Friday, March 25, 2011

DÂN CHỦ và DÂN TỘC (Đoàn Viết Hoạt)


Cuộc vận động chính trị hiện nay của những người Việt yêu nước ở hải ngoại và trong nước không đơn thuần là cuộc vận động dân chủ mà còn là cuộc vận động để mở đường cho dân tôc phát triển và để bảo vệ đất nước. Tình trạng lạc hậu của đất nước và hiểm họa bành trướng từ Bắc Kinh, thôi thúc mọi người Việt yêu nước phải quan tâm và đóng góp vào việc tìm biện pháp giúp đất nước phát triển toàn diện, nhanh chóng và bền vững. Chúng ta vận động cho dân chủ vì chúng ta tin rằng chỉ có chế độ dân chủ thì mọi thành phần dân tộc mới có cơ hội để phát huy tiềm năng của mình, để xây dựng một nước Việt hưng thịnh, hội nhập quốc tế nhưng vẫn phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ.

Dân Chủ Trong Công Cuộc Bảo Vệ Dân Tộc
Trước hết, dân chủ không phải là vấn đề mới mẻ trên chính trường Việt Nam. Ngay từ những thập niên 1920, 1930, khi cả dân tộc còn đang phải đấu tranh quyết liệt và sắt máu để giành lại độc lập, lý tưởng dân chủ đã được những nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên đề ra trong các cương lĩnh đấu tranh dành độc lập của họ, như đường lối Tam Dân của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay chủ trương “duy dân”, dân chủ triệt để, dân chỉ vì dân, của Lý Đông A. Khi vua Bảo Đại thoái vị ông đã trao lại quyền tự quyết cho toàn dân, mở đường cho chế độ dân chủ. Và ngay sau đó, đã ra đời bản Hiến Pháp 1946, bản HP dân chủ đa đảng đầu tiên của Việt Nam, dù từ đó đến nay, bản HP này đã bị đảng CS cố tình “bỏ quên” không thực thi. Rồi khi đất nước bị chia đôi, nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời ở miền Nam, chế độ cộng hòa được thành lập, với một bản Hiến Pháp và các cơ chế dân chủ khá hoàn chỉnh. Nhưng rồi, cuộc chiến quốc-cộng đã cướp đi cơ hội phát triển một xã hội thịnh vượng và dân chủ tại miền Nam Việt Nam. Và từ sau 1975 đến nay, đảng CSVN đã “khai tử” nền dân chủ còn non trẻ ở miền Nam đúng vào lúc mà dân chủ tự do có được cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất để tồn tại và phát triển trong một đất nước đã hòa bình.

Kiểm điểm lại lịch sử như thế để thấy rằng cuộc vận động dân chủ hiện nay ở hải ngoại cũng như ở trong nước chính là để tiếp nối những vận động chính trị đã được tiến hành và còn dang dở cả trước và sau thời kỳ quốc-cộng, ở cả hai miền Nam-Bắc, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhìn từ góc độ lịch sử dân tộc còn giúp ta hiểu được tại sao cuộc vận động cho dân chủ tại Việt Nam lại có thể cuốn hút mọi người Việt yêu nước, kể cả những người cộng sản, dù tin vào chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa coi “dân chủ” chỉ là sản phẩm chính trị của chế độ kinh tế tư bản bóc lột. Tự do và dân chủ là khát vọng chân chính của dân tộc Việt, cũng như mọi dân tộc khác, muốn vươn mình lên cùng chung hưởng tự do, hạnh phúc với toàn thể nhân loại. Nếu nhìn từ nền tảng dân tộc thì vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền phải, và trong thực tế hiện đang là cuộc vận động của mọi thành phần dân tộc, bất kể trước đây và hiện nay đang đứng trong hàng ngũ và quan điểm chính trị nào. Một tập hợp toàn dân tộc vì nền dân chủ có thể và đã đến lúc phải ra đời để cùng vận động cho một nước Việt Nam dân chủ và phú cường trong thiên niên kỷ thứ ba này. Một tập hợp dân tộc như thế càng cần thiết trước nguy cơ mất nước từ bành trướng phương Bắc ngày càng nghiêm trọng.

Dân Tộc Trong Cuộc Vận Động Dân Chủ
Dân tộc như thế phải là thế đứng của cuộc vận động dân chủ hiện nay. Dân tộc là thế đứng bởi một lẽ đơn giản là dù trong thời đại toàn cầu, hay nói cho đúng hơn, chính vì trong thời đại toàn cầu mà mỗi quốc gia đều phải quay về với bản vị dân tộc, vừa để bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của người dân, vừa để phát huy bản sắc dân tộc, đóng góp vào vườn hoa văn hóa nhân loại. Dân chủ sẽ chẳng có ý nghĩa và chẳng đáng được vận động nếu không đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, hưng thịnh cho dân tộc, mà biến đất nước thành một thị trường tiêu thụ cho doanh nhân quốc tế, thành một thuộc quốc của thiên hạ đại cường. Hay nói đúng hơn chính chế độ dân chủ chân chính, do toàn dân và cho toàn dân, mới bảo đảm được một nền kinh tế phát triển đem lại phúc lợi cho toàn dân chứ không vì đặc quyền đặc lợi của một thiểu số thống trị và của các tập đoàn tư bản quốc tế.

Dân tộc do đó cũng phải là động cơ và mục đích của cuộc vận động dân chủ bởi vì mọi chế độ chính trị xã hội cũng như kinh tế đều chỉ là phương tiện để đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, hưng thịnh cho dân tộc. Nếu kinh tế chỉ huy mà đạt được mục đích này thì chẳng cần phải quay sang kinh tế thị trường. Nếu chính trị độc tài mà đạt được mục đích này thì cũng không cần khổ nhọc vận động cho dân chủ. Và hiện nay ban lãnh đạo cộng sản tại VN vẫn “kiên trì” với quan điểm “duy ý chí” đó, và đang gây ra bao hậu quả tai hại lâu dài cho cả tinh thần lẫn vật thể của dân tộc.

Sự thật đơn giản là tiến trình tự do hóa xã hội, dân chủ hóa chính quyền, đi đôi với nền kinh tế thị trường tự do, là một tiến trình không thể đảo ngược ở mọi quốc gia trên thế giới từ sau đệ nhị thế chiến đến nay. Tiến trình này đã xẩy ra ở các nước độc tài Cộng sản Liên Xô và Đông Âu cuối thập niên 1980, và đang xẩy ra tại những nước độc tài Hồi giáo tại Bắc Phi và Trung Đông. Tiến trình cũng xẩy ra trong diễn biến thực tế hàng ngày tại Việt Nam, theo một cách đặc thù phù hợp với một xã hội cộng sản đang phải không ngừng điều chỉnh cho thích nghi với tình hình mới. Tiến trình này xẩy ra ở khắp nơi trên thế giới, dưới nhiều hình thức đa dạng, và chỉ khác nhau ở tốc độ, chậm hay mau, và ở phương thức, hòa bình hay qua bạo loạn, và ở những tiểu tiết thực hiện, tùy hoàn cảnh và khả năng của nhân dân và giới lãnh đạo mỗi nước. Trong thời đại tri thức điện tử toàn cầu hiện nay, chậm và qua bạo loạn tất nhiên không phải là con đường lưạ chọn tối ưu cho bất cứ dân tộc nào, nhất là cho dân tộc Việt, vì Việt Nam đã chậm tiến quá lâu rồi, người dân Việt đã mất mát, thua thiệt quá nhiều rồi. Trách nhiệm của những người cầm quyền hiện nay tại Việt Nam thật nặng nề. Trái banh dân chủ hoàn toàn nằm trong chân của họ. Họ không đá hay đá chậm thì trên sân chơi phát triển và tiến bộ của loài người, Việt Nam sẽ tiếp tục thua đậm, và danh dự cùng tương lai của dân tộc Việt càng tổn thương nặng nề hơn.

Dân Tộc và Dân Chủ
Cuộc vận động dân chủ hiện nay do đó là một cuộc vận động cần thiết và thích hợp với thời đại cũng như với dân tộc Việt. Cuộc vận động này có hai mục tiêu gắn liền với nhau: thiết lập chế độ dân chủ và phục hưng dân tộc. Hai mục tiêu này là một nhưng chia thành hai giai đoạn, ngắn hạn để xây dựng dân chủ và dài hạn để phát triển và phục hưng dân tộc. Tuy ngắn hạn nhưng thiết lập chế độ dân chủ là điều kiện cần có để phát triển và phục hưng dân tộc bền vững; tuy dài hạn nhưng mục tiêu phục hưng dân tộc đem lại chính nghĩa và cơ sở vững chắc cho cuộc vận động dân chủ. Dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực của cuộc vận động dân chủ, đồng thời, dân chủ là môi trường và điều kiện phải có mới phát triển bền vững và phục hưng dân tộc được.

Về mặt tổ chức và chiến lược-chiến thuật, thế đứng và mục tiêu dân tộc bảo đảm đuợc tính “toàn dân và toàn diện” của cuộc vận động dân chủ, giúp tập hợp được mọi thành phần dân tộc khác nhau trong một trận tuyến chung, trận tuyến dân tộc, tránh được xung đột về chính kiến và đoàn thể. Đồng thời, qua cuộc vận động dân chủ toàn dân và toàn diện mà tạo điều kiện và môi trường cho cuộc phục hưng và phục hoạt dân tộc một cách toàn diện, nhanh chóng và bền vững. Dân tộc không thể phát triển nếu mọi thành phần dân chúng, trong mọi ngành hoạt động của xã hội không có cơ hội phát triển, và nếu toàn dân Việt không có cơ hội hoà nhập vào dòng tiến hoá chung của nhân loại và thời đại.

Bằng thế đứng dân tộc và toàn dân, chúng ta mới có thể vượt qua mọi tranh chấp và chia rẽ. Dân tộc còn chia rẽ thì không thể phát triển và phục hưng được, và nhất là không cỏ đủ sức mạnh toàn dân để bảo vệ đất nước. Dân chủ phải toàn dân vì dân tộc bao gồm nhiều thành phần khác nhau nên không thể chỉ dân chủ với một thành phần dân tộc này mà không dân chủ với thành phần dân tộc khác. Toàn thể dân tộc phải cùng được hưởng thành quả của môi trường và cơ chế tự do dân chủ. Trận tuyến dân chủ là trận tuyến dân tộc, là trận tuyến toàn dân trong-ngoài nước đối kháng lại mọi cơ chế độc tài, mà trước mặt là đảng và nhà nước độc tài cộng sản đương quyền, và đối kháng lại mọi mưu toan bành trướng từ phương Bắc. Cuộc vận động dân chủ trên thế đứng và trong trận tuyến dân tộc như thế là cuộc vận động của toàn dân vì nền dân chủ và để bảo vệ đất nước. Chỉ đứng từ vị thế “toàn dân vì nền dân chủ” mới tái hợp được dân tộc để từ đó vừa vận động hữu hiệu cho lộ trình dân chủ hóa toàn diện, vừa tập hợp được sức mạnh toàn dân để phục hưng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Nói một cách nôm na, vận động dân chủ là tạo một “sân chơi chung (dân chủ) với “luật chơi chung” (pháp trị) cho mọi “đội chơi” (toàn dân, mọi tổ chức) và trong mọi “trò chơi” (kinh tế, văn hóa, chính trị). Tức là vận động dân chủ nhằm tạo cơ chế, môi trường và điều kiện để mọi tài năng của mọi người Việt đều được phát huy. Vận động dân chủ khởi đi từ bệ phóng dân tộc, từ thế đứng toàn dân, để đạt đến điểm đích là toàn dân hạnh phúc và dân tộc hưng thịnh.

Nhưng dân tộc và toàn dân đây là dân tộc Việt, là toàn dân Việt, mà không phải là toàn dân Mỹ, Nhật, Tầu, hay chung chung, không có bản sắc gì. Vậy thế nào là Việt, là bản sắc Việt? Liệu có thể có một nền dân chủ Việt? Liệu có thể áp dụng nền dân chủ nào — dân chủ Mỹ, dân chủ nhân dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa? Điều chỉnh như thế nào cho nền dân chủ thích hợp với người Việt, với văn hóa Việt, trên đất nước Việt, trong dòng sử Việt? Làm rõ được những vấn đề và đặc thù tính dân tộc, Việt tính, trong cuộc vận động dân chủ và trong mô hình dân chủ cần thiết lập, phải là một trong những trọng tâm lý luận cũng cần được triển khai trong cuộc vận động chính trị hiện nay.

© Đoàn Viết Hoạt
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: