bị tấn công nhất từ hành lang phía tây nên muốn đẩy biên giới phía tây của mình ra xa trong Biển Đông hết mức có thể. Manila thường xuyên thiếu lương thực và năng lương, nên cũng bị hấp dẫn bởi sự phong phú của Biển Đông và thềm biển. Nếu Việt Nam không thể giữ được vị trí ở Biển Đông, quốc gia này sẽ gần như bị bao bọc hoàn toàn bởi Trung Quốc, một tình huống mà Hà Nội không thể cho phép.
Do tính chiến lược của các tuyên bố chủ quyền với một bộ phận hoặc toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải Biển Đông khiến cho các quốc gia tranh chấp rõ ràng không thể thỏa hiệp, các mâu thuẫn giữa các tuyên bố chủ quyền sẽ rất khó được giải quyết nhanh. Cũng rất khó, mặc dù không phải hoàn toàn không thể, để các bên đồng ý với phán quyết của các tổ chức quốc tế, tất nhiên với điều kiện trước hết là có một tổ chức quốc tế chấp nhận giải quyết tranh chấp. Rất khó có khả năng các bên sẽ chấp nhận thực hiện các thỏa hiệp cần thiết để thỏa thuận được một biện pháp giải quyết chấp nhận được với tất cả các bên. Đồng thời, UNCLOS cũng còn không rõ ràng và mơ hồ khiến cho giải quyết tranh chấp trên biển trở nên khó khăn.
Như vậy, liệu Trung Quốc, các quốc gia tranh chấp, ASEAN và các nước thành viên cũng như các quốc gia khác buộc phải chấp nhận Biển Đông như một ngòi nổ của xung đột, hoặc ít nhất là nguồn gốc của bất ổn và nghi ngờ lẫn nhau? Nếu không, cần làm gì? Cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ mâu thuẫn, loại trừ nghi ngờ lẫn nhau đến một mức nhất định, hạn chế bất ổn, thúc đẩy hợp tác, đảm bảo thương mại thông suốt và qua đó tăng cường an ninh và phát triển trong khu vực Biển Đông? Nghiên cứu này đề xuất rằng cần theo đuổi những mục tiêu tương đối khiêm tốn này trong lúc chờ đợi biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ. Trên thực tế, quá trình theo đuổi những mục tiêu này sẽ giúp cho nhiệm vụ giải quyết mâu thuẫn trở nên dễ dàng hơn và bớt nguy hiểm hơn so với việc không thể như hiện nay.
.
Tuân thủ theo UNCLOS
UNCLOS đưa ra biện pháp để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Những tranh chấp này cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương giữa các bên tranh chấp hoặc thông qua phán quyết quốc tế. Như đã nói ở trên, giải quyết thông qua đàm phán hoặc dựa trên phán quyết quốc tế sẽ khó xảy ra sớm.
Tuy nhiên, các quốc gia tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông có thể đưa ra các tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên các điều khoản của UNCLOS. Bằng việc dựa vào các điều khoản của UNCLOS, các quốc gia này, tất cả đều là thành viên của hiệp định, sẽ khiến các tuyên bố của mình rõ ràng hơn. Các quốc gia có thể bảo vệ các tuyên bố của mình dựa trên các điều khoản của luật quốc tế. Các quốc gia này có thể tiếp cận tình huống phức tạp của Biển Đông dựa trên các giả thuyết chung và các quy định chung qua đó khiến cho tình huống trở nên bớt phức tạp. Từ đầu năm 2009, Brunei Darussalam, Malysia, Philippines và Việt Nam đã thực hiện các biện pháp để đưa ra các tuyên bố chủ quyền của mình tuân theo các yêu cầu của UNCLOS.
Tháng 12 năm 1979, chính phủ Malysia đã phát hành một bản đồ cho thấy lãnh thổ của mình ở khu vực nước và thềm lục địa của Biển Đông. Khu vực này bao gồm một phần khu vực được tuyên bố của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo đó trùng lên thềm lục địa và khu vực đánh bắt cá đặc quyền mà Brunei Darussalam đã tuyên bố của mình sau khi giành được độc lập năm 1984.
Brunei Darussalam và Malysia đã tiến hành đàm phán, ít nhất là từ năm 2003, về khu vực tranh chấp Mâu thuẫn dường như được giải quyết trong chuyến thăm của Thủ Tướng Malyasia lúc đó, Abdullah, Ahmad Badawi, tới Brunei Darussalam vào tháng 3 năm 2009. Cuối chuyến viếng thăm, nhà lãnh đạo Malaysia và nhà cầm quyền Brunei, Sultan Hassanal Bolkiah, đã có một tuyên bố chung rằng:
Cả hai nhà lãnh đạo ghi nhận sự tán thành của hai chính phủ với những yếu tố cơ bản trong Thư Trao Đổi, bao gồm sự phân chia cuối cùng về biên giới trên biển giữa Brunei Darussalam và Malaysia, việc thành lập Khu Vực Thỏa Thuận Thương Mại (CAA) về dầu và khí gas, các phương thức để phân chia ranh giới trên đất liền giữa Brunei Darussalam và Malaysia và các quyền đi lại trên biển của công dân Malaysia qua khu vực biển của Brunei trên đường đến hoặc đi từ Sarawak, Malaysia với điều kiện luật pháp và quy định của Brunei được tuân thủ.[1]
Thư trao đổi không được đưa ra trước công chúng. Tuy nhiên, sau khi hết nhiệm kì lãnh đạo đất nước, Abdullah Badawi đã tuyên bố trên website của bộ ngoại giao Malaysia:
Đối với khu vực trên biển, Malaysia và Brunei đã đồng ý thiết lập một biên giới cố định trên biển. Hiệp định này nhằm giải quyết các tranh chấp tồn tại trong quá khứ bao gồm các khu vực khai thác được biết đến là Khu vực L và Khu Vực M. Chủ quyền đối với tài nguyên ở khu vực này hiện thuộc về Brunei. Tuy nhiên, đối với khu vực này, hiệp định này bao gồm một khu vực thỏa thuận thương mại trong đó Malysia được phép tham gia về mặt thương mại để cùng khai thác tài nguyên dầu và gas ở khu vực này trong thời gian 40 năm. Các phương thức tài chính và hoạt động để thực hiện thỏa thuận này sẽ được hai bên tiếp tục bàn bạc. Điều này có nghĩa là về mặt tài nguyên dầu và gas, hiệp định này không gây tổn thất với Malaysia.[2]
Ngày 3 tháng 5 năm 2010, Bộ ngoại giao Malaysia đã đưa ra một tuyên bố về hiệp định Tháng 3 năm 2009, trong đó có đoạn:
Các yếu tố chính bao gồm việc phân định biên giới trên biển giữa Malaysia và Brunei Darussalam, việc thành lập khu vực thỏa thuận thương mại (CAA) về dầu và gas, các phương thức để phân chia biên giới trên bộ giữa Malysia và Brunei Darussalam, và quyền được đi lại của công dân Malaysia qua khu vực biển của Brunei Darussalam.
Về mặt khu vực biển, Thư Trao Đổi thiết lập ranh giới về lãnh hải, thềm lục đia và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai quốc gia. Các khu vực khai thác dầu của Malaysia: khu vực L và khu vực M, trung với khu khai thác dầu J và K của Brunei Darussalam được công nhận trong Thư Trao Đồi thuộc về hải phận của Brunei Darusallam và Brunei Darussalam có chủ quyền dựa theo các điều khoản của UNCLOS 1982. Việc thiết lập khu vực CAA bao gồm các khu vực này sẽ tạo ra một khu vực chia sẻ việc khai thác dầu và gas giữa hai quốc gia.[3]
Tháng 3 năm 2009, tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo đã kí một điều luật được quốc hội Philippine thông qua nhằm sửa đổi đường biên của quần đảo Philippines. Đáng chú ý, điều luật mới được bộ ngoại giao Philippine đề xuất và thượng nghị viện thông qua đã tuyên bố một “hệ thống đảo” bao gồm các đảo thuộc khu vực Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền và Scarborough Shoal và các khu đất liên quan nằm trong Biển Đông nhưng ngoài khu quần đảo Trường Sa. Như dự đoán, Bắc Kinh và Hà Nội phản đối điều luật này vì đã tuyên bố chủ quyền với những vùng lãnh thổ mà hai nước này đã tuyên bố. Tuy nhiên, điều luật mới này đã giảm đáng kể diện tích mặt biển Phillipines đòi chủ quyền. Trước đó, Manila tuyên bố chủ quyền với một khu vực biển rộng 70,000 hải lí vuông. Điều luật mới được thông qua là một bằng chứng cho nỗ lực của quốc gia này để dựa các tuyên bố chủ quyền ở khu vực tranh chấp vào các điều khoản của UNCLOS. Điều luật mới đã trực tiếp trích điều 121 của UNCLOS làm nền tảng cho tuyên bố về một “hệ thống đảo” với các khu vực đát ở Biển Đông mà quốc gia này tuyên bố chủ quyển.[4]
Theo điều 121 của UNCLOS (Hệ Thống Đảo), một “hòn đảo là một diện tích đất thiên nhiên, bao quanh bởi nước và nằm trên mực nước biển trong thủy triều”. Một hòn đảo theo định nghĩa này có thể có thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế rộng tới 200 hải lý từ đường biên giới của quốc gia cũng như một hải phận rộng tới 12 dặm và một khu vực liền kề rộng tới 24 dặm từ đường biên giới. Mặt khác, cũng trong điều khoản này, các rặng đá “không thể có người ở hoặc hoạt động kinh tế của mình sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.[5]
Đồng thời, Philippines cũng giữ lại cho mình một phần không rõ ràng bằng việc không chỉ ra khu đất nào được tuyên bố là đảo theo điều 121 có thể có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, và khu đất nào là rặng đá nên không thể có.
Ngày 6 tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã gửi một báo cáo chung tới Ủy Ban Liên Hợp Quốc về giới hạn thềm lục địa như được yêu cầu trong UNCLOS. Trong một bài bình luận tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Đại Học Kỹ Thuật Nanyang Singapore, Robert Beckman, giám đốc trung tâm luật quốc tế và giáo sư luật tại Đại Học Quốc Gia Singapore đã chỉ ra:
Bản kiến nghị chung của Malaysia và Việt Nam cho thấy họ đã quyết định rằng chủ quyền đối với những tài nguyên tại Biển Đông cần được quyết định dựa trên nguyên tắc về thềm lục địa được đo từ đường bờ biển. Với việc không tính toán thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế từ bất kỳ hòn đảo nào mà hai nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, họ đã cho thấy quan điểm rằng kông một hòn đảo nào ở Biển Đông có được hải phận nhiều hơn 12 hải lý – mức tối đa cho phép theo UNCLOS.[6]
Ngày hôm sau, 7 tháng 5 năm 2009, Trung Quốc đã phản đối báo cáo của Malaysia và Việt Nam, tuyên bố về “chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và vùng biển tiếp giáp”.[7] Một bản đồ của Trung Quốc cho thấy đường đứt khúc chín đoạn bao quanh Biển Đông được gửi kèm công hàm phản đối. Bản đồ đầu tiên của Trung Quốc có những đường này được phát hành bởi Chính Phủ Quốc Gia ở Trung Quốc năm 1947. Không có tọa độ để xác định vị trí chính xác, những đường bị chia cắt này bao quát toàn bộ Biển Đông mà không hề chỉ ra tính chất của vùng nước bị tuyên bố chủ quyền, ngay cả sau khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực với Trung Quốc. Hà Nội ngay lập tức phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc, tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.[8] Trong một tuyên bố khác, Malaysia nhấn mạnh rằng kiến nghị của mình với Việt Nam được đưa ra mà không có định kiến nào với các quan điểm của các quốc gia khác có vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.[9]
(Ngày 8 tháng 7 năm 2010, Indonesia, quốc gia không có một tuyên bố chủ quyề nào với các vùng đất và nước tranh chấp ở Biển Đông, đã đưa ra một tuyên bố ở vị trí trung lập với tổng thư ký Liên Hợp Quốc, chỉ ra rằng bản đồ của Trung Quốc với chín đường thẳng đã được trình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc “rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế”[10].)
Như vậy, các quốc gia Đông Nam Á đã tiến gần hơn tới việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên các điều khoản của UNCLOS. Trái lại, Trung Quốc vẫn giữ nguyên các tuyên bố chính thức về đứt khúc chín đoạn mà không hề chỉ ra tính chất của khu vực biển được bao bọc. Trung Quốc chưa bao giờ tiến xa hơn việc chỉ ra các vùng nước này “tiếp giáp” hoặc “có liên quan” tới các vùng đất ở Biển Đông mà quốc gia này có “chủ quyền không tranh cãi”. Giống như các quốc gia tranh chấp khác, Bắc Kinh cũng từ chối chỉ ra đâu trong số những vùng đất này là đảo theo định nghĩa của UNCLOS và đâu là rặng đá. Trong bất kể trường hợp nào, các điều khoản của UNCLOS không thể chấp nhận với việc tuyên bố chủ quyền cho một hải phận rộng lớn như khu vực được bao bọc bởi chín đoạn thẳng.
Trong bài bình luận ngày 16 tháng 9 năm 2010 tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Đại Học Kỹ Thuật Nanyang Singapore, được phát hành trên tờ Straits Times ngày 25 tháng 9,Beckman đưa ra mười biện pháp mà Trung Quốc có thể làm cho những tuyên bố của mình rõ ràng, và qua đó, đưa những tuyên bố này tuân theo UNCLOS. Những biện pháp này bao gồm tuyên bố chủ quyền với những đảo nằm trong hình chữ U của chín đường thằng trên bản đồ Trung Quốc cùng với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý từ những hòn đảo có thể sinh sống hoặc duy trì hoạt động kinh tế như trong điều 121 UNCLOS đã định nghĩa. Theo tuyên bố này, Trung Quốc có thể bảo đảm tất cả các quyền lợi của mình ở vùng đặc quyền kinh tế đối với việc tự do hàng hải và hàng không, đặt cáp ngầm và đường ống,dựa trên UNCLOS. Trung Quốc có thể chỉ ra rằng các tranh chấp về chủ quyền với các đảo hoặc quyền lợi với vùng đặc quyền kinh tế không được phép đưa ra trước bất cứ tổ chức quốc tế nào khi chưa có sự đồng ý của Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp khác. Ủy Ban Liên Hợp Quốc về giới hạn thềm lục địa cũng sẽ khó tiếp nhận kiến nghị liên quan đến các tranh chấp kiểu này. Vì những lí do này, và vì điều mà Beckman gọi là “bản chất tế nhị của tuyên bố chủ quyền”, biện pháp giải quyết các tranh chấp về tuyên bố chủ quyền ở các đảo Biển Đông và vùng đặc quyền kinh tế sẽ khó có được “trong tương lại gần”. [11]
Theo ý kiến của tôi, ngoài việc Trung Quốc cần dựa những tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông vào các điều khoản của UNCLOS, bước tiếp theo của quá trình là mỗi quốc gia tranh chấp cần phải chỉ ra đâu trong số các vùng đất tuyên bố chủ quyền là đảo và đâu chỉ là những rặng đá.
Mặc dù Philippines, trong khi viện dẫn điều 121 trong điều luật mới về đường biên, dường như đã tiến gần nhất tới việc phân biệt giữa đảo và rặng đá, một sự phân biệt đặc biệt quan trọng trong chủ quyền biển, cả Philippines lẫn các nước khác đều chưa phân biệt điều này một cách rõ ràng, không mơ hồ và theo một cách chắc chắn với những trích dẫn cụ thể. Không một quốc gia nào chỉ ra vùng đất nào được tuyên bố chủ quyển là đảo theo định nghĩa của UNCLO và vùng nào là rặng đá theo điều 121. Một chút mơ hồ có thể là một chiến thuật đàm phán tốt, nhưng khi các bên đồng thời tiến tới minh bạch có thể giúp giảm bớt sự không rõ ràng ở Biển Đông và qua đó hạn chế tình trạng bất ổn ở khu vực này.
Cùng lúc, sự mỉa mai và thậm chí là cả nhạo báng có thể xảy ra từ việc viện dẫn đi viện dẫn lại các điều luật của quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, khi mà Washington vẫn chưa thông qua Công ước 1982 này và do đó vẫn chưa là một thành viên của Công ước này. Các quan chức Hoa Kỳ đã khẳng định rằng chính quyền có ý định đệ trình Công ước lên Nghị viên Hoa Kỳ để "cho lời khuyên và đồng thuận", một điều kiện cần thiết để Mỹ trở thành thành viên của Hiệp định quốc tế này. Tuy nhiên, đến này điều này vẫn chưa thành hiện thực. Washington sẽ có quyền tốt hơn để viện dẫn UNCLOS nếu như là một thành viên của Công ước.
.
Tuân thủ theo Tuyên bố về các xứng xử giữa ASEAN-Trung Quốc
Một bước quan trọng khác là việc ASEAN và Trung Quốc đưa ra những cam kết chung trong Tuyên Bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông mà mười bộ trưởng ngoại giao ASEAN và đặc phái viên của Trung Quốc, Wang Yi, đã kí ở Phnom Penh tháng 11 năm 2002.[12] Hai bên đạt được tuyên bố này sau rất nhiều đàm phán gay go không chỉ giữa Trung Quốc và ASEAN mà cả giữa các nước Đông Nam Á với nhau.
Tuyên bố khẳng định, “Các bên liên quan tham gia để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không dựa trên đe dọa hay sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi thân thiện và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan, dựa theo những nguyên tắc được cả thế giới công nhận của luật quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về luật của biển 1982”. Việc đề cập đến “các quốc gia trực tiếp liên quan”, rõ ràng được Trung Quốc đòi hỏi, có thể được xem như hạn chế việc can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc bất kỳ các bên không có chủ quyền, bao gồm cả ASEAN như một nhóm, trong bất cứ đàm phán nào về Biển Đông. Việc nhấn mạnh vào “các quốc gia” được coi là một dẫn chứng cho việc Bắc Kinh phản đối việc Đài Loan tham gia vào các cuộc đàm phán.
Tuyên bố này cam kết “tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông” và thực hiện “tự hạn chế thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định bao gồm…hạn chế các hoạt động di dân đến các khu vực đảo, rặng đá ngầm, bãi nước cạn hiện chưa có người sinh sống”. Rõ ràng với sự kiện nguy hại ở rặng đá ngầm, yếu tố “không di dân mới” là điểm đặc biệt quan trọng theo quan điểm của Philippines.
Ở nhiều điểm khác, tuyên bố yêu cầu tôn trọng “các nguyên tắc chung được cả thế giới công nhận của luật quốc tế, bao gồm Công ước liên Hợp Quốc về Luật về biển năm 1982”. Tuyên bố này cũng đưa ra các biện pháp để xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác ở một số lĩnh vực nhất định.
Như vậy, tuyên bố này đưa ra cam kết giữa các bên tranh chấp để giải quyết hòa bình vẫn đề tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền thông qua trao đổi và đàm phán mà không có sự tham gia của Đài Loan hoặc các bên không có chủ quyền; tự hạn chế; không có sự di dân mới; tự do hàng hải và hàng không; tôn trọng luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; và các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động hợp tác.
Năm 1992, tại Manila, bộ trưởng ngoại giao của sáu quốc gia ASEAN lúc đó đã đưa ra Tuyên bố ASEAN về Biển Đông, trong đó đề cập đến các nguyên tắc của giải quyết hòa bình các tranh chấp “liên quan đến Biển Đông”, tự hạn chế và hợp tác tại một vài vấn đề liên quốc gia. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Qian Qichen lúc đó đang ở Manila, được mời ký vào tuyên bố, cùng với bộ trưởng ngoại giao Nga với tư cách “khách mời” của chủ tịch ASEAN. Sau khi trao đổi với Bắc Kinh, Qian đã từ chối cam kết với tuyên bố vì lí do Bắc Kinh đã không tham gia quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, Qian khẳng định Trung Quốc sẽ tuân theo các nguyên tắc của tuyên bố.[13]
Kể từ khi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên được đưa ra năm 2002, không có hoạt động chiến tranh nghiêm trọng nào diễn ra để giành chủ quyển của đảo và biển ở Biển Đông; nhưng cũng không có trao đổi và đàm phán về tuyên bố chủ quyền. Không có cuộc di dân mới nào ở khu vực quần đảo Trường Sa, có thể bởi vì không còn hòn đảo không người nào để di dân. Tuyên bố được các bên cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không; tuy nhiên, với việc khẳng định chủ “chủ quyền không thể tranh cái” với một khu vực biển không hạn chế ở Biển Đông, Trung Quốc muốn giữ cho mình quyền để hạn chế sự tự do này trong trường hợp chủ quyền của nước này bị vi phạm. Các quốc gia tranh chấp ở Đông Nam Á có vẻ đang tiến tới dựa những tuyên bố về chủ quyền biển của mình trên những yêu cầu của UNCLOS, mặc dù không haòn toàn và không rõ ràng, và Trung Quốc không đưa ra định nghĩa về khu vực biển giới hạn bởi chín đường thẳng, cũng như ý nghĩa và tọa độ của những đường này. Các hoạt động xây dựng lòng tin và hợp tác ở Biển Đông diễn ra khá rời rạc.
Tại một thời điểm nhất định, mỗi quốc gia tranh chấp cần phải chỉ ra khu đất nào ở Biển Đông được coi là đảo theo định nghĩa trong UNCLOS và khu vực nào là rặng đá. Ngoài ra, ASEAN và Trung QUốc cần giải quyết một số vấn đề nhất định mà Tuyên bố về cách ứng xử của các bên đưa ra. Một trong những vấn đề này là việc tuyên bố về “tự hạn chế” và việc cấm di dân mới, về “di đân trên những khu vực đất hiện không có người” ở Biển Đông, liệu có bao gồm voệc xây dựng và củng cố hoặc phát triển cơ sở hạ tầng đã có ở những khu vực đang kiểm soát. Như hiện tại, các quốc gia tranh chấp đang bảo vêk vok trí của mình ở các khu vực tranh chấp bằng cách nâng cấp các cơ sở ở các vùng đất thuộc kiểm soát, trừ Philippines nhưng không phải vì không có ý định mà vì thiếu tài nguyên.
Một vấn đề khác: liệu các hành động hăm dọa và biểu dương lực lượng vũ trang có vi phạm tuyên bố về tự hạn chế? Hoặc: Làm thế nào để đảm bảo chắc chắn tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông với các bên có hoạt động thương mại thường xuyên trên vùng biển này? Làm sao để tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không tranh cãi” với một khu vực biển không xác định ở Biển Đông phù hợp với yêu cầu tự do trên? Một câu hỏi khác: Tại sao các quốc gia tranh chấp không thực hiện các hoạt động xây dựng lòng tin và hợp tác thường xuyên hơn như đã hứa trong tuyên bố? Cuối cùng: khi nào thì “các bên liên quan…sẽ giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và chủ quyền…thông qua trao đổi hữu nghị và đàm phán…dựa theo những nguyên tắc được công nhận trên thế giới của luật quốc tế, bao gồm Hiệp Định Liên Hợp Quốc về Luật biển”, như tuyên bố đưa ra?
Với những vấn đề chưa được giải quyết này, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục ngồi lại với nhau để củng cố thêm Tuyên Bố về hoạt động của các quốc gia ven biển và để giải quyết các vấn đề và các câu hỏi đối với những điểm trong tuyên bố.
.
Tăng cường quân hệ Mỹ-Trung Quốc, ASEAN-Trung Quốc
Đồng thời, việc Trung Quốc và Mỹ có thể trao đổi và tiến tới thỏa thuận về những việc được và không được phép làm ở vùng đặc quyền kinh tế của một nước ven biển sẽ giúp ích nhiều. Điều này sẽ giúp tránh các trường hợp gây căng thẳng ở khu vực, giống như trường hợp liên quan đến tàu chở dầu của Mỹ, tàu USNS Impeccable vào tháng 3 năm 2009. Được bàn giao cho hải quân Mỹ vào tháng 3 năm 2001, tàu Impeccable là một trong 5 tàu tra thám hải dương của bộ hải quân Mỹ, được trang bị hệ thống cảm ứng tra thám có thể phát hiện và truy theo dấu vết của các “nguy cơ dưới biển” bao gồm mìn, ngư lôi và tàu ngầm. Ngày 8 tháng 3 năm 2009, năm tàu trung quốc, cả quân sự và dân sự đã “tấn công” – theo lời phát ngôn viên bộ quốc phòng Mỹ - tàu Impeccable buộc tàu này phải rời đi.
Nhà chức trách Mỹ đã công nhận vụ việc này xảy ra 75 dặm (120 km) về phía nam đảo Hải Nam, đảo chính của tỉnh cùng tên phía nam Trung Quốc (tỉnh này bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa và Macclesfield Bank), cách rất xa bờ hải phận Trung Quốc từ bờ biển đảo Hải Nam nhưng lại hoàn toàn năm trong khu kinh tế đặc quyền 200 dặm của đảo này. Đảo Hải Nam được coi là một căn cứ hải quân lớn. Vùng đặc quyền kinh tế được coi là ở ngoài khơi, và Mỹ khẳng định các hoạt động của tàu Impeccable là hoàn toàn trong quyền của mình. Trung Quốc lại cáo buộc “Mỹ đã trắng trợn thay đổi thực tế và đổi trắng thay đen và điều này là không thể chấp nhận với Trung Quốc”. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng tàu Impeccable đã vi phạm cả luật quốc tế và Trung Quốc.[14]
Điều 56 UNCLOS đưa ra quyền của các quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế “với mục đích nghiên cứu và khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật của vùng biển phía trên, thềm lục địa và tầng cát đối với các hoạt động kinh tế khác để khai thác và nghiên cứu khu vực, bao gồm sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Điều khoản này cũng cho các quốc gia ven biển chủ quyền với việc nghiên cứu biển, việc mà Trung Quốc cáo buộc tàu Impeccable đã thực hiện.[15]
Mặt khác, điểu 58 của UNCLOS viết:
Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia đều có quyền, phụ thuộc vào các điều khoản tương ứng của hiệp đinh, tự do hàng hải và hàng không, đặt cáp ngầm và đườngống và các hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế của quyền tự do này như vận hành tàu, máy báy, cáp ngầm và đương ống và các hoạt động tương tự dựa trên các điều khoản tương ứng của hiệp định
Khi thực hiện quyền và trách nhiệm của mình tại vùng đặc quyền kinh tế dựa trên hiệp định, các quốc gia khác cần phải tuân theo quyền và trách nhiệm của các quốc gia ven biển và tuân theo luật pháp và nguyên tắc của các quốc gia ven biển, phù hợp với hiệp định này và các điều luật khác của luật pháp quốc tế trong trường hợp các nguyên tắc này không thống nhất với phần này.[16]
Dựa theo điều luật này, cả Trung Quốc và Mỹ đều có phần đúng. Rõ ràng, không chỉ tồn tại các giải thích trái ngược với điều luật, mà quan trọng hơn là đối lập về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Nguy cơ của các tình huống tương tự có thể gây căng thẳng và không giúp tạo lòng tin có thể được hạn chế nếu Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận về các hoạt động nước này có thể và không thể thực hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của nước kia.
Nói rộng hơn, các biện pháp củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp ích nhiều. Ngoài ra cũng cần phải củng cố quan hệ và hiểu biết nói chung giữa một bên là Trung Quốc và một bên là tổ chức ASEAN nói chung với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại khu vực lãnh thổ và lãnh hải tại Biển Đông. Những phát triển này sẽ mang tới hòa bình và ổn định cho khu vực Biển Đông, điều mà quốc gia nào cũng mong muốn.
REFERENCES
United Nations Convention on the Law of the Sea, 1982
ASEAN Declaration on the South China Sea, 1992
ASEAN-China Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea, 2002
Submissions, through the Secretary-General of the United ations, to the Commission on the Limits of the Continental Shelf, pursuant to article 76, paragraph 8, of the United Nations Convention on the Law of the Sea of 10 December 1982.
Rodolfo C. Severino,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore
Bản quyền thuộc NCBĐ
Tải bản PDF tại đây


[1] Joint Press Statement by Leaders on the Occasion of the Working Visit of Yab Dato’ Seri Abdullah Haji Ahmad Badawi, Prime Minister of Malaysia to Brunei Darussalam on 15-16 March 2009 (http://www.mofat.gov.bn/news/20090316a.htm).
[2] Statement by Tun Abdullah Ahmad Badawi on the Exchange of Letters Between Malaysia and Brunei Darussalam, Dated 16 March 2009 (http://www.kln.gov.my/web/guest/).
[3] Statement of the Ministry of Foreign Affairs, Malaysia, 3 May 2010.
[4] Document in the author’s possession.
[5] UN Convention on the Law of the Sea, Part VIII, Article 121 (http://www.un.org/ Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm).
[6] Robert Beckman: “South China Sea: Worsening Dispute or Growing Clarity in Claims?” in RSIS Commentaries (Singapore: S. Rajaratnam School of International Studies, 16 August 2010), page 2.
[10] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/idn_2010 re_mys_vnm_e.pdf.
[11] Robert Beckman: “South China Sea: How China Could Clarify its Claims” in RSIS Commentaries (Singapore: S. Rajaratnam School of International Studies, 16 September 2010); also in the Straits Times, Singapore, 25 September 2010, page A36.
[12] Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (http://www.aseansec.org/13163.htm).
[13] http://www.aseansec.org/1196.htm.
[14] http://news.xinhuanet.com/english/2009-03/10/content_10983647.htm.
[15] http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm.
[16] Nt
.
.
.

No comments: