Tuesday, March 15, 2011

HY VỌNG hay THẤT VỌNG ? (Võ Long Triều)

Võ Long Triều
Sunday, March 13, 2011 3:55:06 PM

Cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia lật đổ Tổng Thống Ben Ali, lan sang Ai-Cập buộc Tổng Thống Hosni Moubarak phải từ chức. Hai sự kiện này làm cho dân bị trị ở khắp các nước trên thế giới nô nức nổi dậy chống độc tài áp bức. Khởi sự các nước Libya, Yemen, Barhain, Jordan, Oman và hiện nay Ả Rập Saudi cũng thi hành biện pháp ngăn ngừa biểu tình chống đối. Luồng gió cách mạng thổi sang Trung Quốc và Việt Nam nhưng cho tới nay chưa có nơi nào đạt kết quả mong muốn. Riêng Libya tưởng chừng như đã thành công, nhưng nhà độc tài Kadafi ngoan cố ra tay sát hại hàng ngàn dân bất mãn. Ông và các con trai ông thề chết sống không nhượng bộ quyết tiêu diệt bạo loạn cho đến viên đạn cuối cùng.

Thế giới tự do lên án, cấm vận, phong tỏa tài khoản của cá nhân và gia đình Kadafi kể cả của quốc gia Libya. Lợi điểm quân sự của Kadafi là còn Không Quân làm cho các nước tự do lúng túng không thể áp dụng lệnh “cấm bay” (No Fly Zone) trên vùng trời Libya bởi vì Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không thông qua do Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Dù biết rõ hàng ngàn người chết dưới bom đạn của nhà độc tài Kadafi, Trung Quốc và Nga vẫn tỏ thái độ ủng hộ Kadafi vì không muốn thấy Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương phô trương sức mạnh giải quyết tranh chấp thế giới. Ðồng thời, Trung Quốc và Nga cũng biết chính các quốc gia kỹ nghệ Tây Phương bị ảnh hưởng nặng nề nhứt vì mức xuất cảng xăng dầu của Lybia giảm quá nhiều, hoạt động kinh tế sẽ yếu và xã hội sẽ bất ổn.

Chính trị và quyền lợi các cường quốc luôn luôn được đổi chác bằng sự hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân các nước nhược tiểu. Ðồng minh Mỹ-Anh-Pháp bỏ hàng triệu dân thành phố Warsaw chết dưới tay Ðức Quốc Xã chỉ vì Liên Xô, cũng là đồng minh cùng chống trục Ðức-Ý-Nhựt, không cho máy bay Mỹ đáp trên sân bay Liên Xô trong thời kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến. Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchil và Staline trả giá trên đầu các nước Ðông Âu, Mỹ thương thuyết giùm Việt Cộng bán đứng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Rồi đây tương lai Afghanistan, Iraq hãy còn lắm điều nhiêu khê.

Tóm lại, nội chiến ở Libya đang xảy ra, bên nào thắng bại còn chưa biết nhưng chắc chắn kết quả sẽ ảnh hưởng to lớn đến tương lai Việt Nam. Nếu các nước tự do ngồi nhìn Kadafi dẹp loạn bằng Không Quân thì cho dù dân chúng Việt Nam có nổi dậy đều trời đòi lật đổ chế độ độc tài đảng trị, cộng sản Hà Nội cũng sẽ yên tâm thẳng tay đàn áp bất chấp dư luận.

Hiện tại nhà cầm quyền Hà Nội đã biến các lực lượng quân sự địa phương nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của các bí thư đảng ở các đơn vị nhỏ lớn. Ngoài ra các nhà hoạt động dân chủ, tất cả đều bị canh chừng hay quản chế tại gia cũng bằng tù tại nhà, không ai được phép ra khỏi cửa. Quần chúng không được tụ năm hợp bảy thì làm sao huy động được dông đảo xuống đường. Những lời kêu gọi của BS Nguyễn Ðan Quế, Cha Lý hay khối 8406 sẽ trở thành những bản văn kích động lòng căm thù, yêu nước, chớ không có giá trị thực tế. Cho dù có một vài đơn vị quân đội nhân dân trở mặt tiếp tay thì không quân cộng sản cũng còn đủ lực tiêu diệt những ổ nổi lọan.

Nói như vậy có nghĩa là bi quan, thất vọng, trước tình cảnh bưng bít, trước quyết tâm đập tan bạo loạn từ trong trứng nước và ngay cả khi nó có cơ hội lan tràn.

Nhìn lại tình hình kinh tế Việt Nam vô cùng bi đát. Cái hố nghèo giàu ngày càng bị đào sâu. Dân oan khiếu nại thường xuyên vì bị đảng viên cướp đất cướp nhà. Nhân công biểu tình vì lương không đủ sống. Ðồng bạc Việt Nam bị phá giá 6 lần trong hơn hai năm bởi vì kinh tế quốc doanh phá hoại tài sản quốc gia bằng cách phung phí và ăn xới bớt ngân khoản nhà nước luôn cấp theo yêu cầu các giám đốc tham lam bất tài. Ðiển hình là công ty Vinashim mang nợ 7 tỷ Mỹ kim không trả nổi. Bi đát đến nỗi dân gian truyền nhau mấy câu ca đầy ý nghĩa:

Ðau đầu vì điện
Ðiên đầu vì đô
Ngây ngô vì vàng
Ngỡ ngàng vì đất
Ngây ngấy vì giá
Ngã vì lãi suất
Uất ức vì xăng

Chế độ đảng trị của Hà Nội, lấy kinh tế quốc doanh làm căn bản do đó nhà nuớc cho phép cơ quan quân đội và công an tham gia hoạt động kinh tế. Dĩ nhiên các công ty quốc doanh của hai tổ chức nòng cốt bảo vệ đàng phải được ưu tiên cấp vốn và đặc biệt ưu đãi.

Hiện tại kinh tế Việt Nam đang gặp khủng hoảng, lạm phát phi mã, vàng khan hiếm, thị trường đô la tạm thời đóng cửa, dân chúng không tin tưởng đồng tiền Việt Nam, họ dự trữ tiết kiệm bằng vàng và đô la. Xuất nhập cảng gặp khó khăn nếu không có lưu hành ngoại tệ, hàng hóa khan hiếm, giá cả vượt khả năng của người tiêu thụ. Chừng đó dân chúng, quân đội, công an, đảng viên đều bất mãn vì sự quản lý sai lầm vô trách nhiệm của nhà nước gây ảnh hưởng bất lợi cho cá nhân và gia đình họ. Ngoài ra, đảng viên cầm quyền ăn chia không đồng đều sinh ra đấu đá tranh quyền đoạt lợi.

Chừng đó mới hy vọng có thể tập hợp được đông đảo quần chúng xuống đường đòi phải thay đổi chế độ mà không gặp sự can thiệp của công an hay quân đội bởi lẽ họ cùng chịu số phận như toàn dân.

Sự quản lý tồi tệ của một thiểu số người lợi dụng quy chế đảng nắm độc quyền trục lợi, biến đất nước thành một xã hội thối nát về kinh tế, tụt hậu về giáo dục, tha hóa về đạo đức sẽ là ngọn lửa thiêu hủy chế độ.

Riêng bọn cầm đầu có sự che chở của Trung Quốc chỉ cần bước sang qua biên giới là cả gia đình dòng họ của bọn chúng yên hưởng khối tài sản khổng lồ tóm thu được mấy chục năm qua. Sự tiên đoán này có thể khắt khe đối với bọn hại dân bán nước nhưng nó không xa với sự thật là bao nhiêu.

Ðó là chưa kể những tên được Trung Quốc bao che đặt để cầm quyền cai trị Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng, Nông Ðức Mạnh và đồng bọn, khi chúng thấy nguy cơ mất quyền, chỉ còn cách kêu cứu với các đồng chí anh em láng giềng “Tốt,” nhân danh tinh thần “Hợp Tác Toàn Diện,” tràn sang cứu nguy tái lập chế độ.

Một khi có sự can thiệp của ngoại bang thì mối căm thù ngàn năm “Bắc Thuộc” của Tàu sẽ làm dấy lên lòng tự ái dân tộc, tình đoàn kết chống xăm lăng, lật đổ chế độ, giành quyền cứu nước. Vả lại, ở vào thời đại ngày nay chưa chắc một sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trường Việt Nam sẽ không bị thế giới tự do ngăn cản bằng cách này hay cách khác.

Quyền tự do, quyền làm người không thể đương nhiên mà có, lịch sử đã từng chúng minh cái giá tự do phải trả bằng xương và máu.

10 tháng 3, 2011
.
.

.

No comments: