Monday, May 17, 2010

TIẾP TỤC CHỦ NGHĨA VÌ THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC

Lại thêm thế hệ mới toe è cổ vì 'thành tích'

Cập nhật lúc 14:40, Thứ Hai, 17/05/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/201005/Buc-xuc-cua-mot-ba-me-co-con-hoc-lop-1-910456/

,Cô bé học sinh lớp 1 này đã biết thế nào là đối phó và dòm bài, dù nó đang học tại một trường tiểu học dân lập cao cấp được hứa hẹn là phát triển toàn diện.

.

Con gái tôi vừa trải qua kỳ thi hết học kỳ II của lớp 1. Cô gái bé bỏng của tôi giờ đây đã biết đọc rất giỏi, biết viết khá đẹp, biết làm tính và biết chút ít tiếng Anh. Tôi cảm kích các thầy cô lắm lắm.

Nếu như các thầy cô đánh giá con tôi là một học sinh có học lực trung bình khá, với ý thức trung bình khá đi, thì tôi mừng và yên tâm lắm rồi. Không phải tôi tự ti về bản thân và con cái, mà vì tôi nghĩ một đứa bé lớp 1 không nên bị đòi hỏi nhiều hơn thế.

Nhưng con tôi lại luôn là học sinh giỏi, tất nhiên trong lớp con bé có tới 99% học sinh giỏi, nên tính ra con bé có thể xếp top 10 từ dưới lên, hoặc nhiều lắm là ở giữa, tôi đoán vậy. Vì phần lớn lớp con bé được học rất nhiều từ trước khi vào lớp 1, còn con tôi thì không. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng điều đó không quan trọng.

Những lớp phổ thông mà tôi từng học qua đều là lớp chọn nhưng chỉ có nhiều lắm là 5 học sinh giỏi. Thời đó học sinh giỏi là một thành tích đáng tự hào lắm, không như bây giờ. Lớp con tôi, lớp con hàng xóm tôi, gần như cả lớp đều là học sinh giỏi. Nên thú thực, tôi thấy danh hiệu đó không nói lên điều gì.

Nhưng sau khi con tôi thi hết lớp 1 và kể chuyện với mẹ về kỳ thi của mình, thì tôi biết rõ một cách bức bối, những tập thể học sinh giỏi đó là minh chứng rõ ràng nhất cho căn bệnh thành tích trầm kha lan tràn phổ biến từ giáo dục quốc lập tới dân lập.

Tôi đã nghe đến căn bệnh này nhiều năm nay nên tôi cho con học tại một trường dân lập có thể nói là cao cấp, một trong những trường tiểu học dân lập hiện đại vào hàng đầu ở Hà Nội. Để vào được trường này con tôi cũng phải thi và mỗi tháng đóng học phí không dưới 2/3 tháng lương của mẹ. Tôi đã vui lòng vì nghĩ vào đây con tôi sẽ được học trong một môi trường thân thiện, hướng nhiều đến phát triển năng lực toàn diện của từng cá nhân thay vì chạy theo thành tích và mắc phải những hạn chế trong giáo dục khác.

Tôi đã lạc quan quá sớm.

Con tôi không đi học thêm tiếng Anh mà chỉ học trên lớp. Kỳ I thì con chỉ học nói và làm quen qua các trò chơi trên lớp là chính. Đến Kỳ II thì bắt đầu học viết, vậy mà khi thi giữa kỳ, tôi đã thấy con tôi toàn điểm 9,5 với 10 môn tiếng Anh các kỹ năng nghe nói đọc viết. Tôi phục con tôi quá chừng chừng. Trong lúc vui mừng, tôi hỏi con tôi, sao con giỏi thế, chữ khó nhớ thế này mà con cũng nhớ được à? Con bé vui vẻ trả lời: “Đâu có mẹ, bạn Châu Kiệt cho con chép đấy!” “Hả, sao con lại chép bài của bạn?” “Ơ, cô giáo bảo bạn ấy cho con chép bài mà”.

Mẹ thất vọng lần một. Nhưng cứu vớt lại, tôi mừng vì con tôi hồn nhiên thật thà.

Song không chỉ có tiếng Anh đâu.

Một buổi tối, đang khi ăn cơm, con bé hỏi tôi: “Mẹ ơi khi đi học mẹ có nhìn bài của bạn không?” Mẹ lại ớ người: “Sao con hỏi như thế? Nhìn bài của bạn là không tốt đâu. Thế con nhìn bài của bạn à?” – “Không, cô giáo bảo bạn cho con nhìn bài mà.”

Mẹ thất vọng thật sự.

Tối hôm sau, con bé thỏ thẻ: “Mẹ ơi, nhà mình còn bọc vở không? Nhãn vở nữa? Cô giáo bảo con bọc lại vở, viết lại nhãn vở để thi vở sạch chữ đẹp. Mẹ mua đủ bộ đồ dùng học tập mới cho con nữa.”

Ơ hay, học hết năm học rồi mới bọc lại sách vở, mua đủ dụng cụ học tập để làm gì nhỉ? Nhất định không phải để sang năm đi học lại lớp 1 rồi. Làm gì còn câu trả lời nào khác cái sự thật nhãn tiền chứ: Để-đi-chấm-điểm!

Lúc này trong đầu mẹ hiện lên rõ mồn một những dòng chữ trên bảng mà cô giáo chủ nhiệm của con viết sẵn khi mẹ đi họp phụ huynh. Rằng chỉ tiêu đặt ra là lớp 100% vở sạch chữ đẹp, 99% học sinh giỏi...

Bây giờ thì mẹ thực sự hoang mang rồi con gái ạ! Bởi hình như con đã ý thức rất rõ thế nào là tinh thần đối phó, và làm thế nào để đạt học sinh giỏi một cách dễ dàng nhất. Chỉ có điều đó lại không phải là những kỹ năng mà mẹ mong muốn con đạt được sau khi kết thúc lớp 1!

Nhuệ Anh

.

.

.

No comments: