Tuesday, May 11, 2010

MẸ TÔI (bút ký)

Mẹ tôi

Tặng mẹ và những người Mẹ Việt-nam trong cơn biến động lịch sử

Hồ Quốc Đăng

Thứ Hai, 10 tháng 5 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/hoang/me-toi-05-10-10-93320169.html

Chiều Chủ nhật. Không gian thật im vắng. Chỉ có tiếng mưa rơi tạo thành giòng âm thanh đều đặn. Đều đặn bình thường như cuộc sống của một sinh viên năm thứ ba một trường đại học cách biệt nhất của miền đông bắc nước Mỹ. Mưa cả ngày nên tôi chẳng buồn đi đâu, chỉ ở trong phòng đọc sách, nghe nhạc. Những bản nhạc Việt Nam buồn buồn hòa nhịp với tiếng mưa đơn điệu làm tôi nhớ nhà kinh khủng. Không gian ảm đạm của buổi chiều mưa và căn phòng quạnh vắng bừa bộn sách vở làm thời gian như ngưng đọng. Trong nỗi nhớ nhà, tôi chợt nhận ra thời gian trôi qua như một chớp mắt, kể từ một đêm tối trời rời bỏ quê hương gia đình. Năm năm, thời gian một phần tư tuổi đời của tôi, nhìn lại, trôi qua thật nhanh. Tôi chống tay lên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Vạn vật mờ ảo trong làn mưa rơi nghiêng nghiêng theo chiều gió. Tôi nhớ Nha Trang chiều mưa năm nào. Tôi đứng đó, lặng im nhìn những giọt mưa rớt trên kiếng cửa sổ, lăn dài thành những dòng ngoằn ngoèo. Trong thoáng giây, trong tôi bỗng choáng ngợp cảm giác kỳ lạ. Tôi có cảm tưởng đã đứng ở khung cửa sổ đó, cùng một khoảng không gian và thời gian, ở một nơi thân quen năm nào. Một thứ cảm giác déja-vu.

.

Tôi chừng như nghe tiếng Mẹ tôi đang chuẩn bị buổi cơm chiều dưới bếp, mùi nước mắm ớt tỏi đổ lên cá chiên thơm thơm. Tiếng em gái tôi đang đọc cuốn Gió Đầu Mùa của Thạch Lam, hỏi mẹ tôi: “Mẹ ơi, gió bấc là gì vậy Mẹ? Nó lạnh lắm hả Mẹ?” Tiếng em tôi liến thoắng và tiếng Mẹ tôi trả lời dịu dàng. Mgoài kia mưa cũng đang rơi. Lúc ấy tôi còn rất bé

.

Cảm giác déja-vu thoáng qua, để lại trong tôi nỗi nhớ Mẹ bàng hoàng. Tôi chợt có ý nghĩ sẽ ghi lại những cảm xúc về Mẹ tôi. Dù tôi biết những cảm xúc ấy, nếu được đặt trên trang giấy, sẽ chỉ là những đoạn chắp nối …

.

Mẹ tôi là người tôi yêu thương và kính phục nhất. Ở người, tôi thấy được những đức hạnh của người đàn bà Việt Nam: thương yêu chồng con, đảm đang, chung thủy, quyền biến, chịu khó … và còn nhiều nữa, những điều chỉ có cảm giác mới có thể nhận thức được.

.

Để có thể viết những dòng cảm xúc về Mẹ, có lẽ tôi phải quay ngược về một quá khứ xa xôi, tận những năm sáu mươi. Lúc đó Ba tôi đang học đại học ở Sài Gòn. Nha Trang với Ba tôi có lẽ chỉ là một địa danh, nơi có bãi biển thật đẹp, có các nữ sinh thùy mị. Nha Trang là một thành phố hiền hòa, với cuộc sống êm đềm. Duyên phận đã khiến Ba tôi quen cậu tôi, bạn chung trường đại học, và Ba tôi đã chọn Nha Trang làm nơi tập sự ra trường. Mẹ tôi lúc đó là nữ sinh trường Nữ Trung Học Nha Trang, cuộc sống chỉ khép kín với sách vở và những hồn nhiên tuổi học trò. Theo lời những người lớn kể lại, Mẹ tôi lúc ấy rất đẹp. Với tôi, Mẹ bao giờ cũng đẹp.

.

Ở thành phố biển hiền hòa ấy, Ba Mẹ tôi quen và thương nhau. Tình cảm của hai người được thử thách rất nhiều, vì sau mấy tháng tập sự, Ba tôi phải trở lại Sài Gòn để tiếp tục những năm tháng cuối cùng đại học. Tình yêu lớn dần theo những lá thư dày đặc thương nhớ và những lần về thăm vội vã của Ba tôi. Mẹ tôi thường kể cho anh em tôi nghe về khoảng thời gian này. Những mẫu chuyện lúc ba quen mẹ thật dễ thương, làm anh em tôi cười nôn ruột. Ký ức là một điều kỳ lạ, có những kỷ niệm đẹp đẽ riêng tư mà thời gian không thể làm phai mờ trong tâm trí, để vẫn giữ nụ cười. Anh em tôi thường thúc giục Mẹ kể tiếp những chuyện ngày xưa: “Mẹ, rồi sao nữa Mẹ? Mẹ kể cho con nghe nữa đi Mẹ.” Và thế, sau bốn năm quen nhau, một ngày đẹp trời, Bà Nội và Bà Ngoại tôi đã gặp nhau bàn chuyện hôn nhân cho “đôi trẻ” Ba tôi và Mẹ tôi.

.

Mẹ tôi kể, lúc ấy bà Ngoại rất lo vì Mẹ tôi không biết nấu nướng, thêu thùa may vá gì cả. Vì ở nhà, lúc còn con gái, Mẹ tôi không bao giờ phải làm những việc này. Còn ở trường, giờ nữ công gia chánh, có lẽ Mẹ tôi và các người bạn lén cô giám thị đem me, ổi, muối ớt vào lớp ngồi ăn, cười nói với nhau, chứ học chẳng được bao nhiêu. Lúc đó, Mẹ tôi muốn nấu một nồi cơm ngon chắc cũng không được. Bà Ngoại tôi phải mở một lớp huấn luyện cấp tốc trước khi Mẹ tôi lấy chồng. Cũng may lúc đó Ba tôi đi làm xa, không sống gần nhà, nên Mẹ tôi không phải làm dâu một ngày nào, chứ không thì có lẽ Ngoại tôi còn lo hơn nữa. Ba tôi kể một chuyện rất buồn cười. Ba tôi tính thích ăn những món ăn khác nhau. Lúc mới cưới, có lần Ba tôi chợt thích ăn cá rô, mà Mẹ thì không biết hình dạng cá rô ra sao cả; đi chợ hỏi người ta thì Mẹ mắc cở nên ngại không hỏi. Ba tôi phải vẽ hình con cá rô ra giấy để Mẹ tôi theo đó mà mua. Bây giờ, Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Tôi hình như còn thấy được niềm hạnh phúc trong mắt Mẹ mỗi khi anh em chúng tôi ăn ngon miệng.

Trước khi sinh tôi, con trai đầu lòng, Mẹ tôi đi làm một thời gian ngắn. Nhưng từ khi có tôi và các em, Mẹ tôi bỏ làm, chỉ ở nhà để chăm sóc, dạy dỗ con cái. Nỗi vui buồn của Mẹ tôi gắn liền với chồng con. Ba Mẹ tôi thường kể một cách hạnh phúc chuyện tôi lúc còn bé. Lúc ấy tôi chỉ mới biết bập bẹ “Ba,… Ba”. Ba tôi mỗi khi đi làm về thường bóp còi xe gọi mở cổng; sau đó Ba tôi sẽ đến bồng ôm hôn tôi. Điều Ba Mẹ tôi thường nhắc đến cũng là những dòng chử Ba Mẹ tôi viết mặt sau tấm hình tôi hồi nhỏ: “Ba Mẹ gửi con coi lại những nét ngày xưa. Mới còn bồng trên tay mà con đã biết phân biệt và nhận ra tiếng còi xe của Ba từ xa”. Ba Mẹ tôi nói chỉ có tiếng còi xe hơi của Ba mới làm tôi cuống quýt gọi Ba tôi thôi. “Chỉ những đứa con thông minh và thương Ba lắm mới làm được như vậy”, sau này mẹ tôi vẫn thường kể vậy. Trong tấm hình trắng đen, đã ngã màu vàng do thời gian, Ba tôi đang bồng nhìn tôi âu yếm, còn tôi đang sờ cằm ba tôi.

.

Niềm hạnh phúc của Ba Mẹ tôi tăng dần theo sự khôn lớn của anh em tôi. Nhưng rồi cơn bão tháng Tư năm 75 ập đến. Ba tôi bị bắt đi “học tập cải tạo”. Cuộc đổi đời làm gia đình tôi mất tất cả. Lúc đó tôi chỉ mới 8 tuổi, đứa em gái nhỏ nhất của tôi chỉ mới 10 tháng. Xa Ba tôi, Mẹ như mất tất cả sinh lực cho cuộc sống. Những buổi chiều, Mẹ tôi lang thang trên những đường phố thân quen cũ, nhưng với sự đổi đời và thiếu vắng ba tôi, đã trở nên xa lạ. Mẹ tôi thờ thẩn như người mất hồn. Nhưng anh em tôi còn đó, cần sự chăm sóc của Mẹ. Tôi nhớ lần tiễn biệt trước khi vào trại cải tạo, Ba tôi dặn Mẹ: “Hãy thay anh nuôi dạy các con, dạy cho chúng biết cái nào đúng, cái nào sai”. Lúc đó, tôi ngước nhìn Mẹ, thấy Mẹ chỉ nhìn Ba im lặng gật đầu. Hình ảnh buồn thảm của Ba Mẹ tôi và lời dặn dò đơn giản lúc ly biệt đã ám ảnh tâm trí tuổi nhỏ tôi. Sau này, tôi hỏi Mẹ về lời dặn của Ba tôi, Mẹ tôi ngẩm nghĩ rồi trả lời: “Mẹ nghĩ Ba dặn Mẹ đừng để các con bị tiêm nhiễm bởi ý thức hệ cộng sản”. Tôi nhớ Mẹ tôi đã suy nghĩ, như cân nhắc một bài toán có nhiều đáp số, và trả lời tôi nghiêm trang như với một đứa con trai đã lớn. Lần tiễn biệt ấy, Mẹ tôi khóc rất nhiều.

.

Cuộc đổi đời năm 1975 đã làm rõ sự quán xuyến, đảm đang, chung thủy, và thương yêu chồng con của Mẹ tôi. Từ một người chưa bao giờ phải bon chen với những hệ lụy cuộc đời, Mẹ tôi đã bước vào cuộc sống khắc nghiệt đơn độc nhưng thật vững vàng. Buôn bán kiếm tiền nuôi con còn thơ ấu, nuôi chồng lao tù cộng sản, nấu nướng giặt giũ là những chuyện Mẹ tôi chưa bao giờ phải làm. Dạy dỗ con cái, Mẹ tôi không chỉ là Mẹ mà còn là người Cha nữa. Những điều này, giờ đây nói ra nghe thật bình thường trong đời sống, nhưng thực sự muôn vàn khó khăn cho Mẹ vào lúc đó. Xa Ba tôi là điều đau đớn nhất cho Mẹ tôi. Là một công chức hành chánh tận tụy với công việc và người dân, nhưng rất liêm khiết, Ba tôi đi học tập chẳng để lại cho mẹ tôi chút tiền bạc nào. Mẹ tôi phải vay mượn và buộc lòng bán đi chiếc nhẫn cưới để làm chút vốn buôn bán kiếm sống qua ngày. Bên cạnh đó, cuộc sống đổi đời với “giai cấp” mới cũng làm khó những gia đình ngụy quyền cùng cực. Những bắt bớ của đám công an thị trường không cho người dân buôn bán, nỗi lo sợ bị đẩy đi vùng kinh tế mới canh cánh trong lòng Mẹ tôi hàng ngày. Tuy vậy, Mẹ đã chăm sóc anh em tôi thật kỹ lưỡng. Tôi nhớ những năm tháng không có Ba, mỗi tối cơm nước xong, sau một ngày buôn bán mệt nhọc, Mẹ tôi đã dạy anh em tôi học: những bài toán, câu văn, tiếng Anh, những gì “đúng” và “sai” trong những bài học nhiều tính ngụy biện từ trường học xã hội chủ nghĩa. Tôi nhớ Mẹ còn bày anh em tôi gấp giấy thành hình những chiếc máy bay, những con thú từ sách dạy xếp hình. Đôi khi Mẹ tôi đóng kịch diễn tả cảnh chim non lạc mẹ làm tụi em gái tôi khóc ròng.

.

Tôi nhớ, một hôm lúc đang bán hàng ở chợ, Mẹ tôi thấy một người đàn ông cầm trên tay quyển “Tâm Hồn Cao Thượng”, cuốn sách của một văn hào người Ý được Hà Mai Anh dịch ra tiếng Việt. Sách vở, âm nhạc của miền Nam vào thời điểm này bị chính quyền cộng sản xem là văn hóa phẩm “đồi trụy”, bị tịch thu và cấm đoán nghiêm ngặt. Những quyển sách quí như vậy trở nên rất hiếm. Mẹ tôi khẩn khoản năn nỉ người đàn ông cho Mẹ tôi mua lại cuốn sách với bất cứ giá nào. Tôi nhớ lời Mẹ tôi nói với bác ấy: “Tôi chỉ có một đứa con trai, và tôi muốn con trai tôi đọc cuốn sách này. Lâu nay tôi tìm mua cuốn sách, nhưng không biết tìm ở đâu”. Và người đàn ông tốt bụng, sau một lúc ngần ngừ suy nghĩ, đã tặng Mẹ tôi quyển “Tâm Hồn Cao Thượng”. Mẹ tôi mừng quá, đã để quyển sách vào tay tôi, bảo tôi cảm ơn bác ấy. Mẹ tôi nói: “Đây là một trong những cuốn sách mà Mẹ muốn con đọc, và hãy xem nó như sách gối đầu của con”. Đó là quyển sách giá trị nhất tôi được đọc. Vừa qua, một buổi chiều mưa phùn, trên đường từ lớp học về lại phòng nội trú, tôi bất chợt tạt vào thư viện Echols của Cornell tìm đọc lại quyển “Tâm Hồn Cao Thượng”. Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu trở về, làm tôi nhớ Mẹ tha thiết.

.

Đôi khi tôi vẫn nhớ về khoảng thời gian sau năm 1975, về những đống sách vở miền Nam “đồi trụy” bị vất bừa ra đường, tịch thu, hay đem cân bán ve chai cùng với chai lọ, đồ nhựa... Trong sự nghèo khổ, cái gì cũng có thể mua bán được. Tôi không hiểu điều gì đã cho Mẹ tôi can đảm để giữ lại tất cả sách vở của Ba tôi, không giao nạp hoặc vứt đi, dù gia đình tôi thường xuyên bị công an khu vực và tổ nhân dân hậm hoẹ khám nhà. Ngay trong những ngày túng quẫn nhất sau 1975, Mẹ tôi cũng chưa bao giờ cân bán ve chai một cuốn sách nào. Có lẽ đó là tình yêu mà Mẹ tôi dành cho Ba tôi chăng? Tôi thấy tất cả những gì thuộc về Ba tôi, Mẹ đều nâng niu giữ gìn.

.

Những chuyến đi thăm nuôi Ba tôi trong lao tù cộng sản, Mẹ tôi mới cực khổ làm sao. Những giỏ đồ ăn to tướng được Mẹ tôi mang từ Nha Trang vào Sài Gòn, từ đó Mẹ tôi tay sách nách mang, lặn lội vào rừng thăm Ba tôi. Những địa danh xa lạ, hiểm hóc trong trí óc nơn nớt của tôi lúc đó, Long Thành, Xuyên Mộc; những đoạn đường rừng đất đỏ đầy trắc trở, bụi mù trưa hè nóng bức, ướt át lầy lội mùa đông, đã trở thành quen thuộc với Mẹ tôi. Tôi nhớ những lần thăm Ba, tôi chỉ ôm Ba bật khóc, chẳng biết nói gì. Dù cực khổ như vậy, nhưng Mẹ tôi cứ hai tháng một lần lặn lội đường xa diệu vợi thăm nuôi Ba tôi, đằng đẵng bao nhiêu năm trời.

.

Những cảm xúc về Mẹ tôi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ ghi lại hết được. Tôi nhớ lần Mẹ tôi đưa tôi đi vượt biên, chiếc xe đò từ từ lăn bánh. Trong ánh chiều chập choạng tối, Mẹ tôi đứng dưới xe ngước nhìn tôi, mặt Mẹ xanh xao và hoảng hốt. Tôi nhớ đôi bàn tay Mẹ đưa ra chới với trong hụt hẫng, như muốn chụp bắt một cái gì quí giá, thương yêu nhất vừa bất ngờ tuột ra khỏi tầm tay. Mẹ tôi và tôi nhìn nhau trong khoảng cách xa dần. Trời ơi, tôi thấy được trong mắt Mẹ cả trời biển thương yêu, nỗi nghẹn ngào khi phải xa đứa con trai độc nhất tuổi còn trẻ thơ, không biết ngày mai sống chết ra sao. Có lẽ trong đời, tôi sẽ không bao giờ quên được ánh mắt ấy của Mẹ tôi.

.

Ánh mắt thương yêu, đầy mong mỏi và hy vọng của mẹ tôi lần tiễn biệt cuối đã đọng lại trong trí óc tôi những ngày sống lạc lõng như một đứa trẻ mồ côi ở trại tị nạn, và 5 năm qua từ lúc tôi đến Mỹ. Tôi nhớ lần ra trường trung học ở Mỹ ba năm trước, trong lúc đọc bài diễn văn của học sinh có số điểm cao nhất, từ bục cao nhìn xuống, tôi thấy ánh mắt và nụ cười của những người bạn Mỹ cùng lớp và cha mẹ họ. Dù ấp ám đầy tình người, những ánh mắt này vẫn không khỏi khiến lòng tôi hoang vắng lạc loài. Tôi nhớ những lần ba mẹ cầm tay dắt tôi đến lớp lúc nhỏ.Trong bài diễn văn, tôi nói đến công ơn cha mẹ, nhưng tôi không có ba mẹ bên cạnh như bao người khác. Có những người nhìn quanh tìm kiếm gia đình tôi, nhưng nào thấy. Tôi như một đứa trẻ không gia đình. Tôi là một thuyền nhân Việt Nam vượt biển ra đi tìm tự do lúc tuổi đời còn niên thiếu, hành trang chỉ là những ngày thơ ấu được Mẹ nuông chìu, và ánh mắt thương yêu lần cuối của Mẹ tôi.

.

Tôi đọc lại lá thư của Ba Mẹ tôi vừa nhận được, báo tin gia đình sắp được sang Mỹ. Ba Mẹ tôi viết: “… Ba Mẹ sẽ ôm con vào lòng cho thỏa niềm nhớ nhung sau bao năm xa cách…”. Lúc đó tôi sẽ nói: “Ba ơi, Mẹ ơi, con thương Ba Mẹ lắm.”

.

Hồ Quốc Đăng

Muà Xuân 1991

Cornell University.

Ithaca, New York

---------------------------------
* Blog của Hồ Quốc Đăng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

.

.

No comments: