Tuesday, May 18, 2010

ĐẠI HỌC VIỆT NAM : "CHÂN KHÔNG TỚI ĐẤT...

Đại học Việt Nam: “Chân không tới đất…

Trường Yên

18-5-2010

http://www.tuanvietnam.net/2010-05-17-dai-hoc-viet-nam-chan-khong-toi-dat-

Chỉ có các trường ĐH ở Việt Nam phát triển, còn các trường ĐH khác không phát triển hay thụt lùi? Cách tư duy duy ý chí đó không thể tồn tại trong một xã hội có thông tin đa chiều. Việc phát triển một trường ĐH yêu cầu rất khắt khe cả về sự đầu tư tài chính, nhân lực...

.

Lâu nay, nhiều ý kiến phát biểu về giáo dục của các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều nhắc lại câu nói của bậc tiền nhân: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Tuy nhiên, việc làm sao để có được những hiền tài, những nhân tài theo đúng nghĩa của nó thì vẫn còn là một vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục và cả xã hội.

.

3 đến 5 điểm cũng đỗ đại học

Sự xuống cấp nghiêm trọng nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua đã được bàn nhiều, thông qua những ý kiến thẳng thắn, những tham luận đầy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo dục nổi tiếng trong nước như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại...hay của những nhà khoa học Việt kiều tâm huyết ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi mới lên làm Bộ trưởng GD và ĐT, đã có những động thái, những phát biểu mạnh mẽ về công cuộc cải tổ ngành giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Đáng tiếc, đến bây giờ, khi ông đã rời nhiệm sở, theo sự phân công của cấp trên thì cái rõ nhất là ngoài việc có gần một trăm trường ĐH, cao đẳng mới được thành lập, hoặc nâng cấp (chủ yếu là ĐH dân lập, hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề nâng cấp), vẫn chưa thấy một sự thay đổi nào đáng kể về cơ chế quản lý và chất lượng đào tạo.

Chất lượng đào tạo ĐH xuống cấp, chất lượng giảng viên cũng như sinh viên (từ đầu vào) suy giảm, thể hiện ở việc tuyển dụng tràn lan giảng viên và tuyển sinh ồ ạt sinh viên, quá chỉ tiêu quy định. Có những giáo viên dạy nghề sau khi trường nghề nâng cấp trở thành trường ĐH, thì nghiễm nhiên thành giảng viên ĐH (!).

Có những thí sinh thi 3 môn được 5 điểm cũng nghiễm nhiên trở thành sinh viên ĐH[2]. Rồi các hệ đào tạo tại chức (bây giờ đổi thành tên mới là "hệ vừa học vừa làm"), chuyên tu, văn bằng 2...ngành không kiểm soát nổi chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Câu nói của người xưa: "Thầy nào trò đấy" có lẽ phản ánh đúng thực trạng của nền giáo dục ĐH nước nhà chăng.

Hệ quả của giáo dục ĐH như thế, tất yếu sẽ phát sinh ra những sản phẩm không mong muốn. Nhiều giảng viên ĐH ở trạng thái làm thầy không được mà làm thợ cũng không xong, làm sao có thể tạo ra những lợi ích cho xã hội?

.

Tham vọng nhưng ảo tưởng

Đã thế, ngành giáo dục lại đặt mục tiêu thành lập 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế bằng nguồn kinh phí vay từ nước ngoài [3]. Bên cạnh đó còn có một số trường ĐH liên kết với các nước khác chuẩn bị ra đời. Trước đây, do có ý tưởng thành lập các "ĐH tầm cỡ" nhằm mục tiêu phát triển các trường ĐH xứng tầm châu lục và quốc tế nên ĐH Quốc gia Hà Nội và Đại học QG TP Hồ Chí Minh đã ra đời.

Tiếp đến một số ĐH khác được thành lập như ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế...Mỗi một ĐH này bao gồm một số trường ĐH, cao đẳng hợp thành với mục tiêu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực...Hơn chục năm trôi qua, qui mô, chất lượng và sản phẩm của các ĐH này như thế nào xã hội cũng không biết.

Và không biết việc xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Bộ GD và ĐT có giống việc xây dựng các ĐH "tầm cỡ" như đã nói ở trên không? Tại sao ngành không đầu tư cho những trường ĐH hàng đầu hiện có trong nước? Chỉ biết rằng tiền vay nước ngoài rồi sẽ phải trả, và người dân lao động là những người phải nộp thuế để trả những khoản nợ này.

Cơ chế xin- cho trong quản lý đào tạo, trong nghiên cứu khoa học... của giáo dục ĐH Việt Nam quá lỗi thời nhưng không sao thay đổi được, vì thực chất, việc thay đổi sẽ đụng chạm đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó bệnh thành tích của những người quản lý giáo dục ĐH, của các trường ĐH, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục một cách phi học thuật...đẩy nền giáo dục ĐH của Việt Nam đến chỗ sa sút, hầu như không lối thoát.

Những nhược điểm đó đã được nêu trong báo cáo Harvard bao gồm hệ thống quản lý tập trung, chịu sự chỉ đạo từ trên xuống trong cả vấn đề tuyển sinh và trả lương cho giảng viên các trường ĐH. "Tham nhũng lan tràn và việc mua bán bằng cấp, học hàm, học vị là rất phổ biến. Các hệ thống nhân sự ĐH đều mù mờ và việc bổ nhiệm thường dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật như thâm niên, lý lịch gia đình và chính trị, và các mối quan hệ cá nhân" (Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson)[4].

Trong mục tiêu chiến lược của mình, Bộ GD và ĐT tham vọng đến năm 2020, Việt Nam có 02 trường ĐH đứng trong top 200 ĐH hàng đầu thế giới[5]. Không biết lãnh đạo ngành giáo dục ảo tưởng hay cả xã hội bị ảo tưởng? Vì theo kết quả xếp hạng các trường ĐH tốt nhất trên thế giới năm 2009 (ARWU) của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải công bố, không thấy có tên Trường ĐH của Việt Nam nào trong top 500 (!)

Điều đáng chú ý là trong top 200, chỉ có 22 trường ĐH ở châu Á[6]. Các trường này đều tập trung chủ yếu ở các nước như Nhật Bản, Australia, Israel. Thậm chí các nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan chỉ đóng góp được một trường ĐH trong top 200 các trường ĐH hàng đầu thế giới.

Lẽ nào lãnh đạo Bộ GD và ĐT cho rằng từ giờ đến năm 2020, các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam còn đang hình thành trên giấy tờ có thể đuổi kịp các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới với hàng chục, thậm chí hàng trăm năm lịch sử và kinh nghiệm?

Lẽ nào họ cho rằng chỉ có các trường ĐH ở Việt Nam phát triển, còn các trường ĐH khác không phát triển hay thụt lùi? Cách tư duy duy ý chí đó không thể tồn tại trong một xã hội có thông tin đa chiều. Việc phát triển một trường ĐH yêu cầu rất khắt khe cả về sự đầu tư tài chính, nhân lực...

Ai trả lời được câu hỏi này?

Philip G.Altbach, Giám đốc Trung tâm Giáo dục bậc cao quốc tế của Trường cao đẳng Boston nhận định rằng, phải mất một thời gian khá dài thì các trường ĐH ở châu Á mới có thể thực sự vươn dậy. Ông Philip cho rằng: "Không chỉ là cơ sở hạ tầng. Đó còn là văn hóa học thuật, là cách tổ chức nền giáo dục bậc cao"[7].

Ông Philip G. Altbach không nói rõ thời gian khá dài là bao nhiêu, nhưng thiết nghĩ những trường ĐH nổi tiếng của châu Á như ĐH Tokyo hay ĐH Quốc gia Australia chỉ được xếp hạng rất khiêm tốn trong top 200, thì không biết các trường ĐH ở Việt Nam đến bao giờ đứng được trong top 200 của châu Á, chứ đừng nói đến top 200 của thế giới.

Thật vậy, theo kết quả xếp hạng các ĐH châu Á 2010 do Tổ chức quốc tế Khảo sát chất lượng (Quacquarelli Symonds) thực hiện [8], trong số 200 ĐH hàng đầu của châu Á không có tên các trường ĐH của Việt Nam[9]. Trong 200 trường ĐH được xếp hạng này, có 26 trường thuộc khu vực Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm các nước như Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, nhưng tuyệt nhiên không có một cái tên trường ĐH nào thuộc Việt Nam.

Không hiểu khi đọc bảng danh sách này, những người lãnh đạo của ngành giáo dục sẽ nghĩ thế nào, và không biết cái mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 2 trường ĐH của Việt Nam xếp trong top 200 thế giới có được cải chính không? Cũng không biết các trường ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ các trường ĐH thế giới và châu Á? Có ai trả lời được câu hỏi này không?

--------------------------------------

[1]: http://vietnamnet.vn/giaoduc/chuyengiangduong/201001/Don-san-duong-doi-888407/

[2]: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2009/01/3BA0A84C/

[3]: http://phapluattp.vn/269819p0c1019/se-xay-dung-4-truong-dai-hoc-dang-cap-quoc-te.htm

[4]. http://tuanvietnam.net/harvard-ban-ve-khung-hoang-giao-duc-dai-hoc-vn

[5]: http://www.vtc.vn/xahoi/giaoduc/2020-viet-nam-co-2-truong-dh-vao-top-200-the-gioi/201647/index.htm

[6]: http://www.arwu.org/ARWU2009.jsp

[7]: http://dantri.com.vn/c25/s25-361445/nhung-truong-dh-tot-nhat-the-gioi-nam-2009.htm

[8]: www.topuniversities.com

[9]: http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-university-rankings/overall

.

.

.

No comments: