Wednesday, May 12, 2010

TẠI SAO CSVN THÍCH CHỌN THẦU TRUNG QUỐC ?

Tại sao Tập đoàn CS Ba Đình thích chọn thầu Trung Quốc?

Lê Diễn Đức

Tháng Năm 12, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/05/12/t%e1%ba%a1i-sao-t%e1%ba%adp-doan-cs-ba-dinh-thich-ch%e1%bb%8dn-th%e1%ba%a7u-trung-qu%e1%bb%91c/

Gần đây, các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của Việt Nam lần lượt rơi vào các tay thầu Trung Quốc. Vì sao?

Tôi không hiểu luật đấu thầu của CHXHCN Việt Nam ra sao, nhưng thường chỉ nghe báo chí trong nước thông báo quyết định của chính phủ đã chọn ai làm chủ thầu. Mọi việc đều như đặt vào việc đã rồi, de facto.

Chưa bao giờ thấy thông tin công khai cho biết tiến trình các cuộc đấu thầu, thành phần tham gia đấu thầu gồm những ai, giá ai thấp, ai cao, công nghệ của ai tiên tiến hơn, ai đảm bảo môi sinh hơn và ai có điều kiện ưu đãi tín dụng tốt hơn, v.v…

Mọi thứ dường như đã được thoả thuận, móc ngoặc trước với nhau trong tư gia, tửu điếm hay tại một nhà nghỉ mát thượng hạng nào đó.

.

Những công trình lớn

Hôm 10/05, Tổng công ty Lilama của Trung Quốc vừa trúng gói thầu cuối cùng trong việc xây lắp nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Đó là hệ thống xử lý lưu huỳnh cho nhà máy nhiệt điện sử dụng nước biển đầu tiên của Việt Nam. Hợp đồng có trị giá 32 triệu USD.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW, là một trong những dự án điện trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006-2015 với mức đầu tư 1,25 tỷ USD. Đây là nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy lớn nhất Việt Nam hiện nay do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư.

Cũng nên nhắc lại rằng, chính công ty Lilama đang giữ vai trò tổng thầu EPC dự án này, bao gồm thiết kế, thiết bị, xây dựng, đào tạo và đã triển khai các hạng mục chính từ tháng 12/2009. Có nghĩa là gói thấu hôm 10/05 rơi vào tay anh thầu. Mọi nguồn nước lại chảy về một chỗ trũng.

Được biết, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam sẽ có 25 nhà máy nhiệt điện như Vũng Áng 1 trên các vùng Duyên Hải của bờ biển Việt Nam. Do đó, Lilama nếu biết mình biết ta ngon lành, sẽ còn cơ hội dài dài cho các dự án tiếp theo…

Trước đó, dự án bauxite đã được Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 01/11/2007. Hai dự án Nhân Cơ và Nhân Rai hiện đang thực hiện, mỗi dự án trị giá 600 triệu USD, trong đó dựa án Nhân Cơ (Đắk Nông) do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư, còn công ty Chalieco Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Các công trình này đã làm sôi động tâm tư, tình cảm người Việt trong ngoài nước, cũng như các đại biểu quốc hội trong giai đoạn nửa đầu năm 2009. Đến nay sự bất bình của xã hội trước thái độ bất chấp dư luận và trâng tráo của nhà cầm quyền tưởng như lắng xuống, nhưng trong thực tế đã trở thành những đợt sóng ngầm tục lan rộng.

Cùng thời gian, đầu năm nay, dự án xây dựng tuyến đường Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,5km, 12 ga, trị giá đầu tư khoảng 552,9 triệu USD, trong đó, nguồn vốn của Trung Quốc khoảng 419 triệu USD và Việt Nam khoảng 133,86 triệu USD.

Ngoài ra có thể nói tới các dự án đầu tư lớn khác nằm trong tay thầu Trung Quốc như giây chuyền 2 nhà máy xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa), nhà máy xi măng Công Thanh (Đồng Nai), nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nhà máy luyện thép cũng tại Vũng Áng…

.

Bắt đúng mạch

Tạm gác những hậu quả nghiêm trọng như an ninh quốc gia, gây ô nhiễm sinh thái, người lao động Trung Quốc làm việc bất hợp pháp, gây rối an ninh trật tự xã hội kể từ khi những nhà đầu tư láng giềng phương Bắc có mặt tại Việt Nam.

Cũng chưa cần nhắc tới thái độ bạc nhược, bán rẻ quyền lợi của đất nước của tập đoàn cộng sản Ba Đình trước Trung Nam Hải, hầu tìm chỗ dựa chính trị duy nhất còn lại để duy trì chế độ cộng sản độc đảng, độc tài.

Tất cả những ai có chút quan tâm về vấn đề quốc nạn tham nhũng của CHXHCN Việt Nam đều có thể nhận biết vì sao tập đoàn lãnh đạo Ba Đình thích chọn đối tác Trung Quốc.

Trong đầu tư quốc tế, nói chung, tất cả các tập đoàn kinh doanh đều muốn làm sao thực hiện dự án suôn sẻ và có lợi. Cho nên, những nơi mà môi trường xã hội vẩn đục vì tham nhũng, đồng tiền của các ông chủ sẽ dễ dàng sai khiến nhà chức trách. Đục nước béo cò là vậy!

Với chính sách bành trướng kinh tế, dùng kinh tế gây sức ép lên chính trị, trong một thập niên qua, Trung Quốc ào ạt đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác nguyên liệu vào các quốc gia nghèo, có chế độ chính trị thiếu dân chủ, dễ xoay xở, lấn lướt như ở châu Phi và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong nhiều năm, tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đều đưa ra phúc trình về tệ nạn tham nhũng. Việt Nam liên tục xếp vào hạng cao về chỉ số trong sạch thấp trong nhiều năm gần đây, năm 2009 nằm ở vị trí 120 (với 2,7/10 điểm).

Các công ty kinh doanh của những nước dân chủ, phát triển không phải không có lòng tham, không muốn lót tay các quan chức địa phương để đạt lợi ích của mình, nhưng họ rất sợ bị phạt nặng vì vi phạm luật đầu tư ra nước ngoài. Nhất là với báo chí tự do, những hành vi mờ ám của họ có khả năng bị phanh phui bất cứ lúc nào. Trong trường hợp bị đưa ra công luận, họ phải chịu sự trừng trị của công lý đã đành, nhưng sẽ kéo theo luôn các quan chức địa phương có liên quan. Trạng mà chết thì Chúa cũng thăng hà!

Chính vì thế các quan chức Việt Nam trong vài năm gần đây thích chọn anh ba Tàu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng nhất. Với anh Ba Tàu, họ yên tâm, ăn ngon ngủ kỹ bỏ túi phần lại quả. Ăn bánh xong, miệng mép được chùi sạch sẽ, còn lá thì đã được thủ tiêu!

Các vụ nhận hối lộ từ tay nước ngoài mới nhất đây đã dạy cho các ông tai to mặt lớn ở Hà Nội những bài học nhớ đời. Đó là vụ PCI xây dựng đường xá với vốn đầu tư ODA của Nhật Bản, vụ in tiền giấy polymer với Australia và vụ mua bán công nghệ, vũ khí với Nexus Technologies của Hoa Kỳ.

.

Kết luận

Cứ vay tiền thật nhiều để đầu tư, xây dựng, càng nhiều càng có lợi, vừa được tiếng để tuyên truyền với dân chúng về sự phát triển kinh tế, vừa được ăn những quả khổng lồ, là chính sách nhất quán của tập đoàn cộng sản Việt Nam.

Chỉ e rằng, một ngày nào đó, vay xài riết rồi không trả nổi, đến lúc phá sản như Hy Lạp vừa qua, chắc các thế hệ tương lai đành chịu phát mại luôn toàn bộ đất nước, chứ chẳng riêng mấy hòn đảo. Hy Lạp có mức độ tham nhũng chỉ bằng nửa Việt Nan (2009: hạng 71, 3,8/10 điểm) mà dân chúng còn xuống đường như vậy. Nhưng dù sao, là một nước còn nghèo ở Tây Âu, Hy lạp may mắn nằm trong Liên Hiệp châu Âu, nên còn có các thành viên giàu có ghé vai gánh giúp, vực dậy và đưa ra các biện pháp kiểm soát, chế tài trong tương lai để chấn chỉnh, phục hồi kinh tế.

Còn Việt Nam? – Một tương lai vô định!

12/05/2010

.

.

TQ thắng thầu trong dự án điện Vũng Áng

BBC

Cập nhật: 05:03 GMT - thứ tư, 12 tháng 5, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100512_china_powerplant.shtml

Hai công ty Trung Quốc vừa giành gói thầu cuối cùng trị giá 32 triệu đôla trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 thuộc loại lớn nhất Việt Nam.

Tổ hợp nhà thầu GEDI và AE&E vừa ký hợp đồng với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là tổng thầu EPC của dự án để thiết kế, cung cấp, lắp đặt, chạy thử và bàn giao hệ thống xử lý lưu huỳnh sử dụng nước biển cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 ở tỉnh Hà Tĩnh.

Tập đoàn GEDI được nói đã tham gia một số dự án ở Việt Nam.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW là một trong những dự án điện trọng điểm Quốc gia, có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ đôla. Đây là nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

Theo dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu phát điện vào tháng 7/2012.

Gần đây báo chí nói nhiều về việc các dự án lớn đều có hiện diện của nhà thầu Trung Quốc. Đây là các dự ánthuộc các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam như điện, khai mỏ, cầu đường, xi măng, hóa chất...

Có thể nhắc tới các dự án như đường cao tốc Bắc Nam, dây chuyền 2 nhà máy xi măng Nghi Sơn ở Thanh Hóa, nhà máy xi măng Công Thanh ở Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, hay nhà máy luyện thép 5.000 tấn/năm cũng tại Vũng Áng...

Các dự án khai thác bauxite tại Đắk Nông và Lâm Đồng cũng có mặt hàng trăm công nhân Trung Quốc.

Miễn thuế

Thông thường công ty Trung Quốc mang không những nhân công, mà cả vật liệu vào Việt Nam, kể cả những loại vật liệu như xi măng, sắt thép mà trong nước đã có sẵn.

Việc này có lợi cho công ty Trung Quốc vì theo quy định về nhận thầu xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc, nếu họ mang được lực lượng lao động và công trình sử dụng được ít nhất 30% nguyên vật liệu của Trung Quốc, thì họ được miễn thuế.

Từ năm ngoái đã có cảnh báo về tình trạng công nhân "ngoại" ồ ạt vào Việt Nam, nhiều lao động giản đơn và qua con đường du lịch rồi tìm cách ở lại.

Giới chức Việt Nam đang chuẩn bị siết chặt quản lý lao động nước ngoài với quy định mới có hiệu lực từ 01/07.

Theo quy định này, lao động nước ngoài không có giấy phép sẽ bị buộc phải xuất cảnh.

Tuy nhiên đã có than phiền từ người nước ngoài, kể cả công dân các nước phương Tây đang làm việc tại ViệtNam, rằng thủ tục để xin giấy phép lao động quá rườm rà và rắc rối.

.

.

.

No comments: