Tuesday, February 16, 2010

TRĂN TRỞ CỦA GIỚI TRÍ THỨC TRƯỚC THỀM NĂM MỚI

Trăn trở của giới trí thức trước thềm năm mới – Phần 1
Gia Minh, phóng viên RFA
2010-02-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/New-year-food-for-thought-of-the-intelligentsia-%28part-1%29-GMinh-02152010085819.html
Trước thềm một năm mới, giới trí thức thường có những suy nghĩ, trăn trở cho tình hình phát triển của đất nước. Chúng tôi ghi nhận một số suy nghĩ đó để chia sẻ cùng quí vị.

Hướng phát triển
Hướng phát triển đất nước là nhiệm vụ chính của những nhà quản trị xã hội. Lâu nay, các nhà lãnh đạo được xem là khôn ngoan luôn vấn ý các nhà trí thức về con đường phát triển đất nước mà họ nhận lãnh trách nhiệm.

Đối với đường lối mà chính phủ Hà Nội chọn để phát triển đất nước lâu nay thì tiến sĩ Phạm Duy Hiển, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, có ý kiến:
Ở những nước như Việt Nam có thể phát triển theo hai cách tương đối đối lập nhau. Một là cứ tăng trưởng, phát triển bình thường mà không đi đến đâu cả. Một số nước thuộc nhóm kém phát triển cũng theo con đường đó, nhất là khi người ta thỏa mãn với số tăng trưởng GDP trên đầu người. Cứ tăng trưởng mỗi năm 7-8 %.
Cách tăng trưởng thứ hai theo như mô hình một số nước tại khu vực Đông Nam Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Đó là tăng trưởng dựa trên nội lực, dựa trên tích lũy ngày càng nhiều các tri thức công nghệ.
Việt Nam đứng trước hai con đường đó. Việt Nam phải làm thế nào để đi theo con đường thứ hai hơn là cách đang làm hiện nay. Phải làm thế nào cạnh tranh được chứ không thể để đất nước là một thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiêu thụ công nghệ; có thể có tăng trưởng về mặt số lượng, về GDP nhưng sẽ không đi đến đâu cả. Điều đó hẳn người dân Việt Nam không mong muốn như thế, mà người dân mong muốn hàng hóa Việt phải có thương hiệu trên thị trường thế giới. Tất nhiên, việc đó còn lâu dài. Muốn làm được điều đó đòi hỏi cố gắng lớn, vượt qua yếu tố tâm lý.
Chuyện tăng trưởng có đánh đổi môi trường thì chính phủ có nêu ra.

Vấn đề giáo dục
Nền tảng giúp đưa đất nước phát triển cả trong hiện tại và nhất là tương lai đó là nền giáo dục. Đây là một lĩnh vực còn nhiều tồn tại. Chính cơ quan quản lý giáo dục tại Việt Nam lâu nay luôn đề ra những biện pháp cải cách để có được một nền giáo dục phù hợp, có thể đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho đất nước.

Nhà giáo đồng thời là nhà báo Phạm Toàn tại Hà Nội cho biết quan tâm cũng như hoạt động của ông trong lĩnh vực giáo dục:
Theo tôi trong năm qua mối quan tâm 90% của tôi là vấn đề giáo dục. Trong bài Tết gửi đăng hai bài viết song song: một bài của tôi và một bài của học sinh lớp 4 học văn theo lối dạy của tôi. Học sinh viết thư khen tôi có khả năng viết văn. Tôi thấy đó là điều thích nhất: chơi được với trẻ con là điều quan trọng.
Phản biện của tôi là trong giáo dục: tôi muốn thực sự xây dựng lại một nền giáo dục. Điều này cũng phải từ từ vì không phải ai cũng đồng thuận của mình về giáo dục từ tiểu học.
Cái yếu nhất tại Việt Nam là dạy học mà không chú ý đến người học. Khẩu hiệu của tôi là hiểu trẻ em, làm mà học. Hướng mà tôi vận động xã hội cùng làm trong giáo dục là tự học, hướng làm để mà học - làm được thì học được, làm ra cái mà mình học.
Ở Việt Nam lâu nay theo đường lối Khổng Nho rót từ thầy xuống‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’.
Thay đổi là tôn trọng người học, nghiên cứu cách học của người học, nghĩ đến cách tự học.

Theo đánh giá, trong vô số những tồn tại tại Việt Nam, còn có cản trở cho phát triển đất nước thuộc lĩnh vực chính trị, và quyền con người. Trong phần tiếp theo, mời quí vị theo dõi ý kiến của hai vị trí thức nổi tiếng trong nước về những lĩnh vực đó.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


Trăn trở của giới trí thức trước thềm năm mới – Phần 2
Gia Minh, phóng viên RFA
2010-02-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/New-year-food-for-thought-of-the-intelligentsia-part-2-GMinh-02152010145234.html
Sau khi đưa ra ý kiến về đường hướng phát triển và công cuộc giáo dục, giới trí thức trong nước sẽ tiếp tục nhận định về vấn đề dân chủ và tự do trong phát triển đất nước.

Cần sự đồng thuận
Giáo sư Hoàng Tụy, dù là một nhà toán học nổi tiếng tại Việt Nam, thế nhưng một trong những trăn trở hiện nay của ông là tài năng và đức độ của những người lãnh đạo đất nước.

Giáo sư Hoàng Tụy bày tỏ:
Tất cả những người có tấm lòng với đất nước luôn có những trăn trở; điều ấy luôn luôn chứ không phải chỉ có lúc này thôi. Tuy nhiên hiện nay tình hình thế giới có nhiều biến động, và chung quanh đất nước Việt Nam cũng có nhiều sự kiện. Trong tình hình như thế làm thế nào lèo lái cho con thuyền đất nước vượt qua sóng gió và đi đến bến là điều cực kỳ khó khăn; đòi hỏi những nhà lãnh đạo phải hết sức có tài và có tâm. Đó không phải là nỗi lo của riêng tôi mà còn của nhiều người khác nữa trong tình hình đất nước hiện nay.
Có nhiều việc phải làm lắm, mà khi đưa ra cụ thể thì mỗi người mỗi ý. Đó chính là nguồn gốc của mọi việc đang xảy ra hiện nay. Tức là có thể có sự việc nào đó đối với người này cho đó là việc có ích, cần thiết cho đất nước; nhưng đối với nhiều người khác lại cho có hại cho đất nước. Nhiều điều không dễ dàng thuyết phục nhau. Tôi nghĩ thực tiễn sẽ cho thấy điều gì tốt, điều gì hay- cái gì không tốt, cái gì không hay cho đất nước.
Tôi chỉ có thể nói một điều trong lúc này làm thế nào đạt được sự đồng thuận nhằm đối phó lại những bất trắc cần phải có. Ai cũng thấy điều này, chỉ có điều vẫn chưa có đồng thuận về cách thức làm thế nào để có được sự đồng thuận cần thiết đó. Nhiều người sợ mở rộng tự do- dân chủ có thể đưa đến kết quả thế này- thế nọ. Có người cho rằng nếu càng hạn chế tự do- dân chủ, càng khó đạt đến sự đồng thuận thực sự cần thiết cho đất nước trong lúc này. Theo tôi phải mở rộng tự do- dân chủ, dựa trên thuyết phục, lý lẽ, tình cảm; nếu không như thế mà dựa trên bạo lực thì nếu có đồng thuận cũng thực sự không phải đồng thuận.


Lẽ phải sẽ thắng
Phân tích hiện tượng sao chính quyền gần đây đưa ra xét xử những người công khai lên tiếng chỉ trích cơ quan chức năng về những hành xử bất minh trong đường lối - chính sách điều hành đất nước, cũng như đòi hỏi những quyền tự do căn bản của con người.

Luật sư Trần Lâm, nguyên chánh án tòa án tối cao chính quyền Hà Nội, trình bày:
Tình hình ở trong nước đang ở giai đoạn gay gắt. Xu hướng cởi mở và xu hướng ép đặt đang tranh chấp nhau. Tôi đứng về xu hướng cởi mở và muốn xu hướng đó thật mạnh. Tôi đang viết bài làm rõ những ý kiến đề xuất của tôi trong mấy năm nay. Nhiều người không tin tưởng lắm, nhưng theo tôi điều tốt, lẽ phải, nhân ái, công bằng rồi sẽ thắng lợi.
Tôi có hơi mừng thấy thái độ của chính phủ đối với phía Trung Quốc có mạnh dạn hơn lên một chút. Tuy nhiên đối nội, Đảng và Nhà Nước có sai lầm. Càng ép dân không thể tồn tại được; không thể dựa vào quân đội, doanh nghiệp không thôi, mà phải dựa vào dân.
Bản thân tôi cố gắng nói lên sự thật với mong mỏi trong năm mới tại Việt Nam có thay đổi.

Trong nhiều bài báo viết cho ấn phẩm xuân trong nước, người đọc thấy hai từ “thế và lực” của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát huy đến mức tối đa lợi thế cũng như tiềm lực của đất nước và con người Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cho toàn dân, đưa đất nước phát triển sánh vai cùng các quốc gia khác nằm ở hướng đi đúng đắn trong chính sách mà những người lãnh nhận trọng trách lèo lái con thuyền đất nước chọn lựa thực hiện.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: