Friday, March 18, 2011

ĐỘNG LÒNG - ĐỘNG ĐẤT - ĐỘNG TRỜI (Hạ Long Bụt Sĩ)

Hạ Long Bụt Sĩ
Friday, March 18, 2011


Những năm 1986-87-88 ở vùng Bắc Cali, những trận động đất nhỏ, chừng 3-4 độ Ritchter xẩy ra luôn luôn, có đêm, đang chập chờn ngủ, giường chiếu đưa đẩy như nằm võng, giật mình thức dậy, nhưng chỉ mấy giây, mấy giây qua đi như một cơn ác mộng, có một lần, cùng với địa chấn, nghe rõ tiếng hú, ù ù, u u, âm rất lạ, như tiếng thở, tiếng ú ớ của quỷ thần, tưởng như quái quỷ yêu tinh từ lòng đất bật lên... có người mô tả động đất phát ra tiếng động như tiếng tầu hoả xiết trên đường rầy, nghe rợn tóc gáy! Cơn chấn động theo khoa học thường tạo ra hai loại sóng: sóng P làm rung mặt đất theo chiều lên xuống, sóng S làm rung mặt đất từ bên này sang bên kia, sóng P tới trước sóng S. Tuỳ theo hướng, có khi chỉ 4 độ Richter mà thấy động mạnh, có người, trước cơn địa chấn 24g, bỗng thấy nhức đầu như búa bổ và muốn buồn nôn... hai ba lần nghiệm ra, thiên nhân tương dữ, người với trời đất tương quan mật thiết với nhau, bộ thần kinh như dây ăng ten, có thể bắt được siêu tuyến, biết trước... Sinh vật, như chó, mèo, cá, rắn... trước cơn địa chấn, còn thấy khác lạ, nữa là con người -tú khí, linh ư vạn vật làm sao không cảm nhận được, có chăng vì bận rộn, sống phóng ngoại quá nên nội tâm không còn đủ tinh thần bắt đúng kênh -channel- trời đất mà thôi.

Trăng lên, thuỷ triều dâng ầm ập... kinh nguyệt phụ nữ cũng theo nguyệt kỳ... ông trăng bà nguyệt... có thể làm cả đại dương căng lên, có khi dâng nước sông, biển gây lụt lội hồng thuỷ. Dấu ấn hồng thuỷ, cả 4000 năm trước hình như còn để lại ở vách núi non Tam Đảo Tản Viên... đất long lở, trời động lòng, người tim đập, hồi hộp... tất cả trong một tổng thể, một gestalt- những đơn vị trong vũ trụ, tiểu vũ hoặc đại vũ, dính dáng mật thiết với nhau, sống chết cùng nhau, trong một dòng thời gian miên viễn bất khả tư nghị. Cho nên cổ nhân thấy nhật thực, nguyệt thực, mây thành, sao chổi... đều xem là điềm xấu, dựa trên kinh nghiệm của bao nhiêu thế hệ, một loại thống kê dân sử tương quan giữa thiên nhiên và con người, đồng nhất thể.

TRẬN ĐỘNG ĐẤT BẮC CALI 1989

Đúng 5g 04 phút chiều ngày 17 tháng 10, 1989, tôi vừa đi làm về, đang ngồi chưa kịp dở trang báo ra đọc, thì một tiếng ầm như bom dội trên đầu, cửa kính rung lách cách, cả khung nhà lung lay, rầm rầm như trời long đất lở... Tôi vội chạy ra cửa, đứng dựa vào khung cửa, đúng theo lời khuyên, là đứng hay ngồi ở chỗ cứng mạnh nhất, tránh vật lạ từ trần nhà rơi trúng đầu, tôi chỉ cầu cho cơn chấn động qua nhanh như mọi lần, nhưng lần này sao lâu qua, như mấy đợt bom dội quanh nhà, có cảm tưởng như cơn giận dữ ghê hồn của tạo hoá, bỗng thấy mạng mình như con kiến, thiên nhiên kinh khủng quá... Sao lâu thế? Sau này mới biết đất động có hơn mấy chục giây mà tưởng dài hơn cả một thế kỷ! Thấy bớt rung, tôi chạy vội xuống sân đậu xe, vẫn còn dư chấn aftershock, cỡ 5 độ R, cả vách tường bị nứt vỡ, gạch rơi xuống ngổn ngang, và lúc ấy một chiếc xe nhỏ nhấp nhổm như có tay ai nghịch nâng lên đặt xuống.

Cả tuần, sau trận địa chấn kinh hoàng này, người ta dễ mất ngủ, chỉ lo đang ngủ đất lại động nữa thì chạy không kịp... cả khu nhà ở mất nước một ngày, khi thiếu mới thấy nước là nhu cầu chính yếu số một của đời sống, thiếu nó là không thể được...Sau này có đi mua đèn pin, dự trữ nước thì cũng đã muộn... Sau ba mươi năm loạn ly ở quê nhà, bom đạn, chạy hầm tránh pháo kích...đây là lần tôi thấy sợ nhất, hơn tất cả những ngày tháng chiến tranh.

Trận động đất Loma Prieta này, 7.1 độ Ritchter, do vết nứt dài San Andreas quậy mình, ở mãi vùng Watsonville gần Santa Cruz, vậy mà làm xẹp cả xa lộ hai tầng Oakland, trông cảnh tượng như bánh mì kẹp xe ô tô ở giữa...

Nhưng trận ấy, chỉ có 63 người chết, 3757 người bị thương, so với những trận địa chấn ở Tứ Xuyên, ở Chí Lợi (8.8 độ), ở Haiti, và bây giờ ở Nhật (9.0) thì chẳng thấm thía gì! Cứ mỗi độ Richter (do viện California Institute of Technology đặt ra năm 1935) là đo tăng gấp mười lần: 9.0 là mạnh gấp 20 lần 7.0... Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử xẩy ra năm ngày 22-5-1960 ở Chile là 9.5 ! Ngay một trận động đất nhỏ, cỡ 4.0 -4-9, cũng có sức tàn phá bằng một quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki rồi, chứ nữa là trên 9.0! Theo giới thẩm quyền Địa Chấn học thì hàng năm trên địa cầu có tới 18 vụ động đất 7 - 7.9 độ R, cỡ 8 - 8.9 chỉ xẩy ra một lần mỗi năm, và cỡ 9 - 9.9 thì cả 20 năm mới xẩy ra một lần! Tính từ 1900 tới nay, đã hơn 2 triệu người chết vì động đất.

ĐỘNG ĐẤT Ở VIỆT NAM

Việt Nam cũng có động đất, lớn nhất cũng chỉ khoảng 6.8 độ Richter ở Điện Biên Phủ năm 1935, và năm 1278-1285, thời nhà Trần kháng Mông Cổ, đã có trận động đất 6.7 ở ngay Thăng Long!

Theo nghiên cứu của Trần Thị Mỹ Thanh (VN) và Graeme H.Mc Verry (New Zealand) gần đây thì vết nứt ở dọc sông Hồng sông Chẩy (dài gần 900 km), sông Lô, sông Mã, vùng Sơn La, Điện Biên đều có vết nứt dài, có thể gây địa chấn lớn mặc dầu theo thống kê thì có thể rất lâu mới xẩy ra một lần. Nói chung, đất Việt Nam được đánh giá ở mức thấp tới trung bình về nguy cơ địa chấn (low to moderate seismicity).

ĐỘNG ĐẤT BÊN TẦU

Năm 1976 động đất lớn 7.5 - 8.0 độ R cách Bắc Kinh 75km, làm cả 242000 người chết (có tài liệu ghi 655,237 người chết và 779,000 người bị thương), dân Tầu kháo nhau: điềm dữ, có vua chúa băng hà! Lãnh tụ Chu rồi Mao quả nhiên về chầu Mác Lê tháng 1 và tháng 9 năm đó!

Nhìn vào bản đồ địa chấn Trung Hoa, người ta thấy chằng chịt chi chít những vết nứt ngắn dài, bao quanh mặt Tây và Bắc và một vết dài phía biển Quảng Đông, nhìn sang Đài Loan! Ghi nhận năm 1556 trận động đất ở Sơn Tây ngày 24 tháng 1 đã làm 830,000 người mất mạng ! Người Tầu đã biết quan sát và khảo sát về địa chấn cả ngàn năm trước, đời Hán Chang Heng năm 132 đã làm một nồi sắt lớn đo hướng động đất : nồi gồm 8 miệng rồng mỗi miệng ngậm một quả cầu, ở trên, 8 miệng cóc mở rộng ở dưới, hễ quả cầu kim loại rơi từ miệng rồng xuống miệng cóc nào thì là động đất hướng đó ! Kinh nghiệm dân gian ở Nam Ninh, Quảng Tây, ngày nay vẫn dùng rắn để tiên báo : hễ rắn bò khỏi lỗ, có khi leo lên tường là điềm động đất, rắn biết trước cả 3-5 ngày, dù đất động cách xa tới 120 km.

Vùng Vân Nam từ 1985 tới 2009, có cả chục trận động đất từ 5 độ tới 7 độ, vùng Tân Cương, Tứ Xuyên thường xẩy ra những trận động lớn cỡ 7.0 độ R. Điều đáng lo ngại nhất là các đập nước vĩ đại của Tầu, nếu bị động đất cấp 9.0 R, có thể bị vỡ nứt, tạo lụt lớn ảnh hưởng tới cả mấy trăm triệu dân, nguy biến có cơ lan sang Việt Nam ta.

ĐỘNG ĐẤT - SÓNG THẦN và CHIÊM TINH

Từ dăm năm nay, thiên tai động đất, sóng thần, xẩy ra nhiều lần tại vùng Thái Bình Dương: trận động đất ngầm 9.3 ở Sumatra - Thái - Sri Lanka ngày 26-12-2004 làm 225000 người thiệt mạng vì Tsunami cuốn trôi cả nhà lẫn người. TV gần đây nhân vụ Nhật Bản, phỏng vấn một cô người Ba Tây, đi trăng mật ở Phuket với chồng, gặp sóng thần phải bám vào thân cây cả 8 tiếng, may thoát chết. Người viết bài này, khi ấy đang ở Phuket, vui đùa với sóng xanh cát mịn, xứ Phật hiền hoà, may thay rời đi trước Noel, lên Chieng Mai. Vừa tới Chiêng Mai xem CNN thấy cảnh sóng thần tràn vào đúng quán Starbuck và Mc Donald bên bờ biển mà sáng sáng, ngồi bên ly café, tôi vẫn thầm mơ kiếp sau, không hoá kiếp vào thời thịnh trị Lý Trần thì cũng chuyển kiếp sang đất Phật Thái Lan hiền hoà, vua, hoàng hậu, biết chắp tay quỳ gối trước vị cao tăng ngồi trên xập gỗ, đời Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn thời Đại Việt tưởng cũng chỉ đẹp đến thế là cùng! Cả ốc đảo chùa Khỉ, cả đảo xa khu người Hồi sinh sống lênh đênh giữa biển, chắc hẳn đã xoá vào cõi vô thường sóng nước, trong một khoảnh khắc bất ngờ nhất, tại một địa điểm du lịch êm đẹp nhất. Trước những thiên tai ấy, luật vô thường hiển hiện đã đành mà dường như còn chấn động tâm não, làm con người giác ngộ thêm về : thân phận con người, về cái tôi nhỏ bé phù du, chợ đời phù phiếm quá nhỏ bé ty tiện, Tạo Hoá vô biên có bàn tay đâu đó ấn quyết trái đất...

Mấy năm gần đây, động đất lụt lội xẩy ra khắp địa cầu, thiên tai ở Á Đông như :

Năm 2008 động đất 8.0 ở Tứ Xuyên chết cả trăm ngàn người
Năm 2010 động đất Sumatra 7.8, Baja California-Mễ Tây Cơ 7.2 (cũng thuộc Thái Bình Dương)
Năm nay 2011: động đất New Zealand 6.3, Đài Loan 6.4, Eureka (California) 6.5, Nhật Bản 9.0 vừa qua.

Mỗi lần động đất lớn, trục địa cầu thường lệch đi một chút : Ở Sendai vừa qua axis lệch 4 inches, gấp đôi trận động đất 8.8 ở Chile hôm 3-3-2010, và bờ biển vùng Sendai cũng di đi 8 feet. Theo gs Harvard O’Connell khi axis lệch đi thì giờ giấc cũng bị ảnh hưởng, di dịch 139 độ về hướng Đông, làm ngày mất đi 1.6 micro sec. So với trận Chile, di dịch 112 độ hướng Đông, ngày chỉ ngắn đi 1.2 micro sec.

Một số nhà thiên văn và chiêm tinh lo rằng ngày Siêu Nguyệt (March Super Moon) tháng 3 nhằm ngày 19-3-2011 trăng rằm gần trái đất nhất (cứ 18.6 năm lại xẩy ra một lần gần nhất như vậy) có thể tạo thêm lũ lụt vì trăng hút nước dâng, các năm 1955-1974-1992- đã xẩy ra thiên tai bão lụt nhiều nơi.

Theo Richard Gross của NASA khi động đất mạnh, trái đất xoay không đều, lắc lư, nghiêng ngả.

Lịch Maya từ nghìn năm trước đã tiên đoán được ngày đại biến chuyển thế gian là đông chí 21-12-2012, nhiều biến động thiên thể, mặt trời, vẩn thạch sát địa cầu, đã được khoa học thiên văn xác nhận.

Ta có câu : Đức năng thắng số, người hay dân tộc có Đức thì tai hoạ cũng giảm bớt. Luật Trời và thế gian không ra khỏi 2 nguyên lý : nhân quả vô thường. Cho nên, cổ nhân dựa theo Sấm Trạng Trình đã viết:

Mười phần chết bảy còn ba
Chết hai còn một mới ra thái bình.


... Một cơn sấm dậy đất bằng
Thánh nhân ra mới cứu hằng sinh linh...

HẠ LONG Bụt Sĩ 16-3-2011

(Tư liệu Earthquakes và Tsunamis tra cứu từ Thần cơ điện thánh Google- Mời đọc thêm chi tiết chiêm tinh lý số 2011-2012 trong mạng www.halongvandan.wordpress.com Chuyên mục Sấm Ký)
.
.
.

No comments: