Monday, May 17, 2010

NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM DƯỚI CHÍNH THỂ QUỐC GIA (1954-1975)

Nền Giáo Dục Việt Nam Dưới Chính Thể Quốc Gia (1945-1975)

Tran Bich San
April 18, 2010

http://www.vietthuc.org/?p=4839

.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Vào lúc 6 giờ chiều ngày 19/03/1945, Matsumoto, Đại Sứ Nhật ở Việt Nam ra tối hậu thư cho Toàn Quyền Đông Dương Decoux phải cam kết chống phe Đồng Minh trong trường hợp quân Anh Mỹ đổ bộ, đặt tất cả quân đội cũng như các công sở Pháp dưới quyền của Tổng Tư Lệnh Nhật, và ra kỳ hạn trong vòng 2 tiếng đồng hồ phải trả lời. Decoux từ chối các điều kiện của Matsumoto và bị Nhật giam giữ vào lúc 9 giờ tại dinh Norodom, Sài Gòn, nhưng ngay từ lúc 8 giờ tối quân Nhật đã nổ súng đánh Pháp ở Hà Nội và trên toàn cõi Đông Dương. Ở nhiều nơi quân Pháp đầu hàng ngay. Nội trong đêm, các viên chức cao cấp Pháp đều bị bắt, Nhật hoàn toàn làm chủ tình hình. Sang ngày 10/03, chính phủ Nhật tuyên bố lý do phải lật đổ Pháp ở Đông Dương vì Pháp đã vi phạm các hiệp ước hợp tác giữa hai nước, đồng thời xác nhận sẽ giúp các nước ở Đông Dương thực hiện độc lập. Ngay ngày hôm sau, Viện Cơ Mật triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ hòa ước Bảo Hộ 1884, Việt Nam khôi phục chủ quyền. Ngày 17/03/1945, Hoàng Đế Bảo Đại ra tuyên chiếu đích thân cầm quyền theo nguyên tắc “Dân Vi Quí” và chỉnh đốn lại quốc gia. Một tháng sau, ngày 17/04/1945, vua Bảo Đại ủy cho học giả Trần Trọng Kim (01) thành lập tân chính phủ, Tổng Đốc Phan Kế Toại làm Khâm Sai Bắc Bộ, Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Bộ.

Trong khoảng thời gian ngắn sau khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 09/03/1945, chương trình trung học Việt Nam đầu tiên, thường gọi là Chương Trình Hoàng Xuân Hãn, được soạn thảo gấp rút trong một thời gian kỷ lục (chưa đầy 2 tháng) nhưng có giá trị và tiến bộ (02). Chương trình do Hoàng Đế Bảo Đại ban hành bằng dụ số 67 ngày 03/06/1945 đã đươc áp dụng ngay cho kỳ thi Tú Tài niên khóa 1944-1945 dù rằng các thí sinh được giáo dục trong 12 năm từ lớp Năm đến lớp Đệ Nhất bằng chương trình Pháp-Việt mà tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. Đây là khóa thi Tú Tài bằng tiếng Việt đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam trong lịch sử giáo dục nước ta.

Ngày 15/08/1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 19/08/1945 Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội. Ngày 22/08/1945 Hoàng Đế Bảo Đại ra tuyên chiếu thoái vị, hôm sau, 23/08/1945, một chính phủ lâm thời được thành lập do Hồ Chí Minh làm chủ tịch với thành phần đa số là Cộng Sản (03). Ngày 09/09/1945 bộ đội thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách) theo chân quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch do Đại Tướng Lư Hán làm Tư Lệnh vào Việt Nam giải giới quân đội Nhật. Sau đó tranh chấp Quốc Cộng xảy ra liên tục đưa đến sự nhượng bộ tạm thời của Cộng Sản bằng việc thành lập một chính phủ liên hiệp ngày 02/03/1946 với sự tham gia của các đảng phái quốc gia nhưng Hồ Chí Minh vẫn giữ chức Chủ Tịch (04).

Trong thời gian tranh chấp giữa Cộng Sản và các đảng phái Quốc Gia, Pháp nhanh chóng trở lại Đông Dương. Chỉ 2 tuần lễ sau khi Nhật đầu hàng, Pháp đem quân tái chiếm Luang Prabang (29/08/1945) và Hạ Lào (14/09/1945). Ngày 06/10/1945 quân đội Pháp của Tướng Leclerc đổ bộ vào Vũng Tàu và trong tháng này chiếm lại 5 tỉnh Nam Bộ gồm Tây Ninh (09/10), Mỹ Tho (25/10), Gò Công (28/10), Vĩnh Long (29/10), Cần Thơ (30/10). Ngày 19/11/1945 Pháp chiếm Nha Trang rồi từ đó mang quân chiếm các tỉnh vùng cao nguyên (01/12). Đầu năm 1946 Pháp chiếm thêm 6 tỉnh miền Nam gồm Long Xuyên (09/01), Sa Đéc (09/01), Châu Đốc (21/01), Hà Tiên (20/01), Rạch Giá (26/01), Cà Mau (04/02). Tính đến 05/02/1946 Pháp chiếm lại được toàn bộ các tỉnh phía nam vĩ tuyến 16. Ngày 16/02/1946 Việt Minh chấp nhận nguyên tắc điều đình với Pháp. Hội nghị Fontainebleau khai mạc ngày 06/07/1946, trưởng phái đoàn Pháp là Max André, phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng cầm đầu. Không khí căng thẳng ngay ban đầu vì Pháp đòi tối đa quyền lợi và không chịu trao trả Nam Bộ. Hai bên không đạt được thỏa hiệp, hội nghị bế tắc và tan rã ngày 10/09/1946 đưa đến chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào đêm 19/12/1946.

Trong thời gian chiến tranh Việt Pháp nước ta bị chia ra làm 2 vùng: một do Việt Minh và một do Pháp kiểm soát. Năm 1954 Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ phải ký hiệp định Genève chia đôi Việt Nam, bắc vĩ tuyến 17 thuộc Cộng Sản, phía nam thuộc Quốc Gia. Vì thế, trong khoảng thời gian 1945-1954 và 1954-1975 Việt Nam đã có 2 chương trình giáo dục khác nhau: chương trình giáo dục của Cộng Sản và chương trình giáo dục dưới chính thể Quốc Gia.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRONG VÙNG QUỐC GIA 1945-1954

Từ khi Chương Trình Hoàng Xuân Hãn được ban hành ngày 03/06/1945, chính quyền Việt Minh lúc đầu, và sau đó, các chính phủ quốc gia trong vùng Pháp kiểm soát vẫn áp dụng chương trình này tuy ở mỗi thời điểm có thay đổi chút ít. Do sắc lệnh ngày 10/10/1945 Bộ Trưởng Giáo Dục trong chính phủ lâm thời Vũ Đình Hòe thành lập Hội Đồng Cố Vấn Học Chính, sau đó hội đồng chính phủ ban hành sắc lệnh số 146 ngày 10/08/1946 sửa đổi chương trình cũ cho hợp với tình thế mới.

Do đề nghị của Bộ Giáo Dục, Hội Đồng Cố Vấn Học Chính thành lập Hội Đồng Cải Cách Chương Trình với phương châm “Dân Chủ, Dân Tộc, Khoa Học và theo tôn chỉ phục vụ lý tưởng Quốc Gia” do Bộ Trưởng Vũ Đình Hoè chủ tọa, thành viên gồm các giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Phạm Đình Ái, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hữu Tạo. Chương trình mới, hay Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân, chỉ thay đổi các môn Việt Văn, Sử, và Công Dân, các môn khoa học tự nhiên vẫn giữ nguyên như chương trình cũ. Trên thực tế chương trình mới chỉ được áp dụng tại các trường ở miền Trung, vì miền Bắc, sau ngày chiến tranh bùng nổ, các trường ở Hà Nội và Nam Định đều tản cư vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các trường trong Nam còn đóng cửa vì chiến tranh đã xảy ra ngay từ tháng 9/1945, khi mở lại các trường vẫn áp dụng chương trình Pháp vì Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.

Sau thời gian vận động tích cực với chính phủ Pháp, cựu Hoàng Bảo Đại đạt được Thỏa Ước 08/03/1949. Thỏa Ước được công bố tại điện Élysée nên còn gọi là Thỏa Ước Élysée, công nhận việc Pháp trao trả nền độc lập cho Việt Nam (05). Đến 03/06/1949 quốc hội Pháp chuẩn y sự sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại chính thức thiết lập Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam bằng sắc lệnh số 1/CP ngày 01/07/1949 thành lập nội các do Bảo Đại làm Thủ Tướng (06). Chương trình giáo dục Pháp còn áp dụng ở trong Nam đến thời điểm này mới thực sự bị bãi bỏ và thay bằng Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân.

Trong vùng quốc gia, tức vùng do Pháp kiểm soát, trường học đóng cửa 2 niên khóa 1946-1947 và 1947-1948, đến niên khóa 1948-1949 mới khai giảng trở lại. Năm 1948, Bộ Trưởng Giáo Dục và Nghi Lễ Nguyễn Khoa Toàn trong chính phủ Nguyễn Văn Xuân (07) tổ chức Hội Nghị Giáo Dục ở Hà Nội từ 15/09/1948 đến 24/09/1948 nhưng chưa soạn thảo được một chương trình giáo dục cụ thể.

Hai tháng sau ngày Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam, Bác Sĩ Phan Huy Quát, Bộ Trưởng Giáo Dục trong nội các Bảo Đại, soạn thảo và ban hành chương trình Trung Học bằng nghị định số 9/NĐ ngày 05/09/1949. Chương trình Phan Huy Quát được áp dụng đến niên khóa 1952-1953 chủ yếu tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Mỹ Tho, Long Xuyên mà thôi. Tiếp đó, Tiến Sĩ Nguyễn Thành Giung, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong 2 nội các Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm ban hành nghị định số 193-GD/NĐ ngày 14/10/1953 thay đổi chương trình trung học và áp dụng trên toàn cõi Việt Nam. Về thực chất thì các chương trình Phan Huy Quát và Nguyễn Thành Giung đều chỉ sửa đổi chút ít Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân.

Các Trường Cao Đẳng và Đại Học trong thời kỳ 1945-1954 cũng bị gián đoạn hai niên khóa 1946-1947 và 1947-1948 như các trường Tiểu Học và Trung Học. Từ 1948 cho đến khi Hiệp Định Genève 1954 không có thay đổi nào đáng kể về mặt tổ chức cũng như chương trình ở bậc Đại Học.


CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC Ở MIỀN NAM VIỆT NAM 1954-1975

1. GIÁO DỤC BẬC TRUNG HỌC

Từ 1954, chính quyền Quốc Gia vẫn tiếp tục áp dụng Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân. Chương trình này được bổ xung nhiều lần qua các thời Bộ Trưởng Phan Huy Quát, Vương Quang Nhường, Nguyễn Thành Giung, Nguyễn Dương Đôn, Trần Hữu Thế, Nguyễn Quang Trình, Nguyễn Lưu Viên, Trần Ngọc Ninh, Ngô Khắc Tỉnh. Một cách chính xác thì Chương Trình Hoàng Xuân Hãn đã được dùng làm căn bản và tiêu chuẩn cho mọi cải cách. Ở mỗi thời điểm sửa đổi, một Hội Đồng Giáo Dục được thành lập để làm công việc bổ xung, cập nhật hóa cho phù hợp với trình độ học sinh và đà tiến hoá của giáo dục, khoa học đương thời (08). Các khuyến cáo của Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học, Giáo Dục UNESCO Liên Hiệp Quốc đã được dùng để tham khảo trong việc sửa đổi (chẳng hạn như khuyến cáo số 50 và 51 của Hội Nghị UNESCO lần thứ 23 năm 1960 là một thí dụ).

2. GIÁO DỤC BẬC ĐẠI HỌC

Miền Nam Việt Nam có 3 Viện Đại Học công lập: Viện Đại Học Sài Gòn, Viện Đại Học Huế và Viện Đại Học Cần Thơ.

2.1 VIỆN ĐẠI HỌC SÀI GÒN

Sau Hiệp Định Genève, Đại Học Đông Dương di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954. Từ 1955 các trường Cao Đẳng và Đại Học Sài Gòn được cải tổ sâu rộng với danh xưng mới là Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam, đến niên khóa 1956-1957 đổi thành Viện Đại Học Sài Gòn cho đến khi miền Nam Việt Nam bị Bắc Cộng cưỡng chiếm vào tháng 4, 1975. Viện Đại Học Sài Gòn gồm các Trường, Khoa, Trung Tâm như sau:

2.1.1 Trường Đại Học Sư Phạm

Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn nguyên là Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (École Supérieure de Pédagogie) thành lập tại Hà Nội do nghị định ngày 15/10/1917 của Toàn Quyền Albert Sarraut. Năm 1950 trường trở thành một Khoa thuộc Viện Đại Học Hà Nội. Sau 1954 trường di chuyển vào Sài Gòn. Đến 1958, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký nghị định đổi thành Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Lúc đầu trường có nhiệm vụ đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp, sau nhằm đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp. Học trình thời gian đầu là 3 năm, đến 1961 đổi thành 4 năm. Sau 04/1975, trường mang tên Trường Đại Học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.

2.1.2 Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp

Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp là hậu thân của Trường Chuyên Nghiệp Nông Lâm Đông Dương (École Spécial d’Agriculture et de Sylviculture) tại Hà Nội do nghị định ngày 15/08/1938 của Toàn Quyền Đông Dương. Sau 1954 trường dời vào Nam. Năm 1959 trường được tái lập tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Bộ Canh Nông, nhằm đào tạo kỹ sư Nông Lâm Súc. Sau vì mất an ninh trường dời về Sài Gòn. Năm 1963 trường đổi tên thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp trực thuộc Bộ Văn Hóa Giáo Dục và trở nên thành viên của Viện Đại Học Sài Gòn.

2.1.3 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Tiền thân của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là Trường Pháp Chính Đông Dương (École de Droit et d’Administration) thành lập ở Hà Nội ngày 15/10/1917, sau đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội (Faculté de Droit) vào năm 1941. Ngày 01/01/1953 một bộ phận của Trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội được thành lập ở Đà Lạt mang tên Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục Sài Gòn, nhằm đào tạo các viên chức hành chánh cấp cao. Đến 1954 Trường được cải tổ sâu rộng và đặt trực thuộc Phủ Thủ Tướng. Năm 1955 Trường dời về Sài Gòn và đổi thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Sau 04/1975 trường bị giải tán, mãi đến năm 1992 mới được tái lập nhưng chế độ hoàn toàn khác biệt.

2.1.4 Trường Đại Học Y Khoa

Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn là hậu thân của Trường Y Khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine) được thành lập ngày 08/01/1902. Trường này được đổi thành Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine) ngày 29/12/1913. Từ 1948 Trường có 2 Trung Tâm: một tại Hà Nội và một ở Sài Gòn. Sau 1954, Trung Tâm Hà Nội di chuyển vào Nam và sát nhập vào Trung Tâm Sài Gòn trở thành Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa gồm 3 trường: Y Khoa Đại Học Đường, Dược Khoa Đại Học Đường và Nha Khoa Đại Học Đường thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Từ 1948 đến1961 muốn nhập học phải có chứng chỉ PCB (Lý, Hóa, Sinh Hóa) của trường Đại Học Khoa Học và qua kỳ thi tuyển. Sau 1961 chỉ cần có bằng Tú Tài 2 ban A hoặc B và đậu kỳ thi tuyển vào năm Dự Bị Y Khoa cùng với 6 năm học nữa (học trình 7 năm). Trước 1966, Đại Học Y Khoa Sài Gòn giảng dạy bằng tiếng Pháp, nhưng sau năm này các giáo sư có thể giảng bằng một trong ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Cuối năm thứ 5, sinh viên thi tốt nghiệp và sau đó phải soạn và trình luận án viết bằng Pháp hoặc Anh Văn. Từ sau 1967 sinh viên mới được chọn thêm tiếng Việt. Cứ cuối mỗi năm phải thi lên lớp, nếu vắng mặt 3 buổi học, kể cả thực tập, sẽ bị cấm thi. Riêng năm thứ nhất vắng mặt 2 buổi là đã bị cấm thi. Cuối năm thứ 6 sinh viên được coi như y sĩ, nhưng phải soạn và đệ trình luận án mới được chính thức công nhận là Tiến Sĩ Y Khoa (quen gọi là Bác Sĩ). Sau khi tốt nghiệp, các Bác Sĩ phải làm tại các bệnh viện công 2 năm mới có quyền hành nghề tư.

2.1.5 Trường Đại Học Dược Khoa

Trường ĐạI Học Dược Khoa là một Ban của Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine) được thành lập bằng nghị định ngày 29/12/1913 (cải tổ Trường Y Khoa Đông Dương thành Trường Y Dược Đông Dương). Năm 1954 sau khi dời từ Hà Nội vào Sài Gòn và sát nhập vào Trung Tâm Sài Gòn, Ban Dược trở thành Trường Đại Học Dược Khoa Sài Gòn từ 1962. Muốn nhập học phải có bằng Tú Tài 2 ban A hoặc B, học trình 5 năm. Mỗi cuối năm nếu đủ giờ lý thuyết và thực tập sẽ được thi lên lớp. Cuối năm thứ 5 thi tốt nghiệp, trúng tuyển được cấp bằng Dược Sĩ Quốc Gia (Diplôme de Pharmacien d’État).

2.1.6 Trường Đại Học Nha Khoa

Trường ĐạI Học Nha Khoa nguyên là một ban của Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine), sau 1954 dời vào Nam. Đến 1963 ban này được chính thức nâng lên thành một phân khoa và trở thành Trường Đại Học Nha Khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Muốn nhập học phải có chứng chỉ SPCN (Lý, Hóa, Vạn Vật) hoặc PCB (Lý, Hóa, Sinh Hóa) của trường Đại Học Khoa Học và học thêm 4 năm trường Nha. Sau 1966 thí sinh có Tú Tài 2 trực tiếp thi vào thì học trình là 5 năm. Sinh viên vừa học lý thuyết vừa thực tập tại phòng thí nghiệm ở trường và tại các phòng giải phẫu của bệnh viện, tốt nghiệp qua kỳ thi cuối năm thứ 5 được cấp bằng Nha Sĩ Quốc Gia.

2.1.7 Trường Đại Học Kiến Trúc

Trường Đại Học Kiến Trúc nguyên là một ngành của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École des Beaux Arts de l’Indochine) thành lập tại Hà Nội do nghị định của Toàn Quyền Merlin ngày 27/10/1924. Đến niên khóa 1926-1927 mới có ngành Kiến Trúc. Từ 1928 trường dời vào Đà Lạt. Niên khóa 1948-1949 trường trở thành một phân khoa của Viện Đại Học Hà Nội. Sau 1954 trường dời về Sài Gòn trực thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Kể từ niên khóa 1957-1958 trường thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường Đại Học Kiến Trúc đao tạo Kiến Trúc Sư, chuyên viên ngành thiết kế đô thị và Cán Sự Kiến Trúc phục vụ công tác xây dựng nhà cửa, cao ốc. Trước 1950 Trường thuộc hệ Cao Đẳng, từ 1958 được nâng lên hệ Đại Học, học trình 6 năm, có 3 ban: Kiến Trúc, Thiết Kế Đô Thị và Cán Sự Kiến Trúc. Muốn nhập học phải có bằng Tú Tài 2 ban B (Toán) và qua kỳ thi tuyển về Toán và vẽ. Mỗi năm phải thi lên lớp và hội đủ một số giờ thực tập về thiết kế và họa đồ. Năm cuối cùng nếu đầy đủ giờ thực tập và đồ án xây dựng sẽ được phép thi tốt nghiệp, trúng tuyển được cấp văn bằng Kiến Trúc Sư.

2.1.8 Trường Đại Học Khoa Học

Trường Đại Học Khoa Học nguyên là Trường Cao Đẳng Khoa Học Đông Dương (École Supérieure des Sciences). Trường này được thành lập ở Hà Nội năm 1941 và có một chi nhánh ở Sài Gòn. Năm 1949 Trường được cải danh là Khoa Học Đại Học Đường thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Sau 1954, Trung Tâm Hà Nội dọn vào Sài Gòn và sát nhập thành Trường Đại Học Khoa Học thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường có nhiều ban, mỗi ban có nhiều chứng chỉ. gồm Toán, Vật Lý (điện, điện tử), Hóa Học, Sinh Vật Học, Địa Chất. Muốn nhập học chỉ cần có bằng Tú Tài 2 ban A hoặc B, không phải thi tuyển. Học ban nào khi tốt nghiệp được cấp phát văn bằng Cử Nhân ban đó như: Cử Nhân Toán, Cử Nhân Vật Lý, Cử Nhân Hóa Học. Năm đầu sinh viên có thể chọn một trong 4 chứng chỉ dự bị sau:

- MGP (Mathématiques Générales et Physiques) Toán Đại Cương và Vật Lý để học Cử Nhân Toán.

- MPC (Mathématiques, Physique et Chimie) Toán, Lý, Hóa để học Cử Nhân Vật Lý hoặc Cử Nhân Hóa Học.

- SPCN (Sciences Physique, Chimie et Naturelles) Lý, Hóa, Vạn Vật để học Cử Nhân Vạn Vật.

- PCB (Physique, Chimie, Biologie) Lý, Hóa, Sinh Hóa để học Cử Nhân Sinh Vật hoặc Cử Nhân Địa Chất.

Nếu theo đúng 6 chứng chỉ chuyên khoa bắt buộc sẽ được cấp phát văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa về ban đã học. Nếu chọn 6 chứng chỉ không bắt buộc thì được cấp phát văn bằng Cử Nhân Tự Do. Có bằng Cử Nhân được ghi danh Cao Học hoặc Chứng Chỉ Khoa Học Đệ Tam Cấp. Nếu đỗ chứng chỉ Thâm Cứu, sinh viên phải tìm một giáo sư bảo trợ để soạn luận án Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp. Nếu Hội Đồng Giám Khảo thông qua luận án, sinh viên được cấp văn bằng này. Với bằng Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp sinh viên có thể nghiên cứu, soạn và trình luận án Tiến Sĩ Quốc Gia. Học trình Tiến Sĩ Quốc Gia dài từ 5 đến 7 năm. Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn tổ chức các kỳ thi Tiến Sĩ Quốc Gia bằng cách trình luận án ở Pháp.

2.1.9 Trường Đại Học Luật Khoa

Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn là hậu thân của Trường Pháp Chính Đông Dương (École de Droit et d’Administration). Trường này được thành lập tai Hà Nội ngày 15/10/1917. Do sắc lệnh của Tổng Thống Pháp ngày 11/09/1931 Trường đổi tên là Trường Cao Đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de l’Indochine), đến 1941 đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit). Năm 1954 Trường chuyển vào Sài Gòn và thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam, sau 1957 thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường cấp học vị từ Cử Nhân đến Tiến Sĩ, nhằm đào tạo các chuyên viên luật cho ngành Tư Pháp, Kinh Tế, Ngân Hàng. Muốn nhập học chỉ cần có bằng Tú Tài 2 không kể ban, không phải qua kỳ thi tuyển. Học trình có 3 cấp:

- Cử Nhân: học trình lúc đầu là 3 năm, đến giữa thập niên 60 đổi thành 4 năm. Từ khi tăng

lên 4 năm, 2 năm đầu giảng dạy các vấn đề tổng quát luật học, 2 năm sau đi vào chuyên khoa của từng bộ môn gồm kinh tế, công pháp, tư pháp. Cuối mỗi năm sinh viên phải qua một kỳ thi lên lớp. Với học trình 3 năm, khi tốt nghiệp đươc cấp văn bằng Cử Nhân Luật Khoa. Kể từ khi học trình tăng lên 4 năm, khi tốt nghiệp được cấp bằng Cử Nhân theo các bộ môn Kinh Tế, Tư Pháp, Công Pháp.

- Cao Học: Cao Học có 3 ban giống như Cử Nhân, học trình 2 năm. Nếu đỗ năm thứ nhất được cấp chứng chỉ Cao Học Đệ Nhất Cấp, đỗ năm thứ 2 được cấp chứng chỉ Cao Học Đệ Nhị Cấp.

- Tiến Sĩ: nếu có 2 chứng chỉ Cao Học được theo học chương trình Tiến Sĩ nhưng cần có giáo sư thực thụ bảo trợ để soạn luận án. Nếu luận án được Hội Đồng Giám Khảo thông qua được cấp học vị Tiến Sĩ Luật Khoa có ghi rõ từng ban.

Sau 04/1975 Trường Đại Học Luật Khoa bị giải thể hoàn toàn và cơ sở cũ được sử dụng làm Trường Đại Học Kinh Tế Tài Chánh Thành Phố Hồ Chí Minh.

2.1.10 Trường Đại Học Văn Khoa

Trường Đại Học Văn Khoa lúc đầu chỉ là lớp Dự Bị Văn Chương Pháp thuộc Viện Đại Học Hà Nội có từ trước 1945. Niên khóa 1948-1949 trường mở cửa lại, có 2 trung tâm Hà Nội và Sài Gòn. Sau 1954 trung tâm Hà Nội sát nhập với trung tâm Sài Gòn và đươc nâng lên thành một phân khoa Đại Học (Faculté). Muốn nhập học chỉ cần có bằng Tú Tài 2 không kể ban. Trường có các ban cho các bằng Cử Nhân tương ứng: Việt Văn, Việt Hán, Pháp Văn, Anh Văn, Sử Học, Địa Lý, Triết Học, Nhân Văn. Sinh viên theo học ban nào thì phải học một môn chính bắt buộc, một môn phụ bắt buộc. Thí dụ: ban Pháp Văn, môn chính bắt buộc là Pháp Văn, môn phụ bắt buộc là Việt Văn, các môn khác là Anh Văn, Triết và Sử, Địa.

Cuối năm thứ nhất sinh viên thi lấy chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, nếu đỗ, được theo học các chứng chỉ thuộc ban đã chọn từ đầu. Chứng chỉ Dự Bị là cửa ngõ duy nhất nhưng khi tốt nghiệp Cử Nhân chứng chỉ này không được ghi vào văn bằng. Nếu sinh viên đỗ 4 chứng chỉ trong đó có một chứng chỉ Văn Chương thuộc ngành đã chọn thì được cấp phát văn bằng Cử Nhân Tự Do (Licence Libre). Muốn lấy văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa (Licence d’Enseignement) sinh viên phải đỗ đủ 4 chứng chỉ bắt buộc.

Thí dụ 1: Cử Nhân Giáo Khoa Việt Văn phải có các chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, Văn Chuơng Việt Hán, Ngữ Học và một trong các chứng chỉ Văn Hóa Pháp, Pháp Văn Thực Hành, Văn Hóa Anh Mỹ, Anh Văn Thực Hành.

Thí dụ 2: Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn phải có các chứng chỉ Văn Chương Pháp, Ngữ Học Pháp, Văn Hóa Pháp và một trong 2 chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, Văn Chương Việt Hán.

Nếu đỗ Cử Nhân Giáo Khoa trong đó có 2 chứng chỉ hạng Bình Thứ trở lên và được một giáo sư bảo trợ sẽ đủ điều kiện ghi danh Cao học (Diplôme d’Études Supérieure). Sinh viên phải soạn tiểu luận tối thiểu 100 trang đánh máy. Nếu tiểu luận được Hội Đồng Giám Khảo, gồm 1 chủ tịch, 2 giám khảo (một vị là giáo sư bảo trợ), sau khi HộI Đồng đánh giá và thảo luận chấp thuận thì được cấp văn bằng Cao Học Văn Chương của từng ban. Từ niên khóa 1971-1972 bắt đầu có chương trình Tiến Sĩ Chuyên Khoa.

Sau 04/1975 trường sát nhập với trường Đại Học Khoa Học và có tên là Trường Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. Đến 1996 lại tách ra và mang tên Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn thuộc Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh.


2.1.11 Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ

Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ được thành lập do Sác Lệnh năm 1957 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Trung Tâm gồm các Trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp. Muốn nhập học phải có Tú Tài 2 ban A hoặc B, thời gian học cho Kỹ Sư từ 4 đến 5 năm tùy theo ngành, ban Cán Sự 2 năm. Trung Tâm gồm các Trường:

-Trường Cao Đẳng Công Chánh: đào tạo Kỹ Sư Cầu Cống, Cán Sự Công Chánh, Địa Chánh.

-Trường Cao Đẳng Điện Học: đào tạo Kỹ Sư Điện, Cán Sự Điện, Điện Tử.

-Trường Kỹ Sư Công Nghệ: đào tạo Kỹ Sư Công Nghiệp.

-Trường Cao Đẳng Hóa Học: đào tạo Kỹ Sư Hóa Học, Cán Sự Hóa Học.

-Trường Việt Nam Hàng Hải: đào tạo Thuyền Trưởng Viễn Duyên, Sĩ Quan Cơ Khí Hàng Hải.

Sau 04/1975 Trung Tâm có tên mới là Trường Đại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh, sau thành Trường Đại Học Kỹ Thuật cho đến ngày nay.

2.1.12 Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật thành lập do Nghị Định số 1082/GD ngày 05/10/1962 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trụ sở ở Thủ Đức, Trường đào tạo các giáo chức dạy các môn kỹ thuật cho các trường Sư Phạm Kỹ Thuật Trung Cấp. Trường có các ngành về Khoa Học Ứng Dụng, Khoa Học Chuyên Nghiệp, Kỹ Nghệ Họa, Thương Mại, Tiểu Công Nghệ. Đến niên khóa 1973-1974 trường được kết hợp với một số trường Cao Đẳng và Khoa của Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ để trở thành Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức dưới sự điều khiển trực tiếp của Bộ Văn Hóa Giáo Dục.

Sau 04/1975 trường đổi tên thành Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức cho đến ngày nay.

2.1.13 Hải Học Viện Nha Trang

Hải Học Viện Nha Trang được thành lập do nghị định năm 1923 của Toàn Quyền Đông Dương, có nhiệm vụ nghiên cứu về Hải Sinh Học thuộc vùng biển Đông Dưong. Từ 1968 Viện đảm trách thêm việc giảng dạy cho các chuyên ngành khác. Nghị định ngày 04/02/1969 đặt Viện trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, được coi như một Phân Khoa Đại Học với nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo những chuyên viên về biển và hải sinh vật. Nghị định ngày 11/08/1969 thiết lập Chứng Chỉ Hải Học Đệ Tam Cấp và nghị định ngày 20/08/1969 thiết lập Văn Bằng Tiến Sĩ Hải Học Đệ Tam Cấp.

Muốn theo học chứng chỉ Hải Học Đệ Tam Cấp phải có bằng Cử Nhân Giáo Khoa Khoa Học và qua kỳ thi tuyển. Nếu đỗ chứng chỉ này mới được học năm thứ 2 và cuối năm này phải thi và trình luận án (do một giáo sư có bằng Tiến Sĩ Quốc Gia bảo trợ) để được công nhận là Tiến Sĩ Hải Học Đệ Tam Cấp.

Trước 1975 Hải Học Viện Nha Trang là hội viên của Ủy Ban Hải Dương Học Liên Chính Phủ gồm 69 thành viên thuộc tổ chức Văn Hóa và Khoa Học Liên Hiệp Quốc.

Sau 04/1975 Viện đổi tên thành Trường Đại Học Hải Sản Nha Trang.

2.2 VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ

Về cách tổ chức, hành chánh, học chế, Viện Đại Học Huế giống như Viện Đại Học Sài Gòn. Viện được thiết lập do sắc lệnh số 45/GD ngày 01/03/1957 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Viện lúc đầu có 4 trường là Luật Khoa, Văn Khoa, Khoa Học và Đại Học Sư Phạm. Sau đó, Trường Đại Học Y Khoa được thành lập do nghị định số 340/GD ngày 21/08/1959. Từ lúc thành lập đến năm 1975 Viện có 5 phân khoa:

2.2.1 Trường Đại Học Văn Khoa

Trường đào tạo Cử Nhân Việt Văn, Anh Văn, Pháp Văn, Sử Địa, Triết Học và Cao Học Việt Hán.

2.2.2 Trường Đại Học Luật Khoa

Trường đào tạo Cử Nhân Luật và Chứng Chỉ Năng Lực Luật Học.

2.2.3 Trường Đại Học Khoa Học

Trường đào tạo Cử Nhân Toán, Vật Lý, Hóa Học, Vạn Vật Học.

2.2.4 Trường Đại Học Sư Phạm

Trường đào tạo Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất Cấp và Đệ Nhị Cấp

2.2.5 Trường Đại Học Y Khoa

Trường đào tạo Bác Sĩ Y Khoa.

2.3 VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Viện Đại Học Cần Thơ được thành lập do sắc lệnh số 62/SL/GD năm 1966 của Chủ Tịch Ủy Ban lãnh Đạo Quốc Gia Nguyễn Văn Thiệu. Khi mới thành lập cách tổ chức và học chế giống như Viện Đại Học Sài Gòn và Huế, nhưng từ niên khóa 1970-1971 Viện bắt đầu thay thế chế độ Chứng Chỉ (Certificat) bằng Tín Chỉ (Credit). Viện Đại Học Cần Thơ áp dụng chế độ Tín Chỉ đầu tiên và duy nhất ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Chế độ Tín Chỉ áp dụng và tính theo số giờ học trong suốt học trình 4 năm. Mỗi 30 giờ giảng dạy về lý thuyết là một Tín Chỉ Lý Thuyết. Một Tín Chỉ Thực Tập gồm 2.50 giờ mỗi tuần trong phòng thí nghiệm trong niên khóa. Văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa đòi hỏi trong 60 Tín Chỉ phải có 5/6 là Tín Chỉ bắt buộc, 1/6 còn lại thì được tùy ý lựa chọn. Cử Nhân Tự Do chỉ cần có đủ 60 Tín Chỉ.

Viện Đại Học Cần Thơ có 5 phân khoa:

2.3.1 Trường Đại Học Văn Khoa

Trường đào tạo Cử Nhân Văn Khoa các ban Việt Hán, Anh Văn, Pháp Văn, Sử Địa.

2.3.2 Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội

Trường đào tạo Cử Nhân Luật, Kinh Tế Học, Xã Hội Học.

2.3.3 Trường Đại Học Khoa Học

Trường đào tạo Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, Vạn Vật Học và Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp.

2.3.4 Trường Đại Học Sư Phạm

Trường đào tạo Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp.

2.3.5 Trường Đại Học Nông Nghiệp

Trường đào tạo Kỹ Sư Nông Khoa và Cao Học Nông Khoa.

Ngoài 3 Viện Đại Học công, miền Nam còn có các Viện Đại Học Tư gồm Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện Đại Học Hòa Hảo, Viện Đại Học Minh Đức (09). Trong niên khóa cuối cùng 1974-1975 trước khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ, toàn thể VNCH có 150,000 sinh viên đại học gồm 120,000 sinh viên đại học công lập và 30,000 sinh viên đại học tư, trong số đó 10,000 sinh viên học ở Miền Trung, 140,000 sinh viên theo học ở trong Nam.

KẾT LUẬN

Hệ thống giáo dục Việt Nam từ Tiểu Học lên đến Đại Học trước 1945 là Hệ Thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ, hay Giáo Dục Pháp Việt (Enseignement Franco-Indigiène). Đây là hệ thống giáo dục của nước Pháp được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Hệ thống giáo dục Việt Nam sau 1945 đã dựa trên Chương Trình Giáo Dục Pháp Việt với những sửa đổi để thích hợp với tình thế trong giai đoạn đã giành được độc lập và chủ quyền từ tay người Pháp. Sự khác biệt lớn nhất giữa chương trình cũ và mới là tiếng Việt được dùng làm chuyển ngữ trong việc giảng dạy thay vì tiếng Pháp và những thay đổi quan trọng trong lãnh vực Văn, Sử, Địa.

Từ 1969 hệ thống giáo dục Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hướng của nền giáo dục Hoa Kỳ. Cùng với sự viện trợ cho miền Nam, từ 1955 người Mỹ khởi sự nghiên cứu việc xây dựng kế hoạch giáo dục cho Việt Nam. Chương trình nghiên cứu được đem ra thực nghiệm từ 1969 đến 1971 (10) và việc thực hiện hệ thống giáo dục Hoa Kỳ được mở rộng từ 1972. Cho đến niên khóa cuối cùng 1974-1975 trước khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ vào tháng 4, 1975, ảnh hưởng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đối với nền giáo dục Việt Nam đã bắt đầu rõ nét về phương diện tổ chức, học chế và thi cử.

TRẦN BÍCH SAN

CHÚ THÍCH

(01) Chính phủ Trần Trọng Kim (thành lập ngày 17/04/1945 tại Huế):

- Tổng Lý Nội Các (Thủ Tướng): Trần Trọng Kim

- Bộ Trưởng Ngoại Giao: Trần Văn Chương

- Bộ Trưởng Tiếp Tế: Nguyễn Hữu Thi

- Bộ Trưởng Thanh Niên: Phan Anh

- Bộ Trưởng Tài Chánh: Vũ Văn Hiền

- Bộ Trưởng Nội Vụ: Trần Đình Nam

- Bộ Trưởng Y Tế Cứu Tế: Vũ Ngọc Anh

- Bộ Trưởng Tư Pháp: Trịnh Đình Thảo

- Bộ Trưởng Kinh Tế: Hồ Tá Khanh

- Bộ Trưởng Giáo Dục & Mỹ Thuật: Hoàng Xuân Hãn

- Bộ Trưởng Công Chánh: Lưu Văn Lang

(02) Chương trình Hoàng Xuân Hãn : được soạn thảo bởi một nhóm trí thức Việt Nam hầu hết tốt nghiệp từ các trường đại học Pháp. Những vị này sau khi du học thành tài trở về nước giảng dạy tại các trường trung học ở Hà Nội và Huế. Nhóm trí thức này gồm có các ông: Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Đào Duy Anh, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Xiển, Nguyễn Đình Thụ, Nguyễn Duy Thanh, Đặng Phúc Thông. Các quyển Tự điển Pháp Việt của Đào Duy Anh và Danh Từ Khoa Học của Hoàng Xuân Hãn (xuất bản năm 1942 ở Hà Nội) là bước đầu làm cơ sở cho việc chuyển ngữ và thay đổi chương trình giáo dục trung học Việt Nam.

(03) Chính Phủ Lâm Thời (thành lập ở Hà Nội ngày 23/08/1945):

- Chủ Tịch kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao: Hồ Chí Minh

- Bộ Trưởng Nội Vụ: Võ Nguyên Giáp

- Bộ Trưởng Quốc Phòng: Chu Văn Tấn

- Bộ Trưởng Thông Tin & Tuyên Truyền: Trần Huy Liệu

- Bộ Trưởng Tư Pháp: Vũ Trọng Khánh

- Bộ Trưởng Tài Chánh: Phạm Văn Đồng

- Bộ Trưởng Kinh Tế: Nguyễn Mạnh Hà

- Bộ Trưởng Cứu Tế Xã Hội: Nguyễn Văn Tố

- Bộ Trưởng Lao Động: Lê Văn Hiến

- Bộ Trưởng Giáo Dục: Vũ Đình Hòe

- Bộ Trưởng Thanh Niên: Dương Đức Hiền

- Bộ Trưởng Y Tế: Phạm Ngọc Thạch

- Bộ Trưởng Công Chánh: Đào Trọng Kim

- Bộ Trưởng Không Giữ Bộ Nào: Cù Huy Cận & Nguyễn Văn Xuân.

(04) Chính Phủ Liên Hiệp (thành lập ngày 02/03/1946):

- Chủ Tịch: Hồ Chí Minh (Cộng Sản)

- Phó Chủ Tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách)

- Bộ Trưởng Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng

- Bộ Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (Đại Việt Dân Chính)

- Bộ Trưởng Quốc Phòng: Phan Anh

- Bộ Trưởng Tư Pháp: Vũ Đình Hòe (Dân Chủ)

- Bộ Trưởng Giáo Dục: Đặng Thái Mai (Cộng Sản)

- Bộ Trưởng Lao Động: Nguyễn Văn Tạo (Cộng Sản)

- Bộ Trưởng Xã Hội & Y Tế: Trương Đình Chi (Việt Cách)

- Bộ Trưởng Tài Chánh: Lê Văn Hiến (Cộng Sản)

- Bộ Trưởng Kinh Tế: Chu Bá Phượng (Việt Quốc)

- Bộ Trưởng Canh Nông: Bồ Xuân Luật (Việt Cách)

- Bộ Trưởng Công Chánh: Trần Đăng Khoa (Dân Chủ)

- Cố Vấn: Vĩnh Thụy

(05) Thỏa Ước Élysée 08/03/1949: Pháp thừa nhận Việt Nam có tổ chức riêng về hành chánh, tài chánh, quân đội và có quyền thiết lập ngoại giao với các nước Đông Nam Á. Pháp ủng hộ Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Việt Nam phải tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp, để Pháp sử dụng các căn cứ quân sự. Việt Nam thuận tổ chức những cơ quan chung với các quốc gia liên kết là Miên và Lào, cử đại diện vào hội nghị Liên Hiệp Pháp và Thượng Hội Đồng Liên Hiệp Pháp. Cao Ủy Pháp tại Đông Dương sẽ đóng vai trò trọng tài giữa các quốc gia liên kết. Nam Kỳ sẽ tùy ý định đoạt việc tái nhập vào Việt Nam.

(06) Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam (thành lập ngày 01/07/1949):

- Thủ Tướng: Bảo Đại, Quốc Trưởng

- Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân

- Tổng Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Phan Long

- Tổng Trưởng Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ

- Tổng Trưởng Quốc Gia Kinh Tế và Kế Hoạch: Trần Văn Văn

- Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng kiêm Nội Vụ: Vũ Ngọc Trản

- Bộ Trưởng Tài Chánh: Dương Tấn Tài

- Bộ Trưởng Ngoại Giao: Lê Thăng

- Bộ Trưởng Quốc Phòng: Trần Quang Vinh

- Bộ Trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ: Hoàng Cung

- Bộ Trưởng Canh Nông, Xã Hội, Lao Động: Phan Khắc Sửu

- Bộ Trưởng Công Tác, Giao Thông, Kiến Thiết: Trần Văn Của

- Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục: Phan Huy Quát

- Bộ Trưởng Thanh Niên: Nguyễn Tôn Hoàn

- Bộ Trưởng Y Tế: Nguyễn Hữu Phiếm

- Bộ Trưởng Thông Tin: Trần Văn Tuyên

- Tổng Thư Ký Chính Phủ: Đặng Trinh Kỳ

Thủ Hiến Bắc Việt: Nguyễn Hữu Trí. Thủ Hiến Trung Việt: Phan Văn Giáo. Thủ Hiến Nam Việt: Trần Văn Hữu.

(07) Chính Phủ Nguyễn Văn Xuân (thàng lập ngày 02/06/1948):

- Chủ Tịch Hội Đồng Tổng Trưởng

kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng: Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân

- Quốc Vụ Khanh, Phó C.T. Hội Đồng Tổng Trưởng

kiêm Tổng Trấn Nam Phần: Trần Văn Hữu

- Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Trung Phần: Phan Văn Giáo

- Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Bắc Phần: Nghiêm Xuân Thiện

- Quốc Vụ Khanh: Lê Văn Hoạch

- Tổng Trưởng Giáo Dục & Nghi Lễ: Nguyễn Khoa Toàn

- Tổng Trưởng Nội Vụ: Nguyễn Hữu Trí (sau không nhận, Nguyễn Văn Xuân kiêm nhiệm)

- Tổng Trưởng Tư Pháp: Nguyễn Khắc Vệ

- Tổng Trưởng Tài Chánh & Kinh Tế Quốc Gia: Nguyễn Trung Vinh

- Tổng Trưởng Công Tác & Kế Hoạch: Nguyễn Văn Tỵ

- Tổng Trưởng Thông Tin, Báo Chí & Tuyên Truyền: Bác Sĩ Phan Huy Đán (sau này đổi tên là Phan Quang Đán)

- Tổng Trưởng Canh Nông: Trần Thiện Vàng

- Tổng Trưởng Y Tế: Bác Sĩ Đặng Hữu Chí

- Quốc Vụ Khanh Bộ Quốc Phòng: Trần Quang Vinh

- Thứ Trưởng dinh Chủ Tịch: Đinh Xuân Quảng

- Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục: Hà Xuân Tế

Chỉ dụ ngày 09/06/1948 bổ nhiệm Đỗ Quang Giai làm Thứ Trưởng Nội vụ, Ngô Quốc Còn làm Thứ Trưởng Lao Động & Hoạt Động Xã Hội, Lê Công Bộ làm Thứ Trưởng Nội An.

(08) Dương Thiệu Tống, Diễn Tiến của Chương Trình Trung Học Tổng Hợp tạI Việt Nam, Giáo Giới, 9-10 tháng 5, 1971, Sài Gòn, 1971.

(09) Sĩ số Viện Đại Học Đà Lạt 6,000 sinh viên (1958), Viện Đại Học Vạn Hạnh 8,000 (1964), Viện Đại Học Hòa Hảo 4,000 (1971), Viện Đại Học Minh Đức 5,000 (1972).

(10) Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là một thí điểm của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Chương Trình Trung Học, Nhóm Sinh Viên Cựu Học Sinh Trường Bưởi xb, Hà Nội, 1945.

- Đặng Thái Mai, Nguyên Tắc Cơ Bản của Nền Giáo Dục Việt Nam Ngày Nay, Giáo Dục Tân San số tháng 1/1946, Hà Nội, 1946.

- Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, Việc Từng Ngày 1945-1964, tái bản ở Hải Ngoại.

- Lê Văn Giạng, Lịch Sử Giản Lược Hơn 1000 Năm Nền Giáo Dục Việt Nam, Chính Trị Quốc Gia xb, Hà Nội, 2003.

- Lê Văn Giạng, Nguyễn Được, Nguyễn Tùy, Nguyễn Hoặc, Lịch Sử Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985.

- Nguyễn Khắc Hoạch, Xây Dựng và Phát Triển Văn Hóa Giáo Dục, Lửa Thiêng xb, Sài Gòn, 1970.

- Nguyễn Q. Thắng, Khoa Cử và Giáo Dục Việt Nam, Văn Hóa tái bản, Hà Nội, 1998.

- Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Tố Uyên, Lưu Thị Tuyết Vân, Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975, nxb Giáo Dục tái bản lần 1, Pleiku, 04/2003.

.

.

Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (Wikipidea)

.

.

.

No comments: