Nguyễn thị Ngọc Dung
Lời người viết: Mấy năm trước đây, vào dịp tháng tám, tôi có dịp đi Calì dự Hội Ngộ trường Nữ Trung Học Nha Trang và Võ Tánh. Đó là lần đầu tiên tôi có dịp gặp lại các anh chị bạn đồng nghiệp và học trò cũ sau hơn ba mươi năm xa cách, không có cơ hội liên lạc.Thật không còn gì cảm động hơn đối với những ai đã từng đi dạy. Tình Thày Trò trong văn hoá Việt Nam quả là một cái gì thiêng liêng và cao quý, mặc dù cả “thày” lẫn “trò“ nhiều ngưòi tóc cũng đều đã bạc... như nhau.
Năm vừa qua, tháng Tám 2010, là lần thứ hai tôi lại có dịp đi dự Hội Ngộ trường Nữ Trung Học, nơi tôi dạy trước kia. Đây là dịp đặc biệt vì kỷ niệm 50 năm thành lâp trường nên cũng khá long trọng và đông đảo không kém lần trước. Lần này tôi lại may mắn được gặp nhiều học sinh cũ mà lần trước tôi chưa được gặp…Thật là vui và cảm động; Và tôi nhận thấy cuộc hội ngộ nào cũng đầy ý nghiã, vì mọi người đến với nhau trong một bầu không khí cởi mở, chân thành, với những nét mặt lộ đầy vẻ hân hoan. Gặp gỡ, trao đổi, chia xẻ với nhau những mẩu chuyện, dù chỉ là trong giây lát nhưng cũng đủ làm nâng cao đời sống nội tâm…Thì còn gì quý hoá hơn?
Cả hai kỳ hội Ngộ cũng đều đưa đến một niềm hạnh phúc chung, có khác chăng là mốc thời gian-sáu năm-từ 2004 đến 2010. Nhưng tâm trạng vẫn là tâm trạng ấy, không gian vẫn là không gian ấy. Tương lai thì chưa đến, và hiện tại thì vẫn còn đây… Bài viết dưới đây mô tả lại những cảm nghĩ chân thành của người viết về kỳ hội ngộ mấy năm về trước, xin mời trở lại quá khứ một vài năm … mà bây giờ cũng vẫn thế, bớt bồi hồi cảm xúc như lần đầu nhưng lại vui tươi hơn, vì cả không gian ấy đã trở nên gần gũi và quen thuộc hơn, để những ai xa Nha Trang có dịp nhớ về những “dấu chân kỷ niệm” (*) nơi miền cát trắng năm nào…
Từ Nha Trang Năm xưa đến Thung Lũng Hoa Vàng Hôm nay
Hội Ngộ Võ Tánh- Nữ Trung Học NhaTrang 2004 tại San Jose đã qua đi nhưng còn để lại một ấn tượng khá sâu sắc trong lòng mọi người. Riêng đối với tôi, đó là một kỷ niệm đặc biệt rất đáng trân quý. Vào dịp này, tôi đã gặp lại được hầu như tất cả những khuôn mặt quen thuộc ngày nào, khiến tôi có cảm tưởng như mình vẫn còn đang ở trường Nữ Nha trang. Khung cảnh vừa trang trọng, vừa ấm cúng và thân thiện khiến lòng tôi thật sự xúc động.
Chỉ tiếc một điều là tôi không được cái hân hạnh là một học sinh trường Nữ để dịp này được gặp cả...thầy cô lẫn bạn bè. Nhưng điều quan trọng hơn cả là tôi đã được cái may mắn gặp lại các “em” học sinh cũ của trường (mà giờ đây có thể có những cô đã trở thành những bà mẹ, hoặc hơn nữa, những bà ngoại, bà nội v.v...). Những cựu nữ sinh này, dù trước đây có học với tôi hay không, tất cả đều nói lên sự ràng buộc chân tình hiếm thấy. Có cô đã viết thơ cho tôi với những lời lẽ thật cảm động, và 'thú nhận' là tuy không học với tôi nhưng cũng có sẵn tấm lòng quý mến. Nhiều nữ sinh khác cũng rất ân cần và mừng rỡ khi liên lạc được với tôi, như chính tôi đã mừng rỡ được gặp lại các em. Có em đã 'doạ' là "từ nay cô không thể trốn tụi em được nữa" v.v. Còn gì hạnh phúc hơn mối tình cảm đặc biệt này, phải không thưa quý vị đồng nghiệp và “các em” ? (Tôi xin được gọi như thế trong khung cảnh hội ngộ; và ngay cả trong cuộc sống thực các nữ sinh cũ của tôi cũng không bỏ lối xưng hô thường tình kia, dù rằng mối quan hệ Thầy –Trò ấy đã thuộc về dĩ vãng, nhưng cái tình vẫn còn đây). Một điều làm tôi nhận thấy rất rõ là: trong cái tinh thần thầy xưa, bạn cũ mừng mừng, tủi tủi ấy, không có sự phân biệt bằng cấp, điạ vị, hay giàu nghèo v..v... Dường như ai nấy chỉ mải chú trọng đến hai chữ "hội ngộ" đầy ý nghĩa mà thôi. Điều làm tôi cảm động là chốc chốc lại có một nữ sinh ghé đến bên, hỏi: "Cô còn nhớ em không? Em học lớp 10 C với cô năm 1972" - "...em học lớp 11B với cô năm 1970 " v.v.. và v.v. Thầy cô nào mà lại không “hãnh diện” có được những học sinh có lòng và giỏi giang như thế.
Chắc chắn là còn nhiều nữa mà tôi không thể kể hết ở đây. Những lời lẽ ấy, cử chỉ ấy thật là cảm động. Thành thực mà nói, trước mắt tôi, trong tim tôi lúc đó chỉ thấy rộn ràng những hình ảnh đẹp về một thứ tình cảm cao quý trong thế giới học đường ngày trước; mà đặc biệt là những hình ảnh đó đang diễn ra trước mắt tôi. Nhìn quanh, tôi thấy các thầy cô khác cũng có học sinh cũ vây quanh thật là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc chung cho mọi người. Với tôi, đây còn là cả một sự đền bù lớn sau khi mình đã "trải qua một cuộc bể dâu." Cái tình nghĩa thầy trò ấy qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn đậm đà làm sao và không gì có thể mua được. Quả đúng là không có cái sung sướng nào hơn là sung sướng của kẻ "tha hương ngộ cố tri". Gặp lại người quen biết cũ ở nơi đất khách quê người dù là thầy, bạn, hay học trò cũng đều mừng như nhau. Những kỷ niệm ngày xưa ấy quả là khó quên...
Thực vậy, làm sao tôi quên đươc những buổi dạy học êm đềm trong khung cảnh nên thơ của trường Nữ Trung Học NhaTrang với những hàng dương bên cửa sổ? Làm sao tôi quên đuợc những nữ sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ và đôi khi hóm hỉnh nghịch ngợm nữa, cái nghịch ngợm khó tránh của tuổi học trò? Tôi cũng chưa quên những buổi dạy mà, đôi khi để thay đổi không khí, tôi cho các em thả thơ hoặc đố vui văn chương. Cũng có những hôm, vào cuối giờ học, tôi thường dành cho các em ít phút để yêu cầu em nào hát hay, hát cho cả lớp nghe. Thuở ấy tôi mới ra trường nên đầu óc còn nhiều mộng mơ, cả thầy lẫn trò đều còn e ấp, rụt rè. Và, tôi cảm thấy gần guĩ với các em. Tôi còn nhớ, tuy đã đi dạy được hơn một năm nhưng tôi vẫn còn nhút nhát lắm; vì thế một vị đồng nghiệp lớn hơn tôi mấy tuổi bảo tôi là "Dung phải "nghiêm" thì học trò mới sợ;" và nếu dễ dãi quá sẽ bị học trò "bắt nạt". Tôi cũng hiểu được thế nào là "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Tôi im lặng nghe và ghi nhận ý kiến của bạn đồng nghiệp dạy trước tôi, mặc dù trong lãnh vực nghề nghiệp tôi cũng có sự tự tin riêng. Tôi tin rằng mỗi người có một phong cách giảng dạy khác nhau. Tôi tin rằng những nữ sinh học lớp lớn từ đệ tứ, đệ tam trở lên (lớp chín, lớp mười bây giờ) thì thường có thể đối thoại được, tôi không cần phải la hét như học sinh ở cấp tiểu học, mà các em vẫn ngoan. Điều này có lẽ đúng trong trường hợp của tôi: Trong suốt bảy năm dạy ở trường Nữ Trung Học và năm năm dạy ở trường Ngô Quyền Biên Hoà sau đó, và rồi ở Ottawa những năm trước đây, tôi chưa hề trải qua kinh nghiệm ...xấu nào về học trò tôi. Tôi nghĩ tôi là một người may mắn. Tôi luôn coi trọng và quý hóa học sinh của mình. Có lẽ cái "nghiệp" làm thầy khiến tôi có cái cảm tình đặc biệt này đối với học sinh của tôi, và ngược lại, các “em” cũng là những học sinh có tình nghĩa. Tất cả cái cao quý của cuộc đời đi dạy là cái phần thưởng tinh thần ấy. Kỳ hội ngộ vừa qua tôi đã gặp lại rất nhiều các nữ sinh mà tôi rất quý và vẫn còn nhớ. Có người tôi nhớ ngay, có người trông khác trước làm tôi ngờ ngợ. Tuy ngườì nào cũng có vẻ chững chạc hơn, nhưng lời nói cử chỉ vẫn gợi lại cho tôi hình ảnh những nữ sinh trường Nữ Trung Học Nha trang ngày nào...
Nhưng cuộc đời chẳng có gì được trọn vẹn mãi mãi. Trở về quá khứ, biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã làm đảo lộn cuộc sống của bao nhiêu gia đình, trong đó có gia đình tôi. Tôi còn nhớ những ngày đầu năm 1975, khi vừa mới sanh cháu gái đầu lòng được hai tháng thì người dân ở các nơi ùn ùn di tản về. Thành phố Nha Trang bấy giờ đang sống hiền hoà bỗng chốc trở nên chộn rộn. Chiến cuộc dần dần nghiêm trọng hơn. Gia đình tôi lúc ấy cũng bắt đầu rục rịch tính đi khỏi Nha Trang. Ba tôi, một hôm nhìn cháu bé, lắc đầu "Tội nghiệp cháu ông, gái thời loạn" Lúc đó tôi không tin rằng tình hình lại có thể bi đát đến thế. Rồi buồn buồn, cụ nói "Cứ tin ba đi, thế nào nước cũng mất, quốc gia phen này khó mà thắng". Tôi cố hi vọng mơ hồ ở một giải pháp nào đó có thể làm tôi khỏi phải dời bỏ Nha Trang. Tôi không theo dõi thời cuộc như ba tôi, người lúc nào cũng nghe tin tức đài BBC và rất am tường mọi chuyện. Tôi đang muốn sống một cuộc sống bình an, ngày hai buổi đi dạy. Nhưng rôì, vịệc gì phải đến đã đến. Gia đình tôi sau đó cũng tìm đường vô Nam. Tôi còn ở lại Nha Trang cố gắng đến trường những ngày gần chót. Nhưng rồi cuối cùng tôi cảm thấy tình hình xem ra có vẻ không ổn, nên cũng đành sửa soạn lên đường vào Nam. Phải dời bỏ mái trường quen thuộc mà đi, tôi ngần ngại và nuối tiếc, không biết ngày nào mới quay về lại...
Tôi còn nhớ hôm ấy, tôi bồng con cùng với em gái tôi, trên chuyến tàu lênh đênh ngoài biển khơi, tôi tìm đường đi VũngTàu để gặp đại gia đình tôi đi trước đến đó, ở tại nhà chú ruột tôi. Hai chị em chúng tôi và cháu bé là những người đi gần sau chót trong gia đình, trong khi ông chồng tôi còn cố ở lại để… giữ quận (!). Trên tàu, người người chen chúc nhau, tôi thì say sóng nằm một chỗ. Đồ dự trữ và lương thực tôi mang theo khá đầy đủ, nhưng khi trên tàu thấy có người cần nên tôi đã cho bớt , chỉ để lại một ít phần cho mình. Nhưng đến khi cần dùng đến thì không còn thấy nữa , thì ra lúc nằm say sóng thì người trên tàu lấy mất cả. Tuy nhiên trong tâm tôi cũng rất bình an. Tôi cho con bú trong lúc nằm say sóng. Một vài tiếng sau, cháu lại đói mà sữa tôi thì đã cạn cả. May thay, lúc ấy em gái tôi cố dốc hộp sữa xem có còn vét được chút sữa nào không, rồi cũng cố pha cho tôi đuợc một bình sữa cuối cùng. Tôi vì say sóng không ngồi dậy được nên đành nằm… bú bầu để có sữa chảy xuống cho cháu bú. Cũng may là chuyến hành trình trên biển không đến nỗi quá lâu. Cuối cùng thì chúng tôi cũng cập bến Vũng Tàu được bình an. Một tuần sau đó chúng tôi lên Sàigòn. Nhưng những khó khăn đó chỉ là nhỏ. Những thử thách về tinh thần sau này mới là những kinh nghiệm sống đầy ý nghĩa và phong phú cho tôi. Những kinh nghiệm ấy tôi chưa có dịp ghi lên giấy nhưng nó vẫn sống mãi trong tâm tư mà mỗi khi nhớ lại tôi không khỏi cảm thấy bùi ngùi...
Sau khi theo gia đình từ Vũng Tàu lên SàiGòn tôi bắt đầu theo dõi những biến chuyển mới của thời cuộc. Lúc bấy giờ thành phố như lên cơn sốt, người người nhốn nháo và tâm trạng thì căng thẳng vì tìm đường ra đi. Gia đình tôi cũng không tránh khỏi cái tình cảnh ấy. Ngày 29 tháng tư, một ngày trước khi đất nước rơi vào tay chính quyền mới, là ngày giới nghiêm 24/24, tôi vì cháu còn nhỏ nên đành ở nhà chờ tin tức. Gia đình tôi tề tựu đông đủ ở nhà ông anh cả tôi trong khi tôi thì cư ngụ bên gia đình chồng, ở gần phi trường. Đến đêm 29, Sàigòn phải trải qua một trận đánh khốc liệt như chưa từng thấy. Tiếng pháo kích “đoàng, đoàng” vào phi trường hầu như suốt đêm làm tôi không ngủ nổi. Lúc đó tôi cảm thấy thật khiếp đảm và thầm nghĩ: "Thôi thì bây giờ đất nước muốn thuộc về đâu thì thuộc, chứ đánh nhau dữ dội thế này thì chỉ chết dân mà thôi. Mãi đến gần sáng thì tiếng súng mới ngưng. Tình hình êm ả lại một cách khó hiểu. Có tin chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng và một Chính Phủ Liên Hiệp ra đời. Nhưng sau đó thì được biết ngay là đất nước đã thuộc về Cộng Sản. Tôi cảm thấy bớt khiếp đảm vì tiếng súng, nhưng lại bắt đầu hoang mang vì cuộc sống mới. Thôi thì người ta sao mình chịu vậy. Trời sáng, tôi vội vàng đem cháu đến thăm cha mẹ, anh em tôi lúc ấy ở quận 1, Sàigòn. Tôi yên trí rằng lần này thì chắc là cả nhà sẽ cùng cười với nhau rằng: Thế là từ nay tất cả mọi người đều cùng sống dưới chế độ Cộng Sản vậy. Mình sẽ thay đổi lối sống, sống cuộc đời lam lũ cho quen. Trên đường đi, tôi thấy toàn người lạ mặt tiến vào thành phố, nhiều cảnh tượng cười ra nước mắt mà tôi định bụng sẽ kể cho các em tôi nghe khi tôi đến gặp gia đình. Nhưng, ngoài sức tưởng tượng của tôi, khi tôi đến nơi thì thấy vắng hoe, cửa đóng then cài, chỉ thấy lá rụng đầy sân. Một bà bác họ còn ở lại cho tôi biết là mọi người trong gia đình tôi đã đi hết cả rồi. Tôi bàng hoàng. Không ngờ sự việc xảy ra một cách nhanh chóng như thế. Hỏi ra mới biết là do người anh thứ hai của tôi lúc ấy đang là Bác sĩ Hải quân phục vụ ở bến Bạch Đằng, mà gia đình tôi đi được hết, trừ tôi lúc ấy vì bị kẹt bên gia đình chồng nên không đi được. Cũng chỉ vì ngày hôm đó là ngày giới nghiêm 24/24 nên tôi không bế cháud dến thăm bố mẹ như thường lệ được. Thế mà chiều tối hôm đó gia đình tôi đã ra đi được, trong vội vã, từ bến Bạch Đắng.
Thế là cuộc đời tôi bắt đầu bước vào một bước ngoặt mới, đúng vào lúc đất nước bắt đầu sang một trang sử mới. Sau ngày "giải phóng", chồng tôi được gọi đi trình diện 'học tâp' hai tháng, để rồi mãi 5 năm sau mới về. Còn tôi thì được ra trình diện ở Trung tâm Trần Quý cáp cùng với các nhà giáo khác. Sau đó được lệnh phải trở về nhiệm sở cũ. Tôi hoang mang, ngơ ngác và buồn vô hạn. Phần thì xa gia đình nơi tôi từng sống với biết bao người thân yêu, phần xa chồng, mà con thì còn nhỏ, phần lo lắng cho tương lai đen tối, không biết sẽ ra sao. Tâm trạng tôi lúc ấy thật là bơ vơ, chua xót vô cùng. Không còn chọn lựa nào hơn, tôi đành bồng con về lại thành phố xưa, với biết bao kỷ niệm buồn vui.
Về lại Nha Trang, tôi chẳng khác nào con chim lạc đàn. Căn nhà mà trước đây tôi và những người thân yêu trong gia đình từng sinh sống, nay đã có hai gia đình đến cư ngụ. Nhưng tôi nào có thiết gì nhà cửa. Tôi không nghĩ đến chuyện lấy lại nhà thì chính hai gia đình này cũng biết đều, và đã tự ý giọn ra đằng sau. Tôi một mình hai mẹ con ở hai căn lớn phiá đàng trước cũng đủ thênh thang. Hai gia đình này cũng là nhà gíáo từ Đà Nẵng di tản vào, và cũng tử tế. Nhờ vậy tôi cảm thấy cũng bớt cô đơn. Nhưng, thật là khó cho tôi khi phải nhìn căn nhà cũ với bao nhiêu là kỷ niệm. Làm sao tôi quên được hình ảnh mẹ tôi thường mặc áo tràng đứng thắp nhang trước ban thờ Phật . Hình ảnh ấy còn in sâu vào trí óc khiến tôi không khỏi bùi ngù, chua xót. Tôi cảm thấy vô cùng tuỉ thân và cảm thấy bơ vơ, xa lạ với chung quanh, dù đây chính là quê hương mình. Cảnh thì còn đấy mà tình hình đã đổi thay, khiến tôi bàng hoàng. Chạnh lòng tôi chợt nghĩ đến bài thơ cổ, thuộc lúc còn đi học:
Trước chẳng thấy ngườì xưa,
Sau không thấy kẻ đến.
Ngẫm trời đất vô cùng,
Tủi một mình mà sa nước mắt (*)
và buồn vô cùng ! Có thể nói là suốt thời gian kể từ lúc tôi phải xa gia đình, xa tất cả những người thân, tôi chẳng lúc nào vui. Đến trường gượng nói, gượng cười, nhưng về nhà thì tôi được... tự do khóc, vì đâu ai biết. Buổi lễ chào cờ đầu tiên dưới chế độ mới làm tôi buồn vô tả. Lá cờ vàng ba xọc đỏ tôi hằng tôn trọng bây giờ đã bị thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng. Bài quốc ca mà các học sinh thường hát trong các buổi chào cờ vào mỗi sáng thứ hai với tất cả sự trang nghiêm, bây giờ cũng đã bị thay thế bằng một bài khác ! Tâm trạng tôi bấy giờ thật khó tả: Vừa nuối tiếc quá khứ, vừa nghẹn ngào uất ức, tôi không ngăn đuợc, nước mắt ứa ra dàn dụa. Nhưng rồi phải cố che dấu, vì sợ người ta để ý tâm trạng mình.
Rồi tôi cũng bắt đầu cuộc sống mới với "nếp sống lao động mới, lao động xã hội chủ nghiã". Tôi đến trình diện lại tại trường Huyền Trân, lúc này trường đã bị đổi tên mới. Vì còn đương dịp nghỉ hè nên thầy trò trường Nữ chỉ đến trường để làm lao động hè thôi. Những lúc như vậy tôi thường gửi cháu cho mấy cô con gái của hai gia đình ở chung chăm sóc giùm, khi tôi đi vắng. Dịp này, tôi đã được gặp một số đồng nghiệp cũ và học sinh nhưng ai nấy đều có vẻ dè dặt và lo âu. Tôi cảm thấy buồn bã vì ngày mai thật là vô định. Bỗng dưng tôi chạnh nhớ đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du mà cảm thấy thấm thía thân phận bơ vơ của mình trong cái cảnh nước mất nhà tan:
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu? (Nguyễn Du)
Cuối cùng, tôi đã tìm cách xin đổi đi... Vào Nam, tôi xin Bộ Giáo dục đổi về dạy tại trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hoà, một nơi hòan toàn mới đối với tôi, nhưng lại rất gần Sài Gòn. Như thế, tôi có thể có cơ hội gặp bà bác ruột, người rất giống mẹ tôi, cho khuây nỗi buồn vắng mẹ, đồng thời để cho quên đi những kỷ niệm cũ đã từng làm tôi xót xa nhiều.
Thời gian dạy học ở trường Ngô Quyền cũng là cả một thử thách gay go cho tôi về tinh thần. Các giáo viên chế độ cũ phải phấn đấu hết sức để được vào biên chế nhà nước. Phải học chính trị và nghiệp vụ tốt, và phải có lý lịch "trong sạch" mới hi vọng được vào. Điều này làm tôi căng thẳng, vì xét ra, tôi chẳng có đuợc một điều kiện gì khả dĩ làm mình hi vọng cả: Gia đình thì đi Mỹ, chồng đi học cải tạo v.v... Đã thế lại không biết khéo léo để... lấy điểm, thì hi vọng gì ? Thôi thì tuỳ theo số phận vậy. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn còn được dạy học và cũng được vào "biên chế" (cũng như được bổ vào chính ngạch). Có một điều làm tôi còn muốn dạy học mà chưa xin nghỉ là vì tôi rất yêu nghề và thương quý học trò của tôi. Nhiều em hoàn cảnh sống rất tội nghiệp, nhìn các em thuộc gia đình "nguỵ" sống không có tương lai mà lòng tôi xót xa, nhất là khi liên tưởng đến bản thân mình. Lúc đó, tôi mong được vào biên chế để chồng tôi đang đi học cải tạo sẽ sớm được về. Nhưng rồi tình hình trong trường cũng đổi khác, cái mong ước được vào biên chế bây giờ không còn là điều hấp dẫn nữa. Các giáo sư đệ nhất, đệ nhị cấp ngày trước- bây giờ được gọi là giáo viên cấp hai hoặc cấp ba -đã lần lượt đi xa, tìm đường vượt biên. Hoàn cảnh tôi còn bế tắc không làm như vậy được, vì còn phải ở lại để đi tiếp tế cho chồng. Mà chồng thì không biết ngày nào về. Tôi cảm thấy mòn mỏi, không muốn sống trong môi trường buồn chán và vô nghiã này nữa. Buồn, vì những người cùng tâm trạng đã đi xa cả, bế tắc vì không có lối thoát, và vô nghĩa vì đi làm lao động một cách máy móc, vụ hình thức. Những lúc ấy tôi cảm thấy cuộc đời chẳng khác gì cây cỏ vô tri vô giác. Những lo lắng mong sao đươc vào chính ngạch của mấy năm trước bây giờ trở nên vô giá trị đối với tôi. Thế mới biết:"Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào " thật đúng trong trường hợp của tôi lúc này. Dạy được khoảng năm năm tại Ngô Quyền thì tôi bắt đầu làm đơn xin nghỉ để có cơ hội ra đi. Nhưng con người ta thật là mâu thuẫn. Phải cương quyết lắm tôi mới có thể xin nghỉ được. Vì tôi cảm thấy nhớ trường, nhớ lớp,nhớ phấn trắng bảng đen, những bài "giáo án". Nhớ nhất là những học sinh thân yêu của mình ở Nha Trang, ở Biên Hoà, và ở khắp mọi nơi.
Sau năm năm chờ đợi, chồng tôi được trở về đúng vào lúc tôi cảm thấy hầu như tuyệt vọng. Sau hai lần cố gắng tìm đường đi không xong, tôi đành chờ cơ hội để đi bảo lãnh. Gia đình chúng tôi cuối cùng được ba tôi bảo lãnh đi Canada vào năm 1983. Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là Ottawa, thủ đô của Canada. Tại đây tôi đã sống 14 năm với những kỷ niệm ban đầu ở nơi đất khách, trước khi dời đến Vancouver từ năm 1996. Kỷ niệm nào cũng thật đáng ghi nhớ…
Thời gian trôi qua, tất cả đã thuộc về dĩ vãng. Nhưng đặc biệt năm nay là năm kỷ niệm ngày chúng ta bị mất nước đã được trên ba mươi lăm năm, đồng thời cũng là kỷ niệm bấy nhiêu năm xa cách hai ngôi trường thân yêu, tôi muốn mượn dịp này giãi bày phần nào tâm sự, gọi là một chút hoài niệm về quá khứ. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn cần phải cố gắng hết sức mình để vươn lên. Dù là phụ nữ hay nam giới, lúc cần phải đối phó với nghịch cảnh, chúng ta vẫn có khả năng để vượt qua. Mà, đối phó với đời bằng trái tim và khối óc thì lúc nào tâm ta cũng an lạc. Ngày nay tôi còn được yên lành ngồi ghi lại những suy tư của mình, các anh chị em được vui vẻ gặp gỡ nhau qua diễn đàn hội ngộ, thì có xa cũng trở thành gần, có giận cũng vẫn có thể tha thứ cho nhau. Vì như thế là chúng ta còn may mắn lắm.
Bây giờ và nơi đây
Nhắc lại những kỷ niệm cùng những cảm xúc trên đây để chúng ta có thể cảm thông một điều là, dù ngưòi dân Việt đã trải qua biết bao cam go, thử thách do hoàn cảnh đất nước đưa đến… cũng vẫn cố vươn lên để có một cuộc sống lành mạnh. Dù ở tuổi nào đi nữa và hoàn cảnh thế nào đi nữa, cũng vẫn đến với nhau bằng một thứ tình cảm đặc biệt, chân thành, vẫn không quên hướng về quê hương, cách này hay cách khác, dù nói ra hay không nói ra…Điều quan trọng là nếu chưa tìm lại đươc quê hương theo ý nghĩa tích cực của nó, thì xin hãy tạm nhận nơi đây là quê hương. Vì quê hương có đấy mà “không” đấy … Vậy thì ở đâu còn có người Việt, có dịp nói tiếng Việt, còn có cơ hội biểu lộ văn hoá Việt; nhất là ở đâu có được một đời sống do chính ta làm chủ, chung quanh ta vẫn có người đồng hương, nơi đó là quê hương. Người Vìêt ta củng như bao nhiêu dân tộc khác, cũng có những người tài, những tâm hồn cao cả, ý chí kiên trì và nhất là không chối bỏ quê hương của mình. “Quê hương” đó biểu lộ qua nếp sống, lối suy nghĩ và phong cách của những người có văn hoá. Chỉ cần một tâm hồn rộng mở thì đâu đâu chúng ta cũng có thể hoà nhập vào với chung quanh, như là một cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn, đầy tính nhân bản, trong đó có “Cộng đồng Hội ngộ” Võ Tánh-Nữ Trung Học.
Trải bao vật đổi sao dời, con người giờ đây chỉ còn lại tình cảm là quan trọng hơn cả: Tình thầy trò, nghĩa bè bạn, tình đồng nghiệp. Chúng ta hiện đang gặp nhau trong tinh thần vô ngã. Các trận thiên tai như sóng thần Tsunami ở Ấn Độ Dương năm 2004, động đất ở Trung Hoa và Miến điện năm 2008 cũng như các nạn động đất mới xảy ra năm 2010 tại Haiti và Pakistan là những ví dụ cụ thể nhất để chúng ta càng thấy rõ thêm về ý nghiã vô thường của cuộc đời...Và, cuộc hạnh ngộ trên đất khách quê người sau mấy chục năm xa cách, quả có một ý nghĩa cao quý vô cùng...
Nguyễn thị Ngọc Dung, Canada
(Tháng 3, 2011)
Ghi chú:
(*) “Nha Trang, Dấu Chân Kỷ Niệm” là tựa đề một tác phẩm của Cung thị Lan.
(*) là bản phỏng dịch từ bài thơ Hán (mà tôi chỉ nhớ mang máng, nếu có gì sơ sót, xin vui lòng chỉ giáo)
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả,
Niệm thiên địa chi du du
Độc thuơng nhiên nhi khấp hạ,
.
.
.
No comments:
Post a Comment