07/03/2011 - 12:45
Anna, sinh viên người Indonesia đang học Cao học ngành Quản lý Chính sách công tại Đại học Melbourne (Úc) kể lại với Bay Vút những điều mắt thấy tai nghe khi cô tình cờ là người chứng kiến trực tiếp cuộc cách mạng lịch sử tại Ai Cập và biểu tình ở Bahrain vừa qua.
--------------------
Anna lên kế hoạch đi du hành 9 nước Nam Á và Trung Đông trong kỳ nghỉ hè ba tháng vừa qua của mình từ rất sớm, trong đó hành trình đi qua Ai Cập và Bahrain được ấn định sẵn trong tháng 2/2011. Nhưng khi Anna lần lượt đến hai nước này thì bất ngờ lọt thỏm vào biến cố đẫm máu ở cả hai nơi.
May mắn trở về Úc an toàn vào đầu tháng 3/2011, Anna xem ra vẫn còn ‘chưa kịp hoàn hồn’ khi thuật lại với Bay Vút câu chuyện trải nghiệm ‘vô tiền khoáng hậu’ của mình.
Làn sóng tự thiêu
Kế hoạch du lịch của tôi là đi qua các quốc gia Ấn Độ, Nepal, Ả Rập Xê-út, Sri Lanka, Ai Cập, Sudan, Bahrain, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng ba tháng cuối năm 2010 đầu 2011.
Tôi được bạn bè đón tiếp hết sức niềm nở trong những ngày cuối năm 2010 tại Nepal và Ấn Độ và sau đó sang Dubai đón giao thừa. Tôi không thể nào quên khoảnh khắc được ngồi ngắm pháo hoa tại khu vực tháp Burj Khalifa, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới với 160 tầng. Khi đó tôi đã nghĩ thế giới này thật đẹp biết bao và nguyện cầu về hòa bình.
Vào ngày 2/1/2011, tôi đến Cairo, Ai Cập khi thủ đô này vẫn là một điểm đến rất yên bình, thu hút hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm. Ai Cập với nền văn minh rực rỡ và những kỳ quan có một không hai khiến tôi không khỏi hào hứng khi được những người bạn cũ đón tiếp và dẫn đi tham quan những địa điểm nổi tiếng từ quần thể Kim Tự Tháp Giza, tượng Nhân Sư bí ẩn Sphinx cho đến Bảo tàng đồ cổ Ai Cập. Tôi sẽ ở đây gần một tháng để thực tập ngành học của mình.
Trước khi cuộc biểu tình chính thức nổ ra vào ngày 25/1, trên thực tế tôi đã nghe bạn bè đồng nghiệp và người dân tại đây bàn tán xôn xao về một người đàn ông 50 tuổi tên Abdu Abdel-Monaim Kamal, chủ nhà hàng, đã hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ trong khi tự châm lửa đốt mình như một ngọn đuốc sống ngay giữa chợ ngày 17/1. Có một luật sư tuổi tứ tuần khác cũng đã tự thiêu ngay trước trụ sở Văn phòng chính phủ ở Cairo để bày tỏ sự bất mãn giới cầm quyền.
Các vụ tự thiêu ở trong vùng bắt nguồn từ cái chết của Mohamed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi tuyệt vọng vì bị cảnh sát tịch thu gánh rau quả là phương tiện kiếm sống của gia đình anh nên đã tự thiêu và qua đời ngày 17/12/2010. Hành động của Bouazizi đã khiến dân chúng Tunisia đứng lên làm ‘Cuộc cách mạng hoa nhài’ lật đổ chính quyền Ben Ali.
Kể từ đó, không khí ở Ai Cập dường như ngày một nóng lên dù tôi chưa thật sự cảm thấy lo sợ gì cả vì tôi nghĩ đây là chuyện của người dân Ai Cập. Nhưng rồi mỗi ngày, dân chúng bàn tán càng nhiều về ‘Cuộc cách mạng hoa nhài’ tại Tunisia trên trang mạng xã hội Facebook. Sự sụp đổ của chính quyền Tunisia là một động lực rất lớn thúc đẩy người dân Ai Cập đứng lên đòi cải tổ đất nước họ.
‘Thành phố chết’
Tối 25/1, tôi được một số bạn tại đây mời ăn tối tại một nhà hàng quen thuộc gần nơi tôi đang ở, phía bên kia bờ sông Nile, đối diện với quảng trường Tahrir. Thỉnh thoảng tôi lại nghe các bạn địa phương nói về cuộc biểu tình lớn sau giờ nguyện cầu vào ngày thứ sáu tuần đó.
Đến khoảng 11 giờ tối hôm đó thì không ai trong chúng tôi có thể nhắn tin qua điện thoại di động nữa. Trước đó một ngày thì mạng xã hội Facebook đã bị chặn trên toàn nước.
Tôi trở về nhà trong niềm lo sợ phập phồng và cảm giác dường như mình bị cô lập hoàn toàn bởi không có tivi để xem tin tức. Mà có tivi đi nữa thì tôi biết rằng lúc này mình cũng chỉ sẽ thấy màn hình chiếu các trận bóng đá mà thôi vì chính quyền Mubarak đã cấm hết các kênh truyền hình đưa tin về cuộc biểu tình.
Đêm đó, tôi không còn gọi điện thoại cho bạn bè hay người thân được nữa.Tôi sợ hãi đến mức mất ngủ cả đêm và chỉ mong cho trời mau sáng.
Sáng hôm sau 26/1, tôi thức dậy và đi xung quanh nơi mình ở. Dường như không còn một bóng dáng người qua lại. Tất cả các cửa hiệu và hàng quán nơi những con phố trung tâm vốn luôn nhộn nhịp du khách đều đóng cửa. Một không khí im lặng đáng sợ bao trùm cả thành phố. Tôi cảm giác như mình đang ở một thành phố chết.
Đi bộ một quãng xa, tôi mừng rỡ khi thấy một siêu thị mở cửa. Ngạc nhiên hơn, tôi chứng kiến rất nhiều người đang chen chúc nhau mua đồ ăn dự trữ. Lúc này tôi linh cảm ngay một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra. Mọi người đều mua rất nhiều bánh mì, ngũ cốc và lương khô, làm tôi nhớ lại cảnh tượng cuộc cách mạng tại quê hương Indonesia của mình vào năm 1998. Cuộc biểu tình của sinh viên Indonesia năm ấy kéo dài 10 ngày, nhiều người hi sinh nhưng đổi lại là chế độ Mohamed Suharto chấm dứt cầm quyền.
Tôi cũng mua một ít thực phẩm về nhà trọ. Nhìn qua nhà hàng xóm, không thấy bóng dáng ai, tôi thật sự lo lắng. Cảm giác ở một thành phố xa lạ và hoang vắng làm tôi không thôi âu lo.
Từ sáng đến tối hôm đó, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng súng nổ đâu đó trong thành phố. Tôi không ngừng gọi điện cho bạn bè, người thân nhưng không thể liên lạc được bất kỳ ai. Tôi cảm thấy mình bị cách ly với cuộc sống. Bạn có thể tưởng tượng cảm giác cách ly đó ám ảnh ra sao, đặc biệt là trong hoàn cảnh mình lại đang ở nước ngoài.
Thoát khỏi Ai Cập
Sáng hôm thứ Bảy 29/1, tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ một người quen biết tại Cairo. Khi nghe tiếng gọi: "Anna đó hả?", tôi vui đến bật khóc: “Ôi, đường dây liên lạc đã được nối lại!”. Tôi không thể tin vào tai mình khi nghe tiếng người bạn địa phương sau nhiều giờ bị cắt đứt mọi liên lạc.
Lúc này, đối với tôi không gì quý bằng có người bạn hay đồng nghiệp ở bên cạnh. Tình hình Ai Cập đã nóng lên đỉnh điểm. Cảnh sát dùng vòi rồng và lựu đạn cay trấn áp hàng trăm ngàn người biểu tình. Các đám cháy xảy ra ở khắp nơi ở thủ đô.
Cô bạn người Ai Cập đã đón tôi đến tạm ở nhà cô trong những ngày tới trước khi tôi được nhà chức trách tạo điều kiện di tản qua Amman, Sudan.
Từ quốc gia châu Phi này tôi mới tiếp tục cuộc hành trình sang Bahrain. Khi đến quốc gia bé nhỏ Bahrain, tôi những tưởng đã được bình yên và sẽ được tiếp tục hành trình du lịch, thực tập lý thú của mình sau những ngày cuối ở Ai Cập đầy sợ hãi.
Song tôi đã lầm! Những tiếng súng nổ ở Bahrain bất ngờ vang lên là làm người nước ngoài vô tình đến đây trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này như tôi lại một phen khiếp vía.
(Còn tiếp một kỳ)
08/03/2011 - 14:03
Được sơ tán khỏi Ai Cập, Anna bay sang Bahrain với hy vọng mình sẽ vui vẻ khám phá vùng đất lạ. Thế nhưng, một lần nữa cô sinh viên Đại học Melbourne này lại trở thành ‘nhân chứng sống’ trong cuộc biểu tình nổ ra ở quốc gia này.
----------------------------------
Ngày 01/2, từ trạm chuyển tiếp ở nước Sudan, sau khi bắt liên lạc được với một người bạn đang sống tại Bahrain tôi quyết định bay sang quốc gia này sớm hơn dự định.
Biến cố tại đảo quốc
Ngày 08/2, tôi đến Bahrain, một đảo quốc tại vịnh Ba Tư với các di sản có niên đại từ năm nghìn năm trước của nền văn minh Dilmun.
Tôi hoàn toàn bị thu hút bởi những khu vực khảo cổ thể hiện văn hóa truyền thống của Ả Rập nên quyết định sẽ ở lại đây trong 2 tuần. Bãi biển Zallaq xinh đẹp là nơi tôi thường đến thư giãn với những người bạn mới quen tại đây.
Một lần, Admad, một người bạn tại Bahrain, hỏi cảm giác của tôi như thế nào trong những ngày bị cô lập tại Cairo. Tôi thuật lại sự hoang mang, lo sợ của mình. Bỗng nhiên, Admad hỏi tôi: “Thế nếu có biểu tình ở Bahrain thì Anna sợ không?”
Tôi cười nói vui: “Làm gì có chuyện đó. Mà nếu có tớ cũng chả sợ nữa đâu. Bạo động ở Ai Cập kinh hoàng thế kia mà tớ còn thoát được!”.
Quả thật, lúc đó tôi không sợ gì cả và tôi cũng đang vui vẻ tận hưởng những ngày hòa nhập, khám phá cuộc sống ở thủ đô Manama đông đúc và nhộn nhịp.
Quả thật, lúc đó tôi không sợ gì cả và tôi cũng đang vui vẻ tận hưởng những ngày hòa nhập, khám phá cuộc sống ở thủ đô Manama đông đúc và nhộn nhịp.
Tôi không ngờ chỉ sau đó vài ngày, tình hình quốc đảo này đột ngột thay đổi hẳn. Các vụ biểu tình bắt đầu nổ ra ở vài nơi. Có hai người chết và hàng chục người bị thương khi dòng người biểu tình, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đụng độ cảnh sát.
Trước ngày 15/2 khi hàng ngàn người biểu tình tràn vào Quảng trường Pearl (Ngọc Trai) ở trung tâm thủ đô Manama lập lều trại và yêu cầu chính phủ đổi mới, một số bạn bè đã cảnh báo và khuyên tôi nhanh chóng rời khỏi Bahrain.
Đến ngày 17/2, cảnh sát dùng dùng đạn hơi cay và dùi cui trấn áp hàng ngàn người biểu tình ở Quảng trường Pearl làm tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ. Những gì diễn ra ở Ai Cập tái hiện trong tâm trí tôi một lần nữa.
Tôi biết tình hình sẽ không trở lại yên bình trong một sớm một chiều nên quyết định một lần nữa nhờ đến sự trợ giúp của Đại sứ quán Indonesia tại đây để di tản.
Tâm lý bất an và sự mệt mỏi đã khiến tôi không còn muốn tiếp tục bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, tức điểm hẹn cuối cùng trong cuộc hành trình dài của mình. Tôi quyết định đổi vé trở về Úc sớm hơn dự kiến.
Giá trị của bình yên
Sau nhiều liên hệ và xoay xở, tôi cũng lên được máy bay rời khỏi đảo quốc Bahrain khi đông đảo người biểu tình vẫn còn chiếm đóng Quảng trường Pearl; trong khi đó số người thiệt mạng do xung đột với chính quyền ngày càng tăng lên.
Tôi phải quay lại Amman (Sudan) một lần nữa để chờ đợi ở đây bốn ngày rồi mới có vé máy bay về Úc.
Tôi thực sự không biết phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào khi máy bay đáp xuống phi trường Tullamarine của thành phố Melbourne. Lúc 19 giờ 30 phút ngày 27/2, tôi lại được hít thở khí trời Melbourne, một trong những thành phố bình yên nhất thế giới mà tôi đã từng biết.
Không chút chần chừ, tôi gọi điện ngay cho mẹ tôi hiện đang ở Indonesia, người luôn theo dõi và lo lắng mỗi bước đi của tôi dù tôi ở bất kỳ đất nước nào.
Tiếp đó, tôi gọi cho những người bạn thân tại Indonesia và Úc để họ an tâm và biết rằng tôi đã thoát khỏi mọi sự cố và trở về bình yên. Tôi quyết định tổ chức một buổi tiệc BBQ hôm 5/3 tại nhà để tái ngộ những người bạn thân thiết. Tôi thật vui sướng và biết rằng họ cũng nhẹ nhõm biết bao khi trông thấy tôi an toàn.
Suy nghĩ từ một ‘công dân toàn cầu’
Sinh ra và lớn lên ở Indonesia, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới và có vị trí quan trọng trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Anna sớm trở thành một trong những mẫu hình ‘công dân toàn cầu’ tại nước này.
Cô được học tiếng Anh từ thuở bé và trở nên rất thông thạo ngôn ngữ toàn cầu này. Tiếng Anh cùng với tinh thần tích cực tham gia hoạt động xã hội đã là những phương tiện giúp Anna có một công việc và mối quan hệ bạn bè rộng lớn trong và ngoài nước.
Anna đặc biệt yêu thích du lịch và đã đi rất nhiều quốc gia trước khi du học tại Đại học Melbourne. Cô ý thức được những giá trị cuộc sống, giá trị xã hội và sự tự do của mỗi công dân.
Trở về từ Ai cập và Bahrain, cô nhận định rằng “việc người dân đứng lên yêu cầu chính phủ cải tổ, xã hội thay đổi là điều cần thiết nếu như đất nước đó đang có chế độ độc tài và chuyên quyền”.
“Nhân dân phải là người chủ của đất nước. Quyền lực của người dân là quyền lực tuyệt đối”, Anna nói.
Khi Bay Vút hỏi về lời khuyên dành cho các bạn trẻ chẳng may gặp những biến cố bất ngờ (như bạo loạn) khi đi du lịch ở nước ngoài, Anna chia sẻ: “Điều tối cần thiết các bạn phải nhớ là tránh xa những đám đông. Tuyệt đối không nên dại dột xen vào những xung đột địa phương”.
“Lúc nào bạn cũng giữ hộ chiếu và một túi đựng những đồ đạc, giấy tờ cần thiết nhất khi đi du lịch để đề phòng những trường hợp khẩn cấp”.
“Nếu gặp sự cố gì đột ngột, bạn hãy tìm cách liên lạc ngay với những người quen biết hay nhà chức trách nhằm thoát khỏi tình thế nguy hiểm càng sớm càng tốt”, Anna nói thêm.
“Với những trải nghiệm trong những tháng ngày có mặt tại Trung Đông, đây quả là một cuộc du hành ‘để đời’ không thể nào quên của tôi. Dĩ nhiên, tôi cũng cảm thấy mình vô cùng may mắn và ước mong thế giới này ngày càng hòa bình, tươi đẹp hơn”.
.
.
.
No comments:
Post a Comment