Wednesday, May 26, 2010

ĐÔNG NAM Á ĐANG CHẠY ĐUA VŨ TRANG (Phần 1)

Đông Nam Á đang chạy đua vũ trang? (Phần I)

Tác giả: Richard A. Bitzinger

Bài đã được xuất bản.: 25/05/2010 06:00 GMT+7

http://www.tuanvietnam.net/2010-05-24-dong-nam-a-dang-chay-dua-vu-trang-phan-i-

Có một mối lo ngại ngày càng lớn dần là Đông Nam Á đang bị cuốn vào của một cuộc chạy đua vũ trang cấp khu vực. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực này đang thực sự ở trong “ngày hội mua sắm” vũ khí thông thường tân tiến, và kế hoạch này được thúc đẩy bởi sự gia tăng tương ứng chi tiêu cho quân sự.

Vậy nên hiểu hiện tượng này là gì? Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài phân tích của tác giả Richard A. Bitzinger, một thành viên Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore.

Phải chăng Đông Nam Á đang bị hút vào một cuộc chạy đua vũ trang (CĐVT) khu vực? Nhìn bề ngoài, có năm diễn biến chính cho phép kết luận rằng khả năng xảy ra CĐVT như vậy là không thể phủ nhận và là một điềm dữ.

Đầu tiên, Singapore vừa mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ, trong khi Malaysia và Indonesia tậu Su-30 của Nga, còn Thái Lan đặt mua Gripen của Thụy Điển. Thứ hai, SingaporeMalaysia đều đã mua nhiều tàu ngầm mới hoặc trang bị mới cho các tàu ngầm sẵn có của mình.

Việt Nam cũng đã ký kết một hợp đồng với Nga mua 6 tàu ngầm Kilo-class. Thứ ba, năm 2002, Malaysia đã đặt mua 63 xe tăng chiến đấu hạng nặng của Ba Lan; và để đuổi kịp thương vụ này, Singapore năm 2007 mua gần 100 xe tăng Leopard-2 của Đức. Thứ tư, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan mới đây đều đã có những đơn đặt hàng lớn gồm những xe bọc thép (APC) hiện đại từ một loạt các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Thứ năm, Singapore đã đuổi kịp vụ Malaysia mua hệ thống bệ phóng tên lửa đa năng ASTROS-II (MRL) của Brazil bằng việc mua hệ thống HIMARS MRL của Mỹ.

Chưa hết, các thương vụ mua vũ khí mới đây đi kèm với việc gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trong khu vực. Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp, ngân sách quốc phòng của Malaysia đã tăng gấp đôi trong 8 năm (2000-2008), từ 1,7 tỷ USD lên 3,5 tỷ (theo tỷ giá USD năm 2005). Chi tiêu cho quốc phòng của Indonesia trong cùng thời gian này cũng tăng từ 2,2 tỷ USD lên 3,8 tỷ (tăng 72%) trong khi các con số tương ứng của Thái Lan là 2,1 tỷ lên 3 tỷ (tăng 43%).

Cùng thời gian này, ngân sách quốc phòng của Singapore tăng 26%, từ 4,6 tỷ USD lên 5,8 tỷ (theo tỷ giá USD năm 2005, nếu tính theo tỷ giá hiện nay thì ngân sách quốc phòng năm 2008 của nước này là 7,5 tỷ USD). Nếu gộp chung, chi tiêu cho quốc phòng của khu vực này tăng ít nhất 50% trong thời gian từ năm 2000 - 2008.

Tất nhiên, các diễn biến này cho thấy xu hướng phần nhiều rối loạn trong các tính toán an ninh của khu vực. Một số người thậm chí cho rằng Đông Nam Á có thể đang là trọng tâm của một cuộc chạy đua vũ trang có nguy cơ gây bất ổn toàn khu vực. Vì vậy, dễ thấy trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hạn chế chuyển giao vũ khí cho khu vực này hoặc khuyến khích các chính quyền địa phương tự kiềm chế việc mua sắm vũ khí mới, cũng như phải chế ngự hoặc ngăn cản tình trạng được cho là một cuộc CĐVT này.

Vậy liệu có đúng đắn không khi mô tả việc mua vũ khí nói trên là mầm mống của một cuộc CĐVT? Nếu đó không phải là CĐVT thì phải giải thích hiện tượng này thế nào? Rõ ràng quy mô và cường độ của việc mua sắm vũ khí của một số quốc gia Đông Nam Á không chỉ đơn giản là việc thay thế các trang thiết bị quân sự đã cũ bằng những hệ thống tân tiến hơn. Kết quả là cuộc cạnh tranh vũ khí kiểu "rượt đuổi nhau" cũng gây ra không ít lo lắng và nguy cơ gây bất ổn khu vực trong thời gian dài. Trong bối cảnh này, sẽ có ích khi nghiên cứu kỹ các thương vụ mua sắm vũ khí đặc biệt của các quốc gia chính trong khu vực.

.

Indonesia

Nhiều năm qua, Indonesia đã vực dậy từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1990 để bắt đầu đầu tư các nguồn lực mới vào các lực lượng vũ trang của mình. Quân đội Indonesia (TNI) chủ yếu được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội địa và bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng hơn 6 triệu km2 của đất nước. Vì vậy, khi nói đến các khả năng quân sự, ưu tiên hàng đầu là đối phó với các mối đe dọa bờ biển và trên không.

Lực lượng Hải quân của TNI được giao nhiệm vụ xây dựng được một khả năng "biển xanh" vào năm 2020, vì vậy đã mở rộng quy mô bằng cách thay các tàu cũ bằng những chiến hạm mới đa năng hơn. Jakarta mới đây đã mua thêm 4 tàu hộ tống Sigma-class của Hà Lan, ít nhất 1 tàu đổ bộ của Triều Tiên và trang bị các tàu chiến Exocet của Pháp và C-802 ASCMs của Trung Quốc. Các tàu cũ được chuyển sang dùng cho công tác tuần tra bờ biển. Indonesia cũng thông báo ý định mua 4 tàu ngầm Kilo-class và 2 tàu ngầm Lada-class của Nga, tuy nhiên thỏa thuận chưa được ký vì hai bên chưa nhất trí về vấn đề tài chính. Ngoài Nga, Indonesia cũng dự định mua thêm nhiều tàu ngầm của Đức, Hàn Quốc và Pháp.

Lực lượng Không quân của TNI (TNI-AU) vẫn ở quy mô nhỏ với 72 máy bay, chủ yếu là F-16 và F-5E/F đã cũ, cùng một số Su-27 và Su-30 của Nga. Quyết định mua 24 chiếc máy bay ném bom Su-30 năm 1997 đã bị hoãn lại vì khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng năm 2003, Jakarta cuối cùng đã ký được hợp đồng mua 2 chiếc Su-27 và 2 chiếc Su-30, thêm vào đó là 6 Sukhoi đặt mua năm 2009. TNI-AU hy vọng mua hơn 40 chiếc Su-27 hoặc Su-30.

Sự hiện đại hóa lực lượng Bộ binh của TNI tương đối ít, với việc mua những trực thăng Mi-17 và Mi-35, và xe bọc thép BTR-80 của Nga. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vũ khí của Indonesia đã tự chế tạo loại xe bọc thép Panser bánh 6x6, và sản xuất loại súng bắn tỉa theo bản quyền mua của Bỉ, súng tiểu liên của Italy, súng cối của Phần Lan và Israel, hay máy phóng lựu của Singapore.

.

Malaysia

Quân đội Malaysia (MAF) đã chuyển đổi từ một lực lượng chống quân nổi dậy thành một lực lượng quân sự thông thường từ cuối những năm 1980. Quá trình này xuất phát từ nhu cầu an ninh, trong đó có việc bảo vệ các vùng EEZ, bảo vệ eo biển Malacca chống lại khủng bố và hải tặc, cũng như mối lo ngại ngày càng lớn về các hoạt động quân sự tăng cường của Trung Quốc ở biển Đông. Năm 2005, Malaysia đã thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển (MMEA).

Hiện, nước này đang thực hiện chương trình kéo dài nhiều năm nhằm mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, mang tên Các lực lượng vũ trang linh hoạt Malaysia trong thế kỷ 21 (VMAF21), cùng với các Kế hoạch Malaysia thứ Tám và Chín.

Từ cuối những năm 1990, Malaysia là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất Đông Nam Á. Kuala Lumpur đã chi hơn 5 tỷ USD mua xe tăng chiến đấu, MRL, APC, máy bay chiến đấu, máy bay vận tải đường dài, tàu ngầm và tàu hộ tống tuần tra. Năm 2003, Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đặt mua 18 chiếc Su-30 MKM của Nga - trị giá 900 triệu USD - để thêm vào lực lượng hiện có gồm 18 chiếc MiG-29 Fulcrums (được trang bị tên lửa không đối không AA-12 có radar dẫn đường), 8 chiếc F/A-18D, 13 chiếc F-5E/F và 25 máy bay tấn công Hawk.

Hiện, RMAF cũng muốn mua thêm 18 máy bay chiến đấu và 4 máy bay AEW. Các thương vụ khác bao gồm 4 máy bay vận tải quân sự của Airbus A400M và có thể cả các tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM). Mới đây, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đã nhận hàng gồm hai tàu ngầm Scorpene-class liên doanh giữa Pháp và Tây Ban Nha, cùng 6 tàu tuần tra ngoài khơi (OPV) loại MIKO A100 do Đức thiết kế và 2 tàu khu trục nhỏ Lekiu-class của Anh.

Cuối cùng, quân đội Malaysia đang đặt mua 48 xe tăng chiến đấu PT-91M Twardy của Ba Lan, 15 phương tiện hỗ trợ, phương tiện chiến đấu trên bộ (IFV) của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, cùng các hệ thống pháo tự hành từ Nam Phi và bệ phóng tên lửa đa năng ASTROS-II của Brazil.

.

Myanmar

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1988, Myanmar đã mở rộng lực lượng vũ trang Tatmadaw của mình về số lượng, lên tới 400.000 lính. Song, lực lượng này chủ yếu được cấu trúc và trang bị vũ khí cho các chiến dịch chống nổi dậy và kiểm soát quân sự trong nước. Hầu hết các đơn mua sắm vũ khí trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ trước chủ yếu đặt của Trung Quốc (thiết giáp Type-69II, Type-63 và Type-85), trong khi nước này cũng tự sản xuất một lượng lớn thiết giáp hạng nhẹ BTR-3U theo mẫu thiết kế của Ukraine.

Không quân Myanmar cũng chủ yếu mua phi cơ chiến đấu của Trung Quốc, hiện có 60 chiếc F-7M và 42 chiếc A-5. Bên cạnh đó, họ đã mua máy bay phản lực huấn luyện/tấn công hạng nhẹ G4 Super Galeb của Nam Tư cũ và những phi cơ huấn luyện K-8 của Trung Quốc. Mới đây, Không quân cũng đã mua 10 chiếc MiG-29 của Nga thêm vào 20 chiếc đã có.

Hải quân Myanmar chủ yếu sở hữu các tàu hộ tống nhỏ cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đơn đặt hàng ba chiếc tàu khu trục nhỏ đã không được thực hiện, tuy nhiên Myanmar đã tự sản xuất tàu khu trục Aung Zay Ya, được trang bị những ASCM C-802 của Trung Quốc và hiện đang tự chế tạo tàu hộ tống nhỏ của mình.

.

Singapore

Singapore đang bước vào "thế hệ thứ ba" (3G) trong lĩnh vực quân sự. Các lợi ích của Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) trong sự chuyển đổi quốc phòng xuất phát từ ba nhân tố. Thứ nhất, quan niệm về các mối đe dọa phi thông thường - như khủng bố, hải tặc, tình trạng nổi dậy và bất ổn tại một nước láng giềng - kéo theo nhiều loại chiến tranh, như chiến tranh đô thị và sự cần thiết phải bảo vệ các cơ sở trọng yếu. Thứ hai, sự yếu kém về chiến lược truyền thống của Singapore là vì chưa có tầm chiến lược, một dân số nhỏ và già, cộng với các nguồn lực quốc phòng tương đối hạn chế.

Thứ ba, lực lượng lao động lành nghề và sức mạnh công nghệ thông tin, mà SAF coi là một lực đẩy quan trọng. Vì vậy, các nỗ lực chuyển đổi quốc phòng tập trung vào mua vũ khí mới, phát triển và hòa nhập với các loại công nghệ điều khiển và kiểm soát với hệ thống ISR và các loại vũ khí điều khiển từ xa chính xác. Hiện, SAF tập trung phát triển 3G trong các lĩnh vực như hệ thống tín hiệu điện tử, an ninh thông tin, hệ thống điều khiển tân tiến, chiến tranh điện tử, máy cảm ứng và các phương tiện không người lái.

Hải quân Cộng hòa Singapore (RSN) cũng đã được mở rộng đáng kể trong thập kỷ vừa qua. Đặc biệt mới đây, họ vừa đưa vào sử dụng 6 tàu khu trục Formidable-class chủ yếu nhằm kiểm soát các đường thông tin trên biển (SLOC) xung quanh Singapore, và sẽ được trang bị Harpoon ASCM và các tên lửa phòng không Aster-15 của Pháp, có khả năng tạo một lá chắn tên lửa đạn đạo. Quan trọng hơn, các tàu khu trục Formidable-class sẽ được trang bị loại máy cảm ứng tân tiến nhất và các hệ thống thông tin và xử lý chiến đấu. Bên cạnh các tàu khu trục mới, giữa những năm 1990, RSN cũng đã mua 4 tàu ngầm đã qua sử dụng của Thụy Điển, đổi tên là Challenger-class.

Năm 2009, Singapore nhận thêm 2 tàu ngầm Västergötland-class của Thụy Sĩ, đổi tên là Archer-class và trang bị thêm động cơ đẩy không dùng không khí (AIP), cho phép tàu lặn lâu hơn các loại tàu ngầm điện tử chạy bằng động cơ điện - diesel. Đây là tàu đầu tiên ở Đông Nam Á được trang bị AIP. Cuối cùng, RSN đã đưa vào sử dụng hai tàu sân bay Endurance-class, mỗi tàu có khả năng chở 350 lính, 18 xe tăng, 4 trực thăng và 4 sân bay.

Không quân Singapore (RSAF) được xếp vào loại tân tiến nhất Đông Nam Á. Trong thập kỷ qua, RSAF đã mua 74 chiếc F-16. Năm 2005, RSAF đã đặt mua 24 chiến đấu cơ F-15SG; 12 chiếc trong số này đã được giao hàng và đang đặt tại Mỹ để tập luyện. Bên cạnh đó là 9 máy bay tiếp dầu trực tiếp trên không. Hiện RSAF đang thay thế những máy bay E-2C Hawkeye AEW của mình bằng 4 chiếc Gulfstream G550, được trang bị Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS) Phalcon của Israel. Singapore cũng đặt mua 20 trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow.

Cuối cùng, Singapore là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á của chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (JSF). RSAF có thể sẽ đặt mua khoảng một chục chiếc JSF nhằm thay thế hoặc nâng cấp những chiếc F-16 của mình. Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng của Singapore cũng rất phát triển. Nước này có thể tự sản xuất các loại vũ khí nhỏ, quân nhu cho bộ binh như các hệ thống pháo, đạn và súng trường.

.

Thái Lan

Cho đến gần đây, việc hiện đại hóa quân đội Thái Lan vẫn bị ngăn cản do chưa có cơ sở vững chắc. Theo thống kê của Tổ chức tình báo quốc phòng Australia (DIO), ngân sách quốc phòng của Thái Lan giảm hơn 30% trong những năm 1996 - 1999 do khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, ngay trước cuộc đảo chính tháng 9/2006, chi tiêu cho quân đội đã tăng vọt. Năm 2006, ngân sách quốc phòng đạt khoảng 2,4 tỷ USD khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra thông qua kế hoạch hiện đại hóa lâu dài cho quân đội tổng trị giá 6,6 tỷ USD từ năm 2005-2015, cộng với khoản ngân sách quốc phòng hàng năm là 20 tỷ bạt (gần 700 triệu USD).

Việc trang bị vũ khí mới đã được tiến hành với những máy bay chiến đấu, trực thăng vận tải, xe tăng chiến đấu, APC, pháo tự hành, các hệ thống phòng không, các loại máy bay không người lái (UAV), tàu khu trục, OPV, máy bay tìm kiếm và cứu hộ (SAR)... đồng thời cải tiến mạng lưới kiểm soát, điều hành, thông tin, tình báo và vi tính hóa quân đội. Nói cách khác là mọi thứ.

Dù là một nước mạnh trong đất liền hơn, nhưng Thái Lan cũng rất quan tâm đến các lợi ích ngoài biển, trong đó có việc bảo vệ các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, chống khủng bố, hải tặc và buôn bán bất hợp pháp tại các vùng lãnh hải của mình. Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh bờ biển và các EEZ ngoài khơi. Mới đây, RTN đã mua mới và sử dụng nhiều tàu khu trục từ Mỹ và Anh, cũng như 2 chiếc OPV của Trung Quốc. RTN cũng muốn mua tàu ngầm nhưng ngân sách hiện chưa cho phép.

Hiện, RTN đang vận hành chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất trong khu vực - nặng 10.000 tấn, loại Chakri Nareubet của Tây Ban Nha - được trang bị máy bay phản lực AV-8A Harrier và 6 trực thăng S-70B Seahawk đang được sử dụng của họ. Chiếc hàng không mẫu hàm này có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời và tiến hành các chiến dịch chống tàu ngầm trong thời chiếc và khi gặp thảm họa trong thời bình. Kể từ khi Chakri Nareubet được chuyển giao cho RTN năm 1997, hàng không mẫu hạm này hầu như chỉ "ngủ" trong cảng vì chi phí vận hành cao, ngoài lần được huy động duy nhất trong các hoạt động cứu hộ sau vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004.

Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) đã chịu đựng cảnh liên tiếp thiếu vốn sau cuộc khủng hoảng châu Á. Cuối những năm 1990, RTAF có ý định mua chiến đấu cơ F/A-18, nhưng đơn đặt hàng này đã bị hoãn lại vì khủng hoảng tài chính. Những nỗ lực sau này nhằm mua phiên bản "C/D" của F-16 cũng lại bị bỏ qua để nhường chỗ cho việc mua thêm những F-16A/B đã qua sử dụng. Tuy nhiên, năm 2007, RTAF cuối cùng đã quyết định mua 6 chiếc (sau này tăng lên 12) chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển. Các đơn mua hàng gần đây của quân đội Thái bao gồm súng trường TAR-21 của Israel, trực thăng M-17 của Nga, pháo xe tải CAESAR 155mm của Pháp, và xe bọc thép BTR-3E1 của Ukraine.

.

Việt Nam

Việt Nam có lợi ích rõ ràng trong việc bảo vệ các EEZ của mình trên biển và thúc đẩy việc đòi chủ quyền lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa. Hải quân Việt Nam đang gia tăng đáng kể các khả năng quốc phòng trong những năm gần đây. Hải quân đã mua 3 tàu hộ tống nhỏ mới, được trang bị động cơ của Đức và các radar của Anh và Mỹ; cùng một chục tàu tuần tra cao tốc Svetlyak-class. Việt Nam cũng ký một thỏa thuận vũ khí lớn với Ba Lan năm 2005 về việc mua 10 máy bay tuần tra trên biển M-28 và 40 máy bay Su-22M. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tự chế tạo 40 tàu tuần tra ngoài khơi nặng 400 tấn và 6 tàu tuần tra ven biển nặng 150 tấn.

Đặc biệt, Hải quân Việt Nam mới đây tuyên bố ý định mua 6 tàu ngầm Kilo-class chạy bằng động cơ điện - diesel của Nga trị giá 2 tỷ USD. Trong cùng thời gian này, Không quân Việt Nam là một lực lượng mạnh nhưng lạc hậu, chủ yếu sở hữu những chiếc MiG-21 và Su-22. Lực lượng này đã hiện đại hóa trong những năm 1990 bằng việc mua các chiến đấu cơ Sukhoi Su-27, và sau đó mua loại Su-30MKK đa năng hơn vào năm 2003, nhưng quá trình này vẫn còn chậm và khiêm tốn. Cho đến năm 2009, họ mới chỉ mua 12 chiếc Su-27 và 12 chiếc Su-30MKK. Gần đây, họ đã tuyên bố có thể mua thêm một chục chiếc Su-30.

(Còn nữa)

Quốc Thái theo FP

.

.

.

No comments: