Tuesday, March 8, 2011

ÁM ẢNH TỪ TRẬN ĐỘNG ĐẤT Ở CHRISTCHURCH (Bay Vút)

28/02/2011 - 14:47

Phạm, một cựu du học sinh Việt Nam đang sống và làm việc tại thành phố Christchurch kể lại hồi ức kinh hoàng từ trận động đất mà cô trực tiếp chứng kiến.
------------------------

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Tê liệt vì sợ hãi
Tôi từng sống ở Úc một thời gian dài trước khi chuyển sang quốc gia anh em láng giềng của nước này là New Zealand. Ngay khi mới đặt chân đến thành phố Christchurch ở vùng Canterbury, phía Đông Nam đất nước này, tôi đã lập tức yêu mến và quyết định gắn bó lâu dài với nó.
Canterbury là khu vực rộng lớn nhất của New Zealand với diện tích khoảng 45,346 km vuông và thủ phủ là Christchurch, xung quanh là những thị trấn nhỏ như Darfield, Ashburton, Rangiora, Kaiapoi...
Trên thực tế vào ngày 4/9/2010 ở Canterbury cũng đã từng xảy ra trận trận động đất rất lớn với cường độ lên tới 7,1 độ Richter, cách Christchurch 40 km. Tuy nhiên, vì nó xảy ra vào lúc rạng sáng thứ Bảy và chưa có nhiều người ra đường nên chỉ có hai người bị thương nặng. Mặc dù vậy, thiệt hại về vật chất là rất lớn, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn.
Sau trận động đất đó thì gần như ngày nào cũng xảy ra vài ba dư chấn, có những đợt rất mạnh. Tất cả những người dân sinh sống xung quanh khu vực bị ảnh hưởng vào thời gian đó đều rất lo lắng và mệt mỏi.
Người dân ở Chirstchurch, trong đó có tôi, hầu như ai cũng biết những điều nên làm trong trường hợp động đất nhưng trên thực tế, khi nó thực sự xảy ra thì đầu óc tôi dường như bị tê liệt vì sợ hãi và hầu không làm được theo đúng chỉ dẫn.

Giây phút chao đảo
Khi trận động đất mạnh 6,3 độ Richter xảy ra ở Christchurch vào lúc 12 giờ 51 phút ngày 22/02 vừa qua, tôi đang họp trên tầng 5 của một tòa nhà.
Mọi thứ bỗng nhiên chao đảo, tường kêu răng rắc. Ban đầu tôi nghĩ rằng đó chỉ là một dư chấn như vẫn thường xảy ra ở thành phố này nhưng không ngờ cường độ của nó mỗi lúc càng mạnh lên. Bàn, ghế bắt đầu bị xô đẩy còn đèn thì tắt phụt. Tất cả mọi người vội chui xuống gầm bàn, cố bám víu vào chân bàn, ghế để không bị xô đi.
Tôi không thể nhớ chính xác trận động đất kéo dài trong bao lâu nhưng sức ép của nó khiến tôi có cảm giác như đang ngồi đu đưa trên võng. Một lúc sau, khi mọi thứ đã trở nên im ắng trở lại, tôi bắt đầu lồm cồm chui ra khỏi bàn. Đập vào mắt tôi là tất cả bóng đèn đều bị vỡ, trên sàn đầy những mảnh bê tông lớn nhỏ rơi xuống từ trần nhà.
Tôi rất hoang mang, sợ hãi và không biết làm gì tiếp theo. Thấy mọi người chạy túa ra cầu thang, tôi cũng vội vàng lao theo.
Rời khỏi tòa nhà, hầu như mọi người đều bị mất phương hướng, cứ bám theo nhau mà không rõ sẽ đi đâu. Điều may mắn là không có người nào bị thương hoặc thiệt mạng.
Ngày hôm đó trời mưa to và gió lạnh, chúng tôi đứng run lập cập bên nhau. Chưa kịp hoàn hồn thì mặt đất dưới chân tôi bỗng nhiên chao đảo, nhà cửa ngả nghiêng, xe cộ lắc lư, cây cối như muốn đổ sập. Lại thêm một dư chấn mạnh xảy ra! Lúc đó tôi chỉ kịp níu áo một người bạn rồi cả hai nhanh chóng nhảy ào ra khỏi tán cây để tránh bị đổ vào người. Sau này tôi mới biết dư chấn đó có cường độ tương đối mạnh, khoảng 5,7 độ Richter.
Trên các đường phố, tất cả người dân đều đổ ra đường nhưng tôi vẫn quyết định về nhà xem có bị hư hại gì không. Mọi lần về nhà tôi chỉ mất khoảng 10 phút thế mà hôm đấy tôi đi bằng con đường tắt nhất cũng phải hơn một tiếng sau mới tới nhà.
Vào nhà, thấy không bị thiệt hại gì nhiều trừ một số đồ đạc bị rơi vỡ, trong lòng tôi đã mừng thầm. Thế nhưng chưa kịp kiểm tra hết các phòng thì căn nhà tôi lại rung lên với cường độ mạnh tới mức khiến tôi phát hoảng và phóng bay ra khỏi cửa. Ra khỏi nhà rồi nhưng mặt đất vẫn còn rung rinh, thậm chí chiếc xe ô-tô của tôi cũng ‘nhảy’ trên đường một lúc mới chịu dừng lại.
Sau đó, tôi quyết định không dọn dẹp tổng thể căn nhà vì dư chấn vẫn có thể tiếp tục xảy ra mà chỉ thu gom mảnh vỡ, còn đồ đạc để hết xuống đất cho an toàn. May mắn là chỗ tôi ở vẫn có điện và nước trong khi 80% khu vực trong thành phố đều bị mất điện.

Cơn trầm cảm nặng nề
Rất may mắn là những người hàng xóm xung quanh nhà tôi đều ổn cả. Chỉ tội nghiệp cho những người già, có người mất ngủ cả đêm vì lo lắng, sáng ra mặt mày hốc hác, đầu tóc bạc phơ, nhìn như già đi mấy tuổi, có người lại bị sốc quá, lái xe không tập trung nên gây ra va quệt trên đường phố.
Đường sá, nhà cửa xung quanh khu vực tôi sống bị hư hại tới mức không thể tưởng tượng nổi. Những khu nhà đẹp tôi vẫn nhìn ngắm bây giờ đã bị đổ sập, những con đường ra biển mà trước đây tôi vẫn thường đi giờ tràn đầy bùn đất do hệ thống nước ngầm bị vỡ và phụt lên, thậm chí có những chỗ còn tạo thành xoáy nước lớn tới mức có thể hút cả một chiếc xe tải xuống. Dọc đường có không biết bao nhiêu chiếc xe như vậy, có cái bị hút xuống một nửa, có cái thì chỉ còn thấy mỗi đuôi xe.
Khi bật TV lên xem, tôi không thể đứng vững khi nhìn thấy những tòa nhà đổ nát, thi thể những người thiệt mạng nằm la liệt. Con số thương vong tăng cao theo từng giờ. Màn ảnh tường thuật ở bên trong một tòa nhà đổ sập và bốc cháy ở trung tâm vẫn còn 50 người bị kẹt nhưng không thể giải cứu. Kento Okuda, một sinh viên Nhật Bản được cứu thoát nhưng buộc phải cưa một chân.
Trái tim tôi dường như bị bóp nghẹn khi biết trường hợp một em bé tên Jayden Harris mới chín tháng tuổi qua đời vì bị TV rơi trúng, một bà mẹ ôm con lao ra khỏi siêu thị cũng trở thành người thiên cổ do bị đè nát trong đống gạch đá...
Trên đường phố, hàng trăm người vẫn tụ tập, chờ đợi tin tức của người thân mặc cho mưa gió và lạnh giá. Họ đau đáu dõi mắt nhìn về những tòa nhà sập và chờ đợi trong vô vọng... Và khi xem những thi thể được kéo ra khỏi đống đổ nát thì lòng tôi trầm cảm nặng nề.

Nỗi đau còn đó...
Bất cứ ai ở Christchurch đang chứng kiến cuộc sống sau động đất thì mới thấy nó kinh khủng mức nào.
Những ngày này, hàng đoàn người xếp thành hàng dài đứng đợi trước cửa siêu thị trong mưa gió, giá lạnh. Bánh mì, sữa, thức ăn... đều hết sạch trong khi nhu cầu mua thực phẩm dự trữ để đề phòng những trận động đất tiếp theo là rất lớn.
Ở các cây xăng, người dân cũng xếp hàng dài cả cây số và đợi rất lâu mới tới lượt mình nhưng chỉ vài tiếng sau là đã hết xăng để bán. Các máy rút tiền cũng chật cứng khách hàng. Cách nhà tôi ở chỉ vài cây số, người ta lỉnh kỉnh mang thùng đứng đợi suốt ba, bốn tiếng đồng hồ để xin nước sinh hoạt.
Ở công viên Hagley, có rất nhiều người sơ tán tới ngủ , thậm chí một số du khách cũng phải qua đêm ở đây do khách sạn đã bị đổ sập.
Chính phủ New Zealand khuyến cáo người dân nếu có thể thì nên ra khỏi thành phố một thời gian để có thể sớm lấy lại thăng bằng về mặt tâm lí. Do đó, ở những thành phố khác trên khắp đất nước này có rất nhiều hộ gia đình sẵn sàng tình nguyện cung cấp chỗ ở miễn phí cho người dân Christchurch để giúp họ có thời gian nguôi ngoai sau những chuyện xảy ra.
Thực sự cho tới lúc này tôi vẫn còn đang rất sợ hãi và không biết đến bao giờ tôi mới có thể quên được những ám ảnh khủng khiếp vẫn còn đeo bám. Có lẽ tôi cũng sẽ rời khỏi Christchurch một thời gian cho dù tôi rất yêu cuộc sống vốn dĩ rất êm đềm nơi đây.
.
.
.

No comments: