Friday, March 25, 2011

SA ĐỌA HỆ THỐNG (Xích Tử)

Xích Tử
Thứ Sáu, 25/03/2011

Mấy năm trở lại đây, khi lý giải nguyên nhân của tình trạng xuống cấp ở một số hay nhiều lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đương đại, nhiều người dùng cách diễn đạt “lỗi hệ thống”.

Cụm từ này vay mượn một thuật ngữ của công nghệ thông tin; nó có vẻ hiện đại và đủ nghĩa để diễn đạt cho ý tưởng phát ngôn nói trên. Người đầu tiên có lẽ là ông Văn Như Cương, một thầy giáo bạo miệng nhưng tâm huyết, nói về giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển. Cũng ở lĩnh vực này, giáo sư Hoàng Tuỵ dùng “lỗi kỹ thuật” cho những phân tích sâu và vĩ mô hơn ở tầm của triết lý và cách tổ chức, vận hành thiết chế giáo dục. Và gần đây nhất, ông Nguyễn Văn An, nguyên Trưởng ban tổ chức trung ương, nguyên Chủ tịch Quốc hội, quy lỗi hệ thống cho thiết chế chính trị, thiết chế gốc, nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Phải sơ lược lịch sử vấn đề như vậy vì bản thân tôi có lúc cũng rất thích dùng cách nói này; nó gọn ghẽ, tương đối trọn ý và an toàn, bởi nó tạo nên trực giác ngữ nghĩa về mặt kỹ thuật, tính kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, khi nghe đại diện Chính phủ báo cáo trước Quốc hội rằng vụ Vinashin chưa đến mức phải kỷ luật cá nhân ai, tôi thấy cụm từ lỗi hệ thống đã hết thiêng, nên chấm dứt vai trò lịch sử. Có nhiều người muốn chửi thề khi nghe tin đó nhưng phải thôi vì phép lịch sự và sự trong sáng của tiếng Việt. Nhân đó tôi đề xuất một cụm từ mới là “sa đoạ hệ thống”.

Thực ra, những từ như tha hoá, vong thân, sa đoạ đã được sử dụng rất lâu trong triết học phương Tây, từ chủ nghĩa Marx, đến chủ nghĩa hiện sinh, để mô tả tình trạng kinh tế, văn hoá xã hội của chủ nghĩa tư bản và thân phận người (bản thể, cá nhân, xã hội) trong xã hội ấy. Những từ ấy cũng được mang vào miền nam trong những năm 1954-1975 và một thời đã là công cụ vừa để phản kháng xã hội, đấu tranh cách mạng, vừa là những cái nhãn trang sức thời thượng của trí thức miền nam (sau 1975, bỗng dưng những từ này hầu như biến mất). Sự xuất hiện của những từ ngữ đó trong bối cảnh như vậy có ý nghĩa và sự thoả đáng lịch sử của nó.

Cũng như hiện nay, một sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính của một tập đoàn kinh tế nhà nước (của nhà nước, do nhà nước, vì nhà nước) đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, sau đó là sự tốn phí không biết bao nhiêu thời gian tiền của cho sự quan tâm của xã hội (tính bằng trang giấy in của báo chí, thời lượng phát của các đài, tổng số byte của thông tin điện tử và con người, thời gian và năng lượng tiêu tốn cho nghe, đọc, truy cập), cho công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, họp hội, chỉ đạo, tái cơ cấu…, và sự tổn hại cho uy tín quốc gia, làm chệch hướng tổng thể phát triển kinh tế xã hội cũng như sự lành mạnh của nền tài chính v.v... đề cuối cùng được công bố một cách hợm hĩnh, lố bịch, coi thường dân là chưa đến mức kỷ luật cá nhân ai. Cái kết luận đó được quyết định bởi một cách làm hết sức trẻ con là tự bỏ phiếu của 14 vị lãnh đạo đảng, trong đó có những vị liên quan trách nhiệm, và cả quyền lợi (có khi cái này là rất quan trọng) đến vụ việc, mà theo lẽ thường, cái kết luận ấy chỉ có giá trị đối với đảng viên, không thay thế cho quá trình tố tụng của pháp luật được. Thế nhưng người thay mặt cho Chính phủ lại đem truyền đạt văn bản kết luận đó trước Quốc hội.

Đến đây người ta rõ ra một điều là Bộ chính trị nói riêng, đảng nói chung đứng trên pháp luật, có quyền định đoạt tất cả, công nhiên coi thường Quốc hội và những luật lệ mà Quốc hội đã thông qua, coi thường nhân dân; qua đó, người ta thấy đảng và đảng viên, nhất là đảng viên có quyền lực, có thể tự bảo vệ những hành động vi phạm luật pháp, hiến pháp của mình bằng một cách mà có thể áp dụng trong sinh hoạt từ học sinh tiểu học : Bạn nào đồng ý, giơ tay. Người ta cũng thấy rằng việc bảo vệ cho từng cá nhân có vi phạm đó được nguỵ trá bằng những mỹ từ như bảo vệ sự đoàn kết, bảo vệ ổn định chính trị quốc gia v.v.. Đồng thời, người ta cũng băn khoăn (do ít hiểu biết và cả nghi ngờ) một điều rằng theo qui định của Điều lệ, Bộ chính trị là cái gì; cách bỏ phiếu như vậy có hợp lệ, hợp hiến không và tại sao lại có việc một Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ lại đi truyền đạt bản kết luận của một Bộ chính trị trước Quốc hội , rằng câu “đảng hoạt động theo hiến pháp và pháp luật” có thật không ? Từ điều thấy rõ và điều băn khoăn ấy, mọi người dân có thể kết luận rằng một hệ thống có thể vận hành và được dùng cho những mục tiêu như vậy mà nhân dân chẳng có ý kiến gì được, hệ thống đó đã ở giai đoạn sa đoạ vô phương cứu vãn.

Điều đó được khẳng định, không phải là so sánh hay chứng minh, mà là một nét màu xám bổ sung cho bức tranh xấu đó rằng ngay ở trong nước, người dân, vì những lý do khác nhau (vốn được các giáo sư văn chương dùng để phân tích động cơ của Chí Phèo trước đây), ăn trộm một con vịt, chiếc xe đạp, một món hàng nhỏ trong siêu thị, rải đinh gây xẹp bánh xe trên đường v.v.. thì cả một hệ thống công cụ bạo lực, pháp chế được vận hành để chống lại; kết quả là bị bêu riếu, tù tội. Trong khi đó, ở nước ngoài, người ta nghe nói đến việc cựu Tổng thống Pháp, Thủ tướng Israel phải liên tục ra toà và chịu án vì những vi phạm trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong hoạt động chính trị; Bộ trưởng Ngoại giao Nhật phải từ chức chỉ vì 600$ nhận để vận động bầu cử từ người nước ngoài (giả sử ở Việt Nam, có vị nhận từ ông sui hoặc chàng rễ là người nước ngoài thì chẳng sao cả).

Câu nói hùng hồn “chưa đến mức phải kỷ luật ai” bật ra từ một hệ thống sa đoạ nhưng lại tồn tại bằng sự bảo vệ bởi những công cụ thể công (khủng bố thể chất, bạo lực) và tâm công (tuyên truyền, khủng bố tinh thần) đã tạo nên một áp lực xã hội, một tình trạng nhẫn nhục của nhân dân ở bên trong và một sự nhục nhã đối ngoại chưa từng có trong lịch sử độc lập của đất nước. Có lẽ những ai chưa bị đến mức kỷ luật đã biết và nên biết điều đó, vì trong họ, ở một bối cảnh không đến mức như vậy, họ đã có thể tham gia, tổ chức biểu tình hoặc chạy ra bưng biền cầm súng.

Xích Tử
.
.
.

No comments: