Tuesday, May 18, 2010

HẢI DƯƠNG: PHÁ CUNG ĐIỆN 2000 NĂM TUỔI ĐỂ ĐĂP ĐƯỜNG

Hải Dương: Phá “cung điện” 2.000 tuổi để đắp đường!

Haydanhthoigian’s blog

Tháng Năm 18, 2010

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/05/18/h%e1%ba%a3i-d%c6%b0%c6%a1ng-pha-%e2%80%9ccung-di%e1%bb%87n%e2%80%9d-2-000-tu%e1%bb%95i-d%e1%bb%83-d%e1%ba%afp-d%c6%b0%e1%bb%9dng/

.

Những ngôi mộ Hán gần 2.000 năm tuổi là di sản vô giá của nền khảo cổ nước nhà (Ảnh: Phạm Ngọc Dương).

http://haydanhthoigian.files.wordpress.com/2010/05/dsc02892.jpg?w=270&h=196

.

Thế là hết. Một công trình vĩ đại cổ xưa, tồn tại trải gần 2 ngàn năm, đã biết mất trong chớp mắt, bởi sự thiếu hiểu biết, bởi sự vô trách nhiệm của con người.

Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu cuộc trò chuyện với nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, một chuyên gia mộ Hán, về hình thức mai táng xa xưa này, và không nhớ hết đã bao đêm ấp ủ những mong được tận mắt cái gò đống có ngôi mộ lớn nhất đó. Nó lớn đến nỗi ông Hoành phải gọi là “cung điện dưới cõi âm”. Vì quá ám ảnh với những di sản đang bị phá nát, mà tôi quyết tâm tìm cho được ngôi mộ Hán cực lớn ở Kim Thành.

Tôi đã đứng ở trước cửa cái trụ sở UBND bỏ hoang cũ kỹ, rêu mốc của xã Liên Hòa và nhìn về phía Đông để tìm một “ngọn núi”, như lời ông Hoành mô tả. Thế nhưng, tuyệt nhiên chẳng thấy có đồi núi, rừng cây, hay tường thành nào cản tầm mắt. Trước mặt tôi, chỉ là một cánh đồng mênh mông, mà trên đó, hàng trăm người nông dân đang miệt mài cày cuốc, tưới rau, nhổ cỏ.

.

Ngôi mộ Hán như "cung điện dưới lòng đất" (Ảnh: Tăng Bá Hoành).

http://vtc.vn/media/vtcnews/2010/05/13/DSC029233.jpg

.

Hay ông Tăng Bá Hoành nhớ nhầm hướng? Tôi lại lang thang một vòng ra phía Tây, rồi phía Nam, phía Bắc của cái trụ sở UBND xã Liên Hòa, cả trụ sở cũ và trụ sở mới, song tịnh chỉ thấy đồng lúa bát ngát, xóm làng bình yên. Tôi gặng hỏi người già, trẻ nhỏ, về một “ngọn núi” trong địa bàn xã, song ai cũng cười, bảo: “Chú tìm núi làm gì, ở đồng bằng thì sao tìm được núi?”.

Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, cũng rõ ràng chẳng thấy “ngọn núi” nào. Tôi gọi điện trao đổi qua lại, song ông Hoành vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng nó ở phía Đông của UBND xã Liên Hòa. Thôi thì cứ lấy cái trụ sở cũ kỹ đó làm mốc, tôi thử cuốc bộ về hướng Đông. Đi bộ xuyên qua cánh đồng chừng 300m, thì gặp một bãi đất trống, rộng bằng cái sân bóng đá cỡ nhỏ. Một góc bãi đất trống là đống rác bốc mùi hôi thối, góc kia của bãi đất là một cái hồ lớn, bèo ken đặc, cỏ mọc um tùm, trùm kín.

.

Ngôi mộ Hán khổng lồ đã biến mất. Di chỉ khảo cổ cực kỳ quý hiếm chỉ còn là cái ao và bãi đất trống (Ảnh: Phạm Ngọc Dương).

http://vtc.vn/media/vtcnews/2010/05/13/DSC07926.jpg

.

Đang loay hoay chụp ảnh bãi đất, thì có một anh nông dân đi qua. Tôi liền chỉ vào bãi đất trống và cái hồ nước hỏi: “Chỗ này từng có gò đất lớn phải không anh?”. Anh nông dân giới thiệu họ tên là Lương Văn Nhã rồi gật đầu bảo: “Chỗ này có cái đống to lắm, cao lắm, vượt cả ngọn tre, nên gọi là Đống Cao. Mấy năm trước dân làng phá đống lấy đất và gạch để làm đường rồi”.

Nghe anh nông dân Lương Văn Nhã nói vậy, tôi như chết lặng. Thế là di sản vô cùng quý hiếm, thế là một “cung điện” khổng lồ, được xác định lớn nhất Việt Nam, mà các nhà khoa học ở Hải Dương thi thoảng vẫn lôi ra khoe, báo cáo với vẻ tự hào, đã biến mất, không để lại dấu tích gì.

.

Có thể tìm thấy rất nhiều gạch thời Hán ven đường (Ảnh: Phạm Ngọc Dương).

http://vtc.vn/media/vtcnews/2010/05/13/DSC07935.jpg

http://vtc.vn/media/vtcnews/2010/05/13/DSC07934.jpg

.

Nói rồi, anh Nhã dẫn tôi đến con đường cách đó không xa. Con đường đắp cao vượt khỏi mặt ruộng, rải bê tông sạch sẽ, mới toanh. Chỉ vào con đường thẳng tắp, nối từ thôn ra đường liên xã, cắt ngang cánh đồng, anh Nhã bảo: “Dân làng chúng tôi phá Đống Cao lấy đất và gạch, đắp đủ cho con đường dài mấy trăm mét này đấy!”.

Thấy người lạ là tôi hí hoáy chụp ảnh, ghi chép, dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Tôi hỏi: “Các chú các bác có biết, dưới cái Đống Cao mà các chú các bác phá mất là cái gì không?”. Người dân nơi đây, từ cụ già cho đến đứa trẻ đều không biết là cái gì. Người thì bảo đấy là cái… lò gạch để hoang, người thì bảo hầm tránh bom, hầm đánh giặc. Không một ai biết đó là một ngôi mộ Hán khổng lồ gần 2.000 tuổi.

Cụ Phí Văn Đông bảo: “Từ hồi bé xíu tôi đã thấy cái gò đống này rồi. Các cụ đời trước cũng không biết nó là cái gì. Hồi đánh Pháp, ông Nguyễn Đức Đạo và mấy cụ trong làng, đào hầm trên Đống Cao để trú ẩn, thấy nhiều gạch lắm, đúng là nó xếp vòm như cái hang, như cái cống bắc qua mương nước”. Nghe cụ Đông mô tả thế, thì đúng là mộ Hán rồi.

Anh Nhã kể thêm: “Khoảng cuối năm 2004, chúng tôi thấy rất nhiều người lạ kéo đến đào Đống Cao. Có cả dân quân bảo vệ đứng bao quanh không cho ai vào xem. Khi họ kéo đi, chúng tôi tìm vào, thấy đào bới tanh bành. Chúng tôi cũng không hiểu họ đào bới cái đống này làm gì, nhưng thấy lộ rõ mấy cái đường hầm ra ngoài”.

Khi tôi đang trò chuyện, tìm hiểu, thì một số bà, một số chị ghé vào nói thêm: “Nghe nói, họ đào được nhiều của lắm, đánh cả ôtô về chở đi cơ!”. Kiểu đồn đại đào được nhiều châu báu ở những ngôi mộ cổ thì đâu cũng có, nên không đáng tin.

Theo người dân nơi đây, vào đầu năm 2005, một thời gian sau khi Đống Cao bị đào bới, nhân dân quyết định làm con đường liên thôn. Không biết lấy đất ở đâu, mà Đống Cao thì lù lù ngay cạnh, nên họ kéo vào đào đất, móc gạch đắp đường. Mấy chiếc công nông được trưng tập, chở gạch và đất suốt ngày từ Đống Cao rải ra đường.

Anh Nhã kể thêm: “Không hiểu sao người ta chôn lắm gạch dưới cái đống ấy thế? Có lẽ phải đến cả trăm chuyến công nông chở mới hết gạch. Số gạch và đất đủ để đắp con đường dài mấy trăm mét cơ mà”. Tôi trông con đường bê tông mới toe, thẳng tắp, cao vượt khỏi mặt ruộng và trông cái bãi hoang rộng mênh mông từng có gò đống, cũng mường tượng ra ngôi mộ này lớn đến cỡ nào.

.

Người ta đã vô tình phá đi di sản quý giá để đắp con đường này (Ảnh: Phạm Ngọc Dương). http://vtc.vn/media/vtcnews/2010/05/13/DSC07948.jpg

.

Nếu thực sự đây là ngôi mộ Hán, là “cung điện dưới lòng đất”, thì chắc chắn phải có gạch múi bưởi và gạch lớn bản, có vân ở cạnh. Tôi lò dò bới đất ven đường, chỗ không rải bêtông. Đúng như dự đoán, tôi bới lên được rất nhiều mẩu gạch có hoa văn, là dạng gạch dùng để xây mộ từ thời Bắc thuộc, khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 4.

Bọn trẻ thấy tôi săm soi tìm gạch, cũng chạy đi đào bới, tìm kiếm giúp. Dọc bờ mương, bờ ao, ven con đường đều xuất hiện những viên gạch thời Bắc thuộc.

Thế là hết. Một công trình vĩ đại cổ xưa, tồn tại trải gần 2 ngàn năm, đã biết mất trong chớp mắt, bởi sự thiếu hiểu biết, bởi sự vô trách nhiệm của con người!

Đau lòng hơn, khi ngôi mộ đã bị phá hủy hoàn toàn, giữa thanh thiên bạch nhật, suốt nhiều ngày trời, từ mấy năm nay rồi, mà ở cách đó chỉ vài chục km, các nhà khoa học, các nhà chức trách, vẫn chưa hề hay biết, vẫn báo cáo về sự tồn tại của một công trình mộ cổ kỳ vĩ, lớn nhất từ trước đến nay.

Theo VTC News

Xem thêm: Bí mật về một “cung điện” dưới lòng đất ở Hải Dương

.

.

.

No comments: