Wednesday, May 26, 2010

THIẾU MINH BẠCH VẪN LÀ CĂN BỆNH NAN Y

Thiếu minh bạch vẫn là căn bệnh nan y

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Thứ Tư, 26/05/2010

http://danluan.org/node/5167

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn quản lý và đào tạo VFAM VN

Theo blog Thông tin Pháp Luật Dân Sự

Có thể nói, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia mà sự thiếu minh bạch xảy ra ở khắp nơi và trong rất nhiều trường hợp, không cần phải có học thức cao hay dày công nghiên cứu, người dân bình thường cũng dễ dàng nhận thấy.

.

THIẾU MINH BẠCH Ở KHẮP NƠI

Thiếu minh bạch về thu nhập của cả từng cá nhân và của các doanh nghiệp là điều dễ nhận thấy nhất. Trước hết là với từng cá nhân. Toàn dân Việt Nam không có nghĩa vụ và trong rất nhiều trường hợp không thể giải thích được nguồn gốc của số tài sản mình đang sở hữu. Nghiêm trọng hơn cả là với các công chức, quan chức trong bộ máy công quyền. Đã hàng nghìn lần và không ít công dân đặt ra câu hỏi: một công chức – nhân viên bình thường – trong ngành thuế, hải quan, nhà đất, quản lý thị trường, công an… với mức lương thường được đánh giá là "không đủ sống trong 20 ngày của một tháng" nhưng lấy tiền đâu ra để mua sắm xe hơi, nhà lầu, đất đai và có một cuộc sống vương giả? Một quan chức, tuy thu nhập có cao hơn một nhân viên bình thường, nhưng lấy tiền ở đâu để cho con đi du học nước ngoài với học phí từ hàng chục đến hàng trăm nghìn đô la mỗi tháng? Những câu hỏi ấy không ai trả lời. Một nghịch lý từ lâu vẫn tồn tại như sự thách thức đối với dư luận, đó là, công chức, quan chức Việt Nam đi làm cho Nhà nước để nhận lương nhưng không sống bằng lương; không sống bằng lương nhưng hầu như không ai bỏ việc. Ngược lại, "cuộc chiến" để tranh giành các ghế quan chức lại luôn luôn nóng bỏng!

.

Trong một bộ phận doanh nghiệp, sự thiếu minh bạch cũng xay ra nghiêm trọng. Ở một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh, theo báo cáo tài chính thì doanh nghiệp lỗ triền miên, thậm chí số lỗ cộng dồn sau 3 đến 5 năm lớn gấp 5-6 lần vốn điều lệ, nhưng tài sản cá nhân của ông chủ doanh nghiệp thì tăng lên gấp nhiều lần sau mỗi năm. Vì sao vậy? Ở khá nhiều doanh nghiệp nhà nước thì ngược lại. Doanh nghiệp thua lỗ nặng nề và kéo dài nhưng các báo cáo tài chính (đã được kiểm toán) lại cho thấy là doanh nghiệp đang có lãi lớn và doanh nghiệp dễ dàng được vay vốn từ ngân hàng với số tiền hàng trăm tỷ đồng, nhanh chóng được tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán… Sự thật chỉ bị phơi bày khi khả năng thanh toán bị triệt tiêu. Vì sao lại có hiện tượng ấy? Câu hỏi trên cũng không có ai trả lời!

.

Trong lĩnh vực đất đai, sự thiếu minh bạch càng bao trùm và vô cùng nặng nề. Tổ chức minh bạch quốc tế đã xếp sự minh bạch về đất đai của Việt Nam ở hàng dưới của hàng cuối cùng trong bảng xếp hạng. Thực tế cũng đúng như vậy. Chỉ bằng một quyết định hành chính, ông "quan" cấp xã, cấp huyện cũng dễ dàng "thu hồi" toàn bộ đất đai của người dân và cả những tài sản trên đất đã được tạo ra bằng mồ hôi, nước mắt của họ. Thế cho nên khiếu kiện vượt cấp, kéo dài luôn luôn xay ra trong lĩnh vực đất đai…

.

Trong giáo dục và đào tạo, sự thiếu minh bạch cũng không kém so với lĩnh vực đất đai. Học phí không đơn thuần là số phải nộp theo quy định của Nhà nước. Ngược lại, cái phần được biến tướng dưới những mỹ từ "tự nguyện đóng góp", "ủng hộ"… đã lớn hơn rất nhiều lần số học phí theo quy định. Nghiêm trọng hơn là số thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư ngày càng nhiều nhưng những người thực sự có trình độ, có tâm nghiên cứu khoa học vì lợi ích của nhân dân và đất nước thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay!

.

Trong mối quan hệ giữa các công chức, quan chức của bộ máy công quyền với nhân dân và các doanh nghiệp, sự minh bạch cũng bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân và các doanh nghiệp, công chức, quan chức trong bộ máy công quyền hoàn toàn tự do quyết định làm hay không làm. Khi chưa muốn làm, họ có đến "nghìn lẻ một" lý do mà người dân và các doanh nghiệp khó có thể bắt bẻ. Nghiêm trọng hơn là thái độ đó đã được coi là bình thường trong hầu hết các cơ quan công quyền ở nước ta. Vì vậy, người dân luôn luôn ở vị thế đi xin, còn công chức, quan chức thì luôn luôn là người… cho, mặc dù ở rất nhiều nơi chúng ta vẫn gặp một khẩu hiệu với lời lẽ rất hay: "Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân"!

.

Sự thiếu minh bạch rất nghiêm trọng nhưng tinh vi hơn là ở lĩnh vực xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật. Về nguyên tắc, Quốc hội là cơ quan lập pháp, do đó, mọi văn bản Luật, Pháp lệnh phải do Quốc hội thông qua và ban hành. Song, sự phân biệt giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp lại không tồn tại trên thực tế. Phần lớn (khoảng 75%) đại biểu thuộc cơ quan lập pháp lại đồng thời làm việc trong cơ quan hành pháp. Hơn nữa, chính họ lại là người soạn và trình dự thảo Luật, pháp lệnh. Cho nên, lợi ích cục bộ của ngành, của địa phương chi phối luật/ pháp lệnh là chuyện không có gì khó hiểu. Lợi ích cục bộ ấy được thể hiện ở chỗ, thông qua văn bản luật, hình thành thật nhiều "giấy phép con"; quy định những nội dung chỉ định tính mà không định lượng và thiếu tính khả thi trong thực tiễn; đẩy khó khăn về phía người dân và các doanh nghiệp, đối tượng phải thực thi pháp luật… Có thể thấy rất rõ những biểu hiện đó ở các văn bản luật, điển hình là Luật Đất đai, các Luật thuế.

Còn có thể nêu ra rất nhiều ví dụ trong thực tiễn để chứng minh rằng, thiếu minh bạch đã và đang là căn bệnh nan y trong quản lý, điều hành kinh tế và xã hội ở nước ta. Thiếu minh bạch gây hậu quả vô cùng to lớn. Nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; nó tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi cho tham nhũng hoành hành; nó là dư địa cho sự cấu kết để đục khoét tài sản quốc gia… Tổng hợp lại, nó là lực cản làm cho nền kinh tế nước ta mãi mãi "kém phát triển".

.

GIẢI PHÁP NÀO CHO NGÀY MAI?

Cần nhanh chóng thiết lập sự minh bạch đến mức cao nhất trong quản lý, điều hành nền kinh tế, xã hội của đất nước. Điều đó không chỉ là đòi hỏi của WTO – một tổ chức quốc tế mà chúng ta đã kiên trì theo đuổi hơn 11 năm mới được gia nhập – mà còn là đòi hỏi của lương tri, của bất kỳ một người dân Việt Nam yêu nước nào. Song, làm gì để thỏa mãn đòi hỏi đó? Đó là câu hỏi không dễ trả lời và không phải ai cũng muốn trả lời.

Theo chúng tôi, cần thực hiện gấp những giải pháp sau:

Một là, nghiên cứu và ban hành ngay một đạo luật để có thể kiểm soát được thu nhập của các tầng lớp nhân dân, trong đó, đặc biệt quan trọng là đội ngũ cán bộ, công chức, quan chức. Để có thể tạo ra sự minh bạch ở các lĩnh vực khác, kiểm soát và đảm bảo sự minh bạch về thu nhập của cá nhân là điểm đột phá quan trọng nhất. Khi thu nhập của từng cá nhân đảm bảo sự minh bạch, chúng ta có thể kiểm soát và chống tham nhũng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và bảo đảm sự công bằng xã hội khi thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân. Thực tế, ở nước ta cũng đã có quy định về kê khai tài sản của các công chức, quan chức. Song, dường như biện pháp này chỉ mang tính hình thức, thực hiện nửa vời và đã rơi vào quên lãng!

Hai là, cần áp dụng những biện pháp có hiệu quả cả về tổ chức bộ máy và hành chính để đảm bảo sự độc lập ngày càng cao giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thực tiễn ở các nước phát triển cho thấy, sự minh bạch về thể chế pháp lý có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể ngăn chặn tư tưởng cục bộ bằng những lời giáo huấn, bằng sự hô hào chung chung. Khi và chỉ khi cơ quan lập pháp có sự độc lập với cơ quan hành pháp và tư pháp trên thực tế thì sự minh bạch mới được tôn trọng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, cải tiến hệ thống tiền lương của đội ngũ công chức, quan chức theo hướng bảo đảm cho họ và gia đình họ đủ sống bằng tiền lương. Đồng thời, cần có biện pháp ràng buộc giữa quyền lợi chính đáng của họ với thái độ và chất lượng công việc mà họ được giao để phục vụ nhân dân. Giữ lại một phần tiền lương của công chức, quan chức để bắt buộc họ phải tận tình phục vụ nhân dân, phải liêm khiết, không sách nhiễu, vòi vĩnh khi thi hành công vụ như Chính phủ Singapore đã làm là biện pháp cần được áp dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hiệu lực của thanh tra công vụ nhằm xử lý ngay và kiên quyết đối với những trường hợp cố tình gây khó khăn cho nhân dân nhằm thu lợi bất chính.

Bốn là, thực hiện công khai hóa triệt để những quy định về quyền và trách nhiệm của công chức, quan chức, quyền và trách nhiệm của người dân. Đồng thời, ứng dụng triệt để những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại để có thể "tự động hóa" việc kiểm tra, kiểm soát và các công việc hành chính. Với những biện pháp đó, sự vận dụng lắt léo, những biệt lệ, ngoại lệ sẽ không thể thực thi trong thi hành công vụ.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, để bảo đảm sự minh bạch trong quản lý kinh tế, xã hội có rất nhiều việc phải làm. Song, bốn giải pháp nêu trên là cơ bản và cấp bách. Tuy nhiên, điều kiện đặc biệt quan trọng để thực hiện được những giải pháp ấy vẫn là con người. Đó là cần phải có những người không sợ sự minh bạch.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 68, THÁNG 2 NĂM 2009

.

.

.

No comments: