Monday, May 17, 2010

TAN HOANG NHỮNG CÁNH RỪNG GIÀ Ở ĐÁC NÔNG

Tan hoang những cánh rừng già ở Đác Nông

Cập nhật 16:54 ngày 17-05-2010

http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=0&article=174803

NDĐT - Trong những ngày giữa tháng 5 vừa qua, chúng tôi may mắn được tham gia cùng đoàn công tác của tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Đoàn 12) đi kiểm tra các “điểm nóng” phá rừng, lấn chiếm đất rừng thì mới thấy hết sự tàn khốc của nạn phá rừng ở Đác Nông hiện nay. Với những gì mắt thấy, tai nghe mà chúng tôi ghi lại dưới đây một phần nào nói lên điều đó.

Từ những “điểm nóng” ở Tuy Đức…

“Điểm nóng” đầu tiên đoàn chúng tôi đến là các tiểu khu thuộc lâm phận Công ty lâm nghiệp Quảng Tín quản lý nằm trên địa bàn xã Đác Ngo, huyện Tuy Đức. Khi xe vừa dừng bánh ngay cánh rừng phía sau trạm bảo vệ rừng của công ty, chỉ cách trung tâm huyện Tuy Đức khoảng 10 km, nhưng trình trạng rừng bị tàn phá vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi. Bởi nơi đây chỉ một năm trước, cây rừng còn dày đặc, tán che kín bầu trời, còn nay thì trống hoát, chỉ trơ trọi toàn gốc cây rừng cháy đen thui thủi.

Tiếp tục đi vào khu vực Tiểu khu 1538, nơi được xem là “điểm nóng” nhất tình trạng phá rừng ở huyện Tuy Đức, thì cả một cánh rừng rộng lớn hàng chục ha cũng chung “số phận”, cây rừng bị cưa đốn đổ ngổn ngang, nhiều nơi rừng bị đốt cháy đen thui, những thân cây có đường kính từ 50-60 cm bị đốt cháy lẹm nửa thân cây nằm la liệt. Theo con đường mòn này băng qua trung tâm xã Đác Ngo đến khu vực đất, rừng do Công ty TNHH Hoàng Thiên thuê quản lý, bảo vệ rừng cũng bị phá loang lổ. Đi vào sâu hơn, những nơi dốc dựng đứng, tưởng chừng không ai vào được nhưng rừng vẫn bị tàn phá nặng nề. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người dân lái cả xe công nông chở đầy cây sắn vào trồng trên đất rừng vừa mới chặt phá.

Đoàn chúng tôi tiếp tục vượt lên bốn ngọn đồi, băng qua hai con suối, nhưng đi đến đâu cũng thấy loang lổ nương rẫy xen với rừng. Đi cùng đoàn, Trung tá Dương Danh Quế, Phó Trưởng Công an huyện Tuy Đức cho biết: “Mới vài năm trước, tôi cùng đồng đội vào đây truy bắt các đối tượng phạm tội lẩn trốn trong rừng, nơi đây vẫn bịt bùng, bốn bề bao phủ toàn rừng là rừng. Để vào được Tiểu khu 1537, 1538 này chỉ có cách duy nhất là lội bộ băng rừng.

Còn bây giờ, cả đoàn ngồi ô tô vào tận nơi. Nhìn trên bản đồ của huyện thì đây là khu vực rừng già, nhưng vào tận nơi phải phóng tầm mắt ra xa mới thấy được những chỏm rừng còn sót lại trên các đỉnh đồi. Có lẽ ở những nơi đó do dốc quá cao, nên người dân chưa leo lên để phá”.

Đi sâu hơn nữa vào các Tiểu khu 1537, 1538, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đác Nông và Bình Phước thì tình trạng phá rừng càng “nóng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì ngay sát các bìa rừng, khói đen do đốt rừng vẫn còn bốc cao ngút trời. Dưới cái nóng hừng hực của thời tiết cộng với không khí ngột ngạt của khói lửa đen ngịt do đốt rừng làm chúng tôi ngột thở và rát cả da mặt. Thế nhưng, tại những nơi rừng mới bị đốn hạ, người dân đã tranh thủ dựng lều bạt đánh dấu “lãnh địa” của mình để chiếm giữ. Tại những nơi rừng bị dọn sạch trước đó đã có hàng chục căn lều được dựng lên nối tiếp nhau, nhưng nhà nào cũng đóng cửa im ỉm cả ngày, vì mọi người đã đi rừng vắng.

Giám đốc Công ty lâm nghiệp Quảng Tín Thân Văn Minh trăn trở: “Hầu hết những người trực tiếp phá rừng là đồng bào dân tộc tại chỗ và người dân nghèo từ các nơi khác đến, nhưng họ lại không được sử dụng đất mà phải mua lại đất của các “đầu nậu” đã bỏ tiền ra thuê họ phá. Vì vậy, khi phát hiện xử lý người dân rất khó khăn, còn các “đầu nậu” đứng phía sau thì không thể biết và xử lý được, vì họ bỏ tiền ra là xong. Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay trở nên khó khăn và phức tạp, thậm chí phải đổ cả máu nhưng vẫn không giữ được rừng”.

Tại Tiểu khu 1538, chúng tôi gặp một người đàn ông trung niên, nước da rám nắng ngồi lai rai vài con cá khô cùng chai rượu đế trong một cái chòi tranh giữa rừng. Hỏi chuyện, ông giới thiệu tên là Lê Hùng từ Đồng Nai “nhảy dù” lên đây “đóng đô” được hơn một tháng nay, hôm nay không đi rừng ở nhà giải sầu, vì nhiều ngày nay chưa nhận được tiền công khai hoang từ một người mới quen thuê. Ông Hùng bộc bạch: “Lúc mới đến, ai cũng nghĩ ở đây đất rừng bạt ngàn, nên cứ kéo nhau lên là có rẫy, có nhà. Ai ngờ, lên đến nơi cũng chỉ có cái nghề... làm thuê. Nhiều người dù không muốn vi phạm pháp luật, nhưng được người khác thuê khai hoang giúp, họ đưa cả “sổ đỏ” ra làm bằng chứng đất này đã chuyển đổi mục đích sử dụng, thế là cưa, chặt, phá, đốt… không thương tiếc. Đến khi bị kiểm lâm phát hiện bắt giữ, mới biết mình bị họ lừa gạt đi phá rừng chui, vì “sổ đỏ” kia là giả”.

Một điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên, là mặc dù ở chốn rừng sâu nước độc này, nhưng có tới hàng chục chiếc xe gắn máy với đủ loại biển số: 48H1…, 93L2…, 60K6…, 61N4…, 83F1… dựng bên đường. Khi đoàn chúng tôi vào chưa đến nơi, họ đã được báo tin nên cứ hai người một xe phóng như bay, tung bụi đỏ trời. Vì là dân di cư tự do, đến từ nhiều địa phương khác nhau, nên ngoài chuyện làm “lâm tặc” thì họ sẵn sàng tranh chấp cả đất của nhau, lẫn đất của các doanh nghiệp thuê. Ông Hoàng Đình Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên, đơn vị vừa được UBND tỉnh Đác Nông cho thuê đất giữ rừng và phát triển cây công nghiệp cho biết: “Công ty phải nhiều phen “toát mồ hôi” vì “lâm tặc” xâm lấn đất rừng. Rừng bị nương rẫy bao vây tứ phía, vì thế cũng thường xuyên xảy ra tranh chấp và việc “lâm tặc” dùng hung khí để “nói chuyện” với công ty không phải là hiếm. Nhiều nơi chỉ còn khoảng chục ha rừng, nhưng đơn vị phải bố trí đến vài cán bộ ăn ngủ ngày đêm trên chỏm đồi, còn nếu lơ chỉ vài hôm là rừng mất sạch”.

Còn trung tá Dương Danh Quế cung cấp thêm số liệu cho chúng tôi: chỉ từ đầu năm tới nay, Công an huyện Tuy Đức đã phối hợp với các ngành chức năng điều tra hàng chục vụ án phá rừng chủ yếu xảy ra tại “điểm nóng” ở xã Đác Ngo và Quảng Trực, trong đó Công an huyện đã khởi tố vụ án và bắt giam 9 đối tượng phá hơn 20 ha rừng tại Tiểu khu 1447, xã Quảng Trực để truy cứu trách nhiệm hình sự…

Thế nhưng, tình trạng phá rừng không giảm, ngược lại ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Chi cục kiểm lâm Đác Nông, trong ba tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Đác Nông có 132 ha rừng già bị “xóa sổ” thì riêng huyện Tuy Đức đã có 79,5 ha.

… Đến “điểm nóng” Quảng Sơn

Rời Tuy Đức, chúng tôi xâm nhập một “điểm nóng” phá rừng khác ở tỉnh Đác Nông là xã Quảng Sơn, huyện Đác Glong. Theo người dân địa phương thì trong thời gian qua, tình trạng phá rừng diễn ra hết sức tùy tiện nhưng không hiểu vì sao không thấy cơ quan chức năng nào vào ngăn chặn, xử lý; còn người dân địa phương không ai dám lên tiếng vì sợ bọn chúng trả thù. Vì vậy, khi thấy chúng tôi hỏi đường vào các “điểm nóng” này, nhiều người khuyên ngăn không nên vào coi chừng bọn “lâm tặc” hành hung bỏ mạng như chơi. Nhưng nhờ một người quen dẫn đường và chúng tôi trong vai những người đi mua đất rồi lên đường.

Từ trung tâm xã Quảng Sơn, chúng tôi men theo con đường đất đỏ cắt xuyên qua Tiểu khu 1658 để vào rừng. Mới đi được chừng 5 km, nhưng trước mắt chúng tôi là những vạt rừng già bị chặt phá tan hoang, đốt cháy nham nhở. Nhìn bao quát ven các quả đồi trải rộng về phía xa thì ước chừng có khoảng vài chục ha rừng thuộc Tiểu khu 1658 đã bị phát luỗng, chặt phá. Tiếp tục đi sâu vào thêm nữa, mới chứng kiến cảnh khốc liệt của những khu rừng bị phá; nhiều khu rừng bị đốn ngã từ năm trước, nay mới được đốt dọn nên trên bề trên mặt đất tro than đen ngòm dày đến cả gang tay. Nhất là khu vực chốt 1, lửa rừng vẫn đang còn âm ỉ cháy vì cây mới đốn hạ, lá cành còn xanh nên không thể cháy hết được.

Theo UBND xã Quảng Sơn thì Tiểu khu 1658 đã được tỉnh giao cho các đơn vị doanh nghiệp thuê, trong đó, Công ty Cổ phần Thiên Sơn thuê 423 ha và Công ty TNHH Thương mại Đình Nghệ thuê 172 ha đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Thế nhưng, khi chúng tôi có mặt tại đây thì không thấy bóng dáng một cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của doanh nghiệp nào, còn hàng ngày rừng thì bị chặt phá.

Đang lúc ngồi nghỉ mệt, chúng tôi gặp anh K’Lang, một người dân địa phương trên đường đi rẫy về, anh cho biết: “Rừng tại Tiểu khu 1658 đã bị chặt phá, xâm canh từ nhiều năm nay, ai chặt phá rừng thì không thể biết được, nhưng năm nào rừng ở đây cũng bị chặt phá. Có thời điểm “lâm tặc” ngang nhiên dùng cưa máy phá rừng, bất kể ngày đêm. Ngoài khu vực Chốt 1, trong phạm vi Tiểu khu 1658 còn xảy ra nhiều điểm chặt phát rừng, đốt rừng trái phép để lấy đất sản xuất như: quanh khu vực Suối Đá, vùng tiếp giáp với rừng Nâm Nung...”. Điều chúng tôi băn khoăn là những khu vực rừng bị chặt phá nằm không xa lắm trung tâm xã, giao thông cũng thuận lợi thế nhưng nhiều năm qua rừng bị chặt phá với diện tích lớn mà lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các doanh nghiệp cũng như kiểm lâm địa bàn vẫn không hề hay biết, hoặc cố tình không biết?

Ngoài thực trạng phát đốt rừng để chiếm đất, thời gian gần đây, tại Tiểu khu 1658 còn xảy ra nhiều vụ việc “nóng bỏng” về tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương với các doanh nghiệp. Nguyên nhân là do trước đây, UBND tỉnh Đác Nông đã ban hành Quyết định 1647/QĐ-UBND về thu hồi nguyên trạng 2.458,2 ha đất của Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, khoanh nuôi bảo vệ. Nhưng phần lớn diện tích đất trên đều được giao cho các doanh nghiệp, nên người dân chờ mãi mà chẳng thấy chính quyền địa phương giao rừng để quản lý. Mặt khác, đa số đất đai canh tác của người dân buôn N’Ting, xã Quảng Sơn đều nằm tại Tiểu khu 1658 nên việc các doanh nghiệp đến thuê đã khiến cho người dân sợ mất đất nảy sinh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện rất phức tạp. Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Phạm Hồng Thái cho biết: “Lý do không thể giao đất, giao rừng theo nguyện vọng của cộng đồng thôn, buôn được là do người dân không có đủ tiềm lực, khả năng khai thác, sử dụng quỹ đất lớn như vậy được. Nên khi giao đất cho doanh nghiệp, địa phương sẽ thực hiện bóc tách, không đụng đến đất của dân”. Ngược lại, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn Lê Quang Phúc thì cho rằng: “Việc giao đất chỉ có tỉnh, huyện và các doanh nghiệp biết với nhau, đến khi vỡ lỡ ra thì đùn đẩy cho cấp cơ sở “gỡ rối”. Để tháo gỡ mối “bùng nhùng” tại Tiểu khu 1658, các cấp chính quyền cần rà soát, quy hoạch đồng bộ, nơi nào giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án nông lâm nghiệp, nơi nào giao cho nhân dân nhận quản lý, bảo vệ phải công khai và rõ ràng, rạch mạch, chứ làm như lâu nay doanh nghiệp chỉ quan hệ với tỉnh, huyện rồi cầm quyết định xuống thực địa nhận đất thì khó tránh khỏi tranh giành với người dân địa phương”.

Sau hai ngày lặn lội băng rừng, lội suối xâm nhập các “điểm nóng” phá rừng ở Đác Nông, và những gì mắt thấy, tai nghe làm chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước tình trạng những cánh rừng già bị phá tan hoang. Và chúng tôi chắc chắn một điều rằng, diện tích rừng ở Đác Nông đang bị biến mất khỏi bản đồ ngành lâm nghiệp cũng không dừng lại con số vài trăm ha mỗi năm như báo cáo của ngành chức năng mà thực tế còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Bài và ảnh: Hoài Bão-Thụy Nguyên-Kim Ngân

.

.

.

No comments: