Tuesday, May 11, 2010

DÙNG MÁY DIGITAL PHOTOCOPY CÓ THỂ BỊ ĐÁNH CẮP LÝ LỊCH

Sử dụng máy digital photocopy, nguy cơ bị đánh cắp lý lịch

Hà Giang/Người Việt

Friday, May 07, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112682&z=157

TORRANCE (NV) - Nếu một lúc nào đó, nguồn tiền hỗ trợ làm ăn bỗng cạn kiệt, thì quý vị sẽ cảm thấy thế nào?

Ðó là điều đã xảy ra với một gia đình Việt Nam ở Torrance, một điều mà nạn nhân gọi là “tai họa từ trên trời rơi xuống.”

Mà khi không biết lý do tại sao, thì càng hoang mang hơn nữa. Cho tới khi họ xem một đoạn phóng sự điều tra trên truyền hình, mới biết mối họa đã đến từ... máy photocopy.


Bị đánh cắp lý lịch, credit bị phá tan tành

Vào tháng 8 năm ngoái, vợ chồng nạn nhân - tạm gọi là bà Tô Thị Ngân, vì bà xin đổi tên để không bị kẻ cắp lý lịch nhắm vào nữa - tự nhiên nhận được thông báo từ Bank of America, nơi họ có một home equity line of credit (tín dụng dựa trên tiền vốn trong nhà) là credit line của họ bị “frozen,” vì họ đã “sử dụng thẻ tín dụng một cách quá bừa bãi, nguy hiểm.”

Không rút được tiền từ home equity line với hai vợ chồng bà là một nguy khốn, vì họ có một cơ sở thương mại, rất nhiều lúc cần tiền để ứng ra trang trải chi phí.

Bà cho biết khi liên lạc với Bank of America thì được họ gửi cho một bản tường trình tín dụng dài lê thê “với những thẻ nợ mà chúng tôi chưa bao giờ biết,” cái nào cũng nợ từ 5 ngàn đồng trở lên.

“Những thẻ này (khoảng 15 cái) đều được mở ra trong vòng 6 tháng, tổng số nợ lên tới gần 100 ngàn, và hơn một nửa đã bị trễ hạn hơn 60 ngày.” Bà Ngân kể lại.

Sau một cuộc điều tra, ông bà Ngân khám phá ra là lý lịch của cả hai vợ chồng bà đã bị đánh cắp, và kẻ gian đã dùng tên tuổi, số an sinh xã hội của họ để xin gấp những thẻ tín dụng ở một địa chỉ khác, rồi rút tiền ra và không bao giờ trả.

“Chúng tôi có tín dụng rất tốt, lại không nợ nhiều, và vì thế là một con mồi ngon của bọn đánh cắp lý lịch.”

Trải qua những thủ tục pháp lý, cơn ác mộng kinh hoàng của họ rồi cũng qua đi, nhưng vợ chồng bà Ngân vẫn không hiểu là kẻ gian đã đánh cắp lý lịch họ bằng cách nào.

“Chúng tôi rất cẩn thận. Hầu như không bao giờ trả thẻ tín dụng qua mạng lưới Internet, và cũng không dùng online banking.”

“Vì thế ông xã tôi cứ thắc mắc mãi là không biết mình đã bất cẩn như thế nào, và điều đó làm ông điên lên.” Bà tâm sự.

Sự việc khiến cho ông bà Ngân sống trong nỗi hoang mang, cho đến khi người con trai của họ xem tivi thấy một bài phóng sự điều tra trên đài CBS thì gia đình họ mới vỡ lẽ ra.

.

Máy photocopy làm mồi cho kẻ gian

Phóng sự điều tra do ký giả Armen Keteyian của đài CBS thực hiện, được chiếu cách đây hai tuần, báo động rằng thông tin cá nhân của người dùng máy photocopy có thể bị những kẻ chuyên ăn cắp lý lịch đánh cắp dễ dàng.

Ðó chính là phóng sự mà người con bà Ngân xem thấy.

“Con nghĩ con biết tại sao lý lịch của bố mẹ bị mất cắp rồi. Bố mẹ có bao giờ mang hồ sơ đi ra một tiệm copy nào không?”

“Câu hỏi của nó làm chúng tôi ngớ ra!” Bà Ngân kể lại.

“Việc dùng dịch vụ copy là một việc bình thường. Nhưng tại sao con lại hỏi thế?”

Bà Ngân bảo con trai ông bà tuyên bố, “Con nghĩ câu trả lời làm sao mà người ta đánh cắp được lý lịch của bố mẹ nằm trong bài phóng sự của ông ký giả Keteyian.”

Trong một phóng sự kéo dài 5 phút, ký giả Armen Keteyian đưa khán giả đến một nhà kho chứa gần 6,000 máy photocopy cũ, đang chờ người đến mua tại New Jersey. Ở đây, người ta có thể mua những chiếc máy cũ với giá rẻ mạt, khoảng ba bốn trăm đồng một cái.

“Mỗi chiếc máy này đều nắm giữ những bí mật.” Ông Keteyian giải thích.

Ký giả Keteyian cho biết gần như mọi máy photocopy kỹ thuật số (digital photocopier) được sản xuất từ năm 2002 trở đi, đều có một ổ đĩa cứng - tương tự như ổ cứng trong máy tính cá nhân. Ổ cứng này lưu trữ hình ảnh của tất cả các tài liệu được sao chép, scan, hoặc gửi qua email của máy.

Trong quy trình sử dụng, ổ cứng của máy chứa ngày càng nhiều những dữ liệu cá nhân rất nhạy cảm, và biến thành một trái bom nổ chậm.

“Những ổ cứng này là kho tàng của những kẻ chuyên nghề đánh cắp lý lịch.” Ký giả Keteyian nói.

Tại sao? Lý do là vì bất cứ ai lấy được chiếc ổ cứng này đều có thể thu nạp được hình ảnh của các thông tin cá nhân quan trọng của người dùng, như thẻ an sinh xã hội, giấy khai sanh, bank statements, thẻ tín dụng, giấy khai thuế, giấy nợ nhà, cuống checks, v.v...

Thoạt nghe tin này người ta cho rằng xác suất mà thông tin cá nhân bị đánh cắp từ một máy photocopy đang được sử dụng có lẽ không cao cho lắm.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những chiếc máy cũ sau khi được dùng một thời gian, bị thải đi hàng loạt, như ở nhà kho tại New Jersey nói trên.

Ký giả Keteyian kể rằng, sáng lập viên kiêm giám đốc của công ty Digital Copier Security Inc., là ông John Juntunen là người đã giúp ông thực hiện phóng sự này.

Ông John Juntunen cho biết sau khi Digital Copier Security Inc chế ra một phần mềm được gọi là “INFOSWEEP”, có khả năng tìm ra tất cả các dữ liệu trên ổ cứng, họ đã tìm cách cảnh báo mọi người về nguy cơ lý lịch bị đánh cắp tiềm tàng trong các ổ cứng của các máy digital photocopier được thải ra, nhưng chẳng may cảnh báo của họ không được ai chú ý.

“Không ai muốn công nhận là chúng ta đã thấy được vấn đề, và cần phải giải quyết nó.” Ông Juntunen nói.

.

Ba trăm đô mua một kho chuyện riêng tư

Với sự hợp tác của ký giả Keteyian, hai người đã đi đến một nhà kho ở New Jersey, một trong 25 nhà kho chứa máy photocopy cũ trên toàn quốc, để xem việc mua lại một chiếc máy cũ chứa hằng hà dữ liệu cá nhân, xem có khó không.

Và họ khám phá ra là việc này khá dễ dàng. Những chiếc máy này bán với giá chỉ khoảng ba trăm đô một cái.

“Khi mở một chiếc máy và lôi ra chiếc ổ cứng, thì chúng tôi cũng không biết mình sẽ tìm thấy những dự liệu gì.” Ông Juntunen chia sẻ.

Một trong những máy Photocopy được Juntunen mở ra chứa nguyên văn bản vẫn còn trên kính máy photocopy, từ Phòng Cảnh Sát Tội Phạm Tình Dục thành phố Buffalo, New York.

Ông Juntunen chỉ mất khoảng 30 phút là đã kéo được ổ cứng ra khỏi máy. Sau đó sử dụng một chương trình phần mềm miễn phí trên Internet, ông đã tải ra được hàng ngàn tài liệu cá nhân trong vòng ít hơn 12 tiếng đồng hồ.

Từ một ổ cứng, họ tìm được bao nhiêu là tài liệu “hết sức ngoạn mục” như: Hồ sơ của một đơn vị điều tra tội phạm tình dục của cảnh sát, với danh sách của những tôi phạm.

Trên một ổ cứng khác, họ tìm thấy một tài liệu của đơn vị điều tra ma túy của Sở Cảnh Sát Buffalo, và danh sách của các người bị tình nghi trong một cuộc càn quét ma túy lớn.

Từ một chiếc máy thứ ba, họ tìm được kế hoạch thiết kế cho một tòa nhà gần Ground Zero ở Manhattan từ một công ty xây dựng có trụ sở tại New York, cũng như một danh sách dài 95 trang của cuống check lương, với tên, địa chỉ và số an sinh xã hội của nhân viên hãng này.

Nhưng phải đến khi họ đánh “in” trên máy thứ tư thì cặp thám tử Keteyian-Juntunen mới thấy “kinh hoàng,” vì họ đã in ra được từ công ty bảo hiểm Affinity Health Plan, tại New York, những tài liệu đáng lo ngại nhất: Ba trăm trang hồ sơ y tế cá nhân, bao gồm mọi thứ từ thuốc ma túy, kết quả xét nghiệm máu, để chẩn đoán ung thư. Một vi phạm pháp luật liên bang nghiêm trọng.

“Người ta có thể dùng những dữ liệu rất riêng tư này để phá hoại cuộc sống của những người đó.” Ông Ira Winkler, một nhà phân tích thuộc cơ quan An Ninh Quốc Gia và một chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật bảo mật tuyên bố.

“Khi thải những chiếc máy photocopy này đi, chủ nhân phải có một tinh thần trách nhiệm tối thiểu, và xóa hết dữ liệu chứa trong ổ cứng đi,” ông nói.

.

Phòng ngừa

Ký giả Keteyian cho biết cục Cảnh Sát và công ty xây dựng New York từ chối bình luận về những khám phá của họ. Còn hãng Affinity Health Plan thì đã ban hành một thông cáo nói rằng, “chúng tôi đang xúc tiến những bước cần thiết để đảm bảo rằng không có thông tin cá nhân của khách hàng còn chứa trên máy photocopy được cho thuê trước đây, và trong tương lai sẽ không có chuyện thông tin cá nhân bị vô tình để lộ ra nữa.”

Cũng theo ký giả Keteyian thì trong năm 2008, công ty Sharp đã đưa một cuộc thăm dò về an ninh máy photocopy và kết luận là 60% người dân Mỹ “không biết” rằng máy Photocopy lưu lại hình ảnh trên ổ cứng. Sharp đã cố gắng để cảnh báo người sử dụng phải cẩn thận khi dùng máy photocopy ở nơi công cộng để sao chép các tài liệu.

Phóng sự của ký giả Keteyian cho biết là những nhà sản xuất máy photocopy lớn đều nói là họ cung cấp dịch vụ bảo mật hoặc mã hóa các sản phẩm của mình. Một sản phẩm của hãng Sharp tự động xóa hình ảnh lưu lại trong ổ cứng, chi phí phải trả thêm cho sản phẩm là $500.

Nhưng những chứng cứ chồng chất trong nhà kho ở New Jersey cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng trả tiền thêm cho sản phẩm phụ. Còn đa số người sử dụng thì hoàn toàn không hay biết về sự nguy hiểm bị đánh cắp lý lịch của máy photocopy.

Cho đến khi chính họ là nạn nhân như gia đình ông bà Tô Thị Ngân.

.

.

.

No comments: