Tuesday, March 15, 2011

BÀI HỌC 40 NĂM BỊ "VÔ SẢN" ĐÁNH CẮP (Phan Châu Thành)

Phan Châu Thành
Thứ Tư, 16/03/2011

Con trai yêu quí, năm nay con sẽ tròn 14 tuổi, và bố viết bài này tặngBÀI HỌC 40 NĂM con nhân dịp trọng đại này. Đối với bố, đó là kỷ niệm trọng đại, vì cuộc đời bố dường như chỉ thực sự bắt đầu năm bố 14 tuổi, mảnh khảnh như con bây giờ, từ khi bố phải tham gia vào… ”đấu tranh giai cấp”!

Lần đầu tiên bố biết đến khái niệm “thành phần giai cấp” là năm lớp 7, khi bố phải làm đơn và hồ sơ thi lên cấp 3 và vào Đoàn TNCS. Khi đó bắt buộc phải ghi rõ “thành phần giai cấp” và “thành phần chính trị” của mình. Vì không biết đó là gì nên bố được thầy cô hướng dẫn “khai” mình có thành phần giai cấp là “tiểu tư sản học sinh”, khai cha mẹ mình là “công nhân vô sản”, và ông bà là “bần cố nông”… Về thành phần chính trị, bố ghi là “đội viên Thiếu niên Tiền phong”, và rất thích thú, dù cũng không hiểu thành phần chính trị là gì!

Thấy lạ về thành phần giai cấp của mình, bố đến trường hỏi các thầy cô – những người bố rất kính yêu – xem họ thuộc thành phần nào? Họ đều tự nhận là tiểu tư sản, nên bố càng băn khoăn hơn. Hỏi tại sao họ là tiểu tư sản thì thì được giải thích vì họ không lao động chân tay, không làm ra của cải cho xã hội - bị coi là ăn bám, và có một ít tài sản (tiểu)…(?) Các thầy cô đã dậy bố cấp 2 cấp 3 ở vùng trung du “chó ăn đá gà ăn sỏi” ấy ai giàu nhất là có xe đạp, không ai có radio…và đều ở trong những căn phòng vách trát đất trộn rơm lợp mái tranh do chính học sinh như bố cùng các thầy cô lao động làm nên… Còn ăn bám ư? Họ là những nhà giáo tận tuỵ vô tư vì học trò nhất mà bố từng được học. Không làm ra của cải vật chất ư? Họ đã “làm ra” thế hệ bố – thế hệ đang cầm quyền…

Hai vị “thành phần vô sản” sinh ra bố thực tế còn có nhà riêng (cũng vách đất tự làm) và hai chiếc xe đạp, nhiều tài sản hơn các tiểu tư sản giáo viên cơ mà? Và quan trọng hơn là gia đình vô sản nhà ta luôn mong và cố gắng làm để có nhiều tài sản hơn. Còn bố, con của giai cấp vố sản sao lại là “tiểu tư sản”? 14 tuổi, lớp 7, “tiểu tư sản”, ăn bám giai cấp vô sản, tài sản quí nhất là cây bút máy Trường sơn với quyết tâm đi thi toán Miền Bắc để được “giai cấp vô sản” thưởng một tài sản mơ ước là đôi dép cao su (để tiểu tư sản không phải chân đất đi học xa khi đường mùa hè nóng cháy, mùa đông lạnh nứt da…).

Dù được coi là học giỏi, khái niệm “thành phần giai cấp” đã làm bố quá bối rối! Lại hỏi thầy cô, nếu sau này em học xong ra trường đi làm thì sẽ thuộc giai cấp gì? Trả lời: Nếu em cũng dạy học như thầy cô thì vẫn chỉ là tiểu tư sản ăn bám! Nếu là là kỹ sư, bác sĩ thì là “trí thức tiểu tư sản”, nhưng nếu em đi làm công nhân như cha mẹ thì sẽ có thành phần “ưu tú” nhất xã hội: vô sản. Từ đó, bố quyết học giỏi thành kỹ sư để thêm đuôi “trí thức” vào thành phần giai cấp của mình, vì rõ ràng cả ở nhà và ở trường không ai muốn bố thành vô sản, dù ai cũng nói đó là thành phần “ưu tú nhất xã hội”. Trong đầu non trẻ của bố càng thêm băn khoăn: có gì đó không nhất quán trong cách xã hội nói, làm và dạy thế hệ sau về giai cấp vô sản?

Phát hiện nhà mình khi đó có đến ba, bốn thành phần giai cấp cũng làm bố rất lo lắng. Ông bà (cố của con) hoá ra không phải “bần cố nông” như bố đã chép của thằng bạn vì thấy mặt nó vênh lên khi ghi mấy chữ đó, mà ông là thành phần “tiểu tư sản phong kiến-tư bản” (vì ông cố là thầy đồ chữ nho rồi cả chữ tây) còn bà cố lại là “tư sản bóc lột” (vì bà từng có nghề đi buôn chuyến ở chợ quê để nuôi chồng con)… Bố đã gần như phát ốm vì thành phần giai cấp rất “thành phần” của ông bà mình, và bố đã phải rất cố gắng để có đủ dũng khí đến gặp cô giáo chủ nhiệm thú tội mình đã khai sai thành phần giai cấp của ông bà… trong lý lịch Học sinh Cấp 2 và Đoàn viên lớp 7… Cô giáo bố đã tái mặt, kéo riêng bố - cậu học trò cưng của cô - ra một góc lớp và cấm bố không được nói điều đó với bất kỳ ai nữa, để cô lo sửa lại...

Thành phần giai cấp của bố chưa rõ sửa thế nào thì lớp bố tiễn 8 tân binh tình nguyện – tất cả các cậu trai 16 tuổi lớp 7 của bố – được ưu tiên ra trận “vì có thành phần giai cấp cũng ưu tú”: nông dân, như thầy Hiệu trưởng nói, làm bố đã có cảm giác vì mình là tiểu tư sản nên không có vinh dự đi bộ đội (chứ không phải vì mới 14 tuổi). Các bạn bố được vội vã kết nạp vào Đoàn, và sau hai tuần huấn luyện (!) được đưa thẳng ra chiến trường thành cổ Quảng Trị năm đó, để mãi mãi không ai trở về… Tin tám bạn từ Đoàn viên Trường mới kết nạp bỗng chuyển thành Liệt sĩ đã về đúng dịp tháng 5 năm đó khi bố và các bạn khác còn chưa học xong lớp 7, và thầy hiệu trưởng đã vinh dự tuyên bố Trường ta đã vinh dự góp 8 Liệt sĩ mừng sinh nhật Bác” mà bố chẳng hiểu đó là vinh dự gì?

Ôi, các bạn bố đều là con cháu các “thành phần giai cấp ưu tú”: bần cố nông, và bản thân họ đều là những chàng trai nông dân thực thụ mà bố – cậu bé 14 tuổi từ thành phố sơ tán về - từng vô tình ghen tị, cả về thành phần giai cấp lẫn vinh dự được ra trận của họ… Trong số Liệt sĩ đó có bạn thân của bố vì không đủ cân nặng và chiều cao nên đã nhờ bố khám sức khoẻ thay, và bố đã tự hào vì giúp bạn vượt qua kỳ khám sức khoẻ đó(!) Họ đã hy sinh cho giai cấp vô sản khi – cũng như bố - họ chưa hiểu thành phần giai cấp là gì…

Kết luận mơ hồ đầu tiên của bố về “thành phần giai cấp”: thành phần ưu tú - vô sản: bần cố nông PHẢI tiên phong hy sinh vô tư (như rác) cho chế độ cộng sản. Thực ra, cả xã hội cộng sản không ai muốn làm như thế, họ chỉ nói thế thôi. Họ chỉ “tham gia” giai cấp ưu tú nhất xã hội vì không có lựa chọn nào khác hoặc vì muốn vào Đảng để làm lãnh đạo…

Ghi chú: Bố rất mừng là hôm nay 14 tuổi con chưa bị ai nhồi nhét về thành phần và đấu tranh giai cấp. Nếu bố là người đầu tiên nói với con điều này thì con biết phải làm gì rồi đấy: cứ suy nghĩ và có ý kiến của riêng mình.

Lên cấp 3, bố và các bạn phải sống và học trong rừng sâu. Bố “bị mất” lý lịch đoàn viên từ lớp 7 nên phải “khai” lại. Lần này bố “khai” đúng tình trạng “đa giai cấp” của gia đình mình. Bố còn thấy gia đình tất cả các bạn cũng vậy: đều đa giai cấp! Vấn đề đó sẽ chẳng làm bố lo lắng nhiều nếu từ cấp 3 bố không được học rất nhiều về chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp của Mác Lê Mao. Bố và các bạn đã phải học tập “đấu tranh giai cấp” với nhau ở trường, phải liên tục rèn luyện để “gột rửa” “thành phần tiểu tư sản” như các thầy cô dậy chính trị và nhà trường yêu cầu. Bố đã phải thường xuyên viết tự kiểm điểm và kiểm điểm người khác theo tiêu chuẩn của giai cấp ưu tú, phải theo dõi nhau mọi lúc mọi nơi (moi xấu bạn bè, và cả thầy cô…) gọi là “đấu tranh phê và tự phê”, phải tìm xem ai có người thân có thành phần bóc lột (đi buôn, không vào hợp tác xã…) để đem ra “đấu tranh giai cấp”, ai thành phần “phản động” thì phải báo công an bắt ngay…

Bố bắt đầu lo lắng quan sát “mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp” trong nhà mình, vì “Ở đâu có giai cấp, ở đó có xung đột và mâu thuẫn giai cấp, và ở đó phải có đấu tranh bạo lực do giai cấp vô sản lãnh đạo!” Mà gia đình ta hội tụ mọi điểu Mác nói trên, có đủ cả tư bản bóc lột đến vô sản lãnh đạo… Lạ thay, đấu tranh giai cấp đã không diễn ra trong gia đình ta. Ông bà nội con và các cô cậu bố đều là các đảng viên cộng sản, “thuộc” giai cấp vô sản chính hiệu lại không bao giờ đấu tranh gì với “giai cấp tiểu tư sản phong kiến và tư sản bóc lột” trong nhà là ông bà cố, mặc dù Mác Lê khẳng định phải có đấu tranh, và Đảng thúc giục phải đấu tranh… Ngược lại, cả nhà ta chỉ một lòng yêu kính “thành phần phong kiến và tư sản nhà mình”.

Kết luận “khôn ngoan” của bố về “thành phần và đấu tranh giai cấp” khi tốt nghiệp cấp 3: Thành phần giai cấp chỉ là cái vỏ, không quyết định bạn có ưu tú hay không. Đấu tranh giai cấp chỉ là giả tạo, là cách để người ta “làm lãnh đạo”, hoặc “phục vụ đất nước”.

Ghi chú: Lúc này bố đã cảm thấy có gì đó rất không ổn với việc cả xã hội cứ điên lên phân chia, kết buộc nhau về thành phần giai cấp rồi mang nhau ra đấu tranh giai cấp?

Vì thế, một mặt bố luôn mong ước được giống như ông cố, vì ông luôn có uy tín hơn nhiều các vị “vô sản lãnh đạo” trong nhà là ông nội con hay các chú bác, mặt khác, bố cũng muốn phấn đấu vào đảng để được “làm lãnh đạo” và “phục vụ nhân dân”…
Nhờ gia đình không bị vấn đề “thành phần giai cấp”, luôn tích cực “đấu tranh giai cấp” như một Hồng vệ binh Việt, bố được chọn là “hạt giống cộng sản” để gieo cho vụ sau. Với điểm thi đại học cao, “Hồng vệ binh Việt- bố” đã được “gieo” sang trời Âu XHCN để thành người cộng sản trí thức để về “phục vụ nhân dân” và xây dựng XHCN.
Từ đó, quá trình “đấu tranh giai cấp” của bố đã bị thay đổi và huỷ bỏ sau những gì bố đã trải nghiệm về “đấu tranh giai cấp” của vô sản quốc tế trên quê hương cộng sản Nga, ở Tiệp, Đức, Hung, và nhất là tại Balan… trong những năm bố du học đó.

Bố đã thấy, nhân danh “đấu tranh giai cấp”, xe tăng quân đội cộng sản đã bao vây và húc vào cổng rồi bắn vào xưởng đóng tàu (nơi bố đang thực tập để trở thành kỹ sư cộng sản). Bố đã thấy công an cộng sản bắn vào giai cấp vô sản ưu tú của họ mà họ tự nhận là “đại diện trung thành”. Bố đã thấy các bạn học và các vị giáo sư đáng kính của bố gom những quả lựu đạn khói và cay do quân đội cộng sản bắn vào các trường đại học cổ kính và các khu ký túc xá rồi dùng chúng để đốt ra tro các thẻ đảng viên cộng sản của họ, rồi họ dùng bàn ghế làm thành luỹ ngăn xe quân đội cộng sản vào trường bắt bớ, họ cùng nhau sống nhiều tuần lễ trong giảng đường như công nhân sống nhiều tháng trời trong xưởng đóng tàu của mình…Bố đã thấy những hầm mộ linh thiêng trong các nhà thờ Balan trở thành nơi cứu sống cả dân tộc khao khát tự do - nơi những cỗ máy photocopy nhân bản sự thật hàng triệu lần làm vũ khí hạ gục những nòng đại bác cộng sản chạy điên cuồng trên các đường phố và thôn quê của Chopin…

Tóm lại, bố đã được “mở mắt” về bản chất của cái gọi là “đấu tranh giai cấp” (thực ra là nhiều lần “nhắm tịt như mù’, không khóc mà nước mắt vẫn chảy ròng ròng nhiều ngày, đầu óc luôn đau buốt vì hoá chất từ lựu đạn khói cay của cộng sản trên đường đi học và đi thực tập và trong ký túc xá của bố) để kịp nhận ra khái niệm “giai cấp” và “đấu tranh giai cấp” của cộng sản là vô cùng ác độc và nguy hại đối với loài người. Bố đã thấy dường như không gia đình nào, dân tộc “XHCN” nào được bình yên trước các cuộc “đấu tranh giai cấp” của các đảng cộng sản nhân danh giai cấp vô sản. Sau này trở về, bố càng thấy điều đó rõ ràng trên đất nước mình, cho đến hôm nay…Bố thấy cả hệ thống cấu trúc xã hội, nền tảng đạo đức con người, các nền văn hoá xã hội của các dân tộc vẻ vang trong đó cả dân tộc mình đã bị vùi xuống bùn tanh của chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp như thế nào…

Vì thế, bố đã nhiều lần từ chối gia nhập đảng cộng sản. Bố tin khái niệm giai cấp vô sản và đấu tranh giai cấp của Mác sai và mâu thuẫn với bản chất con người, đi ngược quá trình phát triển của loài người, nên chủ nghĩa cộng sản thiếu tính người đã, đang và sẽ phải diệt vong. Bố không cố chứng minh kết luận trên vì không phải nhà xã hội học, chính trị học hay triết học. Nhưng việc phải tự tìm ra trả lời cho mình về giai cấp vô sản và đấu tranh giai cấp với bố lại vô cùng quan trọng, vì bố không muốn con phải lạc vào mê hồn trận “đấu tranh giai cấp vô sản” đó, rồi mất cả đời người để tìm lối thoát ra.

Với bố, không có cái gọi là “giai cấp vô sản” mà chỉ có giai cấp công nhân, như các giai cấp khác đều làm ra giá trị và tài sản cho xã hội, đều muốn và có quyền tự do sở hữu tài sản của mình, và đều không muốn “cộng sản”. Với bố, không phải đấu tranh giai cấp hãm hại nhau ngược bản chất con người, mà là xây dựng xã hội tự do dân chủ trên cơ sở đảm bảo quyền con người bình đẳng mọi giai cấp mới làm xã hội phát triển tốt đẹp lên.

Sau gần 40 năm sống trong “đấu tranh giai cấp” bố thấy Mác chỉ là kẻ điên, còn các đảng cộng sản thì đã phạm đầy sai lầm và tội ác với các dân tộc họ vì các cuộc cách mạng giai cấp vô sản đẫm máu bạo lực cộng sản của họ. Bạo lực vô sản và đấu tranh giai cấp là hai thứ nguy hiểm nhất mà loài người từng phải chịu đựng và không thể chịu đựng được nữa.

Hôm nay, tuy cộng sản vẫn đang cực thịnh trên đất nước ta, nhưng bố tin rằng nếu tất cả các cậu trai 14 tuổi lớp 7 như con, tuy đã không còn phải lo âu về “thành phần giai cấp” của mình nữa, được nghe cha anh mình nói thật về bản chất của giai cấp vô sản và cái gọi là “đấu tranh giai cấp” của họ, như bố đang nói với con, như bố đã nói với chị con khi chị 17 tuổi, thì nhất định con sẽ không bao giờ tham gia “đấu tranh giai cấp” man rợ đó, nhất định không ai muốn “đấu tranh giai cấp” nữa, nhất định chế độ cộng sản sẽ diệt vong khi thế hệ con trưởng thành trên đôi chân mình, không phải trên ảo giác mê hoặc và lừa bịp của chế độ cộng sản giả dối đang bao vây kín khắp nơi từ khi các con là tờ giấy trắng.

Con hãy nhớ: ông bà nội con không vô sản, ông bà là công nhân và có tài sản lớn lao để lại là Niềm tin vào Tự do Dân chủ cho nước Việt - giá trị mà bố tin và con sẽ tin vào.

PS: Bố hy vọng là ngày ấy rất gần thôi, con ạ, dù con chưa hiểu hết những gì bố muốn nói. Nhưng bố mong con hiểu điều này khi con lên trung học, đại học- điều bố chỉ hiểu sau gần 40 năm bị “đấu tranh giai cấp” cộng sản đã hầu như đánh cắp cả cuộc đời.

Phan Châu Thành, Sài gòn – 12/03/2011.
.
.
.

1 comment:

mục đồng tìm trâu. Phan Thị Trọng Tuyến. said...

HAY QUÁ
Xứng đáng là con cháu cụ Phan Châu Trinh
XIN GỬI ĐẾN TÁT CẢ CÁC CHÁU BẠN ĐỒNG LỨA CỦA CẬU BÉ 14 TUỔI