Mặc Lâm, phóng viên RFA
2011-03-12
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/poet-phamcongthien-mlam-03122011142556.html
Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin chuyển một tin buồn đến với quý vị đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu triết học và là một giảng sư về Thiền tông Phạm Công Thiện vừa qua đời hôm 8/3/2011 tại Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.
Nói đến Phạm Công Thiện độc giả trẻ trong nước có lẽ nhiều người không biết về ông, nhưng thế hệ lớn lên vào thập niên 60 nhất là các sinh viên đại học hình như không ai là không biết tên ông qua những tài năng mà ông thể hiện trong các tác phẩm được xem là khai mở một vùng đất hoang sơ chưa ai khai phá trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Mời quý vị theo dõi sau đây.
Thần đồng ngôn ngữ, triết học
Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Học vấn của ông là cả một bí ẩn. Tuy chưa bao giờ có một mảnh bằng tú tài trong tay nhưng ông đã được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới mời giảng dạy trong đó có trường đại học Yale của Mỹ và Sorbonne của Pháp.
Ở lứa tuổi chưa tới 16, ông đã trở thành cộng tác viên trẻ nhất của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Phạn và tiếng La Tinh. Tất cả những điều này đều được chứng nhận qua các vị học giả và các chuyên gia ngôn ngữ học của nhiều trường đại học.
Ngoại ngữ là một chìa khóa giúp ông mở nhiều cánh cửa triết học Tây phương để ông thai nghén và cho ra đời tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” được ông viết khi chưa tới 19 tuổi. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông trở thành một hiện tượng mà thời gian ấy người ta gọi là thần đồng triết học của Việt Nam.
Nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Khởi Hành, người theo sát với Phạm Công Thiện từ những năm đầu tiên khi ông xuất hiện cho biết những năm đầu khi ông nổi tiếng tại Việt Nam:
“Thật ra Phạm Công Thiện nổi tiếng trước khi đi ngoại quốc. Theo như tôi nhớ Phạm Công Thiện được Hòa thượng Thích Minh Châu cử đi du học vào năm 1969 vì Phạm Công Thiện đã nổi tiếng từ năm 1965! Phạm Công Thiện nổi tiếng từ cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, cuốn này in năm 1965 tức là 4 năm trước khi ông ra nước ngoài.
Tôi còn nhớ khi ra cuốn sách thì tôi đã có dịp làm việc với Phạm Công Thiện vài tháng vào năm 1964 khi nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản nhật báo Dân Ta. Trước đó nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản tạp chí Phổ Thông thì Thiện đã viết trên Phổ Thông rồi. Khi tờ Dân Ta ra đời thì Nguyễn Vỹ nhờ Phạm Công Thiện về cộng tác lúc đó thì chúng tôi gặp nhau.”
Một kỳ tích thứ hai của ông là năm 18 tuổi, Phạm Công Thiện được mời giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau đó không lâu ông phụ trách soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968 - 1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.
Khai phá Thiền Tông Phật giáo
Thật ra tác phẩm quan trọng nhất của ông là tập tiểu luận mang tên “Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông”. Tác phẩm này thật sự mở một cánh cửa cho Phật giáo Việt Nam khai phá mảnh đất Thiền Tông lúc bấy giờ còn quá mới mẻ đối với người Việt, với hơn 80% theo Phật Giáo.
Nhà văn Viên Linh nói về tác động của tác phẩm này đối với Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ:
“Một trong những tác phẩm song song với “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” là cuốn “Bồ Đề Lạt Ma, tổ sư của Thiền Tông” in năm 1964. Phật giáo sau khi thay đổi chế độ thì phong trào Thiền Tông lan tràn khắp nơi từ người lớn cho tới người trẻ. Phạm Công Thiện tôi gọi là nhóm Vạn Hạnh, hay là những trí thức trẻ xuất gia, mà lớp đi tu trẻ lúc ấy thì gồm có Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Chơn Phát, Nguyễn Hữu Hiệu, Chơn Hạnh, Trần Vân Tiên, Ni cô Trí Hải và Bùi Giáng. Bùi Giáng thì nhiều tuổi hơn cả.
Nhóm này xông vào các tờ báo như tạp chí Tư Tưởng, hay là Giữ Thơm Quê Mẹ của ông Nhất Hạnh, cũng như những nhà xuất bản, dịch thuật nhiều tác phẩm Phật giáo như Hessman Hess hay Suzuki. Trong lớp đó thì Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ là hai người có thể nói là dẫn đầu. tất cả những người này đều rất trẻ lúc ấy chỉ khoảng 24 -25 tuổi đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Phật Giáo Việt Nam thời kỳ đó.
Sau khi cuốn sách đó ra thì nổi lên một phong trào sinh viên đi tìm hiểu những khai phá mới sau một thời gian dài 9 năm dưới chế độ cũ. Khi thay đổi một chế độ thì chế độ kế tiếp người ta đi tìm cái gì phản nghịch lại quá khứ hay mở mang những chân trời mới.
Thiện chỉ là một thành phần trẻ xung kích lúc ấy chứ đầu não của sự thay đổi văn hóa lúc ấy là những bậc thầy ở Đại học Vạn Hạnh. Lúc đầu thì có Thượng tọa Nhất Hạnh, giáo sư Nguyễn Đăng Thục là những người ảnh hưởng nhiều nhất vì trước khi có đại học Vạn Hạnh thì những tờ báo Phật Giáo lúc ấy từ trường Cao đẳng Phật học ra gồm ông Nhất Hạnh, Hòa thượng Thanh Từ, Thanh Kiểm là những bậc thầy của Phật giáo lúc ấy.”
Nhà thơ
Bên cạnh những tác phẩm nặng về tư tưởng Phạm Công Thiện còn làm thơ và tác phẩm nổi tiếng khác của ông là “Ngày Sanh Của Rắn” đã được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần đầu năm 1966 tại Sài Gòn, tác giả đã từ chối không cho tái bản trong suốt hơn 20 năm sau đó mà không cho biết lý do.
Tập thơ chia làm 12 khúc và khúc thứ 8 có lẽ hay và dễ cảm thụ nhất. Bài này đã được phổ thành ca khúc“Tôi đứng trên đồi mây trổ bông”
Khúc thứ 8
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
Nhà thơ Viên Linh thì lại tâm đắc với một bài thơ mới sáng tác sau này của Phạm Công Thiện, tựa bài thơ mang một từ vỏn vẹn là “Đi”mà ông đọc sau đây:
Đã đi rồi đã đi chưa?
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hà phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuẩn hình thiên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại huyền biến ngưỡng phiêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Áng nga nga nặng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.
Khúc thứ 8
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
Nhà thơ Viên Linh thì lại tâm đắc với một bài thơ mới sáng tác sau này của Phạm Công Thiện, tựa bài thơ mang một từ vỏn vẹn là “Đi”mà ông đọc sau đây:
Đã đi rồi đã đi chưa?
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hà phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuẩn hình thiên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại huyền biến ngưỡng phiêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Áng nga nga nặng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.
Đây là bài thơ nói về sự ra đi của chính mình của Phạm Công Thiện. Bài thơ này mới in vào năm 2009 trong tập thơ mới nhất của anh tên “Trên đỉnh cao tất cả là im lặng.”
Nhận xét về cá tính của Phạm Công Thiện nhà thơ Viên Linh nói:
“Phạm Công Thiện là người Mỹ Tho trong nhóm bạn trẻ đó đều là người Bắc và Trung nhưng anh có tài và là người đa năng nên được rất nhiều người yêu mến. Phạm Công Thiện là người mang lại sự phát triển cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn sau năm 1963.”
Chúng tôi xin mượn lời của nhà thơ nói về mình như một lời từ giã ông, một nhân tài ngôn ngữ, tư tưởng và thi ca Việt Nam:
“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” và:
“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.”
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment