Saturday, May 29, 2010

"DIỄN BIẾN HÒA BÌNH" ĐẾN TỪ ĐÂU ?

“Diễn biến hoà bình” đến từ đâu?

Song Chi

30/05/2010 7:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=20793

Dường như đối với nhà nước Việt Nam từ bao lâu nay, nỗi sợ lớn nhất là nỗi sợ mang tên “diễn biến hòa bình” (hoặc có khi thì thấy viết là “diễn tiến hòa bình”). Một cách dùng từ rất lạ lùng mà ban đầu ai cũng thấy là kỳ quặc, lâu dần thành… quen tai!

Nói một cách nôm na,“chống diễn biến hòa bình” dưới quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là chống lại những tác động, những sự tấn công về nhiều mặt (trừ quân sự) của “các thế lực thù địch”, ở đây là Mỹ và các nước phương Tây cùng với các lực lượng đấu tranh cho tự do, dân chủ của người Việt, dần dần tạo ra những chuyển biến về mặt nhận thức, thái độ… của người dân và ngay từ bên trong nội bộ của Đảng, có nguy cơ dẫn đến việc đòi hỏi một sự thay đổi về thể chế chính trị tại Việt Nam. Đó là nỗi sợ lớn nhất của họ.

Có lẽ vì vậy mà những câu như “chống diễn biến hòa bình”, “chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”… thường xuyên được lặp đi lặp lại từ trên các phương tiện báo chí truyền thông của Nhà nước cho đến các bài diễn văn của các cấp lãnh đạo cao nhất. Ngay trước thềm đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới, “diễn biến hòa bình” vẫn được xem là nguy cơ lớn nhất, hơn cả nguy cơ đánh mất sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, độc lập chủ quyền vào tay “nước lạ”!

Trong khi đó, một “diễn biến hòa bình” theo chiều hướng khác, nguy hiểm hơn nhiều, cũng đang diễn ra mà vì quá quan tâm đến việc duy trì vị trí độc tôn lãnh đạo của Đảng bất chấp mọi biến chuyển về thời cuộc và lòng dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam hình như chưa nhận ra hay có nhận ra mà làm ngơ?

Cũng chính những người dân, bằng các trang blog cá nhân hoặc thông qua các diễn đàn báo chí độc lập, trong rất nhiều trường hợp, đã là những luồng thông tin đầu tiên phát hiện ra nhiều điều lạ lùng, thậm chí không thể hiểu nổi (!) đang diễn ra trong một quốc gia vẫn đang được coi là độc lập, có chủ quyền này.

.

Phải chăng chỉ là sai sót, nhầm lẫn?

Vào tháng 9.2009, một trong những vụ việc liên quan đến chủ quyền đất nước đã làm “nóng” các diễn đàn trên mạng là vụ báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông, lại còn dẫn lời Tư lệnh phó hạm đội Nam Hải “để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam Tổ quốc”, trong đó cái biên cương mà ông ta nói có nhắc đến Hoàng Sa như một căn cứ quân sự của Trung Quốc!

Một cái tin như vậy lại được đăng trên tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam thì phải thấy là nó nguy hiểm như thế nào. Hàng loạt bài viết của các bloggers phẫn nộ lên tiếng, buộc ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phải lên tiếng chống chế, đổ thừa do lỗi của người đánh máy, càng khiến dư luận bức xúc hơn.

Cuối cùng Ban tuyên giáo Trung ương phải ra quyết định kỷ luật khiển trách ông Quát và xử phạt hành chính cơ quan này với mức phạt 30 triệu đồng. Một mức phạt mà theo dư luận là quá nhẹ. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đứng đầu trang Bauxite Việt Nam đã từng lên tiếng yêu cầu cách chức ông Đào Duy Quát vì sai phạm nghiêm trọng này.

.

Pano kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

với hình ảnh lính Trung Quốc được sử dụng làm hình ảnh bộ đội Việt Nam.

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-1.jpg

.

Trong thời gian qua, thỉnh thoảng các nhà dân báo và quần chúng lại phát hiện ra những chuyện tương tự như vậy, ở những mức độ khác nhau. Như chuyện tấm pano kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lấy ảnh lính Trung Quốc làm hình ảnh bộ đội Việt Nam, dựng ở ngã tư Phú Nhuận, trước cửa Ủy ban Nhân dân quận 4 thành phố Hồ Chí Minh.

Khi bị phát hiện và bị báo chí, cụ thể là đài RFA phỏng vấn, ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP.HCM lại trả lời vòng quanh, cho là cái hình đã có chỉnh sửa lại chứ không sử dụng nguyên xi, bằng chứng là có hình ngôi sao trên mũ bộ đội và hình quốc kỳ Việt Nam trong tấm pano, và sai phạm chủ yếu là về nguyên tắc bản quyền của tấm hình, rằng “chúng tôi có kiểm điểm anh em vì sao sử dụng như thế (?). Bị vì một đó là mình sử dụng, mình phải tính toán đến cái tác quyền, tính toán đến cái sự thương lượng trao đổi với người ta về nhiều mặt.”…

Điều đáng nói là những sai lầm kiểu như vậy không chỉ diễn ra một lần. Bức ảnh lính Trung Quốc ôm súng dưới lá cờ đỏ sao vàng lại xuất hiện trên trang báo điện tử Vietnam Net, lần này nó được dùng làm hình minh họa cho chuyên mục “đóng góp ý kiến cho Đảng”. Vụ này do nhà báo Trương Duy Nhất phát hiện và cái hình vội vàng được hạ xuống, không một lời đính chính từ phía Vietnam Net.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong bài “Lại gặp bác Rum ở Cần Thơ đưa thêm một ví dụ khác: một người bạn của nhà văn là kỹ sư Nguyễn Đình Đông chụp được một bức tranh cổ động treo tại Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều, tỉnh Cần thơ trong tháng 3 vừa qua đã bê nguyên xi từ tranh cổ động Trung Quốc với hình ảnh các công nhân tay cầm quyển Pháp luật Bảo hộ lao động mà chỉ cần xóa mấy chữ này đi thì rõ ràng là quyển Mao tuyển! Để dẫn chứng, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã đưa đường link cho thấy bức tranh được lấy nguyên mẫu từ tranh cổ động Trung Quốc như thế nào!

.

Nguyên mẫu từ tranh cổ động Trung Quốc. Hình lấy từ blog quechoa.

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-2.jpg

.

Tranh cổ động Việt Nam bê nguyên xi từ tranh cổ động Trung Quốc. Hình lấy từ blog quechoa.

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-3.jpg

.

Tác giả Tuấn Sơn thì viết về việc “Khách sạn Kỳ Lừa Lạng Sơn dùng bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc”:

Xin gửi đến trang mạng Bauxite Việt Nam những hình ảnh tôi mới chụp tại Khách sạn Kỳ Lừa Lạng Sơn để các bác đưa lên cho đông đảo bà con Bắc Nam cùng biết về một hiện tượng có thể gọi là trơ tráo, không biết vô tình hay cố ý, của những người chủ khách sạn ở đây khi ngang nhiên treo tấm bản đồ có hình lưỡi bò do Trung Quốc công bố, vậy mà không hề thấy cơ quan có trách nhiệm nào yêu cầu bỏ xuống cả.

Thế nghĩa là thế nào? Tâm lý “thần phục” phương Bắc gặm nhắm cả quan trí lẫn dân trí như sâu đục ruỗng lá rồi chăng?”.

.

Bản đồ Trung Hoa và Việt Nam treo tại Kỳ Lừa Hotel - hình lấy từ blog caominhtam

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-5-400x300.jpg

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-4.jpg

.

Mới đây, nhà báo Trương Duy Nhất lại phát hiện ra một sai phạm nữa trong bài “Lại ảnh không lạ”. Đó là ảnh lính Trung Quốc bồng súng đứng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền Trung Quốc. Vậy mà nó lại được dùng để minh họa cho một bài thơ viết về Trường Sa của nhà thơ Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập báo Dak Lak, đăng trên báo Đak Lak-cơ quan ngôn luận của đảng bộ tỉnh Dak Lak!

.

Hình lấy từ blog của truongduynhat

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-6-400x316.jpg

.

Hay vụ một số tài liệu của khu du lịch Non Nước Resort ghi chú tiếng Anh là China Beach đã được báo Thanh Niên đưa lên trong bài “Bãi biển Đà Nẵng có tên lạ” ngày 13.5 vừa qua, sau đó công ty này đã phải sửa sai. Cũng theo bài báo, lâu nay nhiều đơn vị kinh doanh du lịch và trên các trang điện tử như ToursVietnam.net, Vietnam Opentours, và Việt Nam gold.com khi giới thiệu bãi biển Đà Nẵng và các khu du lịch liên quan cũng dùng “China Beach”!

.

Hình lấy từ báo Thanh Niên (chụp từ internet)

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/05/song-chi-7.jpg

.

Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ như vậy.

Có những sự sai sót, nhầm lẫn có thể biện minh là do thói vô trách nhiệm hay thiếu hiểu biết nghiêm trọng về văn hóa, lịch sử của đất nước, nhưng trong một số trường hợp, dường như không phải đơn giản như vậy. Hơn nữa, những sự sai sót nếu chỉ diễn ra một, hai lần thì không nói gì, nhưng khi nó xảy ra khá nhiều lần từ những tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới những cơ quan nhà nước, trong những suy nghĩ, phát ngôn, việc làm của chính các cán bộ đảng viên, thì chúng ta buộc phải suy nghĩ: phải chăng đang có một sự “diễn biến hòa bình” nhưng từ một hướng khác hẳn, và điều này là do sự điều khiển từ xa của ai đó thuộc “nước lạ” hay do chính một bộ phận trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam đang có tư tưởng thần phục phương Bắc đến mức đánh mất cả mọi cảnh giác?

.

Thần phục từ trong ý thức?

Một trường hợp nghiêm trọng khác mà rất nhiều người đều biết là bài báo “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của nhân vật Đỗ Ngọc Bích trên BBC gần đây, khẳng định

Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)…”

Và:

Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở,” thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc. Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha…”

Bài báo còn nghi ngờ cả chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa… Đã có hàng bao nhiêu ý kiến, bài viết phản biện của người Việt trong và ngoài nước phẫn nộ lên tiếng.

Giải thích thế nào về trường hợp này? Có phải chỉ đơn giản là do thiếu kiến thức về lịch sử? Và liệu chúng ta có thử tự hỏi phải chăng chỉ có một mình bà Đỗ Ngọc Bích có những suy nghĩ lệch lạc? Có bao nhiêu người dân bình thường và thậm chí ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam có những suy nghĩ nô lệ kiểu như vậy? Hay thậm chí đây cũng là một kiểu “diễn biến hòa bình”, thăm dò dư luận để một ngày nào đó không xa, Việt Nam không chỉ mất đất, mất biển mà còn có nguy cơ trở thành một phần của Trung Quốc do có những kẻ cam tâm bán đứng giang sơn chỉ để duy trì quyền tiếp tục độc tôn lãnh đạo đất nước này?

.

Ta bạc nhược, nông cạn – người thâm sâu, trăm mưu ngàn kế

Trong khi về phía Việt Nam cứ thỉnh thoảng lại tự mình phản bội mình như vậy thì về phía Trung Quốc, ai biết được từ bao lâu nay khi giảng giải về lịch sử trong sách giáo khoa chính thức, khi đăng những bài viết ngay trên các trang báo giấy và báo điện tử chính thức của nhà nước Trung Quốc cũng như trong những lập luận, quan điểm của các cấp lãnh đạo Trung Quốc từ trên xuống dưới, họ đã nghĩ gì, viết gì, nói gì về lịch sử Việt Nam, về chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa, về cuộc chiến tranh 1979 và về mối quan hệ giữa hai nhà nước, hai quốc gia? Hay sự thật là từ bao lâu nay trong cái nhìn của các thế hệ lãnh đạo nhà nước Trung Quốc,“Việt Nam vốn xưa là phiên thuộc của ta. Năm 1885, theo Hòa ước Pháp-Thanh, Việt Nam đã bị nhượng lại cho Pháp, dần trở thành thuộc địa của Pháp” như trong bài viết “Chính sách hòa bình và phát triển trong 20 năm qua của Trung Quốc đã đi đến đầu cuối” của Thượng tướng Trì Hạo Điền – Nguyên Phó Chủ tịch quân ủy kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã được dịch và đăng trên trang Bauxite Vietnam? Và nếu đọc được tiếng Trung, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được khá nhiều bài viết có cái nhìn hằn thù, quyết tâm phải “dùng vũ lực tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói” hoặc “Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa” như trong một số bài báo đăng trên các trang mạng Trung Quốc đã được dịch và đăng lại trên trang Bauxite Việt Nam?

Các nhà lãnh đạo nhà nước Trung Quốc dường như đang chơi cùng lúc nhiều trò chơi khác nhau với những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam, vừa ra sức ngọt nhạt với chiêu bài quan hệ láng giềng hữu hảo 16 chữ vàng nhằm làm yên lòng những người cầm quyền Việt Nam, trong lúc đó thì vẫn “tuần tự nhi tiến” cho một sự xâm lăng toàn diện về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa cho đến quân sự; vừa chuẩn bị dư luận cho người dân Trung Quốc qua những bài báo kích động lòng căm thù Việt Nam, chuẩn bị cả dư luận quốc tế, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ, lãnh hải. Sự việc tàu bè Trung Quốc cứ ngang nhiên đi vào vùng lãnh hải của nước ta, ngang nhiên áp đặt lệnh cấm bắt cá ngay cả trên những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ngang nhiên bắt bớ ngư dân Việt Nam và đòi nộp tiền chuộc vì đã “xâm phạm lãnh hải Trung Quốc”, vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá… chính là những bước đi chuẩn bị dư luận cả với nhân dân Trung Quốc và với quốc tế.

Và chiến dịch “diễn biến hòa bình” từ phương Bắc mới thật sự là một chiến dịch thâm sâu, có bài bản, tiến công Việt Nam trên mọi địa bàn, mọi lãnh vực. Trong khi đó thì nhà cầm quyền Việt Nam cứ loay hoay, lúng túng chống đỡ trong thế tiến thoái lưỡng nan, chỉ vì giữa hai con đường “diễn biến hòa bình”: một, từ phương Tây – sẽ dẫn đến một sự thay đổi thể chế chính trị thành một quốc gia dân chủ, tự do và hai: từ phương Bắc – với nguy cơ mất nước đã quá rõ ràng, thì họ, như từ những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay, vẫn luôn luôn đặt quyền lợi của Đảng, của một nhóm người lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc; và bây giờ họ cũng sẽ chọn lựa như vậy: thà mất nước còn hơn mất Đảng! Chính vì thế mà họ không hề dám nhắc đến những nguy cơ có thực từ phương Bắc nhưng lại cứ đem con ngáo ộp “diễn biến hòa bình” từ phương Tây để đánh lạc hướng người dân!

Còn nhân dân Việt Nam, có bao nhiêu phần trăm người Việt đang sống trong môi trường bị bưng bít thông tin ở Việt Nam thực sự hiểu được điều gì đang diễn ra trên đất nước mình?

.

© 2010 Song Chi

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: