Sunday, March 6, 2011

DÂN LUẬN Hội Luận Cùng TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN - Phần 3 (Dân Luận)

Nguyễn Gia Kiểng
Thứ Tư, 09/03/2011



Dân Luận: Chúng tôi nhận được câu trả lời bổ sung cho câu hỏi số 6 từ ông Nguyễn Gia Kiểng ngày hôm qua (5/3/2011), nhưng vì thư rơi vào hòm thư rác nên đến hôm nay mới đọc được. Xin thành thật cáo lỗi cùng đại diện Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và độc giả Dân Luận. Chúng tôi xin đăng câu trả lời bổ sung này thành một bài riêng vì đây là một chủ đề quan trọng, rất mong nhận được phản hồi và câu hỏi của độc giả.
Lưu ý: Chúng tôi tiếp tục nhận các câu hỏi cho vòng hai, và cũng là vòng cuối cùng của cuộc hội luận lần này với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho tới ngày 14/3/2011.

-------------------------

Câu hỏi 6:
Tập Hợp đánh giá như thế nào về lực lượng thanh niên Việt Nam hiện nay? Tập Hợp đã có những biện pháp gì để tiếp cận và quảng bá những tư tưởng của mình tới lực lượng này?
.
Nguyễn Gia Kiểng trả lời:
Bạn Thanh Niên thân mến,
Tiếp theo Hoàng An Việt tôi cũng xin được góp vài lời vào vấn đề bạn nêu ra, dù tôi không còn may mắn được là một thanh niên. Tuổi trẻ là vấn đề quá quan trọng để bất cứ người hoạt động chính trị nào có thể không đặc biệt quan tâm. Chắc chắn là sự chuyển động quyết định đem lại dân chủ cho đất nước sẽ đến từ thanh niên, nhưng điều đáng buồn là thanh niên Việt Nam hiện đang rã rượi trong sự thờ ơ bất lực. Một thăm dò dư luận gần đây cho thấy là thanh niên Việt Nam rất lạc quan về tương lai. Điều này phải khiến chúng ta giật mình tự hỏi phải chăng tình trạng của tuổi trẻ Việt Nam đã bi đát đến độ khiến họ nghĩ rằng ngày mai không thể nào tệ hơn hôm nay? Vì quả thực tuổi trẻ Việt Nam đang sống một thảm kịch. Đời sống vật chất của đại đa số thanh niên Việt Nam rất khó khăn, phản ánh qua sự kiện tỷ lệ học sinh phổ thông trung học vốn đã thấp một cách báo động, khoảng 50%, lại liên tục xuống thấp hơn trong ba năm gần đây, tỷ lệ sinh viên đại học và cao đẳng phải bỏ ngang khi chưa tốt nghiệp, gần 40%, lại càng đau lòng. Với những người may mắn tốt nghiệp thì giáo dục cũng đã quá xuống cấp để cung cấp được cho thanh niên Việt Nam những hành trang tối thiểu khả dĩ có thể tranh đua một cách không quá thiệt thòi với thanh niên các nước khác. Họ cũng đã bị tước đoạt hạnh phúc lớn nhất của tuổi trẻ: ước mơ. Một thanh niên Việt Nam ngày nay có thể mơ ước gì ngay cả nếu thuộc thiểu số ưu tú tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng? Chắc chắn không phải là một căn nhà ở thành phố vì một năm lương cũng chưa chắc đã mua nổi một mét vuông đất. Chắc chắn cũng không phải là một chức giám đốc chỉ dành riêng cho con cái các đại gia. Giấc mơ đó chỉ có thể là một việc làm vừa đủ ăn với điều kiện là không có gánh nặng gia đình. Không lẽ một thanh niên tốt nghiệp đại học lại chỉ được quyền mơ ước đến thế thôi sao? Nhưng ngay cả giấc mơ quá khiêm tốn này cũng chỉ có một thiểu số đạt được. Đối với đại bộ phận thanh niên Việt Nam tương lai chỉ là một ngõ cụt không lối thoát.

Không có định mệnh nào bắt thanh niên Việt Nam phải chịu số phận hẩm hiu đó. Thanh niên Việt Nam thông minh và chăm chỉ không kém thanh niên Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật v.v. Họ cũng có quyền có một tương lai đáng mơ ước như thanh niên các nước này nếu nước ta thay đổi được cách tổ chức xã hội, nghĩa là nếu thay thế được chế độ độc tài này bằng một chế độ dân chủ. Thanh niên Việt Nam có thể thay đổi được chế độ chính trị nếu họ ý thức rằng chính chế độ này giam hãm họ trong thua kém và quyết định tranh đấu để đất nước và chính họ có một tương lai xứng đáng. Lực lượng thanh niên rất hùng hậu và là một thùng thuốc nổ đối với chế độ cộng sản. Chúng ta có khoảng 25 triệu thanh niên trong lứa tuổi 17-30, trong đó hơn sáu triệu người có trình độ trên trung học, gần bốn triệu người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, hầu như tất cả đều đang sống trong sự thiếu thốn và đứng trước một tương lai đen tối. Chỉ cần một phần mười khối thanh niên này đứng dậy tranh đấu là tình thế sẽ thay đổi ngay tức khắc. Thực tế là không phải một phần mười mà chín phần mười muốn đứng dậy, nhưng họ chưa đứng dậy vì chưa có một tổ chức dân chủ nào đủ mạnh để động viên và lãnh đạo họ.

Thông điệp đầu tiên cần được gửi tới thanh niên Việt Nam là: số phận họ có thể thay đổi nhanh chóng với điều kiện là phải thay đổi chế độ chính trị. Họ không thể hy vọng gỉ ở chế độ này, bởi vì trong lịch sử thế giới chưa hề có trường hợp một chính quyền tham nhũng tự cải tiến để hết hoặc bớt tham nhũng; tham nhũng sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Giải pháp duy nhất cho một chính quyền tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Và chính quyền này không những tham nhũng mà còn xấc xược. Họ phải hiểu một lần cho tất cả là chỉ có thể có một giải pháp chung cho cả dân tộc chứ không thể có giải pháp riêng cho mỗi người. Luồn lách, tìm giải pháp cá nhân với hy vọng mình sẽ may hơn hoặc khôn hơn chỉ là trò chơi dại dột trong đó mỗi người chống tất cả và tất cả chống mỗi người với kết quả là mọi người đều thua. Chủ nghĩa luồn lách còn tai hại hơn chủ nghĩa Mác-Lênin.

Thông điệp thứ hai họ cần tiếp nhận là: con đường dân chủ hoá Việt Nam bắt buộc phải đi qua một tổ chức dân chủ mạnh; và một tổ chức dân chủ mạnh phải được quan niệm như là dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và thực hiện một dự án chính trị, và dù vậy cũng chỉ có thể là thành quả của một cố gắng xây dựng bền bỉ trong nhiều năm. Họ không nên mất thì giờ với các nhân sĩ, các tổ chức hay kết hợp được thành lập một cách vội vã không chuẩn bị, và các tổ chức không có tư tưởng chính trị. Thực tế cho thấy là nhận thức này còn rất thiếu sót. Cứ lấy thí dụ hai vụ án chính trị đang xảy ra trong lúc này: Vi Đức HồiCù Huy Hà Vũ. Dư luận hình như quên Vi Đức Hồi và chỉ chú trọng đến Cù Huy Hà Vũ. Hai con người này đều đáng quí và đều đáng bênh vực vì đều là nạn nhân của một sự tuỳ tiện thô bạo, nhưng chắc là những người dân chủ phải dành cho Vi Đức Hồi sự quý mến và yểm trợ nồng nhiệt hơn hẳn. Anh là một người đã bỏ quyền lợi trong đảng cộng sản để đứng hẳn vào đội ngũ dân chủ. Cù Huy Hà Vũ thì khác, anh Vũ không nhận mình là một người dân chủ, anh cũng không muốn hợp sức với người dân chủ nào và chỉ nói lên những điều mình muốn nói. Cù Huy Hà Vũ không bao giờ nhận mình tranh đấu cho dân chủ và có lẽ cũng không có ý định đó; nhưng nếu cho rằng anh tranh đấu cho dân chủ thì đó là lối đấu tranh nhân sĩ cần được dứt khoát từ bỏ. So sánh phong cách và lý luận của hai người thì Vi Đức Hồi hơn hẳn, nhưng Cù Huy Hà Vũ đã được trân trọng hơn. Tại sao? Phải chăng vì anh là con một nhà thơ lớn cựu bộ trưởng, vì anh có học vị tiến sĩ, vì anh từng tự ứng cử chức vụ bộ trưởng văn hoá, tóm lại vì anh là một nhân sĩ? Chúng ta quả thực còn rất nhiều tiến bộ về nhận thức phải đạt được.

THDCĐN đã rất cố gắng để đưa những thông điệp này, cùng với tư tưởng chính trị và dự án chính trị đến với tuổi trẻ Việt Nam. Như mọi cố gắng văn hoá và tư tưởng, kiên trì là điều kiện bắt buộc. Chúng tôi không phải là những người duy nhất làm công việc này. Cuộc hội luận này cũng là một dịp để thảo luận với tuổi trẻ. Chúng tôi rất mong được tiếp tay. Chúng tôi càng mong là sẽ có những bạn trẻ đến với chúng tôi. Nếu có được một ngàn người quyết tâm, gắn bó và kỷ luật chúng ta có thể động viên được tiềm năng to lớn của thanh niên Việt Nam để không bỏ lỡ làn sóng dân chủ thứ tư đang tràn tới cuốn đi những chế độ độc tài hậu cộng sản. Chúng ta còn khoảng một hoặc hai năm để chuẩn bị.

Một lời sau cùng về tuổi trẻ. Trong sự sôi động của những biến cố tại Bắc Phi và Trung Đông, đã có một số người lên tiếng kêu gọi thanh niên biểu tình đòi dân chủ. Những lời kêu gọi như vậy có thể sẽ còn được đưa ra trong những ngày sắp tới bởi những cá nhân hoặc tổ chức, hoặc những liên minh được thành lập một cách đột xuất. Nhưng vận động quần chúng là điều chỉ có thể phát động khi đã xây dựng xong một tổ chức đủ mạnh để động viên quần chúng đứng dậy và lãnh đạo quần chúng sau đó. Những lời kêu gọi quần chúng đứng dậy của những nhân sĩ hoặc những tổ chức chưa đủ tầm vóc và uy tín sẽ không động viên nổi quần chúng, và nếu không may chúng động viên được một số nhỏ thì cũng chỉ gây thất vọng sau đó, có thể còn hy sinh uổng phí một số thanh niên có nhiệt tình. Chúng ta đều mong muốn đất nước có dân chủ thật sớm và đều nôn nóng vì những biến cố đang diễn ra. Nhưng sự nôn nóng không thể cho phép hành động mà không có chuẩn bị tối thiểu, để rồi chỉ hy sinh những thanh niên ít ỏi còn ý chí đứng dậy.

Nguyễn Gia Kiểng (Kqhhvn@gmail.com)

-----------------------------------

Tin liên quan :




.
.
.

No comments: