Wednesday, May 26, 2010

TỪ CẬU BÉ TEENAGER NGHĨ VỀ XÃ HỘI VIỆT NAM

Từ cậu bé teenager nghĩ về xã hội Việt Nam

Nguyễn Ngọc Già

Thứ Tư, 26/05/2010

http://danluan.org/node/5159

Chỉ là một thông tin có vẻ không quan trọng lắm đối với Việt Nam, khi mà còn biết bao nhiêu thứ khẩn cấp và bức bối cần giải quyết trước mắt và ngay lập tức hơn là để ngồi đọc và ngẫm nghĩ về những thông tin mà xem ra như "rỗi hơi", "thừa tiền lắm của", "hết chuyện rồi sao mà phải đi bàn đến cái thông tin vớ vẩn thậm chí có phần xa xôi và kể cả xa xỉ vốn dành cho những nước phát triển và giàu có.

.

I. Từ cậu bé teenager Jordan Romero:

Đúng! có thể lắm, có thể đối với nhiều người Việt Nam thật là rỗi hơi và xa xỉ khi biết thông tincậu bé Jordan Romero với tuổi 13 của mình đã chinh phục nóc nhà thế giới - Everest cao 8.850 mét. Sau thành công tuyệt vời này, cậu bé còn cho biết, ước mơ của cậu không dừng lại ở đó mà cậu có thể sẽ chinh phục cả 7 ngọn núi cao nhất thế giới.

Báo RFA, đã liên hệ đến Việt Nam rằng: “Trông người lại nghĩ đến ta”, liệu thiếu niên Việt Nam khi có những sở thích hay đam mê khác thường có nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ hoặc sự đầu tư từ nhà nước hay không? Và nếu một hôm có thiếu niên nào đó số tuổi 13 như Jordan này sinh ý định bơi một mình ra đảo Hoàng Sa thì nhà nước sẽ nghĩ gì?

Khi thành công đến với Jordan Romero, nhiều lời đàm tiếu trước đó đã được nhắc đến như là sự nguy hiểm và không phù hợp với lứa tuổi của cậu, người ta cũng nghi ngờ về việc cha mẹ cậu bé định kiếm bộn tiền thông qua đứa con trai của họ, muốn nổi danh cho cả cha mẹ và con. Đúng, người đời có quyền nghĩ đến tất cả những gì họ muốn, làm hay không là việc của người trong cuộc. Người đời đâu biết rằng, cha của cậu bé - ông Paul Romero ủng hộ hết mình khi chỉ cho cậu cách tập thể lực và là huấn luyện viên leo núi riêng cho cậu, khi ông biết được con trai mình có những khao khát của riêng nó và nó có quyền làm cái điều mà nó có thể. Bên cạnh đó, sâu xa hơn và với tư cách một người cha, ông đã dạy cho cậu bé được cái còn lớn hơn và quan trọng hơn cả sự nổi tiếng khi ông trả lời phỏng vấn với đài CBS trong chương trình the Early Show: “Tôi không phải là người ngu xuẩn. Tôi biết có rất nhiều người đã chết nhưng đây là một cậu bé rất đặc biệt, rất khỏe mạnh. Khi đến đỉnh Denali, Jordan đã cho tôi thấy sức mạnh ý chí, sự dũng cảm, và bản lĩnh đàn ông mà tôi sẽ không thể nào quên được. Đó là khi mà Jordan trở thành người đàn ông thật sự."

Chính vì ông nghĩ mình cần phải dạy con mình trở thành một người đàn ông thực thụ dù cậu con trai mình chỉ mới 13 tuổi, nên ông đã thức trắng nhiều đêm để nghĩ đến những điều mà các nhà leo núi kinh nghiệm nói đến, ông đã nghiên cứu tất cả những tài liệu có liên quan đến phổi trẻ em và độ cao, và ông nhận thấy, thực tế cho thấy không có gì là nguy hiểm cả. Ông nghĩ những người phản đối chỉ đơn giản là không muốn một em nhỏ leo núi thôi. Chỉ cần Jordan có một hệ thống hỗ trợ tốt và biết khi nào thì cần phải quay đầu lại thì họ sẽ ổn.

Quả thật trí tuệ! ai dám nói họ đang làm trò xuẩn ngốc, hợm hĩnh và để chơi trội? Họ quá có lý và đã đầu tư thật sự khoa học cho mục đích chinh phục độ cao của đỉnh núi này kể cả tấm lòng bao dung và vị tha của ông Paul Romeoro khi ông cho rằng người đời chỉ muốn ông không nên đưa ra thử thách đầy mạo hiểm cho con trai chính mình.

Hẳn nhiên, cậu bé đã bỏ công luyện tập rất nhiều trong 4 năm để có được thành công ngày hôm nay. Tuy vậy, cái mà Jordan học được qua thành công này, ngoài kỹ năng leo núi, các kiến thức y học thường thức, rèn luyện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh khắc nghiệt mà thiên nhiên chẳng ưu ái một cậu bé 13 tuổi hơn một thanh niên gấp đôi tuổi cậu, đó là cậu bé đã dần trở thành môt người ĐÀN ÔNG THẬT SỰ, một người đàn ông với bản lĩnh từng trải mà tự trí tuệ và sức lực của mình tạo được và đương nhiên không thiếu khát khao, hoài bão, hoặc cũng có thể là tham vọng khi cậu bé cho biết sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh núi còn lại trong tương lai.

Tại sao người ta không khuyến khích, động viên cái tham vọng chính đáng này? Đó phải chăng là sự đố kỵ khi mình không làm được cái mà người khác làm được? Cần lắm chứ! cần lắm những cái tham vọng đáng khuyến khích và đáng trân trọng như thế này lắm! Bởi lẽ, không có tham vọng chính đáng thì không có phát triển.

.

II. Đến xã hội Việt Nam:

Tôi không có ảo tưởng đến ngờ nghệch để liên hệ việc cậu bé Jordan nói trên với các cậu bé, cô bé Việt Nam, bởi vì còn thiếu quá nhiều thứ để có thể so sánh, để có thể mơ tưởng viễn vông mà tất cả chúng ta đều thấy, nếu có chăng một cậu bé như thế ở Việt Nam thì chắc còn phải "mơ về nơi xa lắm".

Điều mà tôi nghĩ cần chia sẻ với mọi người ngay từ những gì nhỏ nhoi và bình dị nhất mà Việt Nam chúng ta tại sao vẫn cứ loay hoay và nhỏ mọn đến hèn hạ như thế nào, ngay từ sự việc của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Cái câu chuyện của một nhà giáo bình thường lẽ ra đơn sơ, giản dị, hiền hậu như người đời vẫn gọi "Thầy Giáo" mà lại làm bùng lên hết tất cả mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách xấu xa nhất của xã hội, của con người Việt Nam mà lẽ ra người Việt Nam không đáng phải bị.

Nào là "không bình thường", "muốn chơi trội lấy tiếng", "ham danh vọng" v.v.... Nghĩ về cậu bé Jordan và cha của cậu ấy đi! Họ cũng đã phải chịu những cái tai tiếng ấy và họ đã chứng minh với người đời cái họ muốn và có được, không phải vì cái lợi danh. So với thầy Khoa, câu chuyện trở nên khập khiểng mất. Có thể như thế, nhưng ở đây chúng ta cùng nhau nhìn ở góc độ giáo dục để yêu cầu những người đang chịu trách nhiệm trực tiếp trước giáo dục Việt Nam phải suy nghĩ lại.

Không lẽ chúng ta quên rằng cậu thanh niên tên Ba khi tìm cách lên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville với nghề phụ bếp vào năm 1911, khi mới 21 tuổi đầu mà sau này người ta đã ca ngợi như là một thanh niên tuổi trẻ mà tài cao với khao khát tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam (???) Thế tại sao một ông giáo, mà số tuổi gấp đôi cậu thanh niên tên Ba ngày ấy, như thầy Khoa, chỉ cố gắng làm một cái việc quá nhỏ bé là góp phần cho giáo dục trong sạch, lại bị thờ ơ, hắt hủi, gièm xiểm, mỉa mai, tẩy chay, ruồng bỏ và trù dập sau khi không tiếc lời tung hô và ngợi ca! Thật quá đáng! Càng quá đáng hơn, khi những người này lại là Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Hiệu trưởng, Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân kể cả các đồng nghiệp của thầy Khoa! Tri thức của Việt Nam là như thế chăng? Không hổ thẹn và nhục nhã mới là lạ!

Sao người ta mau quên đến thế, khi mà những Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Vừ A Dính, Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang vẫn còn được lưu truyền như là những thanh, thiếu niên anh hùng từ bấy đến nay?

Sao người ta mau quên đến thế, khi mà hình ảnh nữ tù Võ Thị Thắng đã thách thức chính quyền ông Thiệu bằng câu nói bất hủ:""Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?" khi bà đang ở độ tuổi đôi mươi, trước đó bà cũng trở thành người yêu nướckhi mới được 11 tuổi và bà hiện nay vẫn còn đang sống để minh chứng hùng hồn cho tuổi trẻ Việt Nam một thời lừng lẫy.

Sao người ta mau quên đến thế khi mà những ông: Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Phùng Quang Thanh, Tô Huy Rứa v.v... đều trở thành những thanh niên giác ngộ cách mạng ở tuổi mười tám đôi mươi, thậm chí đến ông Nguyễn Tấn Dũng ý thức vì đất nước khi tham gia làm cách mạng ở tuổi 12 của mình (!!!) (*) Hay như ông Nguyễn Thiện Nhân cũng trở thành một quân nhân ở tuổi 17 (ông sinh 1953, sau khi học xong trung học, ông nhập ngũ năm 1970 - miền Bắc lúc đó theo học hệ 10 năm) và trở thành Tiến sĩ ngành Điều khiển học năm vừa tròn 26 tuổi.

Sao những suy nghĩ cứ hẹp hòi, nhỏ nhen và hèn mọn từ những cư xử tiểu nhân với thầy Khoa như cây viết Thanh Chung có dẫn :"...đi chậm 2 phút sẽ không được vào họp Hội đồng; gọi hết hơi khản tiếng không thấy ai, nhưng chỉ vừa trèo qua cổng thì hai ông bảo vệ lập tức xuất hiện...", hay những hành vi côn đồ, xã hội đen, dơ bẩn đối với vợ con của thầy Khoa mà người văn minh tối thiểu cũng không muốn tự làm ô uế bản thân mình, cho đến những lời phát biểu của ông Phó Giáo sư Văn Như Cương mới tủn mủn, hẹp hòi và (xin lỗi) ti tiện với cái sự "tự ái vụn vặt" không đáng có của một người thầy lâu năm và đầy tiếng tăm. Quá buồn cho cái nền giáo dục Việt Nam này! Quá buồn cho cái xã hội Việt nam này!

Bao giờ thì giáo dục Việt Nam đào tạo ra những người đàn ông thực thụ bản lĩnh và những người phụ nữ nhân ái dịu dàng, dù ở tuổi thanh niên, trung niên, lão niên chớ nào dám nói đến tuổi thiếu niên như cậu bé Jordan???!!!

Nghe thật ngu ngốc! Muốn có những thằng thanh niên, trung niên, lão niên là đàn ông thực thụ thì phải có những cậu bé thực thụ là đàn ông trước đã chứ! Đúng! Và thế là chúng ta lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn phi lý cứ lặp đi lặp lại thì năm này qua tháng nọ, từ vài năm này qua chục năm khác, khi mà một cô bé tuổi 16 như Joyce Anne Nguyen có vài bài viết hơi khác một chút (một chút thôi) so với cái tuổi của mình thì thiên hạ róng riết chà đạp, mỉa mai, miệt thị, giễu cợt trong khi đó cũng cỡ tuổi đó nếu bị hành hạ và đánh đập dã man như đối xử với một con thú mà cậu bé Hào Anh hứng chịu thì người ta lại đua nhau ra vẻ xót thương, đau khổ, chứng tỏ nghĩa cử hào hiệp cùng lòng nhân ái! Sao con người Việt Nam mình đạo đức giả đến thế!

Nếu những cô bé cỡ tuổi cô bé Joyce kia mà bị chà đạp thô bạo, chắc chắn có một số người sẽ vỗ bụng cười cợt, dè bỉu và thích chí khi cái mà họ cho là ra vẻ già trước tuổi, là "trứng khôn hơn vịt" thì cho đáng đời mày! hoặc có thể cái trò "mèo khóc chuột" lại được người ta mở ra và diễn lại như người ta đã từng diễn vớicô bé Bình cách đây 3 năm(!)

Làm sao Việt Nam có thể đào tạo ra những nam thanh nữ tú được, dám nói gì đến tạo ra những anh hùng, anh thư cho đất nước này khi mà người ta còn phải loay hoay và coi như đó là mục tiêu sống của chính họ khi mà tối ngày cứ lo đi cắt điện thoại, internet ông này, lo khiêng bà kia về tra khảo, chặn đường ép xe ông nọ để dằn mặt, tông xe "vô tình" cô kia khi đang chở con đến trường v.v... Khi mà người ta rỗi hơi dư việc để bám theo ông nọ, bà kia xem "chúng nó" định làm gì, khi mà người ta cứ mỗi ngày sẵn sàng dành ra ... 24/7 mỗi tuần, 366 ngày mỗi năm để dõi theo từng dấu chấm, dấu phẩy, từng hơi thở, từng tiếng rên (dù là rên vì đau khổ hay rên vì... khoái cảm!) của bất cứ cái gì, bất cứ ai mà có vẻ đang "có hại" cho đất nước này!!! Than ôi! thời giờ đâu nữa để mà lo đào tạo ra những cậu thiếu niên bản lĩnh, những cô bé tuổi teen đầy lòng nhân ái! hậu quả tất yếu, xã hội đang ngày càng tràn ngập những cô chiêu cậu ấm luôn chứng tỏ "bản lĩnh" của mình qua những cuộc vui bạc tỉ bằng những đồng tiền đầy ngờ vực mà cha mẹ họ cung cấp, hay "bản lĩnh côn đồ và sắt máu" qua những cuộc đánh hội đồng, tạt acid, chặt đầu tình nhân v.v... Chao ôi!

Những người soạn kỷ lục Guinness Việt Nam ở đâu chẳng lẽ cứ mải miết ghi nhận những kỷ lục lạ kỳ và hấp dẫn nhất của Việt Nam về ăn, uống, ngủ, nghỉ, cao, thấp, mập, ốm, già nhất, trẻ nhất, sống lâu nhất, chết sớm nhất v.v... và v.v... Người Việt Nam cần ghi nhận và vinh danh những cái còn đáng vinh danh hơn bởi lẽ đó là một trong những cái mà người ta cần truyền bá cho tất cả người dân để phát triển dân trí , để nể phục và cố gắng làm theo hơn là làm theo mấy cái việc ăn nhanh, uống nhiều v.v...

.

III. Kết (buồn)!

Than ôi! Đất nước tôi sao cứ mãi xoay vần với những cái tầm tầm, nhỏ nhỏ, hèn hèn, mạt mạt đến vậy!

(Viết vào một buổi sáng buồn, không có nắng!)

Nguyễn Ngọc Già

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%B4ng_%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%A1nh

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_T%E1%BA%A5n_Sang

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Minh_Tri%E1%BA%BFt

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_T%E1%BA%A5n_D%C5%A9ng

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9ng_Quang_Thanh

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_H%E1%BB%93ng_Anh

(*) http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4_Huy_R%E1%BB%A9a

.

.

.

No comments: