Wednesday, May 12, 2010

MỘT GIÁO SƯ MỸ GỐC VIỆT NGHIÊN CỨU VỀ HT THÍCH QUẢNG ĐỨC

Giáo sư người Mỹ gốc Việt được tài trợ nghiên cứu về HT Thích Quảng Đức

Trà Mi - VOA Washington, DC

Thứ Ba, 11 tháng 5 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnamese-american-professor-wins-grant-to-study-monk-symbolic-of-vietnam-war-era-05-11-10-93451744.html

Trà Mi xin chào những người bạn của Tạp chí Thanh Niên trên đài VOA. Các bạn nào ở Sài Gòn nếu đi ngang qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng 8 quận Ba, hẳn có thấy một tượng đài tưởng niệm của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Các bạn trẻ Việt Nam ít nhiều gì chắc cũng đã nghe nhắc tới danh tánh của vị cao tăng được tôn vinh là Bồ Tát, người đã dũng cảm biến mình thành ngọn đuốc sống trong cuộc tự thiêu ngay tại góc đường này 47 năm về trước, để tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng, chống lại sự đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, không mấy người trong thế hệ trẻ ngày nay biết rõ, hoặc lưu ý tìm hiểu về lai lịch, nguyên nhân, và ý nghĩa của sự kiện ngày 11/6/1963 từng làm rung động thế giới. Gần nửa thế kỷ sau, một giáo sư người Mỹ gốc Việt đã quyết định thực hiện một quyển sách bằng Anh Ngữ, nghiên cứu chi tiết về “vị thánh “tử vì đạo” này.

Tiến sĩ Nguyễn Tri Ân sang Hoa Kỳ định cư đã 30 năm nay, và hiện đang giảng dạy bộ môn Văn minh-Mỹ thuật Châu Á tại đại học Bates của tiểu bang Maines. Ông vừa nhận được khoản tài trợ trị giá 40 ngàn đô la dành cho công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, cũng như ảnh hưởng của sự kiện này trong công cuộc tranh đấu đòi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo tại Việt Nam.

Đến với chương trình hôm nay, giáo sư-tiến sĩ Tri Ân sẽ cho chúng ta biết ý nghĩa, nội dung cuộc nghiên cứu của ông về cố Hòa thượng Thích Quảng Đức. Xin mời giáo sư Tri Ân:

Giáo sư Tri Ân: Đây là một công trình tôi đã để tâm 10 năm nay. Hòa thượng Thích Quảng Đức là một người Việt Nam được nhiều người nước ngoài biết tới về hình ảnh tự thiêu của Ngài, nhưng rất ít sách báo cũng như giới chuyên môn viết về Hòa thượng Quảng Đức.

Trà Mi: Ông có thể cho biết thêm công trình nghiên cứu này sẽ kéo dài trong bao lâu, các phương pháp tiến hành khảo cứu ra sao?

Giáo sư Tri Ân: Tôi có đọc các sách báo xuất bản ở Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là tư liệu rất quý chưa bao giờ được công bố của giáo sư Lê Mạnh Thác. Cách đây 3 năm, tôi về Việt Nam đi thăm các ngôi chùa do Hòa thượng ngày trước trùng tu, trụ trì, hay xây dựng có lưu trữ rất nhiều tài liệu của Hòa thượng, từ sách báo, các bài viết, pháp y áo, kinh sách của Hòa thượng để lại. Những tài liệu này chưa bao giờ được công bố, ngay cả ở trong nước. Nói chung, có ba phương thức. Thứ nhất, đi nghiên cứu thực tế ở Việt Nam qua một số công trình từ miền Trung, đến Sài Gòn, đến Cai Lậy. Thứ hai là đọc tư liệu. Ngoài ra, tôi cũng phỏng vấn một số nhân vật lịch sử liên quan. Nhanh nhất là một năm quyển sách sẽ hoàn thành, và cuộc nghiên cứu bắt đầu từ cuối mùa hè này.

Trà Mi: Là một người đang giảng dạy tại Mỹ, quan tâm nghiên cứu đến một câu chuyện xảy ra cách nay gần 5 thập niên, giáo sư có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa cuộc nghiên cứu này, cũng như thông điệp mà ông muốn gửi gắm qua đó là gì?

Giáo sư Tri Ân: Qua một số báo chí, người Mỹ chỉ biết Hòa thượng là một hình ảnh tự thiêu rất hào hùng của thời đại chống chiến tranh Mỹ, nhưng người ta không biết là bên trong có một sự đàn áp tôn giáo. Một vấn đề khác mà người ngoại quốc ít biết đến là trái tim của Hòa thượng để lại. Nhục thân của Hòa thượng được đưa về an dưỡng địa thiêu trong suốt nhiều giờ. Lần thứ nhất, trái tim của Hòa thượng vẫn còn. Người ta phải thiêu lại lần thứ hai đến khoảng 4 ngàn độ, nhưng trái tim vẫn còn nguyên. Đó là một sự rất kỳ diệu. Chúng ta cần đặt lại vấn đề rằng điều gì làm Hòa thượng dấn thân. Một vấn đề khác mà tôi muốn đặt ra ở đây là thời đại bây giờ, có nhiều người đã mệnh danh tôn giáo gây ra những cuộc khủng bố, làm hại người và đem lại sự bất bình an xã hội. So sánh hai hình ảnh đó, ta thấy Hòa thượng Quảng Đức là một hình ảnh vừa cao quý, vừa đẹp, dám hy sinh thân mạng mang lại lợi ích cho người khác.

Trà Mi: Nói về trái tim của Hòa thượng, có một số ý kiến ngờ rằng không biết đây có phải là trái tim thật của Ngài hay không. Có tài liệu hoặc minh chứng nào để chứng minh cho điều này không?

Giáo sư Tri Ân: Đây là vấn đề tôi rất muốn biết. Cố Hòa thượng Thích Thông Bửu, đệ tử cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức, cho biết trong năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm có tìm cách cướp trái tim của Hòa thượng, nhưng không được. Trái tim sau đó được gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ ở Việt Nam. Sau 1975, Hòa thượng Thích Thông Bửu và một số người khác đại diện để mang trái tim về, nhưng họ

không cho. Hòa thượng Thích Thông Bửu có nói rằng ấn, cái phiêu giữ, và giấy tờ lưu giữ của trái tim vẫn còn nguyên.

Trà Mi: Trái tim xá lợi của Hòa thượng Thích Quảng Đức hiện giờ đang được cất giữ tại địa điểm nào ở Việt Nam, thưa giáo sư?

Giáo sư Tri Ân: Cái đó tôi phải nghiên cứu thêm nữa.

Trà Mi: Hồi nãy có một chi tiết giáo sư cho biết là khi trái tim được xin mang về không biết nguyên do vì sao không được phép, thưa giáo sư?

Giáo sư Tri Ân: Ở Việt Nam, có nhiều vấn đề. Thứ nhất là vấn đề tổ chức giáo hội. Những gì liên quan đến hành xử hay công trình như thế nào đều có ý kiến của Ban Tôn Giáo. Trong bài viết về Hòa thượng Quảng Đức của thầy Thông Bửu, thầy chỉ đề cập đến mà thôi. Rất tiếc cách đây 3 năm khi tôi về Việt Nam muốn gặp lại thầy Thông Bửu để hỏi thêm ngọn ngành vấn đề, tôi rất muốn biết rõ vì sao chưa

được phép mang về. Trong trường hợp được mang về thì mang về như thế nào. Tôi hy vọng trái tim của Hòa thượng vẫn còn. Bên cạnh đó, tôi có chụp được một số hình ảnh xá lợi xương của Hòa thượng trong một cái tháp bằng đồng.

Trà Mi: Xương xá lợi đó hiện giờ đang được lưu giữ ở đâu?

Giáo sư Tri Ân: Một số ở Sài Gòn, và một số ở Nha Trang, nơi Hòa thượng sinh ra.

Trà Mi: Nghiên cứu về một sự việc xảy ra cách đây hơn 40 năm đối với Hòa thượng Thích Quảng Đức, một nhân vật được xem là dấn thân tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, giáo sư có, hoặc sẽ, tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo trong nước hiện nay để có một sự so sánh, đối chiếu hay không?

Giáo sư Tri Ân: Ngành nghiên cứu của tôi là Lịch sử-Mỹ thuật Á Châu. Tôi không đi chuyên về lịch sử Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nhưng khi chúng ta nhìn về các bài học lịch sử, dùng những bài học đó, nếu biết suy nghĩ và biết hành động thì chúng ta có thể học hỏi và áp dụng.

Trà Mi: Nếu so sánh giữa nền văn hóa Phật giáo Việt Nam giữa thế kỷ 20 với thế kỷ 21 đương đại hiện nay, từ ánh mắt một nhà nghiên cứu, ông có nhận xét ra sao?

Giáo sư Tri Ân: Đất nước Việt Nam trong mỗi thời đại, đời sống khác nhau, kinh tế, chính trị khác nhau, cho nên có những hướng đi thời đại khác nhau. Phật giáo Việt Nam nhìn chung được ví như nước. Nước có tính rất mềm, rất uyển chuyển, nhưng cũng có tính chất rất mạnh, rất hùng vĩ. Phật giáo Việt Nam gần 2 ngàn năm nhìn chung có 3 vấn đề là đức Bi, Trí, và Dũng. Nếu như họ thao thức đúng, hành động đúng thì những việc làm của họ sẽ đưa đến một kết quả tốt đẹp.

Trà Mi: Khi quan tâm đến một nhân vật đấu tranh cho tự do tôn giáo Việt Nam, không biết ông có quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo hiện nay tại Việt Nam hay không?

Giáo sư Tri Ân: Đây là một câu hỏi rất nóng bỏng. Thực tế thì tôi chỉ nghe và biết qua thôi, nhưng nó hơi ngoài đề tài nghiên cứu của tôi một chút.

Trà Mi: Thưa ông không nghiên cứu sâu rộng về lĩnh vực này, nhưng nhận xét cá nhân, với con mắt của một người có quan tâm đến vấn đề này, ông có sự so sánh nào không giữa tình hình tự do tôn giáo trong nước với tình hình tự do tôn giáo tại Mỹ, nơi đang cổ võ cho quyền tự do tôn giáo trên thế giới?

Giáo sư Tri Ân: Nước Mỹ được mệnh danh là một nước tự do tôn giáo. Họ đã có lịch sử tự do mở rộng về tôn giáo gần 500 năm nay. Sự tự do về tôn giáo phải dựa vào những yếu tố khách quan thực tế tại bản địa. Đây là vấn đề rất hay, nhưng đồng thời rất tế nhị.

Trà Mi: Giả dụ có một đồng nghiệp, một giáo sư nước ngoài quan tâm đến công trình nghiên cứu của ông, muốn tìm hiểu về một nhân vật tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam cách đây hơn 40 năm, có lẽ họ cũng thắc mắc không biết tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện nay ra sao, và ý nghĩa, thông điệp của cuộc nghiên cứu này đóng vai trò như thế nào đối với bối cảnh tự do tôn giáo tại Việt Nam đương đại. Câu trả lời của giáo sư như thế nào?

Giáo sư Tri Ân: Có người hỏi tôi vấn đề này thì tôi phải kiếm một người nào đó chuyên môn, hoặc quan tâm đến vấn đề đó để trả lời cho rõ ràng hơn. Chúng ta nghiên cứu lịch sử để thấy những bài học, và những lỗi lầm từ chính sách, chính trị, đến hành động thì cần tránh.

Trà Mi: Sau cuộc nghiên cứu này, ông có dự định thực hiện thêm những cuộc nghiên cứu khác cũng liên quan đến Việt Nam hay không?

Giáo sư Tri Ân: Tôi đang viết một cuốn sách về các hình tượng được thờ ở các chùa, đình, miếu. Công trình này được Fulbright tài trợ cách đây 5 năm, và tôi từng đi Việt Nam nghiên cứu gần 1 năm. Tôi sắp hoàn tất. Đó là công trình đầu tiên. Công trình thứ hai tôi đang để ý tới là định viết một quyển sách về lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Trà Mi: Là một người Việt đang đảm nhiệm vai trò truyền đạt văn hóa Châu Á, nói chung, cũng như giới thiệu những nét riêng biệt của Việt Nam, nói riêng, qua các cuộc nghiên cứu, các bài viết của mình tại một đại học Hoa Kỳ, có điều gì giáo sư thấy thú vị muốn chia sẻ với thính giả của VOA không?

Giáo sư Tri Ân: Tôi thấy niềm vui nhất của tôi là giới thiệu những gì đẹp nhất, hay nhất của văn minh Á Châu với họ. Là một người Việt sinh sống ở xứ người 30 năm, nhìn về Việt Nam, bao giờ tôi cũng nhìn vào những nét rất kiêu hãnh để tự hào về văn hóa, văn minh Việt Nam.

Trà Mi: Có một số ý kiến cho rằng những nét đẹp văn hóa, những tinh hoa văn hóa, cũng như các môn học về văn hóa Việt Nam chưa thu hút sự quan tâm của nhiều người tại Việt Nam, đa số là giới trẻ. Giáo sư có lời nào muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ tại Việt Nam ngày nay?

Giáo sư Tri Ân: Tuổi trẻ Việt Nam bây giờ chạy theo những phong trào như chat, internet, họ không thấy được những nét đẹp văn hóa Việt. Đôi lúc mình nghèo quá cũng khó mà nói về văn hóa lắm, cô ạ. Phải lo cái ăn, cái mặc thì ai nghĩ đến vấn đề văn hóa? Việt Nam hiện tại vẫn còn rất nghèo và không có những tài trợ, những hội này hội kia giúp đỡ nữa. Ở Mỹ, ví dụ như công trình của tôi khi chuẩn bị nghiên cứu, tôi viết đề nghị nộp nhiều nơi và một hội đồng họ xét thấy công trình của mình có sự đóng góp nào đó, họ tài trợ cho mình. So sánh hai xã hội, ở xã hội Mỹ, khi mình có tài, thì mình có cơ hội để vươn lên, phát triển khả năng đó. Ở Việt Nam, phương tiện không được đầy đủ hoặc không có cơ hội tốt để chúng ta phát triển. Tôi hy vọng có những người Việt Nam đầu tư và bảo trợ vào kiến thức, tương lai của người Việt Nam. Phải khuyến khích vấn đề đó.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn giáo sư đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này.

Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây. Hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong chương trình tuần sau.

.

.

.

No comments: