Friday, March 18, 2011

BÀI HỌC TỪ NƯỚC NHẬT (Trịnh Thanh Thủy)


Những câu chuyện đã trải qua và kinh nghiệm sống được chia sẻ của Nguyễn Đình Đăng, Hà Minh ThànhHoàng Long về nước Nhật thật là những chia sẻ quý báu và đầy xúc cảm. Thủy và bạn đọc rất cảm ơn những bài viết đầy tính nhân bản và thú vị này. Cả thế giới ai cũng ngưỡng phục thái độ bình tĩnh, tinh thần tự trọng, phẩm cách cao cả biết hy sinh của những con người trầm tĩnh và biết chịu đựng kia. Từ những hình ảnh trên truyền thông, báo chí, hệ thống mạng về phong cách trong ứng xử kiên cường của người Nhật với thiên tai vừa qua, đến gương hy sinh của một đứa bé mới 9 tuổi đầu để lo cho người khác do anh Hà Minh Thành thuật lại đã làm rúng động lòng người. Còn câu truyện kể của những thầy cô giáo trong nhà giữ trẻ ở Yokohama được thu hình qua một web cam nữa, tất cả như một minh chứng cho một dân tộc đáng được thế giới nể phục. Những thầy cô ấy đã dùng thân mình che chở cho các em học sinh khi động đất đang xảy ra và đứng chờ ở trung tâm giữ trẻ trao từng em bé vào tay các cha mẹ đến rước cho đến đứa bé cuối cùng. Đứa nào cũng được quấn chăn bảo vệ cẩn thận. Trong khi một người Trung Hoa kể khi trận động đất ở Sichuan xảy ra năm 2008, một thầy giáo có tên là Fan đã bỏ đám học sinh và chạy trước tiên khiến sau này người ta gọi ông là "Fan Pao Pao" (Fan run run or "Runner Fan").

Đức hy sinh, gương can đảm và sự trầm tĩnh không phải ai cũng có. Giáo dục làm sao mà một đứa bé 9 tuổi đã biết làm điều đó thì dân tộc ấy phải xứng đáng được gọi là vĩ đại. Tính hiếu sanh và lòng sợ chết thể hiện mạnh nhất ở con người. Trong tai ương, ở trong hoàn cảnh đối đầu với cái chết ai cũng hãi sợ và chỉ biết co chân chạy lo lấy thân mình trước. Hun đúc được đức tính hy sinh cho người khác là một đặc điểm cao quý của người Nhật. Thủy chỉ viếng thăm Nhật một lần cách đây vài năm, đã kinh ngạc trước một xứ sở trù phú, xinh đẹp vô ngần mà còn thú vị hơn khi đi sâu vào phong tục tập quán và con người nhiều chiều sâu đầy tâm thức ấy.

Xin chia sẻ cùng bạn đọc một bài viết cách đây 6 tháng về một khía cạnh khác trong cách ứng xử của người Nhật cùng cây trái và thú chăn nuôi.

Ngày xuân, hoa đào và đào thơm đất Nhật

Xuân về, cũng là lúc những tình hoa xé cuống nụ trên cánh đài biêng biếc mở ra những đóa hoa xuân rực rỡ. Mai, đào tươi hơn hớn thả nhụy hương duyên xuống trần, làm khách ly hương se sẽ nhớ cảnh, nhớ nhà. Tôi cũng chạnh nỗi lòng chàng Lưu Nguyễn mà thả thần trí theo tiếng nhạc “Thiên Thai” và mơ hồ giấc mơ sương khói. Thoang thoảng nghe hồn mình ngân vút một nốt cao của tiếng sáo tiễn chân câu hát “Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần. Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm.” Hình ảnh các nàng tiên nữ múa khúc nghê thường dâng lên chiếc khay chất đầy những trái đào thơm làm tôi liên tưởng tới những trái đào Nhật thật to, màu sắc tươi đẹp, ngọt ngào hương tôi được nếm ngày nào trên đất Nhật. Chưa bao giờ tôi được nếm những trái đào ngon và thơm như vậy. Mùi thơm và vị ngọt tươi dòn đó không thứ đào thơm nào sánh bằng. Có ai sang Nhật chơi mà không thả lòng mơ hoa, không mến những mái chùa nâu ẩn hiện dưới những tán dù kết bằng hoa anh đào tuyệt đẹp? Mà lòng không chùng xuống nhẹ nhàng khi thấy những bàn tay thon thả trong các tà áo Kimono thắm sắc đang sắp xếp những trái đào ửng đỏ vào chiếc khay mang đến cho du khách dùng tráng miệng vào buổi cơm chiều? Nếu bạn chưa bao giờ được nếm đào Nhật, thật là tiếc lắm vì bạn chưa có dịp được nếm thứ vưu vật thiên nhiên mà trời đất đã ban cho loài người. Có một điều hơi khó khăn là muốn nếm chúng, bạn phải bay qua Nhật, đến ngay địa phương nơi có những trái đào được sản xuất bởi những nông trại nổi tiếng mới được. Vì ở Nhật trái cây được trồng theo từng vùng, từng nông trại riêng, ngay cả người Nhật muốn thưởng thức cũng phải đến tận nơi đó mới có. Người Nhật có truyền thống canh tác theo tổ chức gia đình(family-owned) còn gọi là mô thức bộ lạc và họ hãnh diện về điều này. Nhiều gia đình làm chủ những mảnh vườn trồng tỉa từ đời này qua đời khác và tận lực chăm sóc cũng như bảo vệ danh tiểng của sản phẩm họ bán ra. Họ chăm chút từng gốc cây, tỉa từng cành lá và phải nói là họ rất coi trọng tiếng tăm sản phẩm của mình. Bạn có thấy được hình ảnh những bà cụ già quỳ bên luống rau, bắt từng con sâu, lau từng chiếc lá, hay chàng nông dân Nhật trẻ đứng bên gốc đào nâng niu, lau từng trái đào mơn mởn, bạn mới thấy tấm lòng thương cây, quý quả của họ đến dường nào.

Nước Nhật là một nước tiên tiến, kỹ thuật và công nghệ của họ đi trước các nơi khác hằng bao nhiêu năm mà tại sao họ không dùng máy móc hay những hoá chất diệt trừ sâu bọ để canh tác vừa đỡ gánh nặng lại có hiệu quả sản xuất lớn?

Câu trả lời là: họ vì lợi ích chung của con em, dân tộc họ mà quên cái lợi trước mắt để cùng lo phòng, tránh cái hại chung cho đất nước. Ở Nhật, những hoá chất giữ lâu cho sản phẩm (preservative) bị cấm hoặc nếu được dùng sẽ bị hạn chế theo một mực độ tối thiểu để bảo vệ sức khoẻ của người dân. Khi tôi viếng thăm vài gia đình Nhật và có giao lưu văn hoá với họ, tôi được biết người Nhật không coi trọng tiền bạc cho lắm mà cái họ trọng nhất là danh dự. Nếp văn hoá của người Nhật từa tựa người mình, cũng lễ nghĩa kỹ lưỡng. Đi thưa về trình, nhưng không trình những người lớn hơn ta mà trình với tất cả mọi người khi ra khỏi nhà và lúc về đến nhà. Khi làm công việc gì họ cũng đặt tinh thần đồng đội (team work) lên trên hết. Tỷ như trong một lớp học hay trong nhà, ai cũng chịu trách nhiệm dọn dẹp, hốt rác lớp mình hay nhà mình. Người Nhật không mướn lao công quét dọn trong trường học. Vì thế họ có tinh thần tự giác cao độ, không xả rác bậy vì nếu xả, chính mình là người phải nhặt.

Người Nhật chấp nhận khó khăn, phức tạp và rất kiên nhẫn học hỏi hay chịu đựng, cộng thêm với lối làm việc có phương pháp là bí quyết thành công của họ.

Việt Nam ta, ngày xưa cũng canh tác theo tinh thần cá nhân và gia đình, nhưng sau theo “chủ nghĩa xã hội”, lối canh tác và trồng trọt cũng thay đổi. Ngày nay, vì trục lợi mà người mình bắt chước Trung Quốc dùng quá nhiều hoá chất cho những sản phẩm được làm ra. Bây giờ ở hải ngoại hễ nghe thực phẩm Made in Viet Nam hay Made in China, ai cũng phải đề phòng tránh mua. Hậu quả này thật là chua chát cho một nước mới bắt đầu phát triển như Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta phải học người Nhật cách xử sự để cải tiến lại nông sản của mình hầu tương lai còn gầy dựng lại tiếng tăm của mình trên cả thị trường trong nước và ngoài nước.

Người Nhật hiện giờ có rất nhiều nông trại sản xuất những nông phẩm không dùng phân bón hoá chất, và cây trái của họ còn gọi là nông phẩm hữu cơ (organic).

Khi bạn thăm một nông trại hay vườn cây trái hữu cơ ở Nhật bạn sẽ được ăn rau và hoa quả tươi. Nơi đây gà được nuôi theo tiêu chuẩn ăn kiêng rất nghiêm túc và trong điều kiện an toàn để chúng có thể sản xuất những cái trứng lành mạnh và ngon miệng hơn. Các chủ trại gà cho rằng khi giữa họ và gà có một không khí gia đình ấm cúng thì những con gà cũng có khuynh hướng sống vui hơn. Một con gà sống vui là một con gà cho thịt ngon. Rau quả cũng vậy. Khi chọn những thực phẩm mua từ nơi không dùng hoá chất độc hại và thuốc trừ sâu, chúng ta yên tâm và sẽ ăn ngon miệng hơn. Tuy chỉ có khoảng 44 phần trăm người Nhật theo đạo Phật nhưng tinh thần thiền học ăn sâu vào đời sống người Nhật. Họ áp dụng tính thiền trong nhiều khía cạnh, trong việc canh tác và chăn nuôi nữa.

Ngoài thực phẩm hữu cơ những nhà trồng tỉa Nhật còn theo triết lý “canh nông theo phương pháp tự nhiên”. Họ cố gắng kết nối kéo con người trở về lại với thiên nhiên. Trồng tỉa là một lối tốt để thông hiểu nông nghiệp tự nhiên và nối liền con người với đất. Tuy nhiên vì diện tích canh tác quá nhỏ hẹp mà người Nhật lúc nào cũng đối đầu với việc thiếu thực phẩm và phải nhập cảng rau trái từ các nước khác. Số đậu nành nhập vào từ Trung Quốc và Hoa kỳ chiếm 90 % của tổng sản lượng quốc gia. Những rau trái, hoa quả, gạo, thịt đều phải nhập thêm từ các quốc gia khác. Do đó bộ canh nông Nhật ra nhiều điều luật khắt khe để kiểm soát thực phẩm được nhập vào đất Nhật. Có 4 điều kiện phải theo, thực phẩm phải đúng luật an toàn, hợp vệ sinh, đúng tiêu chuẩn bộ canh nông Nhật và bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng. Mỗi món nhập vào đều phải đưa trước một chút mẫu để bộ kiểm soát thực phẩm phân chất trước xem có hội đủ điều kiện không.

Các bạn thử nghĩ ăn một miếng thịt, nếm một cái bánh, thử một trái đào mà trong lòng nhẹ tênh như mây, không lo lắng ăn phải chất độc thì còn gì bằng.

Ngày xuân, ngồi trong phòng khách, ngắm một nhánh đào đầy hoa kép lơ thơ vài chồi lá xanh chúm chím, lòng ai không xênh xang một nỗi nhớ “Hoa đào năm trước còn cười gió đông”. Rồi đi xa hơn, tưởng tượng ra cái cảnh “Lá đào rơi rắc lối thiên thai” của Tản Đà. Và để trí mình lạc bước xa hơn về miền sơn cước, trong cái không gian rực rỡ mênh mông ngút ngàn những hoa đào ở vùng biên thùy Việt Bắc của nhà văn Vũ Bằng. Bạn sẽ thấy hình ảnh “vài ba cô gái sơn cước cưỡi ngựa thồ, vắt chân về một bên, đi nhởn nhơ dưới trận mưa hoa, vừa nói chuyện vừa ngửa mặt lên trời cười” như một bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên. Tiết xuân đang thắm ngoài kia, bạn hãy cùng tôi mơ một chiều quê hương, đi cuối con dốc, dưới cội đào có gió thả những cánh đào thắm rắc tóc li ti. Bạn sẽ thấy hồn mình chắp cánh rơi lả tả như hoa đào trên thảm cỏ xanh như một cơn mưa màu sắc.

Trịnh Thanh Thuỷ
.
.
.

No comments: