Tuesday, March 15, 2011

CÁCH MẠNG DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM, KHI NÀO SẼ ĐẾN ? (Việt Hoàng)

Việt Hoàng
Đăng ngày 15/03/2011 lúc 00:54:20 EDT

Vấn đề thời sự mà cả thế giới cũng như đa số người Việt chúng ta quan tâm trong thời gian qua hẳn nhiên đó là các cuộc nổi dậy của nhân dân Bắc Phi. Cuộc cách mạng hoa Nhài được bắt đầu từ Tunisia sau đó lan ra Ai Cập và giờ vẫn đang tiếp diễn một cách thảm khốc tại Libya.

Xuất phát từ khát khao chân chính là mong mỏi cho Việt Nam sớm có dân chủ nên nhiều người đã và đang mơ rằng ở Việt Nam cũng sẽ có một cuộc cách mạng tương tự. Điều này có thể xảy ra không? Tôi tin là không. Không chỉ có tôi mà rất nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam chưa thể có một cuộc cách mạng như vậy.

Tại sao như vậy? Chẳng lẽ Việt Nam chưa chín muồi cho một sự thay đổi? Cuộc hội luận với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên do Ban Biên Tập Dân Luận tổ chức đang bước sang vòng hai. Tuy nhiên ngay từ vòng một, các câu hỏi liên quan đến vấn đề này đã được độc giả rất quan tâm.

Câu trả lời cũng tương đối rõ ràng, đó là tình hình Việt Nam hiện nay đã rất chín muồi cho cách mạng nhưng cách mạng vẫn chưa thể xảy ra được vì sự chuẩn bị chưa hoàn tất, người Việt chúng ta chưa chuẩn bị để đón nhận nó.
Cụ thể hơn, bất cứ cuộc cách mạng nào nếu thành công đều phải có được một tổ chức chính trị tầm vóc đứng đằng sau. Tại sao Việt Nam vẫn chưa có được tổ chức chính trị tầm vóc đó? Câu trả lời cũng đơn giản, đó là vì tầng lớp trí thức tinh hoa của Việt Nam chưa dấn thân mạnh mẽ cho phong trào dân chủ.

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi rất chính đáng là: "Lấy ai, tổ chức chính trị nào để đối thoại với chính quyền cộng sản?". Một người dân thường không quan tâm và không có ý thức chính trị hỏi câu này thì có thể hiểu được, nhưng nếu là một trí thức hay là một người có hiểu biết mà hỏi câu này thì thật là đáng buồn. Ai cũng biết rằng để đảng cộng sản chấp nhận đối thoại và đi đến thỏa hiệp với một tổ chức chính trị nào đó thì bắt buộc tổ chức chính trị đó phải là một tổ chức hùng mạnh, phải "ngang cơ" với đảng cộng sản. Mà muốn như vậy thì tổ chức đó phải được mọi thành phần, mọi tầng lớp dân chúng ủng hộ và tham gia. Chúng ta cứ kêu ca và phàn nàn nhưng chúng ta không có hành động nào thiết thực cả thì mọi chuyện vẫn cứ như cũ, sẽ không có bất cứ thay đổi nào xảy ra.

Hãy thử tưởng tượng rằng nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có được khoảng 3.000 người tham gia và công khai ủng hộ, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của đảng cộng sản thì tự nhiên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ trở thành một tổ chức hùng mạnh và là một đối trọng thật sự với đảng cộng sản. Mục đích lớn nhất của chúng ta là xây dựng một thể chế thật sự dân chủ cho Việt Nam, việc thay thế chế độ độc tài toàn trị bằng một chế độ dân chủ chỉ là một phần trong quá trình đó. Tất nhiên, hiện nay việc thay thế chế độ toàn trị đang là một việc cấp bách và quan trọng. Chính vì cấp bách và quan trọng cho nên chúng ta phải ủng hộ và tập trung mọi điều kiện cho một vài tổ chức chính trị đứng đắn nhất để cùng nhau làm nhiệm vụ lịch sử này. Khi đã có dân chủ, chúng ta sẽ tha hồ chọn lựa cho mình những tư tưởng và đường lối sát với nguyện vọng của mỗi người.

Với một đất nước có hoàn cảnh như Việt Nam hiện nay, với nhiều bất mãn đã được tích lũy quá lâu thì bất cứ một cuộc cách mạng "từ dưới lên" nào cũng sẽ gây ra đổ vỡ thảm khốc cho tất cả mọi người, cho đất nước. Nguy hiểm thay là đang có rất nhiều lời kêu gọi người dân (nhất là những thành phần bị thiệt thòi, oan ức do chế độ bạo ngược gây ra) đứng lên làm các cuộc cách mạng. Các cuộc cách mạng này sẽ đưa dân tộc Việt Nam đi về đâu là điều ai cũng có thể thấy được.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không quan tâm, không để ý gì đến những thành phần bị thua thiệt đủ đường này, như tầng lớp công nhân làm không đủ sống, người nông dân "một nắng, hai sương" vẫn nghèo hoàn nghèo hay thành phần dân oan, các tôn giáo bị bức hại…

Những bất mãn trong xã hội nếu chính đáng đều là dịp để lên án những chế độ bạo ngược. Các tổ chức dân chủ phải khai thác những bất mãn này để tấn công chế độ độc tài. Lực lượng dân chủ Tunisia đã khai thác vụ chàng thanh niên Bouazizi tự thiêu để đánh bại Ben Ali.

Tuy nhiên muốn khai thác đứng đắn thì phải có sự chuẩn bị. Ít nhất là ba chuẩn bị tối thiểu :

- Phải xây dựng được một tổ chức dân chủ đủ khả năng động viên, tăng cường và hướng dẫn đấu tranh cho quần chúng, từ những yêu sách cá nhân đến những đòi hỏi cho đất nước, nghĩa là phải thay đổi chế độ này.

- Phải xâm nhập cán bộ của mình vào thành phần bất mãn khiến họ quan tâm tới đất nước, nhìn thấy oan ức của họ chỉ như là một phần của vấn đề chung của cả đất nước. Nhưng cán bộ này phải có trình độ cao, phải có những kiến thức nhất định về chính trị.

- Phải có đủ người để giữ vững vai trò tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh của quần chúng, nếu không những phần tử xấu, cò mồi sẽ xâm nhập và phá hỏng cuộc đấu tranh.

Hiện nay có tổ chức chỉ xúi giục quần chúng nổi dậy chứ không có lực lượng nào. Như vậy là vô trách nhiệm. Nhiều khi chỉ làm để cốt nhắm gây tiếng vang. Họ trả tiền lương cho một vài người dân oan để những người này gây ồn ào tối đa (và bị tù) chứ không có bài bản gì. Lợi dụng người dân oan một cách vô lương tâm. Một tổ chức hoạt động cho công nhân tương đối có bài bản là "Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động", tuy nhiên các cán bộ của họ trong nước đã nhanh chóng bị bắt và bị chính quyền kết án nặng nề.

Như vậy chúng ta cần đồng thuận với nhau trong vấn đề này rằng:

Những thành phần bị thua thiệt trong xã hội cần được các tổ chức chính trị quan tâm, chia sẽ, dẫn dắt và định hướng cho sự đấu tranh vì quyền lợi của họ, cũng chính là quyền lợi của một bộ phận dân tộc.

Các tổ chức chính trị chưa thực sự quan tâm và thâm nhập vào đời sống của các tầng lớp đang rất cần được động viên và hướng dẫn này.

Để làm được việc hướng dẫn quần chúng thì vai trò và sự dấn thân của trí thức rất quan trọng. Bao nhiêu người trong khối người đông đảo bị thua thiệt đó có điều kiện để truy cập internet? Làm sao họ biết được mọi nguyên nhân gây ra khổ đau cho họ là đều do chính quyền (không những ở địa phương mà từ trung ương) quá yếu kém và tham nhũng? Họ làm sao biết được cách tổ chức và phương pháp đấu tranh có bài bản để tất cả đều được việc?...

Trách nhiệm khó khăn nhưng vinh quang này luôn thuộc về tầng lớp trí thức và hy vọng là mãi mãi sẽ như thế. Khi đất nước có dân chủ rồi thì nhà nước tương lai phải dành không gian tối đa cho "xã hội dân sự". Bất cứ thành phần nào trong xã hội đều phải có tổ chức riêng đại diện cho quyền lợi của tầng lớp mình. Nhà nước sẽ tìm sự đồng thuận thông qua đối thoại với những người lãnh đạo các hội đoàn này. Họ sẽ không còn phải làm những việc quá sức họ như việc "làm cách mạng".

Với hiện tình Việt Nam ngày hôm nay thì một cuộc "cách mạng màu" như đề nghị của tác giả Người Sài Gòn qua bài viết "Phong trào dân chủ hải ngoại và việc dân chủ hóa Việt Nam" là tốt nhất. Tác giả cho rằng việc "một nhóm các đảng viên yêu nước muốn dân chủ kết hợp với Phong Trào Dân Chủ để làm cuộc cách mạng nhung hoặc màu. Biến thể (này) là lí tưởng và cũng là tối ưu nhất cho đất nước. Với tình hình hiện nay của nội bộ đảng cộng sản, biến thể này rất có thể xảy ra và có nhiều cơ hội thành công nếu Phong Trào Dân Chủ biết hành động với tinh thần hoà giải và thoả hiệp".

Tất nhiên là chúng ta phải động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào phong trào dân chủ, bất cứ mọi "tấn công" nào vào thành lũy của chế độ độc tài đều được ủng hộ, nhưng cần phải sáng suốt tâm niệm một điều: Phải có tư tưởng, phải có tầng lớp trí thức hướng dẫn và lãnh đạo. Suy nghĩ phải đi trước hành động. Mọi manh động và các cuộc cách mạng non sẽ chết yểu, và hy sinh những người yêu nước hiếm hoi là điều không được phép.

Diễn biến hòa bình, nhất là diễn biến từ bên trong và bên trên sẽ mang lại kết quả khả quan. Để sự diễn biến hòa bình này nhanh chóng có kết quả thì chúng ta phải vượt qua lòng căm thù, vượt qua những cảm tính cá nhân và dứt khoát đồng thuận với nhau rằng sự hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ là tuyệt đối. Mọi người Việt Nam đều là anh em, chúng ta sẽ hòa thuận, khoan dung tuyệt đối, tôn trọng và nhìn nhận anh em tuyệt đối. Phải xem đây như là một giá trị tinh thần thay vì một phương tiện để đạt được mục đích dân chủ hóa đất nước. Giá trị này sẽ định hướng cho mối quan hệ giữa nhà nước dân chủ và nhân dân cũng như giữa các thành phần dân chúng với nhau.
Một lời nói thêm về hòa giải và hòa hợp dân tộc

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Hòa giải không có nghĩa là bỏ qua tất cả mọi chuyện trong quá khứ, hòa giải để có cái nhìn đúng đắn về quá khứ, để mang lại công bằng cho những nạn nhân trong quá khứ. Những người bị oan trái dưới chế độ cũ sẽ được chính quyền mới xin lỗi và bồi thường thích đáng về tinh thần cũng như vật chất.

Hòa giải cũng là để hướng tới tương lai, chính quyền dân chủ sẽ không bao giờ hành động như chính quyền cộng sản trong quá khứ, nghĩa là trong tương lai sẽ không có bất kỳ một vụ án chính trị nào, thậm chí sẽ còn có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì những chức vụ họ đã từng giữ. Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là việc đảng cộng sản cầm quyền trong thời gian qua cùng với những sai lầm của họ cũng là một phần của lịch sử Việt Nam cận đại. Chúng ta lấy những bài học đau thương đó để rút ra những kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Có nghĩa là chúng ta quyết không để những chuyện như vậy xảy ra nữa.

Hòa giải là việc phải làm trước khi chúng ta có thể hòa hợp với nhau. Hòa giải đó phải được đặt trên nền tảng của thái độ khiêm tốn, nhìn nhận rằng những người từng xung đột với mình cũng có lý do của họ.

Một dân tộc cũng như một gia đình sau một cuộc xung đột chỉ có hai lựa chọn: Một là hòa giải để tiếp tục chung sống và xây dựng một tương lai chung. Hai là không hòa giải và chấp nhận tan vỡ. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là ngôn ngữ và lập trường của những người không muốn nước Việt Nam tan vỡ.

Sau khi dân tộc Việt Nam hòa giải với nhau thì chúng ta sẽ cùng hòa hợp, chữ "hòa" ở đây còn có nghĩa là "biến mất trong", như đường hòa tan trong nước. Hòa hợp có nghĩa là gắn bó mật thiết và triệt để thành một. Vì vậy hòa hợp dân tộc là đoàn kết dân tộc ở mức cao nhất. Đó là một tình trạng lý tưởng mà người ta chỉ có thể cố gắng tối đa chứ không bao giờ đạt tới được một cách trọn vẹn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ cố gắng ở mức cao nhất để dân tộc Việt Nam có thể hòa hợp với nhau là một.

Hòa giải và hòa hợp để quên đi quá khứ đầy đau buồn của dân tộc Việt Nam. Hòa giải và hòa hợp để cùng nhau mở ra một trang sử mới cho Việt Nam, trang sử của tự do và dân chủ. Nếu được Quốc hội mới đồng ý thì chúng ta sẽ lấy ngày 30 tháng Tư hàng năm làm "Ngày Hòa Giải Dân Tộc". Việt Nam sẽ có một ủy ban đặc biệt đó là "Ủy Ban Hòa Giải Dân Tộc" để làm trọng tài giải quyết các vấn đề liên quan đến nhu cầu hòa giải giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Có lẽ chúng ta đều mong muốn cho một cuộc cách mạng dân chủ được thành công dù được gọi tên dưới hình thức nào. Và một cuộc cách mạng như vậy sẽ phải xảy ra sau khi đối lập dân chủ đã chuẩn bị xong. Cuộc cách mạng đó có thể diễn ra trong vài ngày hay một tuần nhưng quan trọng nhất là nó phải đạt được thắng lợi.

Và, để làm được điều đó thì bắt buộc phải có một tổ chức chính trị mạnh. Để có được tổ chức đó thì chúng ta phải tham gia và ủng hộ cho tổ chức đó. Cuộc cách mạng dân chủ là cuộc cách mạng của toàn dân vì vậy mọi thành phần nhân dân phải tham gia và ủng hộ nhiệt tình nếu không thì ước mơ về một ngày mai tươi sáng mãi mãi chỉ là mơ ước.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Thông Luận số 256, tháng 03/2011
© Thông Luận 2011

--------------------------


.
.
.

No comments: