Khép lại quá khứ với kẻ thù – Khoét sâu hận thù với dân!
03:43:pm 02/05/10
http://www.danchimviet.com/archives/7988
“Bất kể tình hình quốc tế và khu vực biến đổi ra sao, Việt Nam đều sẽ tiếp tục kiên trì chính sách hữu nghị với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc không ngừng sâu sắc hợp tác hữu nghị trong các lĩnh vực.”
Trên đây là tuyên bố và lời hứa của Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh với Phó Chủ tịch Nước Trung quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc kinh ngày 22.4.2010.
Trong một xã hội dân chủ đa nguyên (DCĐN) hay độc tài toàn trị đều có những ngày lễ lớn hàng năm, nhưng thường có ý nghĩa khác nhau và cách tổ chức cũng khác nhau, nó được gắn với những ý nghĩa chính trị đặc thù của chế độ chính trị và tác phong của những người cầm quyền đương thời. Qua đó người ta có thể hiểu được tâm trạng, suy nghĩ và thái độ của những người cầm quyền. Trong khi ở các nước DCĐN các lễ lớn có tính cách toàn quốc thường mang tính truyền thống lịch sử. Còn các lễ lớn do các biến cố chính trị mới phát sinh thường phản ảnh ý nguyện của đa số nhân dân và được các cơ quan lập pháp (quốc hội) đã thảo luận và thông qua, chứ tuyệt nhiên không thể là quyết định chủ quan hay nhào nặn theo ý riêng của một vài người có quyền lực.
Nhưng trong các chế độ độc tài toàn trị, các ngày lễ lớn lại là biểu thị các tính toán chính trị của thế lực đang cầm quyền. Tùy theo hoàn cảnh chính trị trong nước và bang giao quốc tế của chế độ, những người có quyền lực có thể hủy bỏ một lễ kỉ niệm hay nâng cao vai trò ngày lễ. Như dưới chế độ độc tài toàn trị của CSVN các lễ kỉ niệm nào được chọn trong năm thường do quyết định ở cấp cao nhất của ĐCS. Cho nên những ngày lễ lớn trong từng năm có thể dùng làm thước đo để biết mục tiêu, lập trường, thái độ chính trị và cách cư xử của giới cầm đầu từng thời kì.
Bởi vậy, đối với giới cầm quyền CSVN xuyên qua các ngày lễ lớn như sinh nhật của HCM, Lenin, K. Marx thường là những ngày để họ đề cao tư tưởng (hoặc gán cho như HCM) và công lao của những người này, nhưng đồng thời là dịp để nhóm cầm đầu tự đề cao và nhấn mạnh tới mục tiêu và đường lối chính trị. Còn các ngày lễ khác như chiến thắng Điện biên phủ, „Chiến thắng 30.4“, Chiến tranh Biên giới chống xâm lược Trung quốc (17.2.1979)…là dịp để nhóm cầm đầu tỏ thái độ về đối ngoại và đối nội. Qua đó người ta có thể thấy rõ lập trường và quan điểm của họ đối với các đối tượng liên hệ, cụ thể ở đây là đối với các thành phần nhân dân VN hay với các nước ngoài có liên hệ.
.
Khép lại quá khứ với thù
Giữa tháng 2 vừa qua đúng ra là dịp kỉ niệm 31 năm (17.2. 1979 -17.2.2010) cuộc chiến xâm lược đẫm máu mà chế độ Bắc kinh (BK) đã từng đem 600.000 quân tàn phá các tỉnh biên giới của VN và đã làm hàng chục ngàn bộ đội VN bị giết, bị thương và hàng chục ngàn người dân VN bị giết và thương tật. [1] Nhưng đã không có lễ kỉ niệm 31 năm đánh đuổi chiến tranh xâm lược của phương Bắc. Cũng không có tổ chức đi thăm các nghĩa trang binh sĩ và thường dân VN đã hi sinh hay bị giết hại trong cuộc chiến này. Suốt trong các tuần lễ trong tháng hai vừa qua không có một báo hay đài của chế độ viết bài về cuộc chiến tranh xâm lược này. Trong khi ấy chỉ ít lâu sau Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng, đã cầm đầu một phái đoàn quân sự cao cấp thăm BK.
Một năm trước đó, vào dịp kỉ niệm 30 năm cuộc chiến đẫm máu của Bắc kinh đối với VN đúng ra phải được tổ chức long trọng vì rơi vào năm tròn. Nhưng cũng đã không diễn ra. Không một cuộc lễ nào được tổ chức ở Hà nội hay các địa phương, ngay cả các tỉnh biên giới phía Bắc từng là nạn nhân trực tiếp cuộc chiến xâm lược cũng không có lễ kỉ niệm. Thậm chí các cuộc thăm mộ và thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng đội và dân thường đã bỏ mình cũng không có, các buổi đi thăm thân nhân các nghĩa tử cũng không có !
Chả lẽ trí nhớ của những người cầm đầu đã mất, đã lú? Nhưng tại sao cho tới nay họ vẫn tổ chức long trọng ngày 30.4 mỗi năm, mặc dầu sự kiện này đã diễn ra trước chiến tranh xâm lược của phương Bắc vài năm? Mới chỉ vài ngày trước đây khi tiếp đại diện một số đơn vị từng tham chiến ở miền Nam Chủ tịch nước (CTN) Nguyễn Minh Triết lại vẫn nói “Các thế hệ hôm nay và mai sau mãi biết ơn và tự hào về những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc”.[2] Nhưng còn bao nhiêu bộ đội và thường dân đã hi sinh trong chiến tranh chống xâm lược phương Bắc đầu 1979 thì lại bị lãng quyên ! Lí do nào khiến nhóm cầm đầu CSVN trong mấy năm gần đây đã không dám cho tổ chức các lễ kỉ niệm cuộc chiến chống xâm lược của BK?
Năm trước thay vì làm lễ kỉ niệm 30 năm chiến tranh chống xâm lược của phương Bắc thì nhóm cầm đầu đã tổ chức rất long trọng “Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới“ VN-Trung quốc (TQ) vào ngày 23.2 ở Lạng sơn, chính ngay nơi trước đây 30 năm đã là một chiến trường chính ác liệt, quân đội VN đã phải xả thân để bảo vệ lãnh thổ! Trong buổi lễ này Ủy viên Bộ chính trị (UVBCT), Phó TT kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã không ngớt lời ca tụng mối bang giao mà BK đã rỉ tai cho họ „16 chữ vàng“ và „ 4 tốt“:
“Đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác–hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước và cũng là thông điệp quan trọng khẳng định với thế giới về mối quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc.“ [3]
Đáp lại lời hồ hởi đoàn kết anh em của Phạm Gia Khiêm, Quốc vụ viện Trung Hoa Đới Bỉnh Quốc trong buổi lễ này đã dùng ngôn ngữ ngoại giao rất mỉa mai, nói là hai bên “cùng thắng“ và “cùng có lợi“ trong việc kí Hiệp định Biên giới trước đây. [4] Đới Bỉnh Quốc biết thừa rằng, trong việc này chỉ có lợi cho Trung quốc, vì suốt hơn chục năm đàm phán, kí kết tới thực hiện Hiệp định Biên giới thì nhóm cầm đầu CSVN luôn luôn bị đứng trong tư thế rất yếu so với Bắc kinh. Đây chính là hậu quả của việc vội vã cúi đầu cầu hòa với phương Bắc để bảo vệ quyền hành của Đỗ Mười và Lê Đức Anh vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước.
Vài ngày sau đó, ngày 2.3. 2009 Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên BCT và Chủ tịch QH –người đang có quyền lực mạnh và thần phục BK- đã chủ trì lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Bộ đội Biên phòng. Đứng cạnh Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ này còn có hai cựu TBT Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu, nguyên CTN Lê Đức Anh (những người trực tiếp đưa VN vào vòng kiềm tỏa của TQ) , UVBCT và Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và UVBCT, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh [5]. Trong diễn văn khá dài Nguyễn Phú Trọng không nhắc tới một lần nào tới những khó khăn và nguy hiểm mà Bộ đội Biên phòng (BĐBP) VN đang phải ngày đêm đối phó trước những áp lực và hành động quân sự của các lực lượng quân đội TQ đang gây ra trên biên giới phía Bắc, nhất là trên biển Đông. Ngược lại ông Trọng chỉ nói một cách chung chung về vai trò và nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Không dám nói trực tiếp tới tình hình căng thẳng trên biển Đông do chính sách bá quyền của BK đã chứng tỏ thái độ cúi đầu nhẫn nhục của Nguyễn Phú Trọng đối với phương Bắc.
Đáng để ý nữa, ngay cả trong diễn văn của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, UV Trung ương đảng, Tổng Tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng vào dịp này lại đã chỉ nhắc tới vai trò và thành tích của Bộ đội Biên phòng trong chiến tranh chống Pháp và Mĩ trước đây, nhưng lại không có một đoạn hay câu nào nói tới công lao của các đơn vị này trong chiến tranh Việt-Hoa đầu 1979! Và đặc biệt cũng như Nguyễn Phú Trọng, không nói tới những căng thẳng quân sự trên biển Đông do hải quân và không quân TQ đang gây ra.[6]
Năm trước vì “Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới“ VN-TQ vào ngày 23.2 nên đã phải hủy bỏ lễ kỉ niệm 30 năm chiến tranh xâm lược của phương Bắc. Năm nay nhóm cầm đầu CSVN đang chuẩn bị tổ chức long trọng lễ “Năm hữu nghị Việt-Trung 2010”, kỉ niệm 60 năm bang giao VN-TQ nên cũng phải hủy bỏ lễ kỉ niệm 31 năm chống chiến tranh xâm lược của TQ.
Tuân phục phương châm “Khép lại quá khứ, hướng về tương lai” do BK yêu cầu cho nên những người cầm đầu CSVN không chỉ không được phép tổ chức lễ kỉ niệm mà còn cấm cả những báo và đài của HN không được phép viết những bài nói xấu “Thiên triều”. Một khi chấp nhận như thế có nghĩa là, những người cầm đầu hiện nay không còn thừa nhận việc chống lại cuộc chiến tranh xâm lược này là chính nghĩa và những sự hi sinh của hàng chục ngàn bộ đội và nhân dân là vì Tổ quốc ! Còn nhìn về tương lai của hai bên ra làm sao ? Cùng hội cùng thuyền hay đồng sàng dị mộng ?
Không chỉ ra lệnh cho nhóm cầm đầu CSVN phải “khép lại quá khứ” theo ý của mình, BK còn chọn lựa thời điểm thích hợp để buộc Hà nội (HN) phải chiều theo các đòi hỏi “hướng về tương lai” của họ. Nắm rõ nội tình trong BCT của ĐCSVN trước Đại hội 11, nên BK đã biết rằng, dù thần phục BK nhiều hay ít, những người có thế lực trong BCT ĐCSVN đều muốn giữ ghế, củng cố quyền lực và vây cánh. Cho nên họ đều cần điểm tựa BK. Đây là lí do sự có mặt ở BK và Thượng hải vừa qua và hiện nay của hai phái đoàn cao cấp quân sự và chính phủ CSVN.
Ủy viên BCT, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa cầm đầu một phái đoàn quân sự cao cấp nhất từ nhiều năm nay sang BK suốt một tuần, từ 21 tới 28.4. Với sự khôn khéo chiều chuộng, BK còn mời cả vợ của Phùng Quang Thanh tham gia trong phái đoàn. Đối với chính quyền CSVN đây là một việc hiếm có trong phái đoàn cấp bộ trưởng đi thăm nước ngoài. Trong đoàn này ngoài các tướng lãnh cao cấp trong Bộ Quốc phòng (BQP), còn có cả đại diện các Quân khu tiếp giáp với TQ, các Tư lệnh Hải quân, Không quân và BĐBP.[7] Điều này cho thấy, đối với bên ngoài, hai bên làm như sẽ thảo luận trực tiếp và nghiêm túc về những vấn đề đang nổi cộm, như việc hải quân TQ gia tăng xâm phạm hải phận của VN, bắt trái phép các tầu đánh cá và hành hạ các ngư dân VN.[8] Nhưng nếu đưa các vấn đề trên ra thì Phùng Quang Thanh có thực sự dám nói thẳng quan điểm và lập trường của VN không? Hay BK vẫn chỉ vỗ về bên ngoài để chờ thời gian, còn thực sự thì họ vẫn lấn lướt và chèn ép ? Đài BK đã tường thuật thái độ và lập trường đi đàm phán của Phùng Quang Thanh khi ông được Phó Chủ tịch Nước Trung Quốc và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị CS TQ Tập Cận Bình tiếp tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc kinh ngày 22.4:
“Đồng chí [Phùng Quang Thanh- ghi chú của người viết] nói, hai nước Việt-Trung có tình hình gần giống nhau, quan điểm tương đồng, hai nước ủng hộ lẫn nhau và cùng tiến bộ trong công cuộc cải cách mở cửa và đổi mới mở cửa ở mỗi nước. Bất kể tình hình quốc tế và khu vực biến đổi ra sao, Việt Nam đều sẽ tiếp tục kiên trì chính sách hữu nghị với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc không ngừng sâu sắc hợp tác hữu nghị trong các lĩnh vực.” [9]
Tuyên bố như trên của Phùng Quang Thanh có nghĩa là, mặc cho những hành động ngang ngược lấn đất, lấn biển và chiếm đóng các hải đảo của VN, nhưng nhóm cầm đầu CSVN vẫn trước sau như một “sẽ tiếp tục kiên trì chính sách hữu nghị với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc không ngừng sâu sắc hợp tác hữu nghị trong các lĩnh vực”. Thái độ “chủ-tớ”, ai làm chủ ai là tớ trong cuộc đàm phán này đã được Phùng Quang Thanh tự xác định rất rõ ràng qua tuyên bố trên. Lời thề trên của Phùng Quang Thanh cũng giống như con nợ kí vào một chi phiếu trả cho chủ nợ, nhưng đã bỏ trống không ghi rõ số tiền phải trả và để chủ nợ toàn quyền!
Một Bộ trưởng Quốc phòng của một nước “độc lập và có chủ quyền” mà tuyên bố như thế là một cách mời công khai BK tiếp tục chính sách bành trướng và áp chế VN. Vì thế không ngạc nhiên, chỉ ba ngày sau cuộc đàm phán giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Lương Quang Liệt thì BK đưa tin, từ nay họ cho các tầu Hải quân TQ tuần tra thường xuyên Trường sa. Nghĩa là sau khi nuốt trọn Hoàng sa thì nay đang tìm cách kiểm soát nốt Trường sa.[10] Điều này cho thấy, thâm ý của BK là mời phái đoàn cao cấp quân sự HN sang đàm phán chỉ là vuốt ve, vỗ về; nhưng giữa lúc đó với việc tăng cường các tầu hải quân TQ để kiểm soát thường xuyên quần đảo Trường sa họ cố ý để cho dư luận thế giới biết là, phái đoàn quân sự cao cấp của VN đang ở BK đã không có sự phản đối nào! Sách lược này cũng đã được BK từng áp dụng trong cuộc gặp nhóm cầm đầu CSVN khi ấy ở Thành Đô TQ năm 1990 khởi đầu cho giai đoạn VN ngày càng lệ thuộc TQ. [11]
Cần biết ở đây là, cuộc đàm phán của hai BTQP TQ và VN chỉ diễn ra ít tháng sau chuyến thăm bí mật của Thứ trưởng Quốc phòng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh ở BK. [12] Ông Vịnh từng phụ trách Tổng cục 2 chuyên về tình báo phản gián và được nhiều giới am hiểu coi là người của BK.
Vì thế trước quyền lợi tối cao của đất nước, BTQP Phùng Quang Thanh phải trả lời sớm trước dư luận: 1. Ông đã biết là nhà cầm quyền TQ đang chủ trương và có những hành động thù nghịch với VN, nhưng tại sao ông đã lại có thái độ tháo khoán để cho BK tiếp tục tự do lấn áp và chèn ép VN? 2. Kết quả thực sự các cuộc đàm phán ở BK của phái đoàn do chính ông cầm đầu cũng như của Nguyễn Chí Vịnh vừa qua ra làm sao?
Điều đáng để ý nữa là, trong chuyến thăm BK lần này Phùng Quang Thanh đã dành cả thời giờ để tiếp thân mật thân nhân gia đình một số tướng TQ đã cố vấn cho CSVN trong cuộc chiến chống Pháp và Mĩ trước đây. [13] Trong khi ấy gia đình các bộ đội VN tử trận trong chiến tranh chống xâm lược TQ thì đã bị Phùng Quang Thanh bỏ quên !
Trong khi phái đoàn quân sự cấp cao Phùng Quang Thanh còn đang ở BK thì phái đoàn của TT Nguyễn Tấn Dũng cũng sang thăm TQ dự lễ khai mạc Triển lãm Thế giới Thượng hải 2010 (Expo Thượng hải). Mặc dầu mãi đến ngày 1.5 mới khai mạc, nhưng Nguyễn Tấn Dũng cùng vợ và phái đoàn đã được BK mời sang từ 26. 4. [14] Ông Dũng đã chuẩn bị chuyến thăm này khá kĩ lưỡng. Cuối tháng 2.2010 chính Nguyễn Tấn Dũng đã thân hành lên Đắc nông cắt băng khánh thành nhà máy Nhân cơ thứ hai khai thác Alumin. [15] Không những thế 5 ngày trước sang thăm TQ ông Dũng lại còn phái PTT Hoàng Trung Hải lên thăm nhà máy Alumin Nhân cơ ở đốc thúc phải thực hiện khẩn cấp các công tác tiến hành sản xuất và vận tải Alumin sang TQ. [16] Chỉ bốn ngày trước khi sang thăm TQ Nguyễn Tấn Dũng còn cho lệnh chạy thử trang tiếng TQ trên tờ điện tử của Chính phủ, dưới quyền của ông Dũng. [17] Tất các các việc làm này được coi là những bảo lễ của Nguyễn Tấn Dũng dâng biếu những người cầm đầu BK trong chuyến đi này! Ở đây càng thấy rõ BK đã bắt được mạch của nhóm cầm đầu CSVN trong tâm lí “hướng về tương lai”, tức là chỉ nhắm tới cái ghế cao trong ĐH 11 sắp tới, vì thế họ rất cần sự bao bọc và bảo trợ của BK !
.
Tiếp tục khơi hận thù với dân
Giữa lúc tuân thủ các đòi hỏi của BK nhóm cầm đầu CSVN thực hiện chủ trương “khép lại quá khứ” nên đã không dám tổ chức kỉ niệm ngày chiến tranh chống xâm lược của phương Bắc, cũng chẳng dám thắp nhang nhớ tới các tử sĩ và thường dân đã bỏ mình trong chiến tranh biên giới 1979, nhưng trong khi đó lại cử Phùng Quang Thanh sang thăm thân nhân các tướng TQ giúp họ trong các cuộc chiến chống Pháp và Mĩ.
Trong khi phải khép lại quá khứ với thù thì suốt mấy tuần lễ vừa qua các báo và đài của chế độ toàn trị rầm rộ tường thuật và truyền đi các lễ kỉ niệm những trận đánh lớn vào đầu năm 1975. Trong ngày 30.4 này họ còn tổ chức đốt pháo bông ở 14 địa điểm tại Hà nội để “ăn mừng chiến thắng” trước đây 35 năm. Ngày 29.4 những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị cũng đã tổ chức trịnh trọng “Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.” Và hôm nay, ngày 30.4 họ đã tổ chức diễn binh ở Sài gòn. ([18]) Rõ ràng đây là những chủ trương và hành động khơi dậy lại hận thù giữa các thành phần dân tộc có tính toán của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị hiện nay. Nhận định này nay không chỉ từ phía chống chế độ độc tài toàn trị, mà chính cũng là quan điểm của cố TT Võ Văn Kiệt và nhiều “lão thành cách mạng” cũng như nhiều đảng viên tiến bộ. Hơn một năm trước khi mất, ông Kiệt đã tuyên bố công khai trên đài BBC nhân ngày 30.4. 2007 về thực chất và hậu quả của cuộc nội chiến tàn khốc 1960-1975:
“Có những gia đình, một người mẹ có con đi chiến đấu chết ở bên này và một đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở bên kia. Trên bàn thờ hai người con. Thế thì người mẹ họ suy nghĩ gì? Không lẽ họ chia ra? Con nào cũng là núm ruột cả. Điều đó ngay cả trong một gia đình cũng là một gắn bó. Hay trong giòng họ, nhất là ở miền
Từ sự thực đó Võ Văn Kiệt đã nói lên điều trăn trở của hàng bao nhiêu triệu người VN, dù ở Bắc hay Nam, là tại sao với thù ngoài thì nhóm cầm đầu chế độ toàn trị đã khép lại quá khứ, nhưng với dân thì vẫn đào sâu và khơi dậy hận thù?:
“Vì kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mĩ sau này, kẻ thù của Việt Nam là Trung quốc trong thời đánh biên giới Việt Bắc. Chúng ta cũng khép lại quá khứ được thì tại sao chúng ta với chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy, mà chúng ta cứ đối kỵ với nhau, rồi có những sự chống đối nhau?” [20]
Cũng trong dịp này cố TT Võ Văn Kiệt đã phủ nhận lối suy tư chính thống về độc quyền yêu nước của người CS. Ông nhận định rất đúng về lịch sử dân tộc VN:
“Người ta hoàn toàn có thể không cộng sản, ông cha mình có cộng sản đâu, nhưng yêu nước chứ!” [21]
Và từ đó ông khẳng định minh bạch về những quả quyết rất sai lầm và chủ quan của phía thắng trận:
“Người cộng sản chưa thể nói cái yêu nước của mình cao hơn, hoặc nói người ta không chịu chủ nghĩa xã hội thì không phải người ta giảm lòng yêu nước của người ta.” [22]
Trong dịp 30.4 năm nay một số văn sĩ và trí thức ở ngay trong nước đã tiếp nối những suy tư thẳng thắn và sát sự thực của cố TT Võ Văn Kiệt bằng một số bài đăng trên các trang điện tử độc lập của cá nhân hay các nhóm. Đại diện tiêu biểu cho việc làm chính đáng này có thể nói như bài của nhà văn Phạm Đình Trọng “Văn học nghệ thuật Chủ nhật: Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm, sự thức tỉnh muộn màng“ đăng trên Bauxite VN (BVN), một tờ báo điện tử của các chuyên viên và nhân sĩ trong nước phản biện về những vấn đề bức xúc của đất nước, đặc biệt là thái độ nhu nhược của nhóm cầm quyền CSVN trước chính sách xâm lấn các hải đảo và bòn rút tài nguyên của chế độ bành trướng BK. Chỉ trong thời gian ngắn tờ BVN đã có tới gần 20 triệu lượt người vào đọc và theo dõi. Vì thế từ cuối năm 2009 một số người chủ trương đã bị công an điều tra và trang BVN đã bị những “kẻ lạ” và cả những “kẻ quen” đánh phá nhiều lần. Phạm Đình Trọng đã nói rất thực và rất thẳng về cuộc chiến này, một cuộc nội chiến chỉ thấy xác thanh niên Việt với súng của Nga, TQ và Mĩ:
“Người lính miền Bắc mang súng AK, nói tiếng Việt. Người lính miền Nam mang súng AR15, cũng nói tiếng Việt. Hai người lính cùng một tiếng mẹ đẻ Việt Nam mà tìm mọi cách tiêu diệt nhau, mang cái chết đến cho nhau. Cái chết đến từ khẩu AR15: Chùm đạn AR15 bắn gần khoan vào trán / Găm giữa ngực / Những người lính đội mũ tai bèo đổ gục! Cái chết đến từ khẩu AK: Tốp lính Sài Gòn lò dò đặt chân lên sườn đồi / Hứng trọn những lọat đạn AK vào đầu, vào ngực! Người giết và người bị giết đều là người Việt: Người Việt thắng trận huy hoàng / Bại trận / Cũng là người Việt! Người bị giết dù ở phía nào thì người Mẹ Việt Nam vẫn phải nhận lấy nỗi đau chết chóc: Năm Nhâm Tý – Bảy hai / Máu binh sĩ Sài Gòn / Máu quân giải phóng / Đỏ sông Thạch Hãn / Ướt sũng gạch vụn Cổ Thành! Thật đau xót cho thời cuồng tín, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức.” [23]
Ngay khi ấy tờ Quân đội Nhân dân, cơ quan của Quân ủy Trung ương và BQP, đã vội vàng kết án gay gắt, trong đó vẫn sử dụng lối tư duy chính thống của kẻ chiến thắng và phủ nhận sự thực:
“Ấy vậy mà trên một số phương tiện thông tin, ấn phẩm, trang web,… đây đó xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận tầm vóc chiến thắng vĩ đại đó của nhân dân Việt
Trước hết, họ tập trung xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất chỉ là cuộc nội chiến nội bộ giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản. Theo một hướng khác, có luận điệu cho rằng, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” bắt nguồn từ “sự xung đột về ý thức hệ”, các cường quốc lãnh đạo hai khối cộng sản và tư bản sử dụng chiến tranh Việt Nam như là một công cụ để đua tranh sức mạnh cả về kinh tế và quân sự trong thời kỳ chiến tranh lạnh.” [24]
Một sự thực khác rất đáng buồn cũng được phơi bày là, sau 35 năm chấm dứt cuộc chiến và gần 25 năm “đổi mới”, nhưng “các mẹ chiến sĩ” và “những “cốt cán cách mạng” từng vào sinh ra tử nhưng nay vẫn phải sống trong đói rách. Trong khi ấy các quan cách mạng và các giám đốc các doanh nghiệp nhà nước đang hưởng giầu sang phú quí ! Chính điều này cựu Ủy viên BCT và nguyên BTQP Phạm Văn Trà đã xác nhận vào giữa tháng 4 khi ông gặp lại một số người từng cứu giúp ông trước đây 40 năm:
“Bỗng dưng ông đứng dậy, chậm rãi đi vào phòng trong, rồi đi ra, nghèn nghẹn nói: “Nhưng mà đồng bào mình còn nghèo quá. Vừa rồi chúng mình vào thăm chị Ba Đèo. Khổ, nhà nghèo lắm, mà không có chế độ gì. Mấy năm vừa rồi mình đi vận động các doanh nghiệp cũng toàn bộ đội ta ra làm giám đốc, phó giám đốc giúp cả, xây được 323 nhà dành riêng giúp đồng bào mấy tỉnh trong ấy, trong đó dành để giúp đồng bào nghèo 105 nhà, còn lại là giúp cựu chiến binh”.
Ông lại đứng dậy, vừa đi vừa chậm rãi nói: “Nhưng không thấm tháp gì ông ạ, đồng bào còn khó khăn lắm, mà toàn là “cốt cán cách mạng” cả đấy. Mình nghĩ Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền địa phương phải có ngay một cuộc vận động lớn trong cả nước chung tay giúp đỡ những gia đình nghèo khó, mà trước hết giúp đỡ những gia đình có công với cách mạng mà hiện nay còn nghèo, đói. Sau đó tiến tới phải nghiên cứu có chế độ chính sách gì đó cấp tiền phụ cấp hằng tháng cho họ. Nhất thiết không thể để những người có công với cách mạng lại nghèo khổ như thế”. [25]
Tuy biết rất rõ như thế nhưng trong các tuần lễ vừa qua các người đứng đầu chế độ độc tài toàn trị từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng đã vẫn cho tổ chức đình đám các lễ kỉ niệm rất tốn phí ở nhiều nơi và chính họ cũng tham dự một số buổi lễ kỉ niệm những trận đánh lớn ở chiến trường miền Nam cách đây 35 năm. Vì đối với những người cầm đầu này phải giữ lập trường tiếp tục khơi dậy hận thù thì mới có lí do giữ quyền lực tiếp tục, còn sự nghèo đói của những “gia đình có công với Cách mạng” chẳng cần quan tâm!
Tâm địa đen tối như thế nhưng nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị vẫn phải đóng các màn kịch cỡm, vẫn mở miệng nói đoàn kết dân tộc, hòa giải dân tộc, khúc ruột xa ngàn dặm… [26] Nhưng trong cuộc sống thực tế thì chính sách kì thị, phân biệt và trả thù vẫn là chính mặc dầu cuộc chiến đã chấm dứt 35 năm. Trong các tuần lễ vừa qua đây đó có một vài tướng lãnh của chế độ miền
Ít ngày trước khi đi thăm TQ Nguyễn Tấn Dũng đã cho tổ chức rất đình đám lễ kỉ niệm chiến thắng của Quân khu 9 trước đây 35 năm tốn phí cả hàng tỉ đồng, với diễn binh trên bộ, thủy quân và cả không quân. Trong diễn văn chào mừng, người đang có quyền lực Nguyễn Tấn Dũng và đang tranh thủ vận động để giữ ghế cao trong Đại hội 11 đã không ngớt lời ca tụng quan khách danh dự Lê Đức Anh, người thần phục BK và tuy không còn giữ chức vụ gì nhưng quyền uy còn rất lớn. Tuy Phạm Văn Trà từng than cảnh nghèo đói của các “mẹ chiến sĩ” nhưng cũng vẫn ngồi chỗm chệ trong hàng ghế danh dự của buổi lễ này. [27] Cái “nghèn nghẹn” của Phạm Văn Trà trên tờ QĐND ít ngày trước vẫn chỉ là nước mắt cá sấu của những người thích đóng kịch dù biết rằng rất kịch cỡm!
Đáng để ý nữa là, ngày 27.4 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã được tổ chức rất lớn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình Hà nội. Trong diễn văn trước gần 1000 đại biểu thanh niên Nông Đức Mạnh đã bảo thanh niên “là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. [28] Nếu quả thực họ khuyến khích tinh thần bảo vệ Tổ quốc của thanh niên thì họ cần phải trả lời hai câu hỏi: 1. Tại sao lại không tổ chức Đại hội của thanh niên vào tháng 2 vừa qua trong dịp kỉ niệm cuộc chiến tranh chống xâm lược của phương Bắc mới đúng thời điểm. 2. Vì lí do gì chính họ lại cấm đoán các cuộc tập họp của giới trẻ phản đối chính sách xâm lấn của BK trước Sứ quán và Tòa Tổng lãnh sự TQ ?
* * *
Hai dịp kỉ niệm đầu năm nay, 31 năm chống chiến tranh xâm lược của TQ và 35 năm chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc, nhóm cầm đầu CSVN đã có hai thái độ và lập trường hoàn toàn khác nhau. Trong khi nhà cầm quyền CSTQ đang gia tăng chính sách bành trướng ở biển Đông, nuốt chọn Hoàng sa và đang tăng cường hải quân để phong tỏa Trường sa, đồng thời tiếp tục bắt giữ và đối xử rất tàn bạo với ngư dân VN và cưỡng chế HN phải nhượng tài nguyên trên Tây nguyên và hàng trăm ngàn ha rừng ở biên giới phía Bắc. Các hành động và thái độ này của nhà cầm quyền TQ hoàn toàn thù nghịch với VN và đang đe dọa thực sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Trước nguy cơ như thế nhưng nhóm cầm đầu CSVN đã phải chấp nhận “khép lại quá khứ”, không dám tổ chức kỉ niệm 31 năm chiến tranh chống xâm lược TQ. Không những thế còn cử các phái đoàn quân sự cao cấp sang “đàm phán” rất lúng túng, thậm thụt, và người đứng đầu chính phủ sang thăm thân thiện TQ nhiều ngày. Không những thế họ còn đang chuẩn bị tổ chức long trọng kỉ niệm 60 năm bang giao giữa hai nước và hai chế độ. Với thái độ ươn hèn và cầu vinh cho riêng bản thân, những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị CSVN đang tự phơi bày ý đồ chống lại quyền lợi chính đáng và tối thượng của đất nước và toàn dân tộc VN. Đối với họ, bảo vệ chế độ độc tài toàn trị và giữ ghế chia phần trong ĐH 11 sắp tới mới là ưu tiên chính.
Trong khi với thù ngoài thì cúi đầu thần phục phải “khép lại quá khứ”, nhưng đối với người dân VN thì những người có quyền lực lại vẫn khơi dậy hận thù xuyên qua việc tổ chức nhiều buổi lễ ở các địa phương và Hà nội, Sài gòn nhân dịp kỉ niệm 35 năm chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong lịch sử VN. Đây là những hành động khoét sâu thù hận, gây chia rẽ, đào sâu nghi ngờ giữa các thành phần dân tộc ở ngay trong nước cũng như với trên ba triệu người Việt ở nước ngoài. Những hành động này hoàn toàn đi ngược với tinh thần đoàn kết và hòa giải. Nó chứng tỏ rõ rằng, họ vẫn là những người trước sau nói một đằng làm một nẻo!
Đối với thù ngoài thì “khép lại quá khứ” còn đối với ngay người dân trong nước và kiều bào hải ngoại thì lại đào sâu hận thù và chia rẽ. Chính sách vọng ngoại cầu vinh và chống lại nội lực của dân tộc không chỉ sai lầm mà còn tạo ra những nguy hiểm cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Nó đang phá vỡ sức mạnh đoàn kết của nhân dân trước hiểm họa xâm lăng trước mắt từ phương Bắc. Một đường lối phản động nguy hiểm như vậy cần phải được toàn dân, kể cả những người CS tiến bộ, cương quyết chống đối. Đó là lời kêu gọi thiết tha của trái tim và mệnh lệnh của trí tuệ đối với tất cả người VN ở trong nước cũng như hải ngoại!
© Âu Dương Thệ
Ghi chú:
[1] . Âu Dương Thệ, Die politische Entwicklung in Gesamtvietnam 1975 bis 1982: Anspruch und Wirklichkeit, Tuduv Studie München 1987, tr. 148-154
[2] . Chính phủ điện tử (CP), 27.4
[3] . Phạm Gia Khiêm trong buổi „Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới“, Chính phủ điện tử (CP) 23.2.2009
[4] .
[5] . Quân đội nhân dân điện tử (QĐND) 2.3.09.
Âu Dương Thệ, khi Nguyễn Phú Trọng tuyên bố bảo vệ quyền lợi đất nước và toàn vẹn lãnh thổ,
trong: www.dcpt.org, phần Thời sự 2009
[6] . QĐND 2.3.09
[7] . QĐND 20.4.
[8] . QĐND 23.4
[9] . Đài phát thanh Quốc tế TQ 23.4
[10].
[11] . Hồi kí: Hồi ức và suy nghĩ của cựu Đại sứ Trần Quang Cơ
[12] . BBC 2.3
[13] . QĐND 22.4.
[14] . Đài phát thánh Quốc tế TQ 23.4
[15] . CP 28.2
[16] . VOV 22.4.
[17] . CP 22.4
[18] . CP 29.4, 30.4
[19] . Cuộc phỏng vấn của BBC với cựu TT Võ Văn Kiệt, Tạp chí Dân chủ & Phát triển số 34,10. 2007
tr. 86-90
[20] . sách đã dẫn
[21] . sđd
[22] . sđd
[23] . Phạm Đình Trọng, Văn học nghệ thuật Chủ nhật: Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm, sự thức tỉnh muộn màng, BVN 11.4
[24] . TS Nguyễn Đức Độ, Không thể hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng vĩ đại, QĐND 11.4,
[25] . QĐND 19.4, 35 năm Giải phóng miền Nam, Lòng dân
[26] . Nguyễn Văn Trần & Võ Nhơn Trí, vài suy nghĩ qua Hội nghị Việt kiều 26.11.2009 ở Hà nội và
Nghị quyết 36, trong www.dcpt.org
[27] . CP 23.4
[28] . CP 28.4
.
.
.
No comments:
Post a Comment