Friday, March 25, 2011

CƠN CẢM LẠNH CỦA BỆNH LIỆT KHÁNG (Lề Trái)

Lề Trái
Thứ Sáu, 25/03/2011

Ngẫm về lịch sử lâu dài và đen tối của loài người, ta thấy số tội ác kinh khủng được tiến hành nhân danh sự thần phục nhiều hơn số tội ác nhân danh sự nổi loạn.
When you think of the long and gloomy history of man, you will find more hideous crimes have been committed in the name of obedience than have been committed in the name of rebellion.
C.P. Snow


Sau khi đọc bài viết về hiện trạng giáo dục của GS Hoàng Tụy [1], tôi quyết định không viết lời ủng hộ cũng không chống đối ngay lúc đó. Không chống đối vì tôi cho rằng GS Hoàng Tụy đã nói tới giới hạn mang tính co giãn của sự cho phép. Nếu hơn nữa, theo tôi, GS sẽ tự đặt mình vào vị thế đối lập của anh Đỗ Nam Hải hoặc bác Hà Sĩ Phu, một vị thế khó nuốt và khó sống đối với những người Việt Nam hiện nay. Vì những lý do trên tôi hoàn toàn thông cảm. Không ủng hộ vì, theo tôi, bài đó không nói đúng và đủ vấn đề. Hay nói cách khác, nó chưa nêu ra được sự thật toàn vẹn.

Tôi sẽ đưa ra một dẫn chứng thực tế: Hồi còn học phổ thông, tôi nhớ mãi những giờ học sử mà những kết luận để làm bài học lịch sử chỉ làm cho chúng tôi sôi máu và phải đặt vấn đề lại với câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Mỗi lần học về những chiến công hiển hách của các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, những giới hạn – theo lời dạy - luôn luôn vì không có sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam nên chỉ dừng lại ở mức củng cố chế độ phong kiến, chưa bao giờ có tính giải phóng thực sự. Chỉ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam mới có cách mạng và giải phóng thực sự. Hơn nữa, khi xét tiêu chuẩn lên lớp và khen thưởng, ngoài giáo viên chủ nhiệm, 3 giáo viên văn, sử và chính trị đều có tiếng nói quyết định trong việc xác nhận tư tưởng chính trị - phần quyết định trong hạnh kiểm - của mỗi học sinh. Nếu cần, những giáo viên trên có quyền yêu cầu sự can thiệp của công an.

Một ví dụ nữa, chắc ai cũng nhớ Thế Vận Hội Seoul 1988, báo chí la hoảng sách giáo khoa địa lý vẫn xem Nam Hàn là lạc hậu, nghèo đói, trong khi Bắc Hàn đang thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Thực tại bây giờ như thế nào chắc ai cũng biết.

Ta có thể thấy ở đây là sự ngự trị của một lý tưởng chính trị tuyệt đối trong giáo dục. Việc này không chỉ chấm dứt ở lớp 12 mà còn kéo dài lên cả đại học - nặng phần lý thuyết hơn - tạo nên lực cản của lý tưởng lớn hơn trên đại học, và đối với số đông sinh viên Việt Nam, việc học những môn chuyên môn, về tâm lý, bao giờ cũng dễ dàng hơn và đáng kể hơn những môn bị bắt buộc – chính trị là một môn như vậy. Nhưng ngay cả khi tôi rời Việt Nam, chính trị vẫn là một trong những môn, một lần nữa, quyết định tiêu chuẩn lên lớp, tốt nghiệp hoặc khen thưởng, và sinh viên VN phải đầu tư một lượng thời gian đáng kể vào nó thay vì đọc/học những gì họ muốn (như những môn tự chọn [selective courses] trong những hệ thống đại học ngoài Việt Nam). Lần cuối tôi về là khoảng 2005, sách giáo khoa vẫn y xì nội dung, hầu như không thay đổi về bản chất.

Xét qua về mặt hậu quả của sự tồn tại một tư tưởng chính trị tuyệt đối, ta đã biết sự tồn tại một lý tưởng tuyệt đối về lý luận (logic) sẽ dẫn tới những ý tưởng khác phải được / bị sửa đổi cho phù hợp với lý tưởng chính thống nếu muốn tồn tại. Ở đây 1+1 không phải bằng 2 mà là 1+1 chỉ bằng 2 nếu và chỉ nếu 2 phù hợp với lý tưởng. Cũng có thể suy ra nếu 2 không phù hợp với lý tưởng thì kết quả nên sửa lại để phù hợp. Nói đúng hơn, nếu những tư tưởng nào không được sửa đổi kết quả sẽ phải là sự cấm đoán thô thiển, tận diệt hoặc ít nhất đưa vào quên lãng. Nếu vậy, ngay cả tính khách quan của khoa học đã được “úm ba la” cho phù hợp với lý tưởng thì làm sao có thể nói tới việc đặt lại vấn đề vốn là nền tảng cơ bản của tri thức. Tiếp nữa về mặt lý luận, thay vì sản sinh ra một hệ thống quản lý có khoa học, nó chỉ sản sinh ra một hệ thống quyền lực mà nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tính tuyệt đối của lý tưởng chính thống. Chính sự tương quan giữa lý tưởng và vị thế quyền lực đặt những đại diện của quyền lực này vào vị thế có tiếng nói quyết định tối hậu trong việc định đoạt tính phù-hợp-với-lý-tưởng cho tất cả mọi vấn đề dù có liên quan đến lý tưởng hay không, dẫn tới họ cũng nắm cả quyền sinh sát đối với vận mệnh và tương lai của sinh viên thông qua lăng kính lý tưởng. Tới đây ta có thể thấy học sinh, sinh viên của ta khốn khổ như thế nào. Học được một chữ bên khoa học cũng lóc cóc đi đối chiếu xem có hợp với lý tưởng hay không, nếu không phù hợp họ phải đứng trước một sự chọn lựa đáng lẽ không nên có nhưng lại hết sức cần thiết trong cái môi trường quái đản này. Bao nhiêu năm đèn sách có thể sẽ công toi nếu họ không khôn ngoan trong việc chọn lựa. Khi kiến thức và tri thức đã không còn là trọng tâm của giáo dục / khoa học thì việc học còn là gì nếu không là khoa bảng và thành tích. Và ngay cả khoa bảng và thành tích đã không còn là mức đo chuẩn để đánh giá trình độ kiến thức và tri thức của cá nhân hay của một đơn vị, nhưng vẫn có một số giá trị thang bậc nhất định trong xã hội, thì tình trạng gian trá để đạt được những mảnh bằng hay giấy khen chỉ còn là vấn đề thời gian.

Lấy ví dụ về chỉ tiêu 20.000 tiến sĩ, nếu tôi không lầm, cái chỉ tiêu đó chưa bao giờ đề cập đến chất lượng thì việc học những trường “dỏm” và lấy bằng “dỏm” sẽ phải là con đường tất yếu. Để đối phó với phê bình, ta nghe lại kiểu biện luận chỉ-có-ta-là-đúng từ tư duy và quan hệ quyền lực với tư tưởng thống trị, kiểu “Ai không theo ta là chống lại ta” của Manichaen ngày nào; ai phê bình ta tức người đó có vấn đề về đạo đức, chính trị hoặc cả hai [2]. Khoa học và giáo dục phát triển mới là chuyện lạ, còn nó đâm ra tình trạng như thế này không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Như vậy ta có thể thấy cái cản trở lớn nhất trong giáo dục hoàn toàn do việc tồn tại một hệ thống tư tưởng độc quyền tạo ra một hệ thống quyền lực sinh ra để bảo vệ nó chứ không phải chuyện gì khác.

Nhưng không, vấn đề mà giáo sư Hoàng Tụy đưa ra là “lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới”. Với một hệ thống tư tưởng duy nhất thống trị như vậy, chỉ có thể sản sinh ra một bộ máy quản lý không thể khác thì ngay cả làm được việc không thể là thay toàn bộ nhân sự lãnh đạo thì ban lãnh đạo mới cũng không thể vực dậy được một nền giáo dục/khoa học đã bị bó cứng từ lâu trong khuôn khổ giáo điều. Mà điều này không phải mới đây.
Lời trích của ông Nguyễn Thanh Giang về thời của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: “Nhà nước cộng sản của chúng tôi chỉ chấp nhận duy nhất một thái độ sống của người trí thức. Họ phải nằm trong đường lối chính trị của cộng sản, biểu lộ lòng tin nơi Đảng, trung thành với Đảng, sống và suy nghĩ dưới sự chỉ đạo và theo cách mà lãnh đạo Đảng đã xếp đặt. Những ai đi chệch xa con đường này, trở thành kẻ xa lạ dị giáo, sẽ bị trừng phạt như những kẻ phản bội phản động” [3] cho tôi lý do để loại trừ biện luận kiểu “ngày xưa thì không thế” của GS Hoàng Tụy.

Một lý do nữa là các vị lãnh đạo giáo dục thời nay chỉ có thể đi ra từ nền giáo dục “ngày xưa thì không thế”, và suy ra cách lãnh đạo bất cập của họ không thể không là sản phẩm của một nền giáo dục “ngày xưa thì không thế” được. Ở đây tôi sẽ phải đồng ý một phần với Trương Thái Du [4] rằng bộ phận lãnh đạo tuy bất cập nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác. Cái sự “ngày xưa không thế” chỉ có thể vì cấp lãnh đạo đầu tiên xuất phát từ một nền giáo dục khác, nhưng khi đặt họ vào một hệ thống như vậy, sản phẩm của hệ thống dù thầy nào đi chăng nữa cũng chỉ có thể là sự bất cập trong lãnh đạo giáo dục/khoa học ngày nay. Bài của Giáo sư Hoàng Tụy, tuy vậy, đã phác họa nên một viễn tượng khá kinh hoàng cho tương lai giáo dục/khoa học của Việt Nam, vì những người đã, đang và sẽ được đào tạo trong cùng chung một nền giáo dục/khoa học sẽ, tới phiên họ, làm lãnh đạo trong tương lai.

Nếu gọi một nền giáo dục/khoa học tự do là trí thức, ta có thể gọi nền giáo dục/khoa học bị bó cứng trong khuôn khổ giáo điều là phản trí thức, và sản phẩm của nền giáo dục/khoa học phản trí thức lại đưa ra một số vấn đề đáng nói. Đúng là sản phẩm của nền giáo dục/khoa học trí thức phần lớn là trí thức, sản phẩm của nền giáo dục/khoa học phản trí thức, theo Jon Elster [5], phần lớn lại cho ra tất cả những thứ khác ngoài trí thức. Jon Elster trích Alexander Zinoviev về vấn đề này:
“Trí tuệ xuất chúng được coi là bất bình thường, sự ngu muội tối tăm lại được xem như đỉnh cao trí tuệ. Đạo đức trong sạch bị coi như những kẻ vô đạo đức, và những kẻ ù lì vô thưởng vô phạt nhất trở thành khuôn mẫu của tốt đẹp. Vấn đề ở đây không phải là sự vắng mặt của một đặc tính, mà là sự hiện diện của một cái khác. Kết quả là sự hình thành quái lạ của một đặc tính âm, và nó phản ứng với dương tính như electron với proton (hoặc ngược lại). Cũng như sự hiện diện của âm tính không phải dẫn đến sự vắng mặt của dương, và [sự hiện diện] của dương tính không dẫn đến sự vắng mặt của âm, vì vậy trong trường hợp này, tôi nhắc lại, đặc tính âm là loại đặc tính có những đặc điểm rõ ràng”[6].
Xin để ý tới khái niệm “sự hiện diện của một cái khác… có những đặc điểm rõ ràng”.

Một lần nữa, Trương Thái Du cho ta một ví dụ rất sinh động về “những đặc điểm rõ ràng” khi cố (quá) sức phủ định vấn đề chống đối phi bạo lực:
“Gandhi đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình cho sự tiến bộ của tổ quốc. Đau đớn là chính người Ấn Độ đã giết ông, chứ không phải thực dân Anh. Và đúng như Gandhi tiên đoán, cuộc đấu tranh giành độc lập đã chia năm xẻ bảy đất nước. Nó đẻ ra những chính thể độc tài không ngừng chia rẽ và đối đầu trên mảnh đất có nền văn minh cổ kính bậc nhất nhân loại”[7].

Nếu tôi không lầm, Trương Thái Du ráng phủ định việc chống đối phi bạo lực có thể vì nhiều lý do khác, nhưng tôi không thể bỏ được ý nghĩ cho rằng mục đích cuối cùng là biện hộ cho sự tồi tại của chính thể hiện thời. Nếu đúng như vậy, đây là một lời biện hộ tồi. Cái dở rõ nhất là nếu tham chiếu vào Việt Nam, cuộc chiến Nam-Bắc hóa ra chỉ còn là những tranh chấp kiểu hậu thuộc địa giữa các phe phái độc tài với nhau. Tiêu tùng tuyên cáo của đảng Cộng sản Việt Nam về cách mạng và giải phóng! Vì vậy, cuộc chiến 45-54 cũng hoàn toàn vô nghĩa vì đã phân chia đất nước, và hệ quả của nó là tạo ra những chính thể độc tài. Không lẽ tôi và anh Du cùng chung ý nghĩ về “Nó đẻ ra những chính thể độc tài không ngừng chia rẽ và đối đầu”, từ quan điểm hậu thuộc địa? Vì vậy nó làm giảm đáng kể ý nghĩa về sự hy sinh của Gandhi. Nhưng nếu tham chiếu vào Việt Nam, hình như Du cũng đang làm chuyện tương tự đối với ông thánh của đảng Cộng sản tức Hồ Chí Minh, và đảng Cộng sản luôn thể.
Lý luận của anh Du cho thêm một ý nghĩa chết người nữa. Vì anh không chú thích xuất xứ dữ liệu về sự tiên đoán của Gandhi về Ấn Độ loạn lạc sau khi giành độc lập, nên không thể kiểm tra độ chính xác của câu kết luận. Nếu tôi không lầm, trong bộ phim “Gandhi”, chính quyền thuộc địa của Anh đã biện hộ cho sự chiếm đóng của mình ở Ấn Độ bằng những lý do tương tự; nếu trả độc lập, Ấn Độ sẽ loạn. Đây là lời thoại trong phim:
KINNOCH: With respect, Mr. Gandhi, without British administration, this country would be reduced to chaos.
GANDHI (patient, ironic): Mr. Kinnoch, I beg you to accept that there is no people on earth who would not prefer their own bad government to the "good" government of an alien power. [8]

Tôi không biết sự thật lịch sử thế nào, nhưng nếu chi tiết trong phim có thật ở ngoài đời, Trương Thái Du, để biện hộ cho sự cai trị của chính quyền đương thời, đã cam tâm biện hộ cho thực dân và vô tình (hay cố ý ?) “phủ định sạch trơn” mọi tính chính đáng của đảng ta trong cuộc chiến 45-54, cùng lúc với việc đồng hóa đảng ta với thực dân nếu tham chiếu vào hiện tại.

Tiếng Anh có câu “Với những người bạn như thế này, ai cần kẻ thù”.
Hiện tượng Trương Thái Du cho thấy cuộc chia tay lâm ly bi đát của kiến thức và lý luận thông thường trước sự hiện diện của một hệ thống tư tưởng chủ đạo. Như đã nói ở trên tôi hiểu và phần nào thông cảm cái giới hạn “tự đặt ra” của trí thức Việt Nam nếu vẫn muốn tồn tại. Không phải ai cũng chịu đựng được những khó khăn mà bác Hà Sĩ Phu và anh Đỗ Nam Hải phải trải qua. Cái mà tôi không hiểu là tại sao vấn đề “tự kiểm duyệt” khi đề cập tới những vấn đề VN cũng xảy ra ngay cả với những trí thức ngoài này, những người có điều kiện tiếp xúc với một kho tàng kiến thức nóng bỏng nhất của nhân loại cả về số lượng lẫn chất lượng. Lại những phơn phớt bề ngoài, những dự án xây lâu đài trên mây, những tránh né, những kiến nghị (lại kiến nghị!), thôi thì đủ cả.

Tôi lấy ví dụ ở Đàn Chim Việt bộ cũ, có nick Nhà Quê. Tôi không thể quên được nick này vì chuyện sau đây: Thường thì nick này chống cộng rất hăng tiết vịt, thế nhưng bài chủ anh ta viết cho Đàn Chim Việt thì hiền gần đến độ thống thiết. Hình như học ngành kinh tế, anh khuyên làm thế này, thế này… sẽ bảo đảm được nền kinh tế phát triển và có thể giữ được chế độ độc tài. Thường anh dùng những từ “cộng sản” hay “vẹm” đi liền với “chính quyền”, trong bài chủ anh lễ phép hẳn, một hai “nhà nước Việt Nam”.

Thêm một ví dụ khác, tôi không nêu danh tính nhân vật được đề cập. Hồi tôi còn là sinh viên, trường có đủ số sinh viên Việt Nam để có thể tạo thành 1 nhóm (không lớn) theo tiêu chuẩn của trường. Một lần nhóm xin quỹ trường mời một người Việt có một số phát minh có thể coi như đứng đầu ngành. Cuộc gặp riêng ở quán phở giữa ông và nhóm sinh viên Việt Nam chúng tôi để lại cho tôi một vị đắng ngắt. Chúng tôi tưởng ông sẽ truyền cho chúng tôi niềm say mê trên con đường nắm bắt kiến thức mới nhất của nhân loại, ngược lại, ông chê ỏng chê eo tính duy lý khoa học và nói chưa có gì qua mặt được Khổng Tử, kêu là phát bịnh khi không thấy cảnh con trâu đi trước cái cày thanh bình của Việt Nam tại các vùng nông nghiệp ở bên này.

Những ví dụ trên không phải là cá biệt, ngược lại, chúng khá phổ biến, chỉ khác nhau ở mức độ. Ví dụ II chỉ ra một biến thái nữa mà ta nhận thấy là khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dân ta có thể đứng đầu trong việc tiếp thu kiến thức hiện đại nhất, nhưng khi về nhà hoặc giao tiếp giới hạn trong cộng đồng người Việt, cái tính thủ cựu lại có dịp góp mặt. Đây có phải là những biến tướng của những gì Phan Khôi chỉ ra do Nguyễn Hoàng Văn trích lại [9] hay không, tôi sẽ tạm không kết luận lúc này. Tôi công nhận những môi trường khác nhau có những bộ mã về hành xử khác nhau, nhưng khác nhau tới 180 độ như đã nêu, vấn đề đã không còn trở thành bình thường.

Có thể sẽ đơn giản đến mức tùy tiện khi áp dụng những điều vừa nêu để giải thích việc một số trí thức hàng đầu ở ngoài này, khi đề cập tới vấn đề VN, vì một lý do nào đó, họ cũng chỉ nói tới mức, hoặc đôi khi kém hơn, đồng nghiệp của họ trong nước. Phải chăng ngay tại những xứ sở biểu tượng của những cái không hiện diện và có thể không bao giờ hiện diện ở VN mà chính vì đó một số lớn trong số họ đã phải trả một giá rất đắt để đạt tới, họ cũng lại chỉ có thể nói đúng những gì được cho phép ở VN, không hơn. Để giải thích hiện tượng này, Leon Festinger và thuyết “mâu thuẫn nhận thức” (cognitive dissonance) cho ta một số giải đáp khả thể [10].

Tóm tắt, thuyết “mâu thuẫn nhận thức” của Leon Festinger chỉ ra nếu một cá nhân tin vào một điều gì đó tức là chấp nhận một bộ mã hành xử để phù hợp với niềm tin. Thế nhưng một vài lần, cá nhân hành động ngược lại niềm tin của mình làm một số mâu thuẫn về nhận thức xảy ra, kết quả là những rối loạn thuộc cả về nhận thức lẫn tâm lý đòi hỏi giải quyết một cách cấp bách. Chính vì tính cấp bách mà phần lớn chúng ta luôn tìm cách tồi tệ và dễ dãi nhất để giải quyết qua một loạt những tự biện hộ (internal rationalization) phi lý cho những hành động “mâu thuẫn nhận thức”. Mức độ nhỏ nhất là chuyện con cáo thèm chùm nho, nhưng vì nho cao quá nên con cáo đưa ra một số giải pháp kiểu tự đánh lừa; nhìn thế kia chắc chùm nho chưa chín, nên chắc là chua lè, không xứng đáng với mình. AQ và liệu pháp “thắng lợi tinh thần” của Lỗ Tấn cũng có thể là một ví dụ sinh động ở mức độ này. Ở mức cao hơn, nó cho phép cá nhân bóp chết hoặc ít nhất ru ngủ những nguyên tắc đạo đức căn bản để bắt tay với những hệ thống quyền lực không xứng đáng.

Đặt lại vấn đề Việt Nam, hầu như ai cũng có thể nhìn thấy nguyên nhân chính của mọi tha hóa, ách tắc, nhưng không ai muốn nói thẳng sự việc mà gọi trại đi thành “lỗi cơ chế” hoặc “lỗi hệ thống”. Tác giả Nguyễn Việt viết về điều này:

“Cái quái gở hơn nữa trong bộ máy này là: ai cũng biết nguyên nhân của ách tắc, vậy mà từ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước đến tay giúp việc ở ủy ban phường đều đổ lỗi cho “cơ chế”. Thế nhưng không ai chịu phá bỏ cái gọi là cơ chế đó. Hóa ra danh từ Cơ Chế (system mechanism) chẳng phải là cái gì xa lạ, mà là cách nói dối của từ Chế Độ (system)”[11].

Cho tới hôm nay (nếu thật sự là người Việt điển hình, tức trí nhớ khá ngắn) khi “lỗi hệ thống/cơ chế” đã phát ra những biến tướng chết người suốt từ Bắc chí Nam, những phát biểu kiểu “không quan tâm tới chính trị” của một vài trí thức hàng đầu ngoài Việt Nam hoàn toàn không đủ và đã trở thành ngu ngơ đến tàn bạo. Cùng chết với kiểu nói trên là những tuyên cáo về nước để giúp dân ta còn nghèo khổ, vì giúp đỡ và quay lưng lại với những khổ đau có thật của dân thường không bao giờ đi đôi với nhau và dẫn thẳng tới thuyết “mâu thuẫn nhận thức” của Festinger. Quay lưng lại với bất công và cái ác, họ từ từ trở thành bản sao của một số cư dân ở Queens, New York đêm 13/03/1964:
“Hơn nửa tiếng đồng hồ, 38 công dân đàng hoàng và tôn trọng pháp luật ở Queens [New York] chứng kiến kẻ sát nhân theo đuổi và đâm một phụ nữ đến 3 lần trong khu Kew Gardens. Hai lần tiếng của mọi người và ánh sáng bất chợt từ các đèn ngủ đã làm hắn phải dừng lại và bỏ đi vì sợ. Sau đó hắn đều trở lại, lùng và lại đâm cô ta. Không ai gọi cảnh sát khi cuộc bạo hành xảy ra: một nhân chứng gọi cảnh sát sau khi cô ta đã chết”[12].
Và hậu quả là Kitty Genovese chết dưới tay Winston Moseley trước sự chứng kiến bàng quan của những người sống trong khu đó.

Gần hơn Queens, Dustin Roasa tường thuật những gì xảy ra ngay tại Việt Nam:
“Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảnh tượng một người phụ nữ bán trứng rong bị một tốp công an đánh đập vào một buổi sáng trên đường tôi lái xe đi làm. Chị là phụ nữ nghèo ở nông thôn dạt lên thành phố kiếm sống, và tôi chẳng biết chị bị tội gì, hay có lẽ tội vặt vãnh không đáng. Khi lòng đỏ trứng ứa ra từ những vỏ trứng bị bể chảy xuống lòng đường, những người đang trên đường đi làm thấy vậy khiếp sợ giả vờ không chú ý đến, còn người phụ nữ bán hàng rong ấy nhẫn nhục chịu đòn mà không một lời cầu cứu”[13].

Có thể hiểu thái độ “gần như” bàng quan của người trong nước, vì quan tâm tới những chuyện như vậy sẽ dẫn tới một số nguy hiểm. Hiểu, nhưng không đồng tình vì, vô hình trung, nó tạo ra thái độ bàng quan trên cả nước kết tinh trong câu nói “Tự trọng có mà ăn cám à” (http://danluan.org/node/5977), và như Nguyễn Hoàng Văn nhận xét “Khi mà thái độ ấy lặp đi lặp lại ở hầu như mọi lĩnh vực thì nó đã là một nhân sinh quan. Khi mà nhân sinh quan ấy được cả cộng đồng đồng lòng chia sẻ thì nó đã là một… văn hoá”[14]. Điều không hiểu là ngay cả những người sống ở “ngoài tầm phủ sóng” cũng đồng thanh trong sự im lặng, một thứ “im lặng đáng sợ”, tự hỏi không lẽ những câu nói có cánh kiểu đó phải chăng đã thành dân tộc tính dù ở đâu cũng vậy!

Từ đây ta có thể suy ra “không quan tâm tới chính trị” có nghĩa quay lưng lại với tất cả những vấn đề đáng nói nhất ở Việt Nam, có nghĩa núp đàng sau những thứ như “chỉ quan tâm tới chuyên môn” để bưng mắt bịt tai trước những sự kiện xâm phạm tới tính mạng của dân thường ở khắp mọi miền đất nước [15], trước những bóc lột theo nghĩa đen đủi và khốn nạn nhất dẫn tới những vụ đình công lên tới trên 10 000 người tham dự, và công an hành xử như mafia đi dẹp đình công thời còn mồ ma Jimmy Hoffa, hơn nữa, tới những quan ngại về sự tồn vong của dân tộc cũng như đất nước (không phải của đảng). Vậy thì lý do về để giúp nước có cơ sở để đứng vững hay không ?

Như vậy một thiếu sót trong nhận định của cả 2 vị Nguyễn Quốc Vọng và Nguyễn Văn Tuấn [16] là nếu muốn về Việt Nam vì lý do giúp đỡ đất nước hay những thứ đại loại, nếu không hành xử hay ít nhất lên tiếng về những điều tai nghe mắt thấy, trí thức nước ngoài phải học cách bưng mắt bịt tai, tức là phải vi phạm một loạt những nguyên tắc chung về đạo đức cơ bản (theo nghĩa categotical imperatives của Kant). Mục đích giúp nước (nếu có) trở thành chủ đề cho những câu chuyện tiếu lâm về đạo đức giả (*). Khi mục đích giúp nước đã mất tính chính đáng bằng hành động quay lưng lại với chính đối tượng của mục đích, họ gần như đã bước qua ranh giới mỏng manh đi vào cái ác. Hành động “bước qua” này ở đây không mang nghĩa tuyệt đối ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, nhưng ít nhất nó mang nghĩa tương đối theo câu nói của Edmund Burke “Việc duy nhất cần thiết cho cái ác thắng thế là người tốt không làm gì cả”.

Cái thiếu sót kế là, như đã nêu trên, sự tồn tại của một lý tưởng chính thống dẫn đến chỉ những ngành có thể biện hộ cho sự tồn tại của lý tưởng mới được cho phép vận hành. Ngay cả được cho phép, những ngành đó cũng không được hoạt động bình thường như một ngành khoa học. Nếu họ từ bỏ nhãn hiệu “trí thức” mà chỉ còn bản chất chuyên viên, tính thành thật trong khoa học cũng sẽ đưa họ thẳng tới những trường hợp tương tự như “viết dưới giá treo cổ”; lúc nào thanh gươm Damocles của lý tưởng cũng lủng lẳng trên đầu. Cứ theo trình tự, các “chuyên viên” sẽ phải bắt chước sinh viên trong nước tham chiếu tất cả những gì mình đã tiếp thu ở ngoài qua lăng kính lý tưởng. Tới lúc này, danh phận “chuyên viên” cũng khó mà đứng vững vì họ phải hy sinh tất cả những cái gọi là “tính trung thực khoa học”, và cùng với tính trung thực, chính khoa học cũng phải đội nón ra đi. Một cách nói khác, họ phải phủ định chính mình, và sẽ có sự giúp đỡ rất chân thành từ phía quyền lực nếu cá nhân gặp khó khăn trong việc phủ định chính bản thân.

Trên hết, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Dù có biện hộ cách gì đi chăng nữa, nhà nước hiện tại ở Việt Nam về bản chất là độc tài toàn trị, và có vẻ nó sẽ làm mọi cách để bảo đảm tính độc tài chính danh của mình dù cái chính danh đang được bảo vệ có đúng và đáng bảo vệ hay không. Độc tài toàn trị có thể mang nhiều nghĩa khác nhau đối với từng cá nhân, kể cả ý nghĩa rút ra từ hội chứng Stockholm [17], nhưng một điều không thể chối cãi là để bảo đảm tính độc tài của nó, những ý tưởng khác với nó không được phép tồn tại và sẽ làm cho không tồn tại. Điều này có nghĩa sự đàn áp tuyệt đối với tất cả những gì chính thể độc tài cho là “nhạy cảm”. Để rõ hơn thái độ của giới trí thức về vấn đề này, ta có thể xem xét chính quyền Franco (**) và giới trí thức Tây Ban Nha.

Với sự hiện hữu của bộ Luật về Trách Nhiệm Chính Trị (Law of Political Responsibilities) [18] và theo nó là cả một hệ thống cảnh sát nổi/chìm với vô số trại tập trung mang nhiệm vụ “thanh tẩy” chiếu theo bộ luật này, sự thật về chế độ Franco đàn áp bằng nhiều cách tất cả những ai không theo mình –nhấn mạnh, “không theo” chưa phải là “chống lại”- đã không còn là chuyện để bàn cãi. Vì lý do đó đa số trí thức đã bỏ Tây Ban Nha và không về lại cho tới sau khi chế quyền Franco tàn lụi. Thế hệ các nhà thơ thời 20-30 –thời hoàng kim của thơ Tây Ban Nha, theo nhiều nhận định- hầu như hoàn toàn đi hết như Antonio Machado, Rafael Alberti, Luis Cernuda … kể cả cánh chim đầu đàn Juan Ramon Jimenez. Hoặc họ chết dưới tay Franco như Federico Garcia Lorca, và sau này là nhà tư tưởng Miguel Unamuno. Tuy vậy, đã có một số người ở lại hoặc trở về Tây Ban Nha dưới thời Franco. 2 trong số đó, họa sĩ Salvador Dali và nghệ sĩ guitar Andres Segovia, đưa ra một số điều đáng suy ngẫm.

Nếu tham chiếu theo thuyết “mâu thuẫn nhận thức” của Festinger, Salvador Dali là ví dụ khá sinh động [19]. Ông luôn ca tụng bạn mình, nhà thơ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca, và biết rất rõ Lorca chết dưới tay cảnh sát của Franco trong một vụ thanh trừng trí thức, Dali cũng biết luôn là tác phẩm của Lorca bị cấm in hoặc phổ biến dưới mọi hình thức dưới thời Franco. Cùng lúc, Dali trở về Tây Ban Nha và lên tiếng ủng hộ chính thể độc tài của Franco. Quá nữa, Dali gửi điện tín cho Franco chúc mừng nhà độc tài đã ký lệnh tử hình những tù nhân của chế độ [20]. Tôi đồng tình với George Orwell trong nhận định của ông về cuốn tiểu sử tự thuật của Dali, “Ta phải có thể chấp nhận cùng một lúc 2 sự thật rằng Dali là một họa sĩ có tài và một nhân cách đáng khinh”[21].

Với nghệ sĩ guitar Andres Segovia, quan hệ bạn bè với Pablo Casals nói rõ trường hợp đặc biệt của mình:
“Không như đồng hương của mình là Pablo Casals đã từ chối không trở lại Tây Ban Nha trong nhiều năm để phản đối chính quyền Franco, Segovia luôn giữ một khoảng cách đối với [những vấn đề] chính trị. Ông sống trong căn hộ ở thành phố New York vùng Thượng Đông (Upper East Side) cũng như Thụy Sĩ, nhưng thường về Tây Ban Nha để biểu diễn. Ông nói “Tôi cần đôi lúc tiếp xúc với mảnh đất của quê hương để nhận nguồn năng lực mới”.
Quan hệ đối với Casals đã có lúc nồng ấm… Tuy nhiên, Segovia làm mất tình bạn đối với nghệ sĩ cellist người Catalan trong thời gian nội chiến Tây Ban Nha vì đã từ chối không chịu cự tuyệt với quê hương và ông tiếp tục trở lại suốt thời gian Franco cầm quyền. Không như Casals, ông (Segovia) đã trở về sinh sống sau WWII, giải thích rằng ông quá yêu đất nước của mình để có thể bỏ rơi vì một động thái chính trị”[22].
Như đã đưa ra ở trên, lý do yêu nước của Segovia không có khả năng đứng vững. Lòng yêu nước đến mù quáng của Segovia có đủ mạnh về sức thuyết phục hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với tôi, yêu nước đến mù quáng như Segovia không xa xôi lắm với tư tưởng của chủ nghĩa phát-xít Franco.
Số phận các trí thức ở lại cũng đưa ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Ta đã biết Lorca chết dưới tay phát-xít trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, số phận của Miguel Unamuno cũng tương tự như các trí thức của những năm 40-50’s của Việt Nam; sau khi niềm tin đã đổ vỡ, chỉ còn là vấn đề thời gian tới lúc họ “bị làm cho” biến mất bằng cách này hay cách khác. Tuy vậy Unamuno, ngoài số tác phẩm của mình, để lại cho thế gian một câu tranh luận bất hủ: “Các người sẽ thắng vì các người có đủ bạo lực, nhưng các người không thể thuyết phục. Vì để thuyết phục các người cần phải giải thích, và để giải thích, các người cần những thứ các người không có, lý lẽ và tính chính đáng trong cuộc đấu tranh này”. [23]

Dựa trên những trường hợp của trí thức Tây Ban Nha trước chế độ độc tài của Franco, ta có thể thấy được hành động đi khỏi nước là một chọn lựa mang ít nhiều tính phản kháng. Quyết định về lại vi phạm một số nguyên tắc mang tính lý luận.
1- Ít nhất, như đã nói ở trên, người về phải chịu sự im lặng tối thiểu, và vì vậy đóng góp vào sự im lặng như là kết quả muốn có (desired results) từ phía nhà cầm quyền.
2- Vì vậy, nó đi ngược lại quyết định chọn lựa ban đầu của bản thân, dẫn tới một trạng thái đạo đức giả gần như vô thức từ thuyết “mâu thuẫn nhận thức” của Festinger.
3- Hành động về nước để chịu sự im lặng tối thiểu làm giảm tính chính đáng của những người, vì lý do nào đó, đang phải chọn sự ra đi. Ý nghĩa phụ của hành động ra đi lúc này có thể là từ chối lòng “yêu nước” kiểu quái đản như đã nêu, và vì vậy ý nghĩa “yêu/giúp nước” của những người về bị giảm thiểu một cách đáng kể.
4- Tính trung thực khoa học của chính các vị phải được đặt trong vòng nghi vấn vì, theo tôi, nó đã được/bị điều kiện hóa kiểu Pavlov; lập tức im hơi lặng tiếng trong các vấn đề “nhạy cảm”. Nhất là những vị lúc nào cũng trương cao ngọn cờ về tính trung thực của khoa học.
Từ một số điều vừa nêu có thể xem những kêu gọi, chào mời, khuyến khích … mang rất nhiều tính, ngoại trừ trung thực và chân thành, nôm na là “chơi dzậy nói ai nghe”.

Tuy vậy, chuyện về Việt Nam rất khả thể trong khá nhiều trường hợp. Để “góp phần” vào việc đưa ra giải pháp và cũng dựa trên thuyết “mâu thuẫn nhận thức”, sau đây là một số biện pháp khả thể về mặt lý thuyết cho vấn đề về Việt Nam.

+ Cách tốt nhất và chính đáng nhất là kiểu về của những người mà tôi kính trọng. Họ về để nói thật và nói rõ và đã phải trả một giá không rẻ, vì vậy tôi không có gì ngoài lòng kính trọng vô biên đối với những người này. Họ luôn là những tấm gương sáng, ít nhất đối với tôi, về quả cảm, trung thực và trí thức. Những cái tên như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và một số người khác sẽ còn được nhắc tới nhiều lần vì chọn lựa về của họ. Ở mức độ nhỏ hơn, ta cũng có thể về để nói thật, nói rõ và nói hết, miễn là nói nhỏ và cho số người nghe ít hơn.

++ Tôi tôn trọng những tình cảm cơ bản riêng tư (không phải tình yêu nước) của con người, tôi tin chúng có thật, đáng và phải được tôn trọng. Vì vậy những chuyến về vì lý do tình cảm, bạn bè hay gia đình phải được tôn trọng bởi bất cứ ai hay tổ chức nào. Không một ai có thể nhân danh một lý tưởng nào để cấm đoán việc này dù chỉ là trên lý thuyết. Cùng với chuyện này là du lịch, ngoại trừ những kiểu du lịch chỉ đi Việt Nam. Du lịch là để mở rộng tầm mắt (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), nếu chỉ du lịch Việt Nam từ năm này qua năm khác thì chuyện mở rộng tầm mắt khó có thể coi là lý do chính đáng. Câu viết “Phản bội quê hương là dừng lại quá lâu một chỗ” của bà Phạm Thị Hoài [24] có giá trị ở vấn đề này.

+++ Những kiểu từ thiện trực tiếp không qua chính quyền như “Bác sĩ không biên giới” vv …vv…

++++ Những chuyến đi mang tính chuyên môn và thu thập tài liệu không thông qua chính quyền. Tôi tin thực tế đầy mâu thuẫn và sự tiến triển ngược chiều của 2 loại ngôn ngữ -chính trị và đời thường- ở Việt Nam có thể và đáng lẽ phải là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho những người làm công việc chữ nghĩa. Tôi đã đưa ra “Tự trọng có mà ăn cám” như một ví dụ điển hình. Ở những trường hợp này, việc chỉ ra sự tồn tại của những song sắt, đối với tôi, phải là điều kiện tối quan trọng (empirical).

***** Từ thí nghiệm nổi tiếng năm 1959 do Carlsmith và chính Festinger hướng dẫn đưa tới một kết luận không làm ai ngạc nhiên; số tiền đền bù tỷ lệ nghịch với độ mâu thuẫn về nhận thức, ta có thể đưa ra thêm một điều kiện tiên quyết để giải quyết độ mâu thuẫn nhận thức của việc về Việt Nam hiện nay. Theo thí nghiệm này, vấn đề đạo đức có thể được đưa ra ngoài bài toán và thay vào bằng những điều kiện kinh tế. Hay nói kiểu thị trường, mọi thứ đều có cái giá của nó, và việc trả tới hoặc hơn giá sẽ làm độ mâu thuẫn nhận thức giảm nhanh chóng cho tới mức không còn là một thành tố đáng kể. Trường hợp đáng nói nhất là “anh giai Việt kiều” (từ nghe được trong một tiệm nước vối ở Hà Nội) Nguyễn Việt Hoàng, rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không ai có thể nói anh ta bán rẻ lương tâm vì quyền lợi kinh tế từ mối quan hệ đặc biệt này không thể là nhỏ. Câu nói “Đi với phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” có thể dùng làm biện hộ ở đây; trước tình trạng bán sạch đất nước để làm giàu của các quan Cộng sản, tội gì không hưởng lợi chung khi lý do giúp nước hay giúp dân đã hoàn toàn mất tính chính đáng. Với những người đã có cuộc sống ổn định ở bên này, điều kiện tiên quyết để bán lương tâm và ngậm miệng là số tiền phải đủ lớn, ít nhất phải lớn hơn gấp nhiều lần những gì họ đang hưởng thụ bên này do “bị bóc lột”. Và ta có thêm số doanh/thương gia dựa vào quyền lực đương thời để làm giàu, các “nghệ sĩ”/chính khách cần nổi tiếng thêm mặc dù hơn nửa tác phẩm của mình vẫn bị cấm và về chỉ được ngậm miệng.
Đúng là có thể biện hộ được một số trường hợp bằng lý thuyết, nhưng có những trường hợp lý thuyết phải bó tay một cách cay đắng thường vì lạc quan dựa vào “nhân chi sơ tính bản thiện”,. Nhân vật tên Thanh [25] bắt ta đối diện với thực tại tàn nhẫn tạo ra bởi những con người đã mất hẳn lương tri dù có biện hộ bằng lý lẽ gì đi chăng nữa. Đối với tôi, những nhân vật tên Thanh mới đúng là ví dụ sinh động nhất của cái-gọi-là “đạo đức Cộng sản”, tức là mọi thứ (kể cả những biện pháp hạ tiện nhất) đều phục vụ cho một thứ chủ nghĩa có thể thay đổi từng giờ, nếu cần, từng phút.

Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, một nửa sự thật - tôi thích cách nói của nhà thơ Tây Ban Nha Antonio Machado- là nói dối 2 lần. Tôi có thể hiểu và (không) thông cảm (mấy) với những người ở trong, tiếc là tôi không thể làm như vậy đối với những người ngoài này. Có lần cùng những người đồng thế hệ tán gẫu về một số người trong giới “tai to mặt lớn” của Cộng đồng (ý Phạm Quang Tuấn), tôi nghe một câu không thể quên được, “Chống Cộng mười phương cũng phải để một phương về Việt Nam du hí”. Thôi thì đem ra để suy ngẫm.
Theo ý riêng của tôi, ngày nào tất cả mọi người Việt Nam nói thật, ngày đó chính quyền đương nhiệm tại Việt Nam mất hoàn toàn tính chính đáng. Và ngày dân Việt Nam bắt đầu hành động trên lời nói thật của mình sẽ là ngày đầu tiên của nền dân chủ thật sự ở Việt Nam.

Addenda: Bài này đề cập tới một số vấn đề, theo tôi, chưa ngã ngũ. Thứ nhất là định nghĩa trí thức. Vì không có được một định nghĩa chính xác về trí thức, phương Tây thường dùng từ học giả (scholar) như một cá nhân có nghiên cứu về một số vấn đề nhất định, và qua thời gian, tạo được một số trọng lượng nhất định về tiếng nói của riêng mình trong những vấn đề liên quan. Giới học giả gồm những người như vậy. Ở đây tôi dùng khái niệm trí thức của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết [26] như một hệ thống tham chiếu tạm thời vì, theo tôi, mang tính cách tổng hợp rõ ràng nhất có thể và trong lúc này. Khái niệm đạo đức cũng rơi vào trường hợp tương tự, ở đây tôi lấy khái niệm “đạo đức cơ bản” (categorical imperatives) của Kant như điểm phát xuất mà không đi vô chi tiết.

Tính phản trí thức đã được tác giả Nguyễn Hưng Quốc bàn đến lần đầu như quan niệm sợ lý thuyết [27], gần đây được ông phát triển (tôi đoán mò, qua các liên hệ hữu cơ giữa 2 khái niệm do ông đưa ra) thành tính phản trí thức [28]. Nếu muốn tìm hiểu thêm, có thể đọc 2 bài viết của tác giả Nguyễn Hưng Quốc qua các links. Trong bài này tôi dựa vào nghiên cứu của Jon Elster và Alexander Zinoviev (thiên về logic) vì nó chỉ ra nguyên nhân hệ thống và đa dạng hơn. Gần với khái niệm của Elster/Zinoviev, tác giả Nguyễn Hưng Quốc đã chỉ ra một trong những dạng khác của phản trí thức; chủ nghĩa Mình-Thì-Khác [29]. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại vấn đề này.

Cũng như tất cả các lý thuyết, những điều nêu trên bao giờ cũng có những ngoại lệ và cá biệt. Không phải không có những cá nhân có cá tính độc lập rất cao và đạt được một số tầm cao của kiến thức. Đối với những cá nhân đó, tôi đặc biệt kính trọng, nhưng họ là những trường hợp cá biệt. Điểm chung của phần lớn trong số họ là cá tính tư duy độc lập, và chính cá tính đó đã đưa họ không nhiều thì ít ra khỏi hệ thống mà về bản chất không chấp nhận bất cứ tư duy độc lập nào, dù ít nhất là niềm khát khao sự thật khoa học. Với vị thế như vậy, sớm muộn gì họ cũng bày tỏ thái độ phản kháng với chính hệ thống. Các biểu hiện phản kháng cũng đa dạng như từng cá nhân, nhưng phải xem họ như những ngoại lệ cá biệt nằm ngoài hệ thống thay vì sản phẩm bình thường hay một phần của hệ thống. Quan điểm cá nhân, tôi tiếc cho những người như vậy. Với khả năng độc lập tư duy, tôi tin họ có thể trở thành những nhà tư tưởng lớn nếu ở môi trường thuận lợi hơn. Lấy ví dụ những gì bác Nguyễn Xuân Tụ tức Hà Sĩ Phu nói cách đây hơn 20 năm. Nếu nói hơn nữa sẽ rơi vào ca tụng nhưng không nói không được, tiếng Anh có câu “give credit where the credit is due”. Những gì được viết ra cách đây trên 20 năm của bác Hà Sĩ Phu rất ngang tầm với thế giới ít nhất về tính thời gian; cũng khoảng thời gian đó là sự phủ định gần như hoàn toàn từ phương diện học thuật đối với chủ nghĩa Mác (rõ rệt nhất khoảng 1985 trở đi với một loạt những kết luận không thể có lợi cho chủ nghĩa từ chính những học giả đã từng là Mác-xít, cho tới sự sụp đổ của Đông Âu vào cuối thập niên 80), và bắt đầu cách nhìn phát triển của xã hội thông qua sự phát triển của trí thức khoa học và kinh tế trí thức thay vì đấu tranh giai cấp, từ đó dẫn ra một trong những nguyên nhân chính gây ra phân chia tầng lớp xã hội là do mất quân bình trong điều kiện tiếp cận khoa học và trí thức. Chính vì vậy chính phủ các nước dân chủ ngày nay xem việc phân phối đồng đều điều kiện tiếp cận kiến thức là một trong những chính sách quan trọng nhất, và tư nhân cũng hưởng ứng nồng nhiệt. Rất nhiều chương trình tặng hoặc bán rẻ máy tính cho các trường học công và trẻ em nghèo, giáo dục bắt buộc và miễn phí bậc phổ thông (K-12), chương trình phát triển internet công cộng đang được thử nghiệm tại một số thành phố … được xem như những biểu hiện cụ thể. Ở môi trường khác, những người như vậy có thể được xem là “tài nguyên quốc gia” –Nhật có những chương trình như vậy- với rất nhiều điều kiện thuận tiện cho phát triển tư duy. Tiếc thay, cũng như nhiều người khác, họ sinh là người Việt sống trong chế độ độc tài, toàn trị về tư tưởng, với tù đày, đàn áp và sách nhiễu là cách giải quyết duy nhất cho những người như vậy.

Phần cuối của thêm thắt này dành riêng cho cái tôi gọi là “hiện tượng Trương Thái Du”. Một khi đã gọi là hiện tượng, những gì anh ta viết, đối với tôi, hoàn toàn chỉ mang giá trị khảo sát. Có thể những kết luận rút ra không được lạc quan cho lắm, nhưng cũng chỉ mang tính học thuật, không mang ý nghĩa chỉ trích cá nhân. Nếu có ai hiểu không đúng mục đích, ie như là một công kích cá nhân, kể cả Trương Thái Du, thì tôi xin lỗi trước ở mức cá nhân nhưng không rút lại những gì tôi viết vì bản chất, theo tôi, mang tính học thuật và nghiên cứu. Và vì vậy, tôi bảo lưu quyền được sai lầm.

Index
(*) Theo Festinger, ta cũng có thể xem đây là đạo đức giả ở dạng vô thức. Dù gì đi nữa, nó cũng là đạo đức giả.
(**) Vì Trương Thái Du, để biện hộ cho đảng Cộng sản Việt Nam, đã phải biện hộ cho cả chủ nghĩa thực dân, thể theo tinh thần đó, tôi dùng chế độ độc tài kiểu phát-xít của Franco như một ví dụ trong điều kiện tương tự.
1- http://www.viet-studies.info/HoangTuy_XinNoiThang.htm
2- http://phapluattp.vn/201008071237149p0c1019/hoc-vien-cua-dh-irvine-dang-roi-ruot.htm
3- http://www.talawas.org/?p=22877
4- http://www.talawas.org/?p=13126
5- Elster, Jon: “Active and Passive Negation: An Essay in Ibanskian Sociology” trong tập “The Invented Reality”, Paul Watzlawick hiệu đính. W.W. Norton & Company 1984.
6- Elster, Jon: ibid
7- http://www.talawas.org/?p=21130
8- http://sfy.ru/sfy.html?script=gandhi
9- http://www.talawas.org/?p=21228
10- http://en.wikipedia.org/wiki/Cognitive_dissonance. Nếu muốn biết thêm, wikipedia có nhiều links để tham khảo
11- http://www.talawas.org/?p=1689
12- Zimbardo, Philip: The Lucifer Effect, p 341. Random House Trade Paperback Edition, 2008
13- http://www.talawas.org/?p=22126
14- http://www.talawas.org/?p=16034
15- http://www.boxitvn.net/bai/8556
16- http://www.talawas.org/?p=22230
17- http://en.wikipedia.org/wiki/Stockholm_syndrome
18- http://www.marxists.org/archive/munis/1940/08/one-year-after.htm
19- http://en.wikipedia.org/wiki/Salvador_Dal%C3%AD
20- http://www.counterpunch.org/navarro12062003.html
21- http://www.george-orwell.org/Benefit_of_Clergy:_Some_Notes_on_Salvador_Dali/0.html
22- http://www.nytimes.com/learning/general/onthisday/bday/0221.html
23- http://en.wikipedia.org/wiki/Miguel_de_Unamuno
24- http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=196
25- http://www.danchimviet.com/archives/13763
26- http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/07/gs-nguyen-minh-thuyet-ban-ve-tri-thuc.html
27- http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1985
28- http://www1.voanews.com/vietnamese/news/tam-ly-phan-tri-thuc-08-09-2010-100279534.html
29- http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=642

---------------------------

Xem thêm :
Nguyễn Huy Canh
Đăng ngày: 11:50 24-03-2011




.
.
.

No comments: