Monday, May 17, 2010

NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN (1954-1975)

Nền Giáo Dục Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản Từ 1945 Đến 1975

Tran Bich San

May 16, 2010

http://www.vietthuc.org/?p=5796

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Ngày 09/03/19945 Nhật đảo chính Pháp, Bộ Tổng Tư Lệnh quân đội Nhật tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc Đông Dương. Hai ngày sau, 11/03/1945, Viện Cơ Mật Triều Đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hiệp Ước Bảo Hộ năm Nhâm Tuất 1884 với Pháp, Việt Nam khôi phục chủ quyền.

Ngày 17/04/1945, Bảo Đại (01) cử Phan Kế Toại làm Khâm Sai Bắc Bộ, Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Bộ, và học giả Trần Trọng Kim (02) được giao việc thành lập chánh phủ (03). Hoàng Xuân Hãn (04), Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật trong nội các Trần Trọng Kim, sau khi nhậm chức đã cùng các giáo sư tên tuổi (05) bắt tay ngay vào việc soạn thảo một chương trình giáo dục dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ để thay thế chương trình giáo dục Pháp Việt (Enseignement Franco-Indigiène). Chỉ hơn một tháng sau, Chương Trình Hoàng Xuân Hãn hoàn thành và được Hoàng Đế Bảo Đại ban hành bằng dụ số 67 ngày 03/06/1945. Đây là chương trình giáo dục Việt Nam đầu tiên được áp dụng trên toàn quốc niên khóa 1945-1946 (06).

Ngày 15/08/1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh, 4 ngày sau, 19/08 Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, Bảo Đại ra tuyên chiếu thoái vị ngày 22/08, hôm sau, 23/08 chính phủ lâm thời (07) do Hồ Chí Minh làm chủ tịch với thành phần đa số là Cộng Sản được thành lập thay thế chính phủ Trần Trọng Kim.

Những hoạt động của các đảng phái Quốc Gia được sự hổ trợ của quân đội Trung Hoa vủa Tưởng Giới Thạch sang Việt Nam giải giới quân đội Nhật đã buộc Cộng Sản phải tạm thời hòa hoãn tranh chấp bằng cách nhượng bộ thành lập Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến (08) với sự tham gia của các đảng phái khác nhưng Hồ Chí Minh vẫn giữ chức chủ tịch.

Với quyết tâm trở lại Đông Dương, tính đến đầu tháng 02/1946 quân đội Pháp của tướng Leclerc đã nhanh chóng chiếm lại được toàn bộ các tỉnh phía nam vĩ tuyến 16. Cuộc điều đình giữa Việt Minh và Pháp hoàn toàn thất bại sau sự tan rã của hội nghị Fontainebleau tạo ngòi nổ cho chiến tranh Việt Pháp vào đêm 19/12/1946.

Như thế, trong giai đoạn 1946-1954 nước ta bị chia làm 2 vùng: một vùng dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, vùng kia do Pháp chiếm đóng. Diện tích hai vùng này luôn luôn thay đổi theo tình hình chiến sự. Do đó, Việt Nam có 2 chương trình giáo dục, một của chính quyền Việt Minh, một của các chính phủ Quốc Gia.

Năm 1954 Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ đưa đến việc ký kết Hiệp Định Genève ngày 20/07/1954 chia đôi Việt Nam, vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới. Miền Bắc theo chính thể Cộng Sản, Miền Nam thuộc người Quốc Gia. Ngày 20/12/1960 Cộng Sản Bắc Việt cho thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam để làm bình phong tiến hành mục tiêu xâm chiếm Miền Nam. Bắc Cộng được sự hổ trợ quân sự mạnh mẽ của Nga Sô và Trung Cộng, dùng đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập người và vũ khí vào Nam, cường độ chiến tranh ngày một gia tăng.

Trước hiểm họa bành trướng của Cộng Sản ở vùng Đông Nam Á, từ 1964 Hoa Kỳ và đồng minh đem quân ào ạt vào Việt Nam giúp chính phủ VNCH chống lại sự xâm lăng của miền Bắc. Tiếc thay từ 1972, dưới áp lực nặng nề của phong trào phản chiến, Hoa Kỳ sử dụng ngoại trưởng Henry Kissinger tìm cách xé lẻ, đi đêm đàm phán với phe Cộng Sản để rút chân ra khỏi Việt Nam trong ‘’danh dự’’. Kết quả Hiệp Định Paris được ký kết ngày 27/01/1973 vớt tất cả bất lợi về phía VNCH, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh triệt thoái khỏi Việt Nam.

Lợi dụng thời cơ Cộng Sản Bắc Việt đem toàn bộ lực lượng quân sự và cơ giới đánh chiếm Miền Nam vào đầu năm 1975. Sau 55 ngày đêm đơn độc chiến đấu anh dũng trong thiếu thốn về vũ khí và đạn dược vì không còn nhận được viện trợ quân sự từ phía Hoa kỳ, Miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ sau lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Kể từ ngày 30/04/1975 nước Việt Nam thống nhất dưới quyền cai trị bạo tàn của Cộng Sản Việt.

Giống như giai đoạn chiến tranh Việt Pháp, giai đoạn 1954-1975 Việt Nam cũng bị chia làm 2 vùng nhưng rõ rệt, phía bắc vĩ tuyến 17 thuộc Cộng Sản, phía nam thuộc Quốc Gia. Nước ta trong thời kỳ này cũng có 2 chương trình giáo dục. Tóm lại, giai đoạn 1945-1975 Việt Nam chỉ có một niên khóa duy nhất 1945-1946 là áp dụng thống nhất một chương trình giáo dục trên toàn quốc (Chương Trình Hoàng Xuân Hãn nguyên thủy), sau đó từ 1946 đến 1975 nước ta đã có 2 chương trình giáo dục hoàn toàn khác nhau.

NỀN GIÁO DỤC TRONG VÙNG VIỆT MINH GIAI ĐOẠN 1946-1954

Trong suốt chiến tranh Việt Pháp khu vực do Việt Minh kiểm soát luôn luôn biến động theo tương quan lực lượng quân sự giữa 2 bên, hình thái này tồn tại cho đến tháng 7/1954. Ngay sau ngày chiến tranh bùng nổ 19/12/1945, vùng do Pháp kiểm soát bao gồm các thành phố và thị xã và các vùng nông thôn xung quanh như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn la, Hòa Bình, Quảng Ninh, Móng Cái, Tiên Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình&Trừ các phần nói trên, toàn bộ Việt Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên), Khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), phần lớn Khu V (Quảng Ngãi, Bình Định) thuộc Việt Minh kiểm soát. Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là vùng tranh chấp giữa hai bên.

Về chương trình giáo dục bậc tiểu và trung học, từ 1946 đến 1949 chính quyền Việt Minh vì thời gian cấp bách đã phải tạm thời tiếp tục sử dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân (09). Sau khi sơ tán năm 1946, một số các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp được khai giảng trở lại với các giảng viên trẻ mới tốt nghiệp từ các trường này, phần nòng cốt đảm nhiệm bởi một số giáo sư có tên tuổi từng du học ở Pháp về. Đây là các nhà trí thức đã tản cư về vùng do Việt Minh kiểm soát. Từ 1947 đến 1949 nhiều giáo trình vẫn dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, đến niên khóa 1950 trở đi mới hoàn toàn dùng tiếng Việt.

Ngay sau khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, các trường ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng sơ tán ra vùng do Việt Minh kiểm soát. Các trường ở Huế dời ra Thanh Nghệ Tĩnh, một số trường ở Hà Nội dọn lên Phú Thọ, Tuyên Quang, Các trường ở đồng bằng sông Hồng được chuyển về các vùng nông thôn ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa. Đặc biệt các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội đều lên Việt Bắc. Trường Cao Đẳng Công Chánh lúc đầu sơ tán về Thanh Hóa nhưng sau cũng dời lên Việt Bắc.

Việc di chuyển chủ yếu là người, tức giáo sư và học trò, tài liệu sách vở được mang theo rất hạn chế. Sau một thời gian tổ chức và sắp xếp, đến niên khóa 1947-1948 mới khai giảng trở lại với trường ốc sơ sài, thiết bị thiếu thốn, giáo sư ít ỏi. Đại Học Luật được đổi là Đại Học Chính Trị Xã Hội, đến năm 1948 đổi là Trường Pháp Chính. Mở thêm trường Đại Học Văn Khoa và 2 ban ngoại ngữ Anh và Nga Văn. Cũng trong niên khóa này mở thêm trường ngoại ngữ dạy Anh, Nga và Hoa Văn. Có 2 trường Sư Phạm Cao Cấp, một ở Thanh hóa, một ở Khu Học Xá Trung Ương (10). Năm 1953 thành lập trường Sư Phạm Sơ Cấp Miền Núi trực thuộc Bộ Giáo Dục.

CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC LẦN THỨ NHẤT

Năm 1950 chính quyền Việt Minh, dựa trên chủ nghĩa Marx-Lénine, cho thực hiện một cuộc cải cách giáo dục. Mục đích nhằm thay đổi quan niệm của các giáo chức về tính cách vô tư của nền giáo dục, mà người Cộng Sản cho là sai lầm, để dẫn đến quan niệm giáo dục có nhiệm vụ phải phục vụ cho chính trị mà cơ bản trong giai đoạn đó là phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Pháp (11).

Cuộc cải cách được Hội Đồng Chính Phủ Việt Minh qua vào tháng 07/1950 và Bộ Quốc Gia Giáo Dục ban hành và thực hiện từ 1950 đến 1952. Các sửa đổi gồm có:

Bậc Giáo Dục Phổ Thông: cấu trúc được sửa đổi như sau: Vỡ Lòng: 1 năm, Cấp I: 4 năm, Cấp II: 3 năm, Cấp III: 4 năm (2 năm, không chia ban + 2 năm dự bị đại học).

Bậc Đại Học và Cao Đẳng:

1. Tạm đình giảng các lớp đại học và cao đẳng, chỉ giữ lại hoặc chỉ mở thêm các lớp trung cấp như Nông Lâm, Công Chánh, Mỹ Thuật, Thú Y, v.v., và tổ chức các đợt đi phục vụ sản xuất, chiến đấu.

2. Trường Đại Học Y Dược, lúc này chỉ còn Đại Học Y, rút ngắn năm học và tăng thời gian thực tập, phục vụ công tác quân y cho các chiến dịch được mở liên tục từ 1950 đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

3. Tổ chức Trường Sư Phạm Cao Cấp về văn, sử, địa, học trình 2 năm, và lớp Dự Bị Đại Học ở Thanh Hóa do một số trí thức ở vùng đó phụ trách (12).

4. Tổ chức Trường Khoa Học Cơ Bản và Trường Sư Phạm Cao Cấp về khoa học tự nhiên, đặt trong Khu Học Xá Trung Ương, học trình 2 năm, chia làm 2 ban: Toán Lý Hóa và Lý Hóa Sinh (13).

5. Bắt đầu tổ chức và tuyển chọn học sinh sang du học tại các nước Cộng Sản.

Về nội dung, chương trình giáo dục mới chú trọng về văn, sử, địa hiện đại và cái gọi là ‘’cách mạng Việt Nam’’. Chính quyền Việt Minh dùng cuộc cải cách giáo dục năm 1950 để xoá bỏ tính cách vô tư của nền giáo dục, các giáo chức phải quan niệm giáo dục là một hiện tượng xã hội chứ không phài là một hiện tượng tự nhiên, như vậy giáo dục và chính trị không phải là 2 vấn đề riêng biệt mà giáo dục phải phục vụ cho mục tiêu chính trị, quan niệm này làm nền tảng cho mục đích chính lúc đó là dùng giáo dục phục vụ cho cuộc chiến tranh với Pháp.

NỀN GIÁO DỤC DƯỚI CHẾ ĐỘ C.S. MIỀN BẮC GIAI ĐOẠN 1954-1975

Sau Hiệp Định Genève, từ tháng 10/1954 các trường từng sơ tán năm 1946 về vùng Việt Minh kiểm soát đều trở về trường sở cũ tại các thành phố. Các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp về lại Hà Nội.

CUỘC CẢI CÁCH GIÁO DỤC LẦN THỨ HAI:


Năm 1956 chính quyền Cộng Sản Miền Bắc thực hiện một cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai nhằm phục vụ cho 2 nhiệm vụ chiến lược: chuẩn bị tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa và xây dựng Miền Bắc thành hậu phương lớn chi viện cho cuộc xâm chiếm Miền Nam. Việc nghiên cứu cải cách tiến hành từ đầu năm 1955, được chính quyền Việt Cộng thông qua vào tháng 06/1956 và đem ra thực hiện từ niên khóa 1956-1957 gồm có:

Bậc Giáo Dục Phổ Thông:

1. Cấu trúc được sửa đổi như sau: Vỡ Lòng: 1 năm, Cấp I (tiểu học): 4 năm, Cấp II: 3 năm, Cấp III: 3 năm (bỏ Dự Bị Đại Học).

2. Phát triển giáo dục ở vùng miền núi, các dân tộc thiểu số và xây dựng các trường phổ thông cho học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc.

3. Phát triển hệ thống các trường Sư Phạm Sơ Cấp, Trung Cấp và Cao Cấp nhằm đào tạo giáo chức cung ứng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông.

4. Nâng trường Sư Phạm Sơ Cấp Dân Tộc lên Trung Cấp để đào tạo giáo viên cho người thiểu số.

Bậc Đại Học và Cao Đẳng Chuyên Nghiệp:

- Tất cả các trường này được cải tổ theo mô hình của hệ thống đại học Nga: đại học (université) gồm các khoa về khoa học cơ bản tự nhiên và xã hội được gọi là Đại Học Tổng Hợp (polyvalent) tức là nhiều ngành về khoa học cơ bản, Đại Học Bách Khoa (polytechnique) là đại học gồm nhiều ngành về công nghệ, Đại Học Kỹ Thuật là các trường cao đẳng dài hạn (học trình từ 4 năm trở lên).

- Niên khóa 1956-1957 có 5 trường đại học theo mô hình Nga được khai giảng là: Đại Học Tổng Hợp, Đại Học Bách Khoa, Đại Học Y Dược, Đại Học Sư Phạm, Đại Học Nông Lâm. Trong số 5 trường này chỉ có trường Đại Học Tổng Hợp, Y Dược và Sư Phạm là sẵn có trường sở, phòng thí nghiệm, thư viện và giáo sư giảng dạy cũ, còn 2 trường Bách Khoa và Nông Lâm hoàn toàn mới phải xây dựng và tổ chức từ đầu.

- Các trường được mở lại trong các niên học kế tiếp gồm có: Đại Học Mỹ Thuật (trường Cao Đẳng Mỹ Thuật cũ), Đại Học Giao Thông (trường Cao Đẳng Giao Thông cũ đã ngưng hoạt động từ 1948 ở Việt Bắc), Đại Học Kinh Tế Kế Hoạch (có tính chất một trường trung cấp), Đại Học Thủy Lợi (tách khoa Thủy Lợi từ trường Đại Học Bách Khoa).

-Tổ chức trường Bổ Túc Công Nông Trung Ương như một trường Dự Bị Đại Học nhằm đào tạo tuyển sinh công nông cho các trường đại học.

- Đẩy mạnh việc gửi học sinh đi du học ở Trung Cộng, Nga Sô và các nước Cộng Sản Đông Âu.


KẾT LUẬN
Trong 3 niên khóa từ 1946 đến 1949 vì phải lo tổ chức trường sở, giáo chức nên chính quyền Việt Minh bắt buộc phải tạm thời sử dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân ở bậc giáo dục phổ thông, và bậc đại học vẫn theo như chương trình cũ trước năm 1945 của Pháp. Cuộc cải cách giáo dục năm 1950 làm nền tảng cho cuộc cải cách năm 1956 để hoàn thành nền giáo dục của một nước Cộng Sản. Đó là một nền giáo dục kết hợp chuyên môn với chính trị lấy chủ nghĩa Marx Lénin làm nền tảng nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị, xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa và giáo dục bị đặt dưới sự lãnh đạo chuyên chế tuyệt đối của đảng Cộng Sản. Đây là một hệ thống giáo dục phi dân tộc và phi nhân bản, một tai họa to lớn, sâu xa và lâu dài cho dân tộc Việt Nam.

TRẦN BÍCH SAN

CHÚ THÍCH
(01) Báo Đại (1913-1997): con của Nguyễn Phúc Bửu Đảo tức Hoàng Đế Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 22/08/1913 tại Huế là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn (1926-1945) và Quốc Trưởng chính phủ Quốc Gia Việt Nam (1949-1955). Thuở nhỏ học chữ Hán với Phụ Đạo Hiệp Tá Đại Học Sĩ Lê Nhữ Lâm. Năm 1922 du học Pháp hơn 10 năm dưới sự đỡ đầu của cựu Khâm Sứ Charles và Toàn Quyền Pasquier. Năm 1925 Khải Định từ trần, Bảo Đại được Pháp và triều đình Huế đưa về nước lên ngôi vua kế nghiệp Khải Định ngày 08/01/1926 lấy hiệu là Bảo Đại nên thường được gọi là vua Bảo Đại. Sau đó, giao việc nước cho Hội Đồng Phụ Chánh và Khâm Sứ Trung Kỳ, trở lại Pháp tiếp tục việc học. Tháng 08/1932 về nước trực tiếp cầm quyền. Tháng 03/1933 ra dụ thành lập Hội Đồng Cải Cách và thành lập nội các gồm các quan lại trẻ trông coi việc nước. Hai ngày sau khi Nhật đảo chánh Pháp, Bảo Đại tuyên bố ngày 11/09/1945 hủy bỏ Hiệp Ước Bảo Hộ (năm Giáp Tuất 1884), Việt Nam độc lập, sau đó mời Trần Trọng Kim thành lập nội các gồm các trí thức và chuyên gia trẻ. Ngày 19/08/1945 Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, Bảo Đại ra tuyên chiếu thoái vị ngày 25/08/1945, sau đó được mời giữ chức Cố Vấn Tối Cao trong Chính Phủ Lâm Thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Năm 1946 đắc cử đại biểu Quốc Hội khoá I đơn vị tỉnh Thanh Hóa, cùng năm dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang thăm Trung Hoa và từ đó lưu vong sang Hồng Kông rồi về Pháp. Năm 1949 Bảo Đại vận động tích cực với chính phủ Pháp đưa đến việc ký kết thỏa ước Élysée ngày 08/03/1949 công nhận việc Pháp trao trả nền độc lập cho VN. Bảo Đại chính thức thiết lập Chính Quyền Quốc Gia ngày 01/07/1949. Tháng 07/1954, trước tình thế rối ren ở trong nước, Bảo Đại cử Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng toàn quyền nhưng đến cuối năm 1955 bị Ngô Đình Diệm truất phế. Bảo Đại định cư luôn tại Pháp cho đến khi từ trần vào ngày 31/07/1997, thọ 84 tuổi. Các tác phẩm của Bảo Đại gồm có: Chiếu Thoái Vị (1945), Con Rồng Việt Nam (1990).

(02) Trần Trọng Kim (1882-1953): hiệu Lệ Thần, quê làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1903 tốt nghiệp trường Thông Ngôn hạng ưu được bổ làm việc ở tỉnh lỵ Ninh Bình. Cuối năm 1904 ông cùng Nguyễn Văn Vĩnh sang Pháp học ở Lyon. Trở về nước năm 1911 ông làm việc cho Nha Học Chánh, thanh tra các trường tiểu học, tham gia hội đồng soạn sách giáo khoa, dạy trường Sư Phạm Thực Hành Hà Nội, giám đốc các trường Nam thuộc Hà Nội. Ông về hưu năm 1943. Đến cuối năm 1944, trước sự lung bắt của mật thám Pháp, ông được quân đội Nhật đưa đi lánh nạn ở Singapore. Năm 1945 do lời mời của Bảo Đại, trở về nước thành lập nội các. Sau hơn 4 tháng làm việc tích cực trong hoàn cảnh cực kỳ rối ren và khó khăn, nội các đổ theo sự thoái vị của Bảo ĐạI, sau đó ông sống ở Hà Nội. Năm 1953 làm chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia trong chính phủ Quốc Gia của Bảo Đại, nhưng ít lâu sau đột ngột từ trần tại Đà lạt ngày 02/12/1953, thọ 71 tuổi. Các tác phẩm của Trần Trọng Kim gồm có: Sơ Học Luân Lý (1914), Luân Lý Giáo Khoa Thư (1916), Sư Phạm Khoa Yếu Lược (1916), Sơ Học An Nam Sử Lược (1917), Sư Phạm Yếu Lược (1918), Truyện Thúy Kiều, chú giải (1925), Việt Nam Sử Lược I & II (1928), Nho Giáo I & II (1930), Vương Dương Minh (1934), Hạnh Thục Ca, chú thích cổ văn (1936), Phật Giáo Thuở Xưa và Phật Giáo Ngày Nay (1938), Phật Lục (1940), Việt Nam Văn Phạm (1941), Vũ Trụ Đại Quan (1943), Đường Thi (1944), Việt Thi (1946), Một Cơn Gió Bụi, hồi ký (1971).

(03) Chính phủ Trần Trọng Kim (thành lập ngày 17/04/1945):
- Tổng Lý Nội Các (Thủ Tướng): Trần Trọng Kim
- Bộ Trưởng Ngoại Giao: Trần Văn Chương
- Bộ Trưởng Tiếp Tế: Nguyễn Hữu Thi
- Bộ Trưởng Thanh Niên: Phan Anh
- Bộ Trưởng Tài Chánh: Vũ Văn Hiền
- Bộ Trưởng Nội Vụ: Trần Đình Nam
- Bộ Trưởng Y Tế Cứu Tế: Vũ Ngọc Anh
- Bộ Trưởng Tư Pháp: Trịnh Đình Thảo
- Bộ Trưởng Kinh Tế: Hồ Tá Khanh
- Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật: Hoàng Xuân Hãn
- Bộ Trưởng Công Chánh: Lưu Văn Lang

(04) Hoàng Xuân Hãn (1908-1996): quê làng Yên Hồ, Huyện La Sơn, Phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình Nho học, con trai Tú Tài Hoàng Xuân Úc. Thuở nhỏ học chữ Hán và Quốc Ngữ ở nhà, sau học trường tiểu học Thanh Hóa, rồi trường Quốc Học Vinh (Nghệ An). Năm 1926 đỗ bằng Thành Chung tại Huế, ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1928 đỗ Tú Tài Tây, được học bổng của chính quyền Đông Dương du học Pháp.
Tốt nghiệp các trường Normal Supérieure, Trường Polytechnique (1930), Trường Pont et Chaussés (1934). Năm 1934 về Việt Nam một thời gian ngắn sau đó trở lại Paris thi đậu Cử nhân Toán (1935) và Thạc Sĩ Toán (1936). Năm 1936 về nước dạy trường Bưởi, đại học Khoa Học Hà Nội và là thành viên của Thượng Hội Đồng Nghiên Cứu Khoa Học Đông Dương cho đến ngày Nhật đảo chánh Pháp. Thời gian này ông hoàn tất cuốn Danh Từ Khoa Học mà sau này được dùng làm căn bản cho việc chuyển ngữ chương trình trung học VN. Năm 1945 ông được Bảo Đại mời làm chủ tịch Hội Đồng Cải Cách Giáo Dục. Khi nội các Trần Trọng Kim ra đời ông được cử giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục & Mỹ Thuật và quyền Bộ Trưởng Công Chánh tạm thay kỹ sư Lưu Văn Lang. Trong một thời gian ngắn ông thiết lập, soạn thảo chương trình giáo dục trung học Việt Nam, đồng thời cho tổ chức kỳ thi Tú Tài Việt đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta. Ngày 17/04/1946 ông tham gia phái đoàn VN do Nguyễn Tường Tam, Bộ Trưởng Ngoại Giao cầm đầu đàm phán với Pháp tại Đà Lạt về các vấn đề thuộc Hiệp Định Sơ Bộ 06/03/1946. Hội nghị thất bại, ông trở về sống ở Hà Nội. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ ngày 19/12/1946 ông bị Pháp bắt một thời gian ngắn sau đó được trả tự do nhưng bị xóa tên trong ngành giáo chức. Năm 1951 có lệnh bắt giữ nhưng ông được Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí can thiệp giúp điều kiện sang định cự tại Pháp cho đến ngày qua đời. Trong thời gian ở Pháp từ 1951 đến 1954 ông giúp thư viện Pháp và thư viện Dòng Tên Vatican thiết lập Thư Mục Việt Nam Học tại các nước Âu châu. Ngày 21/07/1992 ông thành lập hội Văn Hóa Giáo Dục Cam Tuyền. Ông mất ngày 10/03/1996 tại Paris, thọ 88 tuổi. Về văn học, Hoàng Xuân Hãn từng cộng tác với các báo Khoa Học, Thanh Nghị, Văn Lang, Sử Địa, Bách Khoa, v.v. Tác phẩm của ông gồm có: Danh Từ Khoa Học (1942), Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1949), Lý Thường Kiệt (1949), Hà Thành Thất Thủ và Hoàng Diệu (1950), Thơ Văn Việt Nam (1951), Mai Đình Mộng Ký (1951), La Sơn Phu Tử (1952), Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (1953), Bích Câu Kỳ Ngộ (1964), Truyện Song Tinh (1987), Văn Tế Tập Loại Chúng Sinh (1995), Thiên Tình Sử Hồ Xuân Hương (1995), Một Vài Ký Vãng Về Hội Nghị Đà Lạt (1996).

(05) Nhóm trí thức tham gia việc soạn thảo Chương Trình Hoàng Xuân Hãn gồm có: Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Đào Duy Anh, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Xiển, Đặng Phúc Thông, Nguyễn Đình Thụ, Nguyễn Duy Thanh, Lê Văn Căn. Nguyễn Hữu Quán. Những người đóng góp trong việc cải cách ban chuyên khoa cổ văn gồm có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn.

(06) Các trường phổ thông khai giảng trong niên học 1945-1946 gồm có 4,952 trường tiểu học với 284,341 học sinh, 25 trường trung học phổ thông (cao đẳng tiểu học) với hơn 2,000 học sinh, 4 trường trung học chuyên khoa (tú tài) với gần 500 học sinh.

(07) Chính Phủ Lâm Thời (thành lập ngày 23/08/1945) :
- Chủ Tịch kiêm Ngoại Giao : Hồ Chí Minh
- Bộ Trưởng Nội Vụ : Võ Nguyên Giáp
- Bộ Trưởng Quốc Phòng : Chu Văn Tấn
- Bộ Trưởng Thông Tin Tuyên Truyền : Trần Huy Liệu
- Bộ Trưởng Tư Pháp : Vũ Trọng Khánh
- Bộ Trưởng Tài Chánh : Phạm Văn Đồng
- Bộ Trưởng Kinh Tế : Nguyễn Mạnh Hà
- Bộ Trưởng Cứu Tế Xã Hội : Nguyễn Văn Tố
- Bộ Trưởng Lao Động : Lê Văn Hiến
- Bộ Trưởng Giáo Dục : Vũ Đình Hòe
- Bộ Trưởng Thanh Niên : Dương Đức Hiền
- Bộ Trưởng Y Tế : Phạm Ngọc Thạch
- Bộ Trưởng Công Chánh : Đào Trọng Kim
- Bộ Trưởng không giữ bộ nào : Cù Huy Cận & Nguyễn Văn Xuân

(08) Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến (thành lập ngày 02/03/1946) :
- Chủ Tịch : Hồ Chí Minh (Cộng Sản)
- Phó Chủ Tịch : Nguyễn Hải Thần (Việt Cách)
- Bộ Trưởng Nội Vụ : Huỳnh Thúc Kháng
- Bộ Trưởng Ngoại Giao : Nguyễn Tường Tam (Đại Việt Dân Chính)
- Bộ Trưởng Quốc Phòng : Phan Anh
- Bộ Trưởng Tư Pháp : Vũ Đình Hòe (Dân Chủ)
- Bộ Trưởng Giáo Dục : Đặng Thái Mai (Cộng Sản)
- Bột Trưởng Lao Động : Nguyễn Văn Tạo (Cộng Sản)
- Bộ Trưởng Xã Hội Y Tế : Trương Đình Chi (Việt Cách)
- Bộ Trưởng Tài Chánh : Lê Văn Hiến (Cộng Sản)
- Bộ Trưởng Kinh Tề : Chu Bá Phượng (Việt Quốc)
- Bộ Trưởng Canh Nông : Bồ Xuân Luật (Việt Cách)
- Bộ Trưởng Công Chánh : Trần Đăng Khoa (Dân Chủ)
- Cố Vấn : Vĩnh Thụy

(09) Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân: chương trình Hoàng Xuân Hãn nguyên thủy được sửa đổi do Hội Đồng Cải Cách Giáo Dục dười thời Bộ Trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hoè soạn thảo và sau đó được Hội Đồng Chính Phủ Liên Hiệp ban hành bằng sắc lệnh số 146 ngày 10/08/1946 rút ngắn học trình bậc tiểu học từ 6 còn 5 năm và sửa đổi các môn văn, sử, địa, công dân.

(10) Khu Học Xá Trung Ương : gồm nhiều trường sơ cấp, trung cấp, cao cấp, chứa khoảng vài ngàn học sinh ở sát biên giớI, nằm trong lãnh thổ Trung Hoa.

(11) Tác phẩm Giáo Dục Dân Chủ Mới (1948) và Những Vấn Đề Giáo Dục (1950) của Nguyễn Khánh Toàn, Thứ Trưởng Giáo Dục của Việt Minh, đã được dùng làm căn bản cho việc cải tổ giáo dục của chính quyền Việt Minh năm 1950. Hai tác phẩm này trình bày một cách có hệ thống các quan điểm và tư tưởng giáo dục dựa trên lý luận của chủ nghĩa Marx-Lénin.

(12) Gồm các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thái Mai, Nguyễn Thúc Hào, Trần Văn Giàu v.v.

(13) Các giáo sư chính phụ trách là Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kontum.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, 50 Năm Phát Triển Sự Nghiệp Giáo Dục và Đào Tạo, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1995
- Đoàn Thêm, 1945-1964 Việc Từng Ngày, tái bản ở Hoa Kỳ
- Lê Văn Giạng, Lịch Sử Giản Lược Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, nxb Chính Nghĩa Quốc Gia, Hà Nội, 2003.
- Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1999.
- Nguyễn Q. Thắng, Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, nxb Văn Hóa tái bản, Hà Nội, 1998.
- Viện Sử Học (Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Tố Uyên, Lưu Thị Tuyết Vân), Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975, nxb Giáo Dục tái bản, Hà NộI, 2003.
- Võ Thuần Nho, 35 Năm Phát Triển Sự Nghiệp Giáo Dục Phổ Thông, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1980.

.

.

Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Wikipedia)

.

.

.

No comments: