Saturday, May 8, 2010

NHỮNG CON VẬT ĐÁNG THƯƠNG TRONG THẢO CẦM VIÊN

NHỮNG CON VẬT ĐÁNG THƯƠNG TRONG THẢO CẦM VIÊN

Tạ Phong Tần

May 8, '10 2:36 AM

http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/42

Thảo Cầm Viên (tên ban đầu là Vườn Bách Thảo), còn gọi là Sở Thú, một cái tên quen thuộc đối với người dân miền Nam. Mấy chữ Thảo Cầm Viên gợi lên hình ảnh xanh tươi, mát mẻ (thảo), có tiếng chim hót ríu rít líu lo (cầm), khu vườn thanh bình, hạnh phúc (viên). Nhắc đến Thảo Cầm Viên, người ta nghĩ ngay đến một không gian thoáng đãng, xanh mát để vui chơi, giải trí sau một ngày làm việc mệt nhọc. Khu vườn rộng này có một cổng ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và một cổng ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chỉ cần bỏ ra vài ngàn đồng, leo lên xe buýt Bến Thành - Bình Triệu thì bạn có thể xuống thăm Thảo Cầm Viên tại trạm dừng ở chân cầu Thị Nghè (đường Xô Viết Nghệ Tỉnh).

.

Thảo Cầm Viên được Đề đốc De La Grandière cho phép xây dựng năm 1864 ở Sài Gòn để làm nơi nuôi thú và ươm cây khu vực Đông Dương, nhằm phục vụ cho Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên Paris. Năm 1869, Vườn mở cửa rộng rãi cho dân chúng vào xem. Theo các tài liệu chính thức thì Thảo Cầm Viên hiện nay là một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1,800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài địa lan, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai... và đang được bổ sung thêm. Đặc biệt, ngày 07/02/2010 báo chí trong nước đều loan tải thông tin Thảo Cầm Viên vừa nhận thêm một đôi hổ trắng Ấn Độ (Bengal) khiến không ít người tò mò chen nhau vào Thảo Cầm Viên để được tận mắt xem hổ trắng, loài vật mà lâu nay người ta chỉ được nhìn thấy trên phim ảnh. Nhân dịp được nghỉ mấy ngày Tết, tôi cũng theo chân người dân Sài Gòn vào Thảo Cầm Viên xem hổ trắng.

.

Vừa qua khỏi cổng soát vé, tôi cảm thấy một mùi ngai ngái, tanh tanh đập vào mũi mình, càng vào gần khu chuồng thú thì mùi khai nồng của nước tiểu, của phân thú càng sực lên trong mũi, khiến tôi phải cố gắng kềm chế để không phải thở bằng miệng trong suốt chặng đường đi. Trong một cái chuồng sắt cao được thiết kế kiểu tháp tròn, song sắt to kiên cố, một con vượn nhỏ lông đen mặt trắng đang đánh đu trên sợi dây xích sắt có cột thêm vài cái vỏ xe máy phế thải, thấy có người đến gần, nó vội vàng bỏ chạy rút vào bên trong mái che tối om om. Sợi xích rỉ sét, cái vỏ xe máy dơ bẩn, cùng với mùi chất thải quá đậm đặc khiến tôi không thể đến sát bên chuồng thú.

.

Khu vực nhốt voi Châu Á là một khoảng đất (pha cát) ngoài trời rộng chừng 200m vuông, xung quanh lưa thưa vài cái cây trụi lá. Một con voi to có ngà, chân trước bên phải bị xích vào một cái móc sắt chôn sâu dưới đất, bốn con voi còn lại chưa có ngà, không bị xích chân. Con nào trông cũng gầy ốm, da nhăn nhúm, mốc thếch. Gần chỗ con voi lớn bị xích chân có một vũng xi măng trong có nước đục ngầu màu đất đỏ, nổi váng trên mặt, cái vũng nhỏ đến mức giống như cái vũng trâu đầm ở dưới quê. Nhưng có lẽ vũng trâu đầm còn sạch hơn và mát hơn, bởi nó là nước ao, nước mưa đọng lại và xung quanh là bùn ướt, mát mẻ, còn cái vũng trong chuồng voi này là vũng nhân tạo nên không có bùn. Xung quanh khu đất này có hàng rào điện thâm thấp (kèm biển báo “Có điện, nguy hiểm”), ngoài hàng rào điện là hàng rào sắt cao ngang ngực người lớn ngăn cách giữa người xem và lũ voi. Vào phía bên trong là một dãy chuồng nho nhỏ bằng song sắt lớn, có mái che thấp đúc bằng bê-tông, diện tích mỗi chuồng khoảng 4m vuông, có lẽ để ban đêm người ta lùa chúng vào đó rồi khóa cửa lại chăng? Ban ngày, lũ voi cứ đi qua đi lại quẩn quanh trong khu vực hàng rào điện, cái vòi đong đưa qua lại hay co lên co xuống, đôi mắt nhỏ hấp háy buồn bã nhìn khách đến xem đang vây quanh chúng. Nắng Sài Gòn nóng nung người, lũ voi thì “phơi thây” cả ngày dưới nắng, có lẽ vì vậy mà chúng đã lấy đất phủ dầy lên toàn thân cho đỡ nóng. Tất nhiên, không thể bỏ qua không nhắc đến mùi chất thải voi cứ xông lên mũi.

.

Khu chuồng hà mã cũng không kém. Chuồng rộng khoảng 80m vuông, xung quanh có hàng rào sắt cao quá đầu người lớn. Ngoài chuồng có gắn tấm biển nhỏ giới thiệu cho du khách biết tên khoa học, xuất xứ của hà mã, cân nặng từ 1,500kg đến 2,500kg. Tôi nhìn thấy con hà mã đang trầm mình dưới làn nước nổi váng xanh lè, chỉ ló lên đôi mắt và cái mũi to đùng, phía trên mặt nước lềnh bềnh rác và lá cây mục. Cái “ao” của nó rộng chừng 4m vuông, sâu khoảng hơn 1m, xung quanh láng xi măng. “Ao” này vào lúc giữa trưa, nước sẽ nóng vô cùng bởi hấp thụ nhiệt tỏa ra từ xi măng xung quanh. Nền chuồng hà mã cũng bằng xi măng, phía trong, người ta làm những cái “hang” nhân tạo thâm thấp cho hà mã chui ra, chui vào nghỉ ngơi. Chuồng hà mã cũng có mùi, nhưng không nồng nặc bằng chuồng vượn mặt trắng, có lẽ do hà mã ị dưới nước.

.

Ở khu chuồng cá sấu, hàng chục con cá sấu không lớn lắm màu xam xám, màu đất, nằm ẹp xung quanh hồ nước láng xi măng, im lìm như những khúc gỗ mục. Một số khác trầm mình dưới hồ nước cạn. Hồ nước ở đây cũng thiết kế giống như bên chuồng hà mã, và điều không thể thiếu ở tất cả các hồ nước trong chuồng thú là váng đọng, rác và lá vàng mục lều bều lềnh bềnh khắp mặt hồ. Dù người ta có cột dọc theo thành các cây cầu xi măng bắc ngang qua hồ mấy cái thùng nhựa đựng rác, thì chai nhựa, bọc ny lông vẫn xuất hiện trên mặt nước. Bọn cá sấu cứ bỏ ngoài tai thế sự, trầm lặng im lìm, bất động đến hàng giờ, mặc cho bên trên người xem nhộn nhạo, huyên náo um sùm.

.

Từ chuồng cá sấu tôi di chuyển sang chuồng nuôi tê giác, cọp Đông Dương. Một con cọp lông vàng sậm, vằn đen, trông nhàu nhĩ cũ kỹ, chậm chạm uốn mình di chuyển từ cái hang giả phía trong đi ra ngoài hòn non bộ. Thân mình nó ốm yếu, dáng điệu nó uể oải, cặp mắt nó lờ đờ, mờ đục với ánh nhìn thờ ơ. Người đàn ông trung niên dẫn theo hai đứa con chừng 12-13 tuổi cùng đứng xem nói với tôi đây là “con cọp độc”, tức cái chuồng này chỉ có một mình nó, ông đã thấy nó ở đây hơn mười năm rồi nên trông nó chẳng còn thần sắc gì của một vị chúa sơn lâm. Nhìn nó, tôi nhớ đến bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ: “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,”... Tôi nghe người cha trung niên trả lời thằng con nhỏ tại sao cọp buồn và ốm, người ta không cho nó ăn sao: “Có chứ, người ta phải cho nó ăn gà vịt, thỉnh thoảng có thịt bò, thịt heo thì nó mới còn sống, nhưng cho nó ăn no thì có người không được ăn, nên nó phải ốm”.

.

Ông ta dẫn hai đứa con sang chuồng cọp trắng. Chuồng thiết kế kiểu mới, bên ngoài toàn kính trắng không vỡ, có lẽ vì lớp kính ngăn cách nên tôi không ngửi thấy mùi cọp mà chỉ ngửi toàn mùi mồ hôi người đang chen chúc đông nghịt xung quanh bốc lên đặc sệt. Đôi cọp chừng hai tuổi mập tròn, mũm mĩm, lông trắng mướt rượt với những sọc vằn đen tuyệt đẹp. Hai đứa nhà cọp trắng trẻ con mới đến có khác. Một người đàn ông nói: “Nó mới về, nó còn mập mạp, vui vẻ. Chớ để lâu nó ốm nhom, buồn hiu, lờ đờ như con cọp vàng ở chuồng bên kia thôi”.

.

Vui nhất là trong Thảo Cầm Viên có một khu nhà thâm thấp, ngoài đề bảng “Di tích lịch sử chiến tranh của lực lượng biệt động Sài Gòn” nhưng phía ngoài thì thấy dựng mấy chiếc xe máy, còn bên trong một bàn nhậu đang cụng ly “dzô...” “dzô...” rất khí thế. Không biết “di tích” là xe máy, là cái bàn hay là mấy vị đang “dzô...” “dzô...” ấy nhỉ?

.

Điểm chung nhất của Thảo Cầm Viên là cái sự... bốc mùi. Chuồng thú càng to thì mùi càng nồng nặc. Nơi nào cũng theo một công thức chung: Song sắt to bên ngoài, bên trong xi măng giả núi, xi măng giả hang đá thấp lè tè cho thú trú, xi măng giả cây, xi măng giả ao, nói chung là kính thưa các loại xi măng..., là một cái “chảo rang thú” khổng lồ vào những ngày nắng nóng. Riêng bọn đà điểu châu Phi ngoài cái sân cát nhỏ chừng 50m vuông còn được “ưu tiên” có mấy gian nhà mái lợp lá “nho nhỏ xinh xinh” nằm chơ vơ giữa bốn bề trống hươ trống hoác bóng cây.

.

Rời Thảo Cầm Viên, tôi không thấy vui mà trong lòng quặn thắt một nỗi buồn. Tôi thương cho những “con vật- tù vô thời hạn” trong Thảo Cầm Viên, năm này qua năm khác phải phơi thân mình trong cái nóng như thiêu, phải sống trong môi trường xú uế hôi thối thiếu vệ sinh, và chúng luôn phải đối diện cái đói cồn cào xé ruột gan ngày này qua ngày khác.

.

Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas, USA)

.

.

.

No comments: